Nghiên cứu

Đại Thế Chí Bồ tát là ai? Sự tích và ý nghĩa khi thờ phượng

Đại Thế Chí là vị Bồ tát rất được tôn kính trong Phật giáo Đại Thừa, nhất là trường phái Tịnh Độ tông. Ngài thường được mô tả ở dạng nữ trong các biểu tượng Đông Á và đứng bên tay phải của Đức Phật A Di Đà, bên tay trái là Bồ tát Quan Thế Âm. Hai vị Bồ tát hỗ trợ Phật A Di Đà cai quản cõi Tây phương cực lạc.

Hãy cùng PGVN tìm hiểu xem vị Bồ tát đại diện cho trí tuệ và hay đứng bên cạnh Phật A Di Đà là ai nhé!

Đại Thế Chí Bồ tát là ai?

Cũng giống như Bồ tát Quan Âm, Đại Thế Chí là Bồ tát Mahasattva, có nghĩa là những vị “Bồ tát cao cấp” trong Phật giáo Đại Thừa.

Bạn đang xem: Đại Thế Chí Bồ tát là ai? Sự tích và ý nghĩa khi thờ phượng

7 Đại Bồ tát khác bao gồm:

  1. Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśrī)
  2. Phổ Hiền (Samantabhadra)
  3. Quan Thế Âm (Avalokiteśvara)
  4. Hư Không Tạng (Akasagarbha)
  5. Địa Tạng Vương (Kṣitigarbha)
  6. Di Lặc (Maitreya)
  7. Trừ Cái Chướng (Sarvan).

Tên của Bồ tát Đại Thế Chí trong tiếng Phạn là Mahāsthāmaprāpta bodhisattva, có nghĩa đen là “sự xuất hiện của sức mạnh vĩ đại”. Sức mạnh ở đây có nghĩa là ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mười phương. Trong Phật giáo Trung Hoa, Ngài được gọi là Da Shi Zhi Pu Sa, một phần của Tam Thánh Phật cùng với Đức Phật A Di Đà và Bồ tát Quan Thế Âm.

Đại Thế Chí Bồ tát còn có tên gọi khác là Seishi Bosatsu, một trong 13 vị Phật của trường phái Mật tông Shingon Nhật Bản. Trong Phật giáo Tây Tạng, Ngài được gọi là Bồ tát Kim Cương Thủ (Vajrapani), và được xem là Thần bảo hộ của Đức Phật Thích Ca.

Đại Thế Chí là một trong những vị Bồ tát lâu đời và có quyền lực nhất, đặc biệt là trong trường phái Tịnh độ, nơi Ngài giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chúng sinh về cõi tịnh độ Tây phương cực lạc.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí đã chia sẻ cách Ngài đạt được sự giác ngộ thông qua việc thực hành quán niệm Phật, hoặc liên tục chánh niệm danh hiệu Phật để đạt Định (samādhi).

Sự tích Đại Thế Chí Bồ tát

Khi chưa xuất gia học đạo, Đại Thế Chí có tên là Ni Ma Thái Tử, con thứ hai của vua Vô Tránh Niệm (Phật A Di Đà sau này). Vị vua có tâm hướng Phật đã khuyên bảo con mình phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chư Tăng trong ba tháng.

Bảo Hải, quan Đại thần của vua cha thấy vậy liền khuyên:

“Thưa Điện hạ! Trong sự tu phước có hai thứ: một là tu phước hữu lậu hai là tu phước vô lậu. Song phước hữu lậu dầu có to tát thế nào, thì chỗ cảm báo cũng chỉ ở trong cõi Nhơn Thiên hưởng phần khoái lạc mà thôi: chớ không thoát khỏi luân hồi sanh tử. Còn như phước vô lậu, thì chỗ kết quả ở ngoài ba cõi bốn dòng, kiếp kiếp đời đời tiêu diêu tự tại.

Vậy xin Điện hạ nên vì tất cả chúng sanh mà cầu đặng “Nhứt Thiết Trí” đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì sự phước báu không khi nào cùng tận, mà lại đặng viên mãn cái tâm nguyện nữa.”

