Nghiên cứu

15 lợi ích của thiền đối với sức khỏe

Đối với một số người ở Tây bán cầu, thiền được xem như một loại mốt mới, một cái gì đó mà họ có thể khoe với những người bạn trong các buổi nói chuyện. Tuy nhiên, nền văn minh phương Đông đã biết về lợi ích của thiền và áp dụng nó để cải thiện sức khỏe, khai mở và kiểm soát tâm trí từ hàng ngàn năm trước.

Ngày nay, tư duy phương Tây cuối cùng cũng bắt kịp, sự phổ biến của thiền ngày càng tăng khi nhiều người khám phá ra những lợi ích tuyệt vời của nó. Nhiều người đã bắt đầu tìm hiểu và thực tập thiền như một phương pháp để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

Thiền là một quá trình đào tạo tâm trí để tập trung và chuyển hướng suy nghĩ sang hướng tích cực. Bạn có thể sử dụng nó để nâng cao nhận thức về bản thân và môi trường xung quanh. Nhiều người nghĩ về nó như một cách để giảm căng thẳng và phát triển sự tập trung.

Bạn đang xem: 15 lợi ích của thiền đối với sức khỏe

Mọi người cũng thường xuyên thực tập thiền nhằm phát triển các thói quen và cảm xúc có lợi khác, chẳng hạn như một tâm trạng lạc quan yêu đời, tự kỷ luật, thiết lập mô hình ngủ phù hợp và thậm chí là tăng khả năng chịu đau.

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét một số lợi ích của thiền đối với sức khỏe mà các nhà khoa học đã nghiên cứu và xác nhận nhé!

1. Thiền giúp giảm căng thẳng và khai mở tâm trí

Đa số chúng ta đều là những người bận rộn, chúng ta có việc làm, trường học, gia đình, hóa đơn thanh toán và nhiều hoạt động khác. Thêm vào đó là sự phát triển chóng mặt của thế giới đã đẩy nhịp độ sống của chúng ta lên mức giới hạn. Điều đó đồng nghĩa với sự căng thẳng của con người ngày càng gia tăng.

Thông thường, căng thẳng về tinh thần sẽ gây tăng nồng độ hoóc môn stress cortisol. Điều này tạo ra nhiều tác động có hại, chẳng hạn như giải phóng các hóa chất thúc đẩy viêm gọi là cytokine.

Những tác động này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, thúc đẩy trầm cảm và lo âu, tăng huyết áp…khiến chúng ta mệt mỏi và suy nghĩ mông lung.

Nhiều người bận rộn đến mức quỹ thời gian của họ trong ngày không có chổ cho việc thư giãn. Một nghiên cứu của Đại học Harvard phát hiện ra rằng, những người thực hành thiền không chỉ có mức độ căng thẳng thấp hơn, mà còn phát triển khối lượng ở 4 vùng khác nhau của não bộ. Tiến sĩ Sara Lazar nói với tờ Washington Post về kết quả nghiên cứu trong vòng 8 tuần:

“Chúng tôi tìm thấy sự khác biệt sau 8 tuần ở 4 vùng khác nhau trong não của hai nhóm. Nhóm thường xuyên hành thiền đã phát triển 4 khu vực trong não:

1. Sự khác biệt chính, chúng tôi tìm thấy sự phát triển của vùng cingulate, khu vực liên quan đến việc kiểm soát “tâm trí lang thang”.

2. Vùng hippocampus trái, hỗ trợ trong việc học tập, nhận thức và trí nhớ.

3. Vùng TPJ, liên quan đến quan điểm, đồng cảm và từ bi.

4. Một khu vực của thân não được gọi là Pons, nơi có rất nhiều chất dẫn truyền thần kinh được điều chỉnh.”

Ngoài ra, nghiên cứu của Lazar phát hiện ra hạch hạnh nhân (amygdala), một phần của bộ não liên quan đến căng thẳng và lo lắng đã co lại ở những người tham gia thực hành thiền thường xuyên.

