Nghiên cứu

Học thuyết Tam Thân – Ba Thân của Phật

Học thuyết Tam thân (Trikaya) của Phật giáo Đại Thừa cho chúng ta biết rằng, một vị Phật biểu lộ theo ba cách khác nhau. Một vị Phật có thể là một thực thể tuyệt đối khi xuất hiện trong thế giới tương đối vì lợi ích của chúng sinh. Hiểu được Tam thân có thể làm sáng tỏ rất nhiều sự nhầm lẫn về bản chất của một vị Phật.

Trước khi chúng ta tìm hiểu xem Tam thân là gì, thì việc xem nhanh thuyết Nhị Đế của Phật giáo Đại Thừa sẽ rất hữu ích.

Chúng ta thường cảm nhận thế giới như là một nơi đầy những điều khác biệt, con chó, con gà…cây mận. Tuy nhiên, vạn vật chỉ tồn tại một cách tương đối, mọi thứ chỉ được nhận dạng khi chúng liên quan đến các sự vật-hiện tượng khác.

Bạn đang xem: Học thuyết Tam Thân – Ba Thân của Phật

Học thuyết Nhị Đế (hai chân lý) nói rằng, sự tồn tại có thể được hiểu theo nghĩa tuyệt đối và tương đối. Sự thật tương đối là cách chúng ta thường thấy trong thế giới này, một nơi với rất nhiều điều thú vị, sinh vật đa dạng và khác biệt.

Sự thật tuyệt đối hay tối thượng là không có bất cứ điều gì đặc biệt, riêng biệt. Tuy nhiên, việc nói rằng không có sự vật-hiện tượng nào khác biệt thì không có nghĩa là không có gì tồn tại. Chỉ là không có sự phân biệt giữa đối tượng này với đối tượng khác.

Điều tuyệt đối là Pháp thân, sự hiệp nhất của tất cả mọi thứ. Tam thân bao gồm Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Đây là những từ bạn sẽ gặp rất nhiều trong Phật giáo Đại Thừa.

Học thuyết Tam thân đã trở thành một phần quan trọng của giáo lý Đại Thừa, nó như là một phương tiện để hòa giải các diễn giải mâu thuẫn về Đức Phật được tìm thấy trong các văn bản Phật giáo.

Đó là một điều thú vị, số 3 như là một biểu tượng tích cực trong các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Không chỉ Phật giáo nói về ba thân thể của Phật, mà các Kitô hữu cũng nói về Ba Ngôi (Trinitas) và người Hindu nói về Trimurti (Tam thần Ấn giáo – ba dạng khác nhau của Đấng tối cao).

Nguồn gốc

Tiền đề để xuất hiện học thuyết Tam thân là đoạn đối thoại trong kinh điển Pali khi Đức Phật nói với Vasettha rằng: Như Lai (Phật) là Pháp thân (Dharmakaya), chân lý, hiện thân của chân lý hay “người đã trở thành chân lý” (kinh A Hàm).

Pháp thân theo nghĩa đen có nghĩa là “thân thể thật” hay “thân thể chân lý”. Vào một dịp khác, Tỳ kheo Vakkali muốn gặp Đức Phật trước khi qua đời đã nhận được lời dạy của Ngài, văn bản từ kinh Tương Ưng Bộ như sau:

“Đủ rồi, Vakkali. Tại sao bạn muốn nhìn thấy cơ thể bẩn thỉu này? Ai thấy Pháp tức là thấy tôi, bất cứ ai thấy tôi cũng đều thấy Pháp.”

Điều này được hiểu là thân thể vật chất của Đức Phật (rupakaya) và khía cạnh Pháp thân của Ngài vẫn tiếp tục sau khi qua đời. Vì Đức Phật nói với Vakkali rằng, Ngài là một “tấm gương chân lý” của Pháp, không có một hình thức vật chất để liên hệ, những học trò của Đức Phật chỉ có thể liên hệ với khía cạnh Pháp thân của Ngài.