Ni Ma Thái Tử nghe quan Đại thần khuyên như thế liền chấp tay thưa với Phật Bảo Tạng rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi xin đem công đức cúng dường Phật và chúng Tăng trong ba tháng, và những hạnh tu tập của tôi đã từng làm, như là:

Ba nghiệp của thân:

  1. Không sát hại chúng sanh,
  2. Không trộm cắp của người và
  3. Không tà dâm

Bốn nghiệp của miệng:

  1. Không nói láo xược
  2. Không nói thêu dệt
  3. Không nói hai lưỡi
  4. Không nói độc dữ thô tục

Và ba nghiệp của ý:

  1. Không tham nhiễm danh lợi và sắc dục
  2. Không hờn giận oán cừu
  3. Không si mê ám muội

Cùng các món hạnh tu thanh tịnh của tôi, mà hồi hướng về Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và cầu đặng một thế giới rất trang nghiêm đẹp đẽ, như cõi Phật Biến Xuất Nhứt Thiết Công Đức Quan Minh Sang Vương Như Lai, mà Ngài đã thọ ký cho huynh trưởng tôi đó vậy.

Phật Bảo Tạng nghe mấy lời của Ni Ma Thái Tử nguyện, liền thọ ký rằng:

“Theo như lòng của ngươi muốn thành tựu một thế giới rộng lớn trang nghiêm, thì qua đời vị lai, trải hằng hà sa kiếp, người sẽ được hoàn mãn các sự cầu nguyện ấy. Vì người có lòng mong cầu một thế giới rất đẹp rất lớn như thế, nên ta đặt hiệu cho ngươi là “Đắc Đại Thế”, tức là Đại Thế Chí Bồ Tát.

Sau khi Phật Biến Xuất Nhứt Thiết công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai nhập Niết Bàn rồi, người bổ xứ làm Phật, hiệu là: Thiện Trụ Trân Bảo Như Lai, kế tiếp ra đời mà hóa độ mọi loài hàm thức”.

Ni Ma Thái Tử nghe Phật Bảo Tạng thọ ký rồi liền thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu sự nguyện cầu của tôi quả đặng như lời Ngài thọ ký đó, tôi xin kính lễ Ngài và nhờ Ngài làm sao cho các thế giới đều vang động và ở giữa hư không có rải xuống nhiều thứ hoa thơm đẹp, lại có các Đức Phật ở các thế giới mười phương cũng đều thọ ký cho tôi như vậy nữa”.

Ni Ma Thái Tử thưa rồi, vừa cúi lạy Phật, tức thì các thế giới mười phương, cả núi sông, cây cối, và những vật có hình chất, đều rung động ra thành tiếng vang rền khắp cả, còn giữa hư không lại có các thứ bông rất thơm tho và tốt đẹp rơi xuống như mưa.

Các Đức Phật ở mười phương đều đồng tình thọ ký rằng: “Tại cõi Tán đề lam, có người đệ tử của Phật Bảo Tạng Như Lai tên là Ni Ma, con thứ hai của Vua Vô Tránh Niệm, có phát tâm cúng dường Phật và đại chúng trót ba tháng, đem công đức ấy mà hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề và nguyện đặng ở cõi thế giới trang nghiêm.

Vì vậy nên trải qua hằng sa kiếp, người ấy sẽ bổ xứ thành Phật, sau khi Đức Biến Xuất Nhứt Thiết Công Đức Quan Minh Sang Vương Như Lai đã nhập Niết Bàn.”

Ni Ma Thái Tử nhờ Phật Bảo Tạng và các Đức Phật mười phương thọ ký rồi, lòng rất vui mừng, hằng chăm tu tập công hạnh vô lậu mà cầu cho mau thỏa mãn những điều tâm nguyện.

Từ đó về sau, Ni Ma Thái Tử mạng chung rồi đầu thai ra thân khác đời khác, kiếp nào cũng hằng giữ bổn nguyện, quyết chí tu hành, học đạo Đại Thừa, làm hạnh Bồ Tát, mở mang trí huệ cho chúng sanh và dìu dắt chúng sanh đi đến bờ giác ngộ.

