Nghiên cứu

Nghiệp là gì? Cách không tạo nghiệp và thoát khỏi luân hồi sinh tử

Nghiệp là một từ mà hầu như người nào cũng biết, nhưng ít người hiểu ý nghĩa thật sự của nó. Nhiều người thường nghĩ nghiệp có nghĩa là “số phận” hoặc là một loại hệ thống tư pháp vũ trụ. Tuy nhiên, đây không phải là sự hiểu biết của Phật giáo về nghiệp.

Hãy cùng PGVN tìm hiểu xem nghiệp là gì và tác động của nó đến với cuộc sống và vận mệnh của chúng ta nhé!

Nghiệp là gì?

Nghiệp hay nghiệp báo (tiếng Phạn: karma – tiếng Pali: kamma) có nghĩa là hành động tạo tác lập đi lập lại từ suy nghĩ, lời nói và hành vi của một người. Đây là khái niệm cốt lõi trong một số tôn giáo phương Đông, bao gồm Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Bạn đang xem: Nghiệp là gì? Cách không tạo nghiệp và thoát khỏi luân hồi sinh tử

Mặc dù các chi tiết cụ thể của nó khác nhau tùy theo trường phái, thì nghiệp thường biểu thị chu kỳ nhân quả – mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động mà một người thực hiện sẽ ảnh hưởng đến người đó vào một thời điểm nào đó trong tương lai (một giây đã là tương lai rồi – lại còn sát na nữa chứ).

Ngày nay, mọi người sử dụng thuật ngữ này theo cách không hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa truyền thống của nó. Ví dụ, nghiệp thường bị lạm dụng để chỉ vận mệnh hay số phận. Nghiệp cũng bị lạm dụng như một cách để giải thích những khó khăn bất ngờ xảy ra.

Nghiệp dường như có liên quan đến:

  • Duyên khởi: Sự phát sinh phụ thuộc – Bởi vì điều này tồn tại, điều đó nảy sinh. Bởi vì điều này không tồn tại, điều đó không xảy ra.
  • Hiệu ứng domino hay phản ứng dây chuyền.
  • Thuyết hỗn loạn: Sự ngẫu nhiên có quy tắc.

Nghiệp là một quy luật tự nhiên, một hành động kéo theo những hành động khác, những phản ứng khác hay những hệ quả khác xảy ra tự nhiên theo sau nó.

Thường thì người ta sử dụng từ nghiệp để nói về kết quả. Ví dụ, ai đó có thể nói anh B bị ung thư phổi, bị tán gia bại sản, bị viêm loét đại tràng…vì “đó là nghiệp của anh ấy.”

Điều này làm cho người khác hiểu nhầm anh B đã làm gì đó “ác độc” trong quá khứ chẳng hạn như ăn ở thất đức, câu cá làm rách bụng cá nên giờ bị viêm ruột…kiếp trước làm mổ heo giết heo nên giờ đẻ con bị bạch tạng…

Tuy nhiên, đối với Phật giáo thì nghiệp là “nhân – duyên – quả” chứ không phải chỉ là kết quả. Và “nhân-duyên-quả” là do chúng ta đặt ra để dễ hình dung chứ nghiệp không có quy định cái nào là nhân, duyên hay quả…

Anh B bị ung thư phổi có thể là do hút thuốc lá, viêm ruột do ăn uống không lành mạnh, đột nhiên bị xe đụng chết là do người lái xe say rượu, mất chánh niệm, con chó băng qua đường…và bạn “vô tình” xuất hiện ngay lúc đó như 1 con cá bị mắc câu trong hàng ngàn con cá dưới hồ.

Nghiệp có sắp đặt không? Nghiệp có bắt 1 người tốt đúng giờ phút đó phải dừng xe ngay ngã tư để chờ một chiếc xe tải mất thắng lao đến cán chết không? Đúng giờ phút đó, bạn sẽ trúng số, bạn sẽ bị sét đánh…Nếu nghiệp như thế thì là định mệnh và con người không có sự tự do – định nghiệp và bất định nghiệp là gì?

Các giáo lý về nghiệp có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, nhưng cách hiểu của đạo Phật về nghiệp khác với những người theo đạo Bà la môn. Đức Phật Thích Ca lịch sử sống cách đây 26 thế kỷ đã tham khảo ý nghĩa của nghiệp từ đạo Bà la môn. Tuy nhiên, Ngài đã nhận ra những điều mới mẻ và khác biệt so với họ.