2. Thiền làm giảm sự lo lắng trong tâm trí

Ít căng thẳng sẽ làm giảm lo lắng. Trong nghiên cứu 8 tuần về lợi ích của thiền đối với sức khỏe, các chuyên gia thần kinh nhận thấy những người tham gia đã giảm bớt sự lo lắng của họ. Nó cũng làm giảm các triệu chứng của rối loạn lo âu chẳng hạn như ám ảnh, sợ đám đông, suy nghĩ hoang tưởng và hành vi ám ảnh cưỡng chế…

Một nghiên cứu khác với 18 tình nguyện viên trong vòng ba năm sau khi họ đã hoàn thành một chương trình thiền 8 tuần cho thấy, hầu hết các tình nguyện viên đã tiếp tục thực hành thiền thường xuyên và duy trì mức độ lo lắng thấp trong dài hạn.

Một nghiên cứu lớn với 2.465 người tham gia thông qua một loạt các chiến lược thiền khác nhau có thể làm giảm mức độ lo lắng. Thiền cũng có thể giúp kiểm soát lo lắng liên quan đến công việc trong môi trường áp lực cao. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng, thực hành thiền giúp giảm bớt sự căng thẳng và lo lắng của một nhóm y tá.

3. Thiền giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Mặc dù có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm, nhưng một số chuyên gia cho biết thiền cũng có tác dụng tương tự. Một nhóm người tham gia với các rối loạn tâm trạng khác nhau đã được nghiên cứu trước và sau khi thực tập thiền.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, thực hành thiền có thể làm giảm sự xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực, giúp người bệnh lạc quan hơn và thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động xã hội.

Một nghiên cứu đã theo dõi 18 tình nguyện viên khi họ thực hành thiền trong vòng 3 năm cho thấy, những người tham gia đã giảm đáng kể chứng trầm cảm trong thời gian đó.

Hóa chất viêm gọi là cytokine sẽ được giải phóng để đáp ứng với stress có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, dẫn đến trầm cảm. Một đánh giá của một số nghiên cứu cho thấy thiền có thể làm giảm trầm cảm bằng cách giảm các hóa chất gây viêm.

Thiền có thể cải thiện trầm cảm và tạo ra một cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Do đó, hãy duy trì thói quen hành thiền để giúp bạn duy trì những lợi ích này lâu dài.

4. Thiền giúp tăng cường hệ thống miễn dịch

Những người thực thập thiền thường xuyên có xu hướng khỏe mạnh hơn, bởi vì hệ miễn dịch của họ phát triển hơn. Trong nghiên cứu “Thay đổi chức năng não và miễn dịch bởi thiền”, các nhà nghiên cứu đánh giá hai nhóm người tham gia.

Một nhóm tham gia vào một chương trình thiền trong vòng 8 tuần và nhóm kia thì không. Vào cuối chương trình, tất cả những người tham gia đều được tiêm vắc-xin cảm cúm.

Những người hành thiền trong 8 tuần cho thấy sự gia tăng đáng kể các kháng thể đối với vắc-xin, trong khi những người không hành thiền thì không trải nghiệm điều này. Nghiên cứu kết luận rằng, thiền thực sự có thể thay đổi chức năng của não và hệ thống miễn dịch.

5. Thiền giúp kiểm soát cơn đau

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng trên thực tế, những người thường xuyên hành thiền trải nghiệm mức độ đau thấp hơn những người khác. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 dựa trên kết quả MRI của bệnh nhân, với sự đồng ý của họ, các nhà nghiên cứu đã cho họ tiếp xúc với các loại kích thích đau khác nhau.

Những bệnh nhân đã tham gia vào một chương trình đào tạo thiền định đã phản ứng khác nhau với cơn đau. Họ có khả năng chịu đựng kích thích đau cao hơn, và bình tĩnh hơn khi trải nghiệm cơn đau. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận:

“Bởi vì thiền có thể làm thay đổi cơn đau bằng cách tăng cường kiểm soát nhận thức, và phân tích đánh giá theo ngữ cảnh về thông tin của cơn đau. Tổ hợp tương tác giữa kỳ vọng, cảm xúc và đánh giá nhận thức nội tại để xây dựng kinh nghiệm cảm giác có thể được điều chỉnh bởi khả năng siêu nhận thức để đưa cơ thể vào trạng thái không phản ứng, phán xét vào những gì xảy ra trong thời điểm hiện tại.

Nhận thức của chúng ta về nỗi đau phụ thuộc vào trạng thái của tâm trí, khi tâm tĩnh lặng thì cơn đau sẽ cho cảm giác ít khó chịu hơn.”

Các nhà nghiên cứu sau đó đã áp dụng kỹ thuật chụp MRI để quan sát hoạt động của não khi những người tham gia trải qua một kích thích đau đớn.

Các bệnh nhân thực tập thiền định cho thấy hoạt động tăng lên ở các vùng trung tâm não có nhiệm vụ kiểm soát cơn đau. Họ cũng cho biết là ít nhạy cảm với những nỗi buồn trong cuộc sống.

Một nghiên cứu lớn hơn đã xem xét các tác động của thiền trong việc giảm đau với 3.500 người tham gia. Kết quả cho thấy, thiền có liên quan đến việc giảm các cơn đau mãn tính vào cuối đời.

Thiền có thể làm giảm sự phản ứng với nỗi đau trong não. Điều này có thể giúp điều trị đau mãn tính khi được sử dụng như một phương pháp chăm sóc y tế hoặc vật lý trị liệu bổ sung.

6. Thiền giúp cải thiện giấc ngủ

Gần một nửa dân số thế giới sẽ phải vật lộn với chứng mất ngủ ở một thời điểm nào đó. Một nghiên cứu đã phân ngẫu nhiên những người tham gia vào một trong hai nhóm. Một nhóm thực hành thiền, còn nhóm kia thì không. Những người hành thiền ngủ sớm hơn và ngủ lâu hơn so với những người không.

Thiền có thể giúp bạn kiểm soát hoặc giảm dần những suy nghĩ liên tục thường dẫn đến chứng mất ngủ. Ngoài ra, thiền còn giúp cơ thể thư giãn, giải phóng căng thẳng và đặt bạn vào một trạng thái yên bình, trong đó bạn có nhiều khả năng rơi vào giấc ngủ.

7. Thiền giúp cân bằng huyết áp

Thiền cũng có thể cải thiện sức khỏe thể chất bằng cách giảm căng thẳng cho tim. Cao huyết áp là một bệnh nguy hiểm, nó khiến hệ tuần hoàn máu hoạt động khó khăn hơn, gây xơ vữa động mạch hoặc thu hẹp các động mạch dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ.

Một nghiên cứu với sự tham gia của 995 tình nguyện viên thấy rằng, khi họ hành thiền bằng cách tập trung vào một câu thần chú – một từ lặp đi lặp lại, đã giúp giảm huyết áp trung bình khoảng 5 chỉ số. Điều này hiệu quả hơn ở những người tình nguyện lớn tuổi và những người có huyết áp cao trước khi tham gia.

Thiền có thể kiểm soát huyết áp bằng cách thư giãn các tín hiệu thần kinh phối hợp chức năng tim, giảm áp lực máu lên các thành động mạch và làm tăng sự tỉnh táo trong các tình huống căng thẳng.

8. Thiền có khả năng làm giảm chứng mất trí nhớ

Kirtan Kriya là một phương pháp thiền kết hợp một câu thần chú hoặc tụng niệm với chuyển động lặp đi lặp lại của các ngón tay để tập trung suy nghĩ. Nó cải thiện đáng kể trí nhớ của những người tham gia khi thực hiện các bài kiểm tra về mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác.

Hơn nữa, một đánh giá của 12 nghiên cứu cho thấy rằng, nhiều phong cách thiền làm tăng sự tập trung, trí nhớ và sự nhạy bén ở những người tình nguyện lớn tuổi. Ngoài việc chống lại tình trạng mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác, thiền có thể cải thiện trí nhớ ở những bệnh nhân bị mất trí nhớ.

9. Thiền giúp tăng cường khả năng tự kiểm soát

Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford đã tiến hành một nghiên cứu về cách xử lý cơn giận. Sau một chương trình CCT kéo dài 9 tuần, bao gồm các buổi hòa giải bắt nguồn từ thực hành Phật giáo Tây Tạng, họ phát hiện ra rằng:

Nghiên cứu này cho thấy sự gia tăng chánh niệm, các nghiên cứu khác đã phát hiện ra việc hành thiền có thể nâng cao năng lực nhận thức, giúp họ kiểm soát được các cảm xúc tiêu cực khi chúng xuất hiện.

Một số loại thiền có thể làm tăng cảm xúc và hành động tích cực đối với bản thân và những người khác. Metta, một loại thiền được gọi là thiền từ bi bắt đầu với việc phát triển những suy nghĩ và cảm xúc tốt với chính mình.

Thông qua thực hành, mọi người học cách mở rộng lòng từ bi và sự tha thứ này ra bên ngoài, trước hết là người thân, sau đó là bạn bè và cuối cùng là kẻ thù.

Nói cách khác, bạn càng quan tâm, yêu thương đến những người khác, bạn càng ít có khả năng phản ứng tiêu cực khi ai đó làm bạn khó chịu.

Một nhóm nghiên cứu khác cho thấy những cảm xúc tích cực mà mọi người phát triển thông qua thiền Metta có thể cải thiện sự lo lắng xã hội, giảm các xung đột trong hôn nhân và giúp kiểm soát cơn giận.

Thiền Metta là một thực hành phát triển những cảm xúc tích cực, trước hết đối với bản thân và sau đó hướng tới những người khác. Nó giúp tăng cường thái độ, sự đồng cảm và hành vi từ bi đối với người khác.

10. Thiền giúp nâng cao nhận thức bản thân

Một số hình thức thiền có thể giúp bạn phát triển một sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân, giúp bạn phát triển thành phiên bản tốt nhất của mình.

Thiền Vipassana có mục đích giúp bạn phát triển một sự hiểu biết lớn hơn về bản thân và cách bạn liên hệ với những người xung quanh.

Nó giúp bạn nhận ra những suy nghĩ có thể có hại. Ý tưởng là khi bạn đạt được nhận thức sâu sắc về thói quen suy nghĩ của mình, bạn có thể hướng chúng đến các mô hình mang tính xây dựng hơn.

Một nghiên cứu với sự tham gia của 21 phụ nữ bị ung thư vú phát hiện ra rằng, khi họ tham gia thực tập thiền, lòng tự trọng của họ được cải thiện nhiều hơn so với những người tham gia các buổi tư vấn tâm lý.

Kinh nghiệm trong thiền có thể giúp bạn biết rõ hơn về chính mình. Đây có thể là điểm khởi đầu để thực hiện các thay đổi tích cực khác.

11. Thiền làm tăng khả năng tập trung và sáng tạo

Neocortex là một phần của bộ não giúp thúc đẩy sự sáng tạo và cái nhìn sâu sắc. Trong một báo cáo năm 2012, một nhóm nghiên cứu từ Hà Lan đã kết luận rằng :

Đầu tiên, thiền định OM tạo ra một trạng thái khuyến khích suy nghĩ khác biệt, một phong cách suy nghĩ cho phép nhiều ý tưởng mới được tạo ra. Thiền định không duy trì tư duy hội tụ, mà nó tạo ra nhiều giải pháp có thể cho một vấn đề cụ thể.”

Thiền giúp tăng sức mạnh và độ bền sự tập trung của bạn. Một nghiên cứu cho thấy, những người lao động thường xuyên thực hành thiền sẽ tập trung vào một nhiệm vụ lâu hơn. Và họ cũng nhớ những chi tiết về công việc tốt hơn so với những người không hành thiền.

12. Thiền giúp nâng cao khả năng đa nhiệm

Một nghiên cứu về ảnh hưởng của thiền đến năng suất làm việc cho thấy, “sự tập trung thông qua thiền giúp cải thiện các khía cạnh của hành vi đa nhiệm.”

Nghiên cứu này yêu cầu những người tham gia phải thực hiện một khóa học 8 tuần về thiền. Sau đó, họ đã đưa ra một loạt các nhiệm vụ để hoàn thành. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, không chỉ sự tập trung được cải thiện mà cả bộ nhớ và tốc độ mà họ hoàn thành nhiệm vụ cũng tăng lên đáng kể.

13. Giúp củng cố các mối quan hệ

Giao tiếp tốt, đồng cảm và tôn trọng là dấu hiệu của một mối quan hệ bền chặt và thiền định giúp cải thiện tất cả những phẩm chất đó. Tạo ra một kết nối sâu sắc hơn với bản thân sẽ giúp các mối quan hệ trở nên dễ dàng và viên mãn hơn.

14. Giúp xây dựng sức mạnh bên trong

Tất cả chúng ta đều đã bị kẹt xe hoặc trong một hàng đợi thanh toán của siêu thị, nhàm chán và không thể chờ đợi để thoát ra. Thực hành thiền định và chánh niệm giúp xây dựng sức mạnh bên trong và sức chịu đựng để bình tĩnh vượt qua những tình huống này. Nó tạo ra khả năng tồn tại trong thời điểm hiện tại bất kể như thế nào. Chúng ta quan sát những điều khó khăn mà không phản ứng tiêu cực hoặc để nó ảnh hưởng đến chúng ta.

15. Thiền giúp giảm các thói quen tiêu cực và hướng đến lối sống lành mạnh

Kỷ luật tinh thần có thể phát triển thông qua thiền định giúp bạn phá vỡ sự phụ thuộc bằng cách tăng khả năng tự kiểm soát và nhận thức của bạn về những yếu tố kích thích thói quen tiêu cực.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiền có thể giúp mọi người học cách chuyển hướng sự chú ý, tăng ý chí, kiểm soát cảm xúc và tăng hiểu biết của họ về nguyên nhân đằng sau hành vi gây nghiện.

Một nghiên cứu đã giúp cho 19 người nghiện rượu hồi phục bằng cách hành thiền. Kết quả cho thấy, những người tham gia có thể kiểm soát cảm giác thèm rượu, thèm ăn và các căng thẳng liên quan đến tham ái của họ.

Thiền phát triển kỷ luật và ý chí tinh thần, nó có thể giúp bạn tránh được các yếu tố kích thích các xung động không mong muốn. Điều này có thể giúp bạn tránh tái nghiện, giảm cân và chuyển hướng những thói quen tiêu cực khác.

Có nhiều hình thức thiền khác nhau, hầu hết trong số đó không yêu cầu không gian hoặc thiết bị chuyên dụng. Bạn có thể dành 30 phút mỗi ngày hành thiền để cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Có hai phong cách thiền chính trong Phật giáo:

  • Thiền định: Hướng sự chú ý của tâm trí vào một đối tượng để định tâm. Bạn có thể tập trung vào hơi thở, một câu thần chú, một âm thanh êm dịu hoặc bất cứ điều gì mà bạn thích…
  • Thiền Vipassana: Hình thức này mở ra cái nhìn bao quát về tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nó có thể bao gồm việc ý thức được cơ thể, suy nghĩ và các cảm xúc tiêu cực mà bạn thường cố gắng ngăn chặn.

Nếu môi trường làm việc hoặc nơi ở không có khoảng không gian, thời gian yên tĩnh nhất quán, hãy cân nhắc tham gia một lớp học. Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về thiền và các phương pháp thực hành đúng.

Ngoài ra, bạn có thể đặt báo thức sớm hơn vài phút để tận dụng thời gian yên tĩnh vào buổi sáng. Điều này có thể giúp bạn phát triển một thói quen nhất quán, và cho phép bạn bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng tích cực. Thiền thật sự là một phương pháp mà mọi người có thể thực hành thường xuyên để cải thiện sức khỏe.

PGVN – Theo: healthline.com – thoughtco.com

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button