Biểu tượng

Trong các tác phẩm nghệ thuật như tượng hay tranh vẽ, Ðại Thế Chí Bồ tát thường được miêu tả cầm cành hoa sen xanh đứng bên phải Ðức Phật A Di Ðà, Bồ tát Quan Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình cam lồ đứng bên trái.

Cả 2 đều mang hình dạng nữ, với Quan Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi vô lượng và Đại Thế Chí tượng trưng cho trí tuệ vô lượng của chư Phật. Trong Mandala của Mật tông, Ngài ngồi trên hoa sen đỏ với sắc thân trắng, tay trái cầm hoa sen mới nở, tay phải thủ ấn (mudra) Trì Luân Kim Cương.

Rất nhiều dòng truyền thừa Phật giáo mô tả Đại Thế Chí Bồ tát đại diện cho trí tuệ, giống với đặc tính của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Tuy nhiên, đối với nhiều Phật tử thiên về cầu nguyện, phước lành…thì trí tuệ là phẩm chất ít được quan tâm hơn so với lòng từ bi của Quan Thế Âm Bồ tát. Đó cũng là lý do mà Ngài ít được biết đến rộng rãi trong cộng đồng Phật giáo.

Dạo gần đây, các nhà phong thủy nói rằng Đại Thế Chí là Phật bản mệnh của người tuổi Ngọ. Không biết quan niệm này có nguồn gốc từ đâu nhưng rất nhiều người đã tìm mua vật phẩm có hình tượng Ngài để mong gia hộ, may mắn và bình an trong cuộc sống.

Ý nghĩa việc thờ phượng Đại Thế Chí Bồ tát tại gia

Đối với những Phật tử theo Tịnh độ tông, hình tượng Tây Phương Tam Thánh bao gồm Đại Thế Chí, Quan Thế Âm và Phật A Di Đà không thể thiếu trên bàn thờ Phật tại gia.

Là người đại diện cho trí tuệ siêu việt soi sáng khắp mười phương, việc thờ cúng Bồ tát Đại Thế Chí sẽ giúp gia chủ có cái nhìn sáng suốt hơn trong mọi hoạt động của cuộc sống. Biết những gì nên làm và không nên làm.

Đồng thời cũng giúp cho gia chủ có sức mạnh đoạn trừ những nhiễm ô, phiền não để có thể vãng sanh về cõi Tịnh độ. Như ngọn đèn soi sáng cõi Ta Bà đau khổ, Đại Thế Chí sẽ dẫn dắt gia chủ đi đúng hướng, nỗ lực tinh tấn trên con đường đi đến giác ngộ và giải thoát. Đối với người tuổi Ngọ, việc thờ tượng Đại Thế Chí sẽ giúp họ gặp hung hóa cát, muôn sự bình an và phát huy được những trí tuệ của bản thân.

Hiện nay trên thị trường vật phẩm tôn giáo có rất nhiều hình tượng Bồ tát Đại Thế Chí được chế tác tinh xảo và thần thái vô cùng. Với nhiều chất liệu khác nhau mà bạn có thể chọn như: tượng đồng, tượng gỗ, gốm sứ, đá và bột đá, composit, vàng – mạ vàng, lưu ly, hung vàng kim sa… Và kích thước từ 20cm cho đến hơn 1 mét. Hãy tìm hiểu kỹ để chọn cho mình một cơ sở uy tín nhé!

Một số hình ảnh đẹp của Bồ tát Đại Thế Chí

Thần chú của Đại Thế Chí Bồ tát

Giống như các vị Phật và Bồ tát khác, Đại Thế Chí có nhiều phiên bản thần chú khác nhau để hành giả trì tụng.

HUM VAJRA PHAT OM VAJRA CHANDA MAHA RO KHA NA HUM PHAT

hoặc

NAMO DA SHI ZHI PU SA

PGVN – Ảnh: kwanyinbuddha

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button