Giáo sư Phật giáo Nguyên Thủy Thanissaro Bhikkhu giải thích một số khác biệt trong bài luận về nghiệp của mình.

Trong thời của Đức Phật, hầu hết các tôn giáo của Ấn Độ đã dạy rằng: Nghiệp lực hoạt động theo một cách đơn giản như hành động trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến hiện tại; hành động hiện tại sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Nhưng đối với Phật giáo, nghiệp là phi tuyến tính và rất phức tạp.

Hòa Thượng Thanissaro Bhikku nói, “hành vi trong nhiều vòng lập phản hồi, với thời điểm hiện tại được định hình bởi hành động quá khứ và hành động hiện tại; hành động hiện tại không chỉ ảnh hưởng đến tương lai mà còn cả hiện tại.”

Như vậy, theo đạo Phật, mặc dù quá khứ có một số ảnh hưởng nhất định đến hiện tại, nhưng hiện tại cũng được định hình bởi những hành động của hiện tại. Walpola Rahula giải thích trong “Những gì Đức Phật dạy” (Grove Press, 1959, 1974) tại sao điều này là quan trọng:

..thay vì truyền bá sự bất lực, Phật giáo thời kỳ đầu tập trung vào tiềm năng giải phóng những gì tâm trí đang làm với từng khoảnh khắc trong cuộc sống.

Bạn là ai – bạn đến từ đâu không quan trọng bằng động cơ của tâm trí với những gì nó đang làm ngay bây giờ.

Mặc dù quá khứ có thể giải thích cho nhiều bất bình đẳng mà chúng ta thấy trong cuộc sống, nhưng chúng ta là con người với cái trí, với đôi tay…Chúng ta có giải pháp để chuyển hóa bằng cách sử dụng những gì chúng ta đang có.

Những gì chúng ta làm sẽ xảy ra với chúng ta?

Khi chúng ta bị mắc kẹt trong nghèo khó, đau khổ, phiền não, những kiểu cũ… nó có thể không phải là do nghiệp chướng của quá khứ khiến chúng ta bị mắc kẹt như thế. Nếu chúng ta bị mắc kẹt, có thể là do chúng ta đang tạo lại các kiểu suy nghĩ, lời nói và hành vi cũ trong thời điểm hiện tại.

Để thay đổi nghiệp và thay đổi cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, lời nói và hanh vi của mình. Thiền sư John Daido Loori nói: “Nhân và Quả là một thứ – và nó là gì? Chính bạn. Đó là lý do tại sao những gì bạn làm và những gì xảy ra với bạn lại giống nhau.”

Chắc chắn, nghiệp của quá khứ tác động đến cuộc sống hiện tại của chúng ta, nhưng thay đổi luôn luôn có thể.

Có nghiệp tốt và nghiệp xấu không?

Đôi khi người ta nói về nghiệp “tốt” và “xấu”. Nhưng hiểu biết của Phật giáo về “tốt – xấu” có phần khác với cách người phương Tây thường hiểu về thuật ngữ này.

Để thấy quan điểm của Phật giáo, việc thay thế các từ “thiện” và “bất thiện” cho “tốt” và “xấu” là hữu ích. Hành động thiện lành bắt nguồn từ lòng từ bi và khôn ngoan.

Hành động bất thiện bắt nguồn từ sự tham lam, ganh ghét và si mê. Một số giáo viên sử dụng các thuật ngữ tương tự chẳng hạn như “tích cực và không tích cực” để truyền đạt ý tưởng này.

Bản chất của nghiệp có thể là không có khái niệm “tốt” hay “xấu”. Nó chỉ là những hành động và phản ứng, hệ quả đi kèm với hành động đó. Tốt và xấu là do chúng ta đặt ra, bởi vì chúng ta đang hiểu nghiệp với đối tượng tham chiếu là chính chúng ta.

Bạn tạo ra một sự kiện, sự kiện này dẫn đến sự kiện khác…sự kiện nào ảnh hưởng tốt đến bạn thì bạn gọi đó là “nghiệp tốt” và ngược lại.

Nghiệp không phải là phán xét hay công lý?

Phật giáo cũng dạy rằng có những lực lượng khác ngoài nghiệp lực ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Chúng bao gồm các lực lượng tự nhiên như mùa thay đổi và trọng lực.

