Nghiên cứu

Lão Tử là ai? Người sáng lập ra Đạo giáo ở Trung Quốc

Lão Tử (chữ Hán: 老子 – Lao Tzu) là một nhân vật lịch sử hoặc truyền thuyết của Trung Quốc, người được coi là sáng lập ra Đạo giáo hay còn gọi Tiên đạo, Lão giáo. Đạo Đức Kinh (Tao Te Ching), văn bản quan trọng nhất của Đạo giáo được cho là viết bởi Lão Tử.

Nhiều nhà sử học xem Lão Tử là một nhân vật thần thoại hơn là một nhân vật lịch sử. Sự tồn tại của ông vẫn còn đang gây tranh cãi rộng rãi, vì ngay cả bản dịch theo nghĩa đen của tên ông (Laozi, nghĩa là Lão sư) cho thấy một vị thần tiên chứ không phải một người đàn ông bình thường.

Bất kể quan điểm lịch sử về sự tồn tại của ông, Lão Tử và Đạo Đức Kinh đã giúp định hình văn hóa Trung Quốc ngày nay.

Bạn đang xem: Lão Tử là ai? Người sáng lập ra Đạo giáo ở Trung Quốc

Thông tin nhanh về Lão Tử:

  • Được biết đến: Người sáng lập Đạo giáo
  • Tên gọi khác: Lão sư, Người thầy già
  • Sinh: Thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên tại Chu Jen, đời nhà Chu, Trung Quốc
  • Mất: Thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên có thể ở đời nhà Tần, Trung Quốc
  • Tác phẩm đã xuất bản : Đạo Đức Kinh (còn được gọi là Daodejing)
  • Thành tựu chính: Nhân vật lịch sử hoặc thần thoại của Trung Quốc, người được cho là sáng lập ra Đạo giáo và là tác giả của Đạo Đức Kinh.

Lão Tử là ai?

Lão Tử là nhà sáng lập ra Đạo giáo ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6 Trước Công Nguyên.

Lão Tử (571 TCN – 471 TCN) là một nhà triết học sống vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, mặc dù một số tài liệu lịch sử cho rằng ông sống vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Các ghi chép phổ biến nhất chỉ ra rằng, Lão Tử sống cùng thời với Khổng Tử, khoảng giữa thời kỳ Xuân Thu và đầu thời kỳ Chiến Quốc trong thời nhà Chu. Tiểu sử phổ biến nhất về cuộc đời của Lão Tử được ghi lại trong Sử ký Tư Mã Thiên (Sima Qian’s Shiji), cuốn Sử gia cổ đại được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN.

Bí ẩn xung quanh cuộc đời của Lão Tử bắt đầu từ sự kiện ông được sinh ra. Các tài liệu truyền thống cho biết, mẹ của Lão Tử đã trông lên một vì sao đang rơi, và kết quả là bà đã được thụ thai. Ông đã trải qua 80 năm trong bụng mẹ trước khi xuất hiện như một “lão trí thức hay bậc thầy cao tuổi” với bộ râu xám và dài, một biểu tượng của sự thông thái ở Trung Quốc trong thời kỳ đó. Ông sinh ra tại làng Chu Jen thuộc lãnh thổ nhà Chu, Trung Quốc.

Lão Tử đã trở thành một Shi (Người cho người thân quá cố nhập vào trong các nghi lễ tế tổ tiên thời Trung Hoa cổ), một nhà hoạt động và cả nhà sử học cho hoàng đế trong suốt thời kỳ nhà Chu. Là một Shi, Lão Tử đã đóng vai trò là nhà chức trách đối với thiên văn học, chiêm tinh học, thuật bói toán cũng như là người gìn giữ những văn tự linh thiêng.

Một số ghi chép cho biết Lão Tử chưa lập gia đình, trong khi số khác nói rằng ông đã kết hôn và có một đứa con trai mà ông đã xa cách từ khi cậu bé còn nhỏ. Người con trai đó tên là Zong, sau này trở thành một người lính nổi tiếng với việc không chôn cất các binh sĩ tử trận, để mặc thi thể thối rửa.

Lão Tử có thể đã tình cờ gặp Zong trong chuyến phiêu du khắp Trung Quốc và cảm thấy thất vọng trước việc con trai mình đối xử với thi thể và thiếu tôn trọng người chết. Ông tiết lộ mình là cha của Zong và chỉ cho anh ta cách tôn trọng và thương tiếc binh sĩ tử trận, ngay cả khi chiến thắng.

