Nghiên cứu

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung Thu

Mỗi năm, cứ chờ đến dịp là đám trẻ con lại lắc tay ba mẹ vòi xin một chiếc lồng đèn đủ màu. Có đứa thì thích lồng đèn giấy bọc bên trong là một cây nến nhỏ xinh, đứa khác thì lại được sắm cho cả chiếc lồng đèn điện đổi được màu trông “xịn” không ai bằng.

Tôi cũng là một trong những đứa trẻ đó! Câu hát “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường” vang khắp khu phố nhỏ nơi tôi sống ở ngoại ô thành phố. Kỷ niệm đẹp không phải vì nó vui hay buồn, mà vì nó không bao giờ trở lại. Các bạn cũng có suy nghĩ và cảm xúc hạnh phúc chen lẫn chút đượm buồn khi ký ức tuổi thơ ùa về như tôi, phải không?

PGVN xin lưu giữ những ký ức đẹp đó thông qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết này.

Bạn đang xem: Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung Thu

Tết Trung Thu là ngày nào trong năm?

Như tên gọi “Trung Thu”, Tết Trung Thu là ngày tết diễn ra vào giữa mùa thu, cụ thể hơn là ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Được bắt nguồn và tổ chức chính ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Singapore và Đài Loan. Và đặc biệt nó còn được xem như một ngày nghỉ lễ quốc gia ở Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Mọi người thường nghĩ Tết Trung thu là ngày tết của thiếu nhi mà không biết nó còn nhiều tên gọi khác như Tết Hoa Đăng, Tết Trông Trăng hay Tết Đoàn Viên. Vào ngày này, trẻ em được người lớn tặng cho những món quà dân gian như lồng đèn, mặt nạ, tò he hay nhưng món đồ chơi xưa xinh xắn, phát sáng trong đêm.

Cũng trong ngày này người ta thường thấy từng tốp trẻ con chơi đùa cùng nhau, chúng sẽ múa hát, chơi phá cỗ hay cùng nhau đốt lồng đèn nối đuôi nhau đi khắp xóm. Ở những khu phố lớn người dân còn tổ chức múa lân, múa sư tử, người lớn trẻ em đều có được những thời gian vui vẻ, náo nhiệt cùng nhau.

Nguồn gốc và câu chuyện về Tết Trung Thu

Một số người cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam trong thời kỳ đô hộ.

Người ta vẫn tin rằng nguồn gốc của Tết Trung Thu bắt nguồn từ Trung Quốc, theo tiến trình của lịch sử mà du nhập vào Việt Nam. Từ đó trở thành một nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Mặc dù cách sinh hoạt và những hoạt động diễn ra trong ngày Tết Trung Thu của hai nước gần giống nhau, nhưng câu chuyện đằng sau ngày lễ này lại khác.

Ở Trung Quốc thì người ta truyền tai nhau về sự tích Dương Quý Phi, một nàng phi được vua Đường Huyền Tông yêu thích. Cũng chính về quá say mê vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng mà nhà vua khiến các triều thần lo sợ rằng sẽ vì đắm say trong nhan sắc mà bỏ bê triều chính. Vua Đường Huyền Tông đã phải nghe lời các quan binh mà ban tử cho nàng phi mà mình yêu thương.

Sau khi bà ra đi, vua Đường Huyền Tông thương nhớ da diết, ngày đêm đau lòng. Chính vì điều này khiến các nàng tiên cảm động mà giúp đỡ cho nhà vua có thể gặp lại được nàng vào đêm trăng sáng nhất mùa thu. Cũng từ đó vua Đường Huyền Tông chọn ngày trăng tròn nhất của tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ thê tử của mình.

Tại Việt Nam, theo các nhà sử học thì Tết Trung Thu đã có mặt từ rất lâu. Bằng chứng cho thấy là những hình ảnh tết được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Ngoài ra, theo văn bia chùa Đọi có từ thời nhà Lý rằng là Tết Trung Thu là ngày mà vua Lý muốn tạ ơn thần Rồng đã nghe lời thỉnh cầu mà giúp nhân gian thoát cảnh hạn hán, đã ban mưa tưới ướt cho mùa màng bội thu, thế gian ấm no, thái bình.

Ý nghĩa ngày Tết Trung Thu

Theo ông bà xưa, vận mệnh con người gắn liền với các vì sao và vầng trăng. Thủy triều và mưa gió, trăng tròn và trăng khuyết, sum họp hay chia lìa… Sự trọn vẹn, tròn đầy của vầng trăng từ đó được người xưa quan niệm rằng đó là sự đoàn tụ, hạnh phúc viên mãn.

Chính vì lẽ đó, Tết Trung Thu còn được gọi là Tết Đoàn Viên, ngày mà tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau chia sẻ những câu chuyện vui bên mâm cổ cúng gia tiên.