Khi một thảm họa thiên nhiên như một trận động đất tấn công cộng đồng, đây không phải là một hình thức trừng phạt của nghiệp lên một tập thể nào đó. Đó là một sự kiện đáng tiếc đòi hỏi một phản ứng từ bi, không phải là sự phán xét.

Một số người sẽ khó hiểu khi nghiệp được tạo ra bởi những hành động của chính mình. Có lẽ vì họ được nuôi dưỡng với các mô hình tôn giáo khác, họ muốn tin rằng có một loại lực lượng vũ trụ bí ẩn chỉ đạo nghiệp, mang đến phước lành những người tốt và trừng phạt những người xấu. Đây không phải là lời dạy của Phật giáo. Học giả Phật giáo Walpola Rahula chia sẻ:

Nghiệp không nên bị nhầm lẫn với cái gọi là “công lý đạo đức” hay “khen thưởng và trừng phạt”.

Ý tưởng về công lý đạo đức, hoặc khen thưởng và trừng phạt phát sinh từ quan niệm về một vị tối cao, một Thượng đế, người ngồi trong sự phán xét, là người đưa ra luật pháp và quyết định cái gì là đúng và sai.

Thuật ngữ “công lý” mơ hồ và nguy hiểm, nó mang đến nhiều tiêu cực hơn là tích cực. Nghiệp là nhân quả, hành động và phản ứng; nó là một quy luật tự nhiên, không liên quan gì đến ý tưởng về công lý hay phần thưởng và hình phạt.

Làm thế nào để không tạo nghiệp chướng bất thiện?

Chánh niệm đóng một vai trò quan trọng trong việc hiểu sự mở rộng của nghiệp. Hai khía cạnh của chánh niệm đặc biệt phù hợp với điều này là hiểu biết rõ ràng và phù hợp với mục đích.

Đó là chú ý đến những gì chúng ta đang làm, nhận thức đầy đủ về những gì đang thực sự xảy ra. Khi chúng ta đứng lên, chúng ta biết chúng ta đang đứng; khi chúng ta đi bộ, chúng ta biết chúng ta đang đi bộ.

Hiểu rõ những gì chúng ta đang làm trong thời điểm hiện tại cho phép chúng ta xem xét sự phù hợp của mục đích. Điều này có nghĩa là biết các hành động có khéo léo hay không khéo léo, thiện hay bất thiện để hạn chế tạo nghiệp chướng.

Nghiệp chỉ dành cho con người – Hành động cố ý và vô ý?

Ý thức làm cho con người khác biệt so với các loài động vật. Bởi vì có ý thức, chúng ta có quyền suy nghĩ và lựa chọn nên làm những việc “thiện hay bất thiện”. Nghiệp thường được giảng là hành động có chủ ý, có sự can thiệp của suy nghĩ, lời nói và hành động chủ quan.

Vậy người tài xế lái container đụng chết người trên cao tốc bị phạt 6 năm tù mà báo chí đăng tin mấy ngày nay là do nghiệp trong quá khứ trổ ra, hay là do sự bất cẩn của tài xế kia đã kéo theo những hệ quả tiêu cực! Người tài xế container có cố ý giết người để nhận quả 6 năm tù không? Bạn có thể làm chủ số phận không khi đối mặt với một chiếc xe đang lùi trên đường cao tốc?

Con sói ăn thịt cừu có tạo nghiệp không? Đó là nghiệp thiện hay bất thiện? Con sói có quyền lựa chọn không? Điều này dẫn tôi đến ý tưởng ngớ ngẩn hơn.

Đức Phật Thích Ca bị đau dạ dày và qua đời, vậy đó là do nghiệp trong quá khứ hay là do Ngài đôi khi mất chánh niệm trong chế độ ăn uống! Tại sao Đức Phật lại ăn mặn, Ngài có quyền lựa chọn không? Ngài có bảo mọi người làm ẩm thực chay cho Ngài ăn không, hay Ngài đón nhận bất cứ thứ gì từ người dân mà không có sự hài lòng hay không hài lòng!

Mục đích tu tập là để hết phiền não, hết đau khổ. Vậy một người bị tâm thần là kết quả của “nghiệp thiện” hay “bất thiện”, họ còn phiền não không? Họ có ý thức được hành động của họ không? Họ có tạo nghiệp không?

Trong khu rừng chỉ duy nhất một cái cây bị sét đánh gãy đôi thì đó có phải là nghiệp quá khứ của cái cây trổ ra? Cây cỏ hoa lá có tạo nghiệp không?