Vào cuối đời, Lão Tử nhận thấy rằng nhà Chu đã mất Thiên mệnh, và vương triều này đang chìm vào hỗn loạn. Lão Tử đi về phía tây đến những vùng lãnh thổ chưa được khám phá.

Khi ông tìm đến Hàm Cóc quan, nơi người gác cổng tên Doãn Hỷ đã nhận ra Lão Tử. Doãn Hỷ không để cho Lão Tử đi qua mà không truyền lại trí huệ cho ông, vì vậy Lão Tử đã viết lại những gì người biết. Tác phẩm này về sau đã trở thành Đạo Đức Kinh, hay chính là học thuyết trung tâm của Đạo giáo.

Trong ghi chép của Sử ký Tư Mã Thiên về cuộc đời của Lão Tử nói rằng, ông không bao giờ được nhìn thấy nữa sau khi đi qua cánh cổng ở phía tây. Các tiểu sử khác nói rằng ông đã đi về phía tây và đến Ấn Độ, nơi ông đã gặp và dạy Đức Phật, trong khi những người khác vẫn tin rằng chính Lão Tử đã trở thành Đức Phật!

Một số nhà sử học thậm chí còn tin rằng Lão Tử đã đến và đi khỏi thế gian này vô số lần, để dạy dỗ về Đạo Lão và thu thập các môn đệ. Tư Mã Thiên đã lý giải về thứ bí ẩn đằng sau cuộc đời Lão Tử và cả quyết định ẩn dật của ông như một sự ra đi có chủ ý khỏi thế giới vật chất nhằm tìm về một cuộc sống trầm tĩnh, một ý niệm tồn tại giản đơn và cả sự bình an nội tâm.

Những tư liệu lịch sử sau này đã bác bỏ sự tồn tại của Lão Tử, cho rằng ông chỉ là một thuyền thoại, dù là một con người đầy quyền lực. Mặc dù sức ảnh hưởng của ông là vô cùng lớn và kéo dài bất tận, nhưng hình ảnh của người đã được đảo lại như một nhân vật truyền thuyết hơn là một con người của lịch sử.

Lịch sử Trung Hoa vốn được gìn giữ cẩn thận trong một kho tàng văn tự khổng lồ, như bằng chứng về những thông tin còn tồn tại về cuộc đời của Khổng Tử, nhưng có quá ít những điều được biết về Lão Tử, đã chỉ ra rằng người đã chưa bao giờ thực đến thế gian này.

Đạo Đức Kinh và Đạo giáo

Đạo giáo vốn là niềm tin cho rằng cả vũ trụ và mọi thứ bao quanh đều tuân theo một sự hài hòa, bất kể sự tồn tại của loài người, và sự hài hòa được tạo dựng nên từ lòng tốt, tính chính trực và cả sự đơn giản.

Dòng chảy hài hòa này được gọi là Đạo (Tao), hoặc “con đường”. Trong 81 khổ thơ tạo nên tác phẩm Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã phác họa nên cái gọi là Đạo cho một đời sống cá nhân cũng như cho những nhà cầm quân và cả về cách thức quản trị.

Đạo Đức Kinh lặp lại tầm quan trọng của lòng nhân từ và sự tôn trọng. Những đoạn thơ đã nhiều lần sử dụng những hình tượng để lý giải về tính hài hòa tự nhiên của chính sự tồn tại. Ví dụ:

“Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng gì hơn nó, chẳng gì thay thế được nó. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được.” Lão Tử, Đạo Đức Kinh.

Là một trong những tác phẩm phong phú và được phiên dịch ra nhiều nhất trong lịch sử, Đạo Đức Kinh đã có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ và to lớn lên văn hóa và xã hội Trung Hoa. Trong suốt thời kỳ vua chúa, Đạo Lão đã nắm giữ những khía cạnh tôn giáo mạnh mẽ, và rồi Đạo Đức Kinh đã trở thành một học thuyết mà từ đó vô số những cá nhân đã định hình nên việc thực hành tôn thờ của họ.

Tư tưởng triết học của Lão Tử

Lão Tử là một nhà triết học vĩ đại của thế giới.

Đạo đức kinh, cuốn sách của Lão Tử đã chứng minh ông là một nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới. Học thuyết vô vi là nền tảng của hệ tư tưởng Lão Tử trong đó bao hàm 2 quan điểm:

  • Thiên đạo vô vi quan (Đạo pháp tự nhiên)
  • Nhân đạo vô vi quan (Đạo xử thế ở đời)

1. Quan điểm Thiên đạo vô vi quan

Quan điểm “Đạo pháp tự nhiên” là tinh tuý nhất trong tư tưởng triết học của Lão Tử, là một vũ trụ quan khoa học, tiến bộ, kiệt xuất khác thường. Nó khuyên con người phải tuân theo và nương theo những qui luật tự nhiên, không nên làm ngược lại theo ý chủ quan.