Dưới ánh trăng vàng sáng tỏ hơn thường ngày, mọi người tụ họp uống trà, ăn bánh, làm thơ và ngắm trăng. Đám trẻ nhỏ thì vui đùa với những chiếc lồng đèn nhỏ xinh có cây nến nhỏ bên trong. Những người lớn tuổi thì kể những câu chuyện liên quan đến Trung Thu như: Sự tích chú Cuội cung trăng hay Sự tích Hằng Nga… Tất cả đều mang đến những nét đẹp vô cùng nhân văn trong ngày lễ tết này.

Vì vậy, đoàn viên chính là ý nghĩa của Tết Trung Thu. Ngoài ra, vào ngày này người xưa còn nhìn trăng đoán tương lai vụ mùa. Nếu trăng màu vàng thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, còn trăng màu xanh lục thì ắt sẽ có thiên tai lũ lụt.

Những hoạt động trong ngày Tết Trung Thu

Hình ảnh đám trẻ nhỏ rước lồng đèn khắp xóm là hoạt động thường thấy trong ngày Tết Trung Thu.

1. Các hoạt động vào ngày Tết Trung Thu ở một số nước Châu Á

Ở mỗi quốc gia đều sẽ có những phong tục truyền thống khác nhau để ăn mừng lễ Tết Trung Thu. Ví như ở Trung Quốc thì ngày này được xem như đại diện của sự đoàn viên, người ta sẽ tặng nhau những chiếc bánh trung thu và sum họp bên người thân. Không những thế ở Trung Quốc còn có những hoạt động khác như thả đèn hoa đăng hay tế trăng tùy vào mỗi gia đình.

Hay ở Nhật Bản thì người ta xem Tết Trung Thu như một ngày lễ để ngắm trăng vào mùa thu. Vào ngày này, người dân Nhật Bản sẽ làm một loại bánh từ bột gạo tên là Dango và thưởng thức cùng với trà. Trẻ em ở Nhật đặc biệt sẽ được tặng một chiếc lồng đèn cá chép với ý nghĩa và lời chúc dũng cảm và can đảm, xông pha.

Di chuyển đến đất nước Hàn Quốc, Tết Trung Thu được người dân nơi đây gọi là Chuseok và được xem như một ngày lễ Tạ ơn. Trong ngày lễ này, người Hàn sẽ thường cùng nhau ăn bánh Songpyeon. Ý nghĩa của loại bánh này được biết đến như lời nhắn nhủ rằng “trăng khuyết nào đến đúng kỳ cũng sẽ lại tròn”.

Tết Trung Thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”. Vào ngày này thì người dân cùng nhau cầu nguyện trước Bồ tát Quan Thế Âm và Bát Tiên cho những điều tốt lành sẽ đến với bản thân và gia đình. Bánh trung thu mà người Thái làm vào ngày này được mang hình dạng quả đào với niềm tin vào phước lành, và ăn bưởi với niềm tin về sự viên mãn, ngọt ngào và sum vầy.

2. Các hoạt động vào ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam

Còn ở đất nước Việt Nam xinh đẹp của chúng ta, công việc thường thấy nhất chính biếu nhau những chiếc bánh trung thu đẹp mắt thơm ngon. Trẻ con thì được nhận những món quà mình yêu thích nói chung, và đặc biệt là những chiếc lồng đèn với đa dạng kiểu dáng màu sắc nói riêng.

Hoạt động chính phải kể đến khi nhắc đến Trung Thu chắc chắn là rước đèn. Đó là hoạt động của những đứa trẻ cùng nhau cầm lồng đèn, miệng ngân nga những câu hát về đêm trăng sáng nhất của mùa thu. Chúng sẽ chạy khắp xóm, cùng nhau chơi đùa vô cùng náo nhiệt.

Sau đó không thể kể đến các mâm cỗ hoành tráng. Vào dịp Tết Trung Thu thì mâm cỗ của người Việt khá đầy đủ và chỉn chu, như một hình thức thể hiện thành ý đối với gia tiên. Không quan trọng là cúng mặn hay ngọt nhưng nhìn chung mâm cỗ đêm Trung thu sẽ có rất nhiều hoa quả đặc trưng của dịp này như chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh… và bưởi.

Cuối cùng là loại bánh truyền thống của ngày Tết này, bánh trung thu với hai loại chính là loại bánh nướng và loại bánh dẻo. Nhân của bánh trung thu cũng rất đa dạng như đậu xanh, thập cẩm, trứng muối,…

Không chỉ là ngày các em nhỏ được vui đùa mà Tết Trung Thu còn được xem như một dịp tuyệt vời để mỗi người trong gia đình thể nhắc nhở nhau trở về. Gợi nhắc mỗi chúng ta về những giá trị tốt đẹp mà ngày lễ truyền thống này mang lại.

Qua bài viết này, PGVN hy vọng quý độc giả có thể hiểu rõ hơn về ngày