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến của cây cỏ hoa lá là thứ mà chúng ta đang hướng đến! Cây không vũng vẫy la hét khi bị lửa đốt (diệt thọ tưởng định), cây không phiền não khi mưa nắng thất thường…Cây có phản ứng với những điều bất như ý không? Cây có hài lòng hay không hài lòng khi chúng ta chặt nó?

Cây vẫn sản xuất oxy để nuôi sống con người mặc dù con người giết hết gia đình của nó! Phải chăng cây, nước, gió, lửa, đất, đá…vừa có sự khôn ngoan (không bị ngoại cảnh chi phối) vừa có lòng từ bi vĩ đại!

Chúng ta gắn nhãn và lý luận nhiều thứ rồi cuối cùng kêu gọi trở về tâm vô thức như một cái cây – vô tình chúng sinh! Phải chăng nghiệp chỉ dành cho con người, những đối tượng có ý thức, có tạo tác, suy đoán, gắn nhãn…Nghiệp do con người “tạo ra”!

Cách thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử là không tạo nghiệp?

Có người nói rằng, cho dù bạn làm bao nhiêu nghiệp thiện đi chăng nữa thì bạn vẫn tái sinh, vẫn luẩn quẩn trong vòng luân hồi sinh tử.

Tất cả những nghiệp thiện hay bất thiện sẽ không còn nữa, không còn kết quả của nghiệp. Không còn hạnh phúc hay buồn bã nữa, không có thêm niềm vui hay thất vọng, không có sự hài lòng hay không hài lòng! Đức Phật nói về A la hán – những người đã giác ngộ.

Vậy làm thế nào để một người bình thường với nhiều thứ phức tạp có thể không tạo nghiệp! Suy nghĩ, lời nói và hành động mà không có “cái tôi” trong đó, tôi nghĩ là vậy.

Không có ai bố thí, không có ai giữ giới, không có ai nhẫn nại… không có ai tư duy, lý luận, ý thức, nhận thức… không có ai phản ứng, tức giận, đau khổ… không có ai hài lòng hay không hài lòng…không có ai tạo nghiệp, nghiệp không biết của ai… không có ai tái sinh.

Như vậy một người làm “việc xấu” trong vô thức, không chủ ý cũng có thể thoát khỏi vòng luân hồi! Chánh niệm giúp bạn biết rõ những gì bạn làm trong khoảnh khắc, nhưng bạn không thể vừa dùng mắt phải nhìn hướng đi và mắt trái nhìn xuống chân để xem có con ốc sên nào đang bò hay không!

Có phải nghiệp báo quyết định trạng thái tái sinh không?

Cách mà hầu hết mọi người hiểu sự tái sinh là một linh hồn, hoặc bản chất tự trị của bản thân, tồn tại sau khi chết và được tái sinh thành một cơ thể mới.

Trong trường hợp đó, thật dễ dàng để tưởng tượng nghiệp lực của một kiếp quá khứ gắn bó với bản ngã đó và được chuyển sang một cuộc sống mới. Điều này phần lớn là quan điểm của triết học Ấn Độ giáo, nơi người ta tin rằng một linh hồn được tái sinh một lần nữa và một lần nữa. Nhưng giáo lý Phật giáo thì rất khác.

Đức Phật dạy một giáo lý được gọi là anatman hay vô ngã – không linh hồn hoặc không có tự ngã. Theo học thuyết này, không có “bản thân” theo nghĩa của một sự tồn tại vĩnh viễn, không thể thiếu, tự trị trong một sự tồn tại cá nhân.

Điều chúng ta nghĩ là bản thân, tính cách và bản ngã của chúng ta chỉ là những sáng tạo tạm thời của ngũ uẩn.

Theo ánh sáng của giáo lý này – vậy cái gì được tái sinh? Và nghiệp ở đâu? Khi được hỏi câu hỏi này, giáo sư Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng Chogyam Trungpa Rinpoche đã mượn những khái niệm từ tâm lý học hiện đại nói rằng:

Những gì được tái sinh là chứng loạn thần kinh của chúng ta – nghĩa là thói quen xấu và vô minh của chúng ta được tái sinh – cho đến khi chúng ta thức tỉnh hoàn toàn.

Câu hỏi này là một câu hỏi phức tạp đối với nhiều Phật tử, và thường không có câu trả lời duy nhất. Chắc chắn, có những Phật tử tin vào sự tái sinh từ đời này sang đời khác, nhưng cũng có những người chấp nhận một giải thích hiện đại hơn.

Tái sinh đề cập đến chu kỳ lặp đi lặp lại của những thói quen xấu mà chúng ta có thể làm theo nếu chúng ta không có đủ hiểu biết về bản chất thật sự của chúng ta.

Nhưng vấn đề ở đây là Nguyễn Văn A, người tạo nghiệp “bất thiện” nhưng vẫn sống giàu sang hạnh phúc suốt đời. Trong khi đó Nguyễn Văn A1 lãnh hết hệ quả của nghiệp “bất thiện” do anh A gây ra. Nhưng cả 2 người chả ai biết ai! Điều này làm cho tính giáo dục và răn đe của nghiệp tái sinh bị suy yếu vì sự mơ hồ và không rõ ràng của nó.

Tuy nhiên, nhiều Phật tử thống nhất với niềm tin rằng hành động của chúng ta ảnh hưởng đến cả điều kiện hiện tại và tương lai, và thoát khỏi chu kỳ nghiệp của sự không hài lòng là có thể.

Kết luận

Nghiệp là giáo lý cốt lõi của Phật giáo và Phật tử nói rất nhiều về nó, nhưng đến thời điểm hiện tại thì nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu rõ hoạt động của nghiệp. Nghiệp không phải như: “Theo điều A khoảng 4…của bộ luật…nếu bạn làm cái này thì sẽ bị phạt cái này – nếu bạn làm cái này thì sẽ được thưởng cái này…”

Nghiệp báo rất phức tạp, chúng ta không thể biết chính xác một điều gì đó sẽ gây ra một điều gì đó khác. Tất cả chỉ là suy đoán và lái sang hướng đạo đức để cuộc sống hòa bình và tốt đẹp hơn.

Khi quan sát thế giới, khi chúng ta thấy một sự kiện bất hạnh đột nhiên xảy ra, chúng ta nghĩ rằng phải bắt nguồn từ nguyên nhân nào đó. Tuy nhiên, ở mức độ nhận thức sâu sắc hơn, dường như có một cái gì đó xuất hiện từ “hư không”.

Một cái gì đó từ không có gì khiến chúng ta nghi ngờ. Chúng ta có phản ứng này bởi vì ở cấp độ con người trải nghiệm cuộc sống, chúng ta thấy nguyên nhân và kết quả. Nhưng nguyên nhân và kết quả không tồn tại ở cấp lượng tử theo cùng một cách mà chúng ta trải nghiệm nó.

Nếu bạn cầm viên đá và chọi xuống mặt hồ thì nước sẽ gợn sóng, nhưng ở cấp lượng tử thì hành động chọi đá không phải lúc nào cũng kéo theo sự gợn sóng của nước mà nó khác nhau trong từng thời điểm quan sát.

Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về sự trống rỗng của bản ngã và nghiệp. Trong quá trình nói chuyện, ông nói rằng với sự lựa chọn giữa hiểu biết về nghiệp và tánh không, con người nên cố gắng hiểu nghiệp.

Đây là câu trả lời khá ngạc nhiên, bởi vì “trí tuệ hoàn hảo” của Phật giáo là hiểu được bản chất trống rỗng, vô ngã, vô thường của các hiện tượng!

Tuy nhiên, điểm nhấn mạnh của ông là cực kỳ quan trọng để chúng ta suy ngẫm, bởi vì không hiểu nghiệp, về những ảnh hưởng của hành động mà chúng ta đang tạo ra, khía cạnh của tánh không có thể được sử dụng như một lý do để không chịu trách nhiệm trong cuộc sống.

Để nghĩ rằng không có gì quan trọng, rằng chúng ta có thể làm bất cứ điều gì bởi vì tất cả đều trống rỗng. Đây là một sự hiểu lầm nghiêm trọng về việc giảng dạy và một sự biện minh tồi tệ cho những hành vi tiêu cực. Và trong khi việc kêu gọi mọi người sống buông bỏ, vô ngã, vị tha dường như bất khả thi, thì việc giảng về nghiệp chướng – “vượt đèn đỏ sẽ bị phạt” sẽ dễ đưa thế giới vào trật tự hơn.

PGVN – Tham khảo: thoughtco.com – tricycle.org

Ảnh: isha.sadhguru.org

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button