Học thuyết Tam thân có thể đã được phát triển bởi trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada), một trường phái sớm của Phật giáo tách ra từ Nguyên Thủy (Theravada). Tuy nhiên, giáo lý đã được thông qua và phát triển trong Đại Thừa, một phần để giải thích cho khả năng trở thành Phật của chúng sinh trong cõi Ta-bà.

Các tu sĩ Đại Thừa đã quan tâm đến khía cạnh siêu việt của Pháp và học thuyết Tam thân lần đầu tiên được trình bày trong Diệu Pháp Liên Hoa (kinh Pháp Hoa), một văn bản Phật giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất TCNNó ngụ ý rằng, nếu Pháp là siêu việt, hoàn toàn vượt ra ngoài không gian và thời gian thì Pháp thân cũng vậy.

Một câu trả lời cho điều này là sự phát triển của khái niệm Như Lai Tạng (Tathagatagarbha), bản thể của Phật hay Phật tính. Một phần khác là sự ra đời của Báo thân, một sự “hình thức trung gian” giữa Hóa thân và Pháp thân.

Báo thân là khía cạnh của Phật hay Pháp, mà chỉ những người “tiệm cận giác ngộ” mới có thể cảm nhận trong trạng thái thiền định sâu sắc.

Pháp thân là gì?

Pháp thân (tiếng Phạn: Dharmakaya) có nghĩa là “thân thể thật.” Pháp thân là tuyệt đối, sự thống nhất của mọi sự vật hiện tượng. Pháp thân vượt ra khỏi sự tồn tại hoặc không tồn tại, vượt ra ngoài các khái niệm mà con người nghĩ tưởng.

Đức Chogyam Trungpa thứ 11 gọi Pháp thân là “cơ sở của sự bẩm sinh nguyên thủy.” Pháp thân không phải là một cái gì đặc biệt “thuộc sở hữu của Phật”, mà nó là bản chất nguyên thủy của vũ trụ, nó luôn luôn tồn tại dù có hay không có một vị Phật giảng về nó.

Pháp thân đôi khi được xác định với Phật tính, học thuyết quan trọng của Phật giáo Đại Thừa nói về bản chất cơ bản của tất cả chúng sinh. Trong Pháp thân, không có sự phân biệt giữa Phật và người khác.

Pháp thân đồng nghĩa với giác ngộ hoàn hảo, vượt ra ngoài mọi hình thức tri giác. Nó đôi khi cũng đồng nghĩa với tánh không (sunyata).

Khi một người đạt được giác ngộ hoàn hảo, điều đó có nghĩa là bản thể đã nhận ra Phật tánh cũng như đạt được một nhận thức sâu sắc về tánh không. Do đó, biểu hiện chính của một vị Phật khai ngộ hoàn toàn là thực tại tuyệt đối không phân biệt.

Báo thân là gì?

Báo thân hay Thụ dụng thân (tiếng Phạn: Sambhogakaya) có nghĩa là “cơ thể hạnh phúc” hoặc “phần thưởng cơ thể”. “Thân thể phúc lạc” là thân thể cảm thấy phúc lạc từ việc chứng ngộ.

Báo thân Phật thường là một đối tượng tôn thờ. Một Báo thân được chứng ngộ và thanh lọc các ô nhiễm, nhưng dường như vẫn còn sự khác biệt. Một số trường phái Đại Thừa dường như tin rằng, thân thể Báo thân của một vị Phật có khả năng phi thường và những đặc tính riêng biệt.

Thân thể này được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi nó là một loại “giao diện” giữa Pháp thân và Hóa thân. Khi một vị Phật biểu hiện như một “thiên thể đặc biệt” nhưng không phải là “xác thịt và máu”, thì đó được gọi là Báo thân. Ví dụ, chư Phật ngự trị trên vùng đất thuần tịnh (cõi Tây Phương Cực Lạc) là những vị Phật Báo thân.

Đôi khi Báo thân được coi như một phần thưởng cho quá trình tích lũy công đức. Người ta nói rằng, chỉ có những người trên giai đoạn cuối cùng của con đường Bồ tát mới có thể cảm nhận được Báo thân.

Hóa thân là gì?