Trước Lão Tử , các nhà tư tưởng trong “Bách gia Chư tử” quan niệm: Đạo chỉ là nhân đạo, đạo lý làm người. Đến Lão Tử, Đạo được hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm Triết học, thông qua Đạo có thể hiểu được quá trình hình thành và phát triển của thế giới.

Trong khái niệm Đạo của Lão Tử bao gồm khái niệm vật chất cùng các thuộc tính của nó là vận động, không gian, thời gian, sự thống nhất của các mặt đối lập…

Lão Tử cho rằng Đạo là thiên đạo, là bản thể của vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra trời đất, vạn vật, là đường lối muôn vật noi theo. Đạo tồn tại độc lập, bất biến, đạo là vật chất chứ không phải là tinh thần, là tổng thể những qui luật chi phối sự sinh thành, biến hoá của vũ trụ.

Đặc tính của Đạo là: Vô cùng, vô tận, không bao giờ hết, tồn tại khách quan, thuận với tự nhiên, không can thiệp, chế ngự tự nhiên, luôn luôn vận động, vĩnh cửu, lâu dài, phổ biến trong mọi vật, có khả năng chuyển hoá, quay trở lại trạng thái ban đầu và hết sức huyền diệu.

2. Quan điểm Nhân đạo vô vi quan

Lão Tử là người sáng lập, người thầy, là bút danh tiêu biểu cho Đạo gia học phái ở Trung Hoa thời cổ- trung đại. Học thuyết của Ông được phát triển mạnh mẽ vào thời Chiến quốc (475-221 Tr.CN), đó là thời kỳ đại loạn trong lịch sử Trung Quốc. Nhân lúc Nhà Chu suy yếu, các nước chư hầu nổi lên dùng mọi thủ đoạn, mánh khoé để tranh Bá đồ vương làm cho nhân dân điêu đứng, đau khổ vô cùng.

Lão Tử là một đại trí thức, một người ưu thời mẫn thế, lập nên học thuyết vô vi mong cứu vãn thời thế. Học thuyết vô vi của Lão Tử nhấn mạnh “Vô dục”, “Vô vi”, “bất tranh”. Ông cho rằng bản tính tham lam, hiếu thắng là nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

Muốn cho xã hội thái bình, con người phải sống thanh cao, không tham lam, không màng danh lợi. Lão Tử quan niệm Đạo, Đức, Lễ, Nghĩa là bất đắc dĩ vì mất đạo mới bày ra đức, mất đức mới bày ra nhân, mất nhân mới bày đặt ra lễ nghĩa.

Đạo gia học phái lên tiếng phê phán gay gắt lễ nghĩa, luân thường của Nho gia bày đặt ra là giả tạo, là phản tự nhiên nhằm mục đích mưu cầu danh lợi làm cho xã hội đi chệch hướng. Lão Trang và học phái đạo gia là những con người có tư tưởng phóng khoáng, muốn được sống hoà mình vào thiên nhiên, coi trọng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đề cao cái tôi thanh cao cùng chất lãng tử của con người nghệ sỹ.

Họ tỏ ra xem thường và khinh miệt mọi cường quyền, bạo lực, xem khinh sĩ phu của Nho gia học phái luôn luôn tự kiêu cho mình là thành đạt trong áo mão xênh xang; tuy ngực đeo bài ngà, tay ôm hốt ngọc tận tuỵ lăn lộn trong chốn quan trường, xu nịnh bọn vua quan cũng chỉ để kiếm chút danh, chút lợi.

Thuyết vô vi của Lão Tử là cẩm nang của những con người tha thiết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, muốn sống một cuộc đời nhàn tản thanh cao như Tiên như Phật. Dẫu rằng còn nhiều hạn chế trong tư tưởng của mình, Lão Tử vẫn là triết gia kiệt xuất, là người thầy của Đạo gia, đứng đầu trong “Bách gia chư tử”.

Với những cống hiến xuất sắc như: Sáng lập khái niệm Đạo, phân tích rõ bản nguyên thế giới, nêu lên thuyết vô thần, phép biện chứng duy vật sơ khai, tư tưởng của ông có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong thời cổ – Trung đại Trung Quốc mà còn lan tỏa đến nhiều quốc gia châu Á cho đến tận hôm nay.

Những câu nói hay của Lão Tử

Những lời dạy của Lão Tử vẫn đang là cẩm nang sống của nhiều người ngày nay.

Những câu nói hay, những lời dạy vô cùng giá trị của Lão Tử đã và đang là kim chỉ nam cho nhiều người muốn sống một cuộc sống đạo đức và hướng thiện.

Ông dùng Đạo để giải thích sự phát triển và biến hóa của vạn vật trong vũ trụ. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử nói: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật…”; “Đạo tôn, đức quý, hết thảy không can thiệp, làm chủ vạn vật mà để vạn vật tự nhiên”. Do đó “Người thuận theo đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Vạn vật đều có quy luật vận hành.

Sau đây PGVN xin chia sẻ một số câu danh ngôn vô cùng ý nghĩa của Lão Tử, để từ đó chúng ta rút ra được triết lý sống cho chính mình:

1. “Cuộc sống thật sự rất đơn giản, nhưng chúng ta thích làm cho nó phức tạp lên.”

2. “Đạo của Thánh nhân là làm mà không tranh”; “Vì không tranh nên thiên hạ không ai có thể tranh”.

2. “Biết dừng thì không nguy hiểm. Do không đầy nên có thể từ bỏ cái cũ thay đổi cái mới”.

3. “Kẻ biết người là trí tuệ, kẻ biết mình là sáng suốt. Kẻ thắng người là có sức lực, kẻ thắng mình là mạnh mẽ”.

4. “Nhu thắng cương, tĩnh thắng động.”

5. “Việc học thì ngày một thêm thụ ích, tu Đạo thì ngày một thêm tổn hao. Tổn hao rồi lại tổn hao, cho đến vô vi. Vô vi mà không gì không làm”.

6. “Người sống mềm mại, khi chết cứng đơ. Vạn vật cỏ cây sống cũng mềm mại, khi chết khô cứng. Do đó người cứng rắn là kẻ chết, người mềm mỏng là kẻ sống. Thế nên dùng binh lực mạnh thì sẽ bị tiêu diệt, cây cối cứng thì sẽ bị gãy. Lớn mạnh ở dưới, mềm yếu ở trên”.

7. “Nếu muốn được tất cả, phải từ bỏ tất cả.”

8. “Những khởi đầu tốt đẹp thường được ngụy trang bằng một đoạn kết bi thảm.”

9. “Quan tâm đến sự công nhận của người khác rồi người sẽ trở thành tù nhân của chính họ.”

10. “Nếu một người có thể nhận ra mình không thiếu thứ gì, cả thiên hạ đã thuộc về người đó.”

Mối liên hệ giữa Lão Tử và Khổng Tử

Mặc dù thân thế của ông vẫn còn là một bí ẩn, nhưng Lão Tử được tin rằng đã sống cùng thời với Khổng Tử. Theo một vài tư liệu, hai nhân vật lịch sử này thực ra là cùng một người.

Theo như Tư Mã Thiên, hai nhân vật hoặc đã gặp gỡ hoặc đã thảo luận cùng nhau khá nhiều lần. Một lần, Khổng Tử tìm đến cao nhân Lão Tử để hỏi về những lễ nghi và nghi thức. Rồi ông trở về nhà và cứ giữ im lặng trong suốt ba ngày trước khi công bố với học trò rằng Lão Tử là một con rồng đang bay giữa những đám mây.

Vào một dịp khác, Lão Tử đã bảo rằng Khổng Tử đã bị đóng khung và giới hạn trong chính niềm kiêu hãnh và tham vọng của mình. Theo như Lão Tử, Khổng Tử đã không thể hiểu ra được cuộc sống và cái chết là ngang bằng nhau.

Cả Nho giáo và Đạo giáo đều đã trở thành những trụ cột của văn hóa và tín ngưỡng Trung Hoa, dù ở hai phương cách rất khác biệt. Nho giáo, cùng với những lễ nghi, nghi thức, tục lệ và cả những tôn ti đã được định sẵn đã trở thành nét phác họa hoặc những cách thức xây dựng vật chất trong xã hội Trung Quốc.

Ngược lại, Đạo giáo đã nhấn mạnh vào mặt tinh thần, sự hài hòa và là sự thể hiện của tính nhị nguyên trong tự nhiên và trong cả sự tồn tại, đặc biệt là khi nó đã phát triển lên để bao trùm lấy nhiều khía cạnh tôn giáo trong suốt thời kỳ vua chúa. Cả Nho giáo lẫn Đạo giáo vẫn duy trì được những ảnh hưởng lên văn hóa Trung Quốc cũng như những xã hội khác trên khắp lục địa Á Châu.

PGVN – Theo: learnreligions.com

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button