Nghiên cứu

Cửu huyền thất tổ là gì? Cách bài trí và thờ cúng theo ông bà xưa

Trên bàn thờ gia tiên của người Việt Nam ta thường được trang trí rất nhiều vật phẩm thờ cúng, và mỗi vật phẩm đều mang những ý nghĩa khác nhau. Cửu huyền thất tổ là một trong những vật thờ quan trọng đó, và nó được tìm thấy nhiều nhất ở các bàn thờ của các gia đình giàu truyền thống.

Nhưng 4 chữ này có ý nghĩa gì trong văn hóa tâm linh của người Việt ta? Chúng ta phải bài trí như thế nào để phù hợp với phong tục thờ cúng của ông cha ta ngày xưa? Bài viết sau đây sẽ giải thích ý nghĩa cũng như cách thờ cúng cửu huyền thất tổ trên bàn thờ gia tiên.

Nguồn gốc của bốn chữ “cửu huyền thất tổ”

Hiện nay, nguồn gốc của cửu huyền thất tổ vẫn chưa rõ ràng. Trong một bài đăng trên báo phatgiao.org.vn có đoạn trả lời của Thượng tọa Thích Giác Hoàng khi được hỏi về nguồn gốc của bốn chữ này:

Bạn đang xem: Cửu huyền thất tổ là gì? Cách bài trí và thờ cúng theo ông bà xưa

“Câu hỏi của cư sĩ làm chúng tôi phải tra khảo lại các từ điển Phật học và Hán học, hơn thế nữa, chúng tôi còn nhờ Đại đức Thích Minh Nghị hiện đang du học tại Trung Hoa tra khảo giúp nơi các bộ từ điển lớn của Trung Hoa, nhưng cũng không thấy từ nguyên của bốn chữ này.

Như chúng ta biết, phần lớn các thuật ngữ Hán Việt đều được người Việt tiếp thu thông qua các cuộc giao lưu văn hóa, tôn giáo Hán – Việt qua nhiều thời đại. Nhưng bốn chữ này, chúng tôi nghĩ là do các nhà sư Việt Nam sáng tạo, không hề chịu ảnh hưởng văn hóa của Phật giáo Trung Quốc hoặc Ấn Độ”.

Tuy nhiên, phóng viên báo Thanh Niên đã tìm hiểu và thấy nhiều website bằng tiếng Hán có đoạn viết về cửu huyền thất tổ, cụ thể như sau:

“Cửu huyền thất tổ thường thấy trong lễ cầu siêu của tôn giáo, cửu huyền chỉ con cháu chín đời sau của đương sự, thất tổ chỉ ông bà bảy đời trước của đương sự. Tại Đài Loan, nghi thức cúng ông bà theo truyền thống cần đặt bài vị Cửu huyền thất tổ”.

“Các sách kinh điển của Đạo giáo [Đạo kinh] cho rằng nếu một người có thể đắc đạo thì cửu huyền thất tổ [của người đó] đều có thể siêu thăng”. (Đạo kinh ở đây là các sách kinh điển của Đạo giáo chứ không phải là phần “Đạo kinh” [bên cạnh phần “Đức kinh”] trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử – A.C).

“Cửu huyền là: tử (con), tôn (cháu), tằng (chắt), huyền (chút), lai (chít), côn (cháu đời thứ năm), nhưng (cháu đời thứ sáu), vân (cháu đời thứ bảy), nhĩ (cháu đời thứ tám). Thất tổ là: phụ (cha), tổ (ông [nội]), tằng (ông cố; cụ), cao (ông sơ), thái (ông sờ), huyền (tổ đời thứ năm), hiển (tổ đời thứ sáu)”.

Điều này cho thấy rằng, nguồn gốc của cụm từ “cửu huyền thất tổ” có thể xuất phát từ nền văn hóa tâm linh của Trung Hoa từ thời xa xưa.

Ý nghĩa của bốn chữ “cửu huyền thất tổ”

Không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa của cụm từ “Cửu Huyền Thất Tổ.”

Hầu hết trên bàn thờ tổ tiên của các gia đình Việt đều xuất hiện 4 chữ Hán-Việt “cửu huyền thất tổ”. Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ văn bản nào lý giải chắc chắn, chính xác ý nghĩa của nó. Rất nhiều người quan tâm tới ý nghĩa của 4 chữ này và có nhiều thông tin xoay quanh. Nhưng theo quan niệm của người xưa thì nó được hiểu như sau:

  • Cửu huyền có nghĩa là 9 đời bao gồm: Cao – tằng – tổ – cha – mình – con – cháu – chắt – chít.
  • Thất tổ có nghĩa là 7 đời bao gồm: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ.

Cửu: Số 9, ý nghĩa vĩnh cửu, rất nhiều hay muôn vàn
Huyền: Có nghĩa là màu đen, ảo diệu, sâu xa, huyền hoặc
Thất: Số 7, nhưng tại sao lại là số 7 mà không phải số khác thì chưa ai lý giải được
Tổ: Ông bà, người đời trước, người sáng lập dòng họ

Như vậy, cửu huyền thất tổ được hiểu nôm na là 9 đời 7 tổ, những vị ông bà tổ tiên đã mất của chúng ta. Khi đặt 4 chữ này trên bàn thờ, chúng ta muốn thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến công ơn của ông bà tổ tiên. Những truyền nhân bao đời trước đã nuôi dưỡng, xây dựng và mang đến cho chúng ta cuộc sống tươi đẹp của ngày hôm nay.

Ngoài ý nghĩa về sự hiếu thuận, tri ân những người đã mất thì những bức tranh thờ mang 4 chữ này còn có ý nghĩa về mặt phong thủy. Nếu được đặt đúng vị trí sẽ mang lại may mắn và bình an cho gia đình.

Ngoài ra, cửu huyền thất tổ cũng mang đến sự trang nghiêm cho bàn thờ gia tiên, đồng thời tạo nên tính truyền thống lâu đời của gia đình. Đây chính là lý do mà chúng có mặt ở hầu hết các bàn thờ của gia đình người Việt, đặc biệt là những người theo đạo Phật.

Cách tính cửu huyền thất tổ

Có nhiều cách tính cửu huyền thất tổ tùy theo gia phả gia chủ như thế nào. Nhưng có 2 cách tính phổ biến mà mọi người có thể tham khảo:

Cách tính thứ nhất:

  1. Bản thân gia chủ
  2. Cha
  3. Ông nội
  4. Ông cố (Tằng tổ)
  5. Ông sơ (Cao tổ)
  6. Cha của ông sơ (Tiên tổ)
  7. Ông nội của ông sơ (Viễn tổ)
  8. Ông cố của ông sơ (Cao cao tổ)
  9. Ông sơ của ông sơ (Thỉ tổ)

Thất Tổ có nghĩa là “7 đời tổ”. Lấy cửu huyền trừ ra đời cha và đời bản thân gia chủ thì thành thất tổ.

Cách tính thứ hai:

  1. Ông sơ
  2. Ông cố
  3. Ông nội
  4. Cha
  5. Gia chủ
  6. Con trai (tử)
  7. Cháu nội (tôn)
  8. Cháu cố (tằng tôn)
  9. Cháu sơ (huyền tôn)

Như vậy, nếu có ai mất thì con cháu đời sau sẽ điền tên vào bảng cửu huyền thất tổ của gia đình để thờ cúng và truyền lại đời sau. Bây giờ thì chúng ta đã biết cửu huyền thất tổ gồm những ai rồi phải không? Tiếp theo, PGVN muốn chia sẻ đến các bạn các loại cửu huyền thất tổ được thờ cúng trên thị trường hiện nay.

Các loại cửu huyền thất tổ được sử dụng nhiều

Bài vị cửu huyền thất tổ thường được sử dụng vì nhỏ gọn nhưng không kém phần trang nghiêm. Ảnh: Đồ cúng Phước Hoa.

Trên thị trường vật phẩm tâm linh, nhằm đáp ứng nhu cầu, điều kiện cũng như sở thích của khách hàng mà cửu huyền thất tổ có nhiều loại khác nhau. Do đó, gia chủ có thể lựa chọn loại cửu huyền thất tổ phù hợp để bài trí trên bàn thờ gia tiên của mình.

1. Bài vị

Đối với những bàn thờ nhỏ thì gia chủ thường lựa chọn bài vị cửu huyền thất tổ để thờ. Bài vị được làm bằng gỗ với lối chạm khắc vô cùng tinh xảo, kích thước nhỏ gọn, có chân đế để đặt cố định nên rất tiện lợi khi bày trí trên bàn thờ.

2. Liễn thờ

Khác với bài vị, liễn thờ là loại có kích thước lớn và đắt nhất so với các loại khác. Liễn thờ được gọi là “hoành phi câu đối” và được treo phía trên chính giữa bàn thờ. Bàn thờ tổ tiên của gia đình bạn sẽ trở nên uy nghi, trang trọng hơn rất nhiều khi được trưng bày các loại liễn thờ đẹp.

3. Tranh thờ

Ngoài ra, cửu huyền thất tổ cũng được thiết kế dưới dạng tranh thờ. Tranh được chạm khắc tinh tế với nhiều mẫu mã, kích thước và hoa văn khác nhau. Những bàn thờ có kích thước vừa và nhỏ sẽ thích hợp sử dụng sản phẩm này. Chúng mang đến nét đẹp trang nghiêm, sang trọng và cực kỳ thu hút.

Cách bài trí và thờ cúng cửu huyền thất tổ

Thờ cúng là nét đẹp văn hoá tâm linh đã có từ xa xưa của người Việt Nam ta. Có rất nhiều quy định khác nhau trong việc thờ cúng từ lễ vật, văn khấn đến cách bài trí bàn thờ. Việc bài trí đúng cách, khoa học sẽ mang đến vẻ đẹp, sự linh thiêng cho chốn thờ tự, mang may mắn, bình an cho gia chủ. Vậy cách bài trí cửu huyền thất tổ đúng cách là gì?

Theo ông bà xưa, gia chủ cần phải tẩy uế tất cả các vật phẩm thờ cúng bao gồm cả cửu huyền thất tổ. Bạn có thể sử dụng nước ngũ vị hoặc rượu trắng pha gừng để làm sạch vật phẩm thờ sau đó để chúng khô tự nhiên.

Sau khi tẩy uế vật phẩm thờ, gia chủ bốc bát hương theo quy định. Sau đó, cửu huyền thất tổ được bài trí trên bàn thờ sẽ được cúng lễ, đọc văn khấn và thắp hương để bàn thờ được an vị. Sau một tuần, hương đồ cúng lễ sẽ được hạ xuống và chia cho mọi người trong gia đình. Đồ cúng lễ tuyệt đối không được chia cho người ngoài.

Bài văn khấn cúng cửu huyền thất tổ

Cúng cửu huyền thất tổ là một phong tục dân gian đã có từ lâu đời nên bài văn khấn cúng cơm cũng rất đa dạng. PGVN xin chia sẻ một bài văn khấn được nhiều người sử dụng nhất để quý độc giả tham khảo:

Văn khấn cúng cơm cửu huyền thất tổ hàng ngày

Khi đến giờ hành lễ, gia chủ dùng nước trong pha chút rượu trắng để lau sạch bài vị rồi đọc câu chú “án lam xóa ha” 9 lần. Sau đó thắp đèn, đốt nhang và xá 3 cái sau đó đọc bài văn khấn với lòng thành kính.

Hôm nay là ngày…….tháng……….năm ……….(Chúng) con tên là ……………., ………..tuổi, ở tại………………Được ngày lành tháng tốt, (chúng) con thành tâm kính thỉnh cửu huyền thất tổ, nội ngoại tông thân, đồng lai lâm tọa vị, chứng minh lòng thành của con cháu. Kính mong cửu huyền thất tổ chứng giám, phù hộ độ trì cho (chúng) con và gia đình được bình an mạnh khỏe, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, công việc làm ăn được thuận lợi may mắn.

(Chúng) con thành tâm kính thỉnh và hết sức biết ơn cao cả của Cửu huyền thất tổ và Nội ngoại tông thân.

Kính thỉnh.

Sau đó, gia chủ xá 3 cái rồi cắm nhang vào lư hương ngay thẳng không cấm loạn xạ. Quỳ xuống và lạy 4 cái. Đứng dậy xá 3 xá với lòng tôn kính ông bà tổ tiên.

Văn khấn cúng cơm cửu huyền thất tổ ngày Tết

Hôm nay là ngày…….tháng……….năm ……….(Chúng) con tên là ……………., ………..tuổi, ở tại………………

Nay nhân ngày Tết Nguyên Đán.

Con kính cẩn sắm một lễ gồm… để dâng lên Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia tiên sư, bản viên thổ công, liệt vị tôn thần với lòng tôn kính.

Trước linh vị của….

Và các vị tổ bá, tổ thúc, tổ cô, cùng các vong linh phụ thờ theo tiên tổ.

Kính cẩn thưa rằng: Năm cũ sắp hết, ngày Tết tới gần, chuẩn bị mừng xuân.

Kính cáo: thổ địa và chư vị linh thần.

Kính mời: Vong linh tiên tổ về với gia đình để cháu con phụng sự.

Cẩn cáo!

Sau đó, gia chủ xá 3 cái rồi cắm nhang vào lư hương như trên.

Một số lưu ý khi thờ cúng cửu huyền thất tổ

Việc thờ cúng cửu huyền thất tổ trên bàn thờ gia tiên là việc phổ biến và được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu việc trang trí này không đúng cách, đúng theo phong tục thờ cúng thì có thể dẫn đến những điều tiêu cực trong cuộc sống. Chính vì thế trước khi trang trí bàn thờ bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Bàn thờ, các đồ thờ cần được lau dọn sạch sẽ.
  • Nếu thờ Phật thì bàn thờ cửu huyền thất tổ cần phải để thấp hơn hoặc ở phía sau.
  • Bài vị cửu huyền thất tổ nên để chính giữa bàn thờ gia tiên và ở phía sau để tạo vẻ trang nghiêm cho không gian thờ.
  • Bài trí bàn thờ nên chọn hoa tươi, trái cây tươi và thay nhang đèn thường xuyên để tránh cháy nổ.

Trên đây là các kiến thức cần thiết về cửu huyền thất tổ. Đây là vật phẩm thờ quan trọng, nó không chỉ tạo nên vẻ đẹp, sự linh thiêng của bàn thờ tổ tiên trong gia đình mà nó còn tượng trưng cho sự hiếu thuận, “uống nước nhớ nguồn” của người xưa truyền lại cho đời nay.

PGVN

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button