Ứng thân hay Hóa thân (tiếng Phạn: Nirmanakaya) có nghĩa là “thân thể được tạo ra.” Đây là thân thể vật chất được sinh ra trên trái đất, chịu ảnh hưởng của vô thường như chúng sinh.

Một ví dụ tiêu biểu là Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, người được sinh ra và đã chết cách đây hơn 2500 năm. Tuy nhiên, một số người tin rằng, các Hóa thân cũng có các phẩm chất siêu việt từ Pháp thân và Báo thân.

Điều này được hiểu rằng, Phật Thích Ca được khai ngộ nguyên thủy trong Pháp thân, nhưng Ngài biểu lộ theo nhiều hình thức Hóa thân khác nhau, không nhất thiết là một “vị Phật cụ thể” để giảng dạy chân lý.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là một số “sinh vật siêu nhiên” tạm thời cải trang thành một sinh vật bình thường, mà thay vào đó, bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể là hiện thân vật chất hay Hóa thân của một vị Phật.

Cùng nhau, ba thân của Phật đôi khi được so sánh với thời tiết: Pháp thân là không khí, Báo thân là đám mây và Hóa thân là mưa. Nhưng có nhiều cách để hiểu về Tam thân.

Kết luận

Để mang lại lợi ích cho chúng sinh, một vị Phật phát ra từ Pháp thân vào hình thức Báo thân để giảng dạy Pháp thông qua giấc mơ hoặc các trạng thái thiền.

Trong hình thức này, tâm giác ngộ sẽ thụ hưởng các thuộc tính đẹp đẽ nhằm thể hiện những phẩm chất tinh thần cao quý. Nói cách khác, người chứng ngộ sẽ là “tận hưởng” những thành tựu tâm linh bằng cách biểu lộ nó qua thân thể tuyệt vời, “thiên thể – thần tiên”.

Vì hầu hết chúng sinh không thể cảm nhận được một biểu hiện cao cấp như vậy, do đó, Báo thân Phật phát ra thành dạng Hóa thân. Trong hình thức này, một vị Phật xuất hiện dưới hình thái của một người bình thường. Mục đích là để chúng ta, những người vẫn còn trong vòng luân hồi có thể kết nối với yếu tố giác ngộ dễ dàng hơn.

Trong thời kỳ đầu của Phật giáo, nhiều người đã tranh luận về bản chất của Phật. Họ cho rằng, Ngài không phải là Thượng đế, tất nhiên, Đức Phật đã nói như thế, nhưng Ngài dường như không chỉ là một con người bình thường.

Về sau, một số người cho rằng khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã được biến đổi thành một cái gì đó đặc biệt. Nhưng Phật Thích Ca cũng sống và chết như bất kỳ người nào khác! Vì thế, huyền thoại về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật ra đời để tạo nên sự khác biệt giữa Phật và chúng sinh.

Tôi không biết Tam thân có phải là sự thật hay không, nhưng nó có thể là một học thuyết mở đường cho các tiền lệ nguy hiểm. Bằng chứng là nhiều người đã cố ý hoặc ngộ nhận mình là Hóa thân của chư Phật, Bồ tát hay một vị Thánh nào đó để truyền bá những điều trái với lời dạy của Phật Thích Ca. Họ viết nhiều kinh sách do họ suy đoán nhằm mục đích trục lợi cá nhân và gây nhiễu loạn xã hội.

Tại sao một số vị tu sĩ cao cấp của Phật giáo được chấp nhận là Hóa thân của vị Phật này, Bồ tát kia nhưng lại phủ nhận các Hóa thân của những người theo tôn giáo khác? Cơ sở nào để khẳng định một người là Hóa thân của Phật?

Làm sao để chúng ta tin một người nào đó đã “nhận được lời dạy” từ một vị Bồ tát cụ thể trong trạng thái thiền sâu? Phật giáo là một tôn giáo vô thần nhưng ở dạng Báo thân, vị Phật giống Thượng đế nhưng không phải là Thượng đế?

Tôi chưa biết câu trả lời, bạn có thể giúp tôi và mọi người trong phần bình luận bên dưới. Cảm ơn rất nhiều!

PGVN – Theo thoughtco.com – newworldencyclopedia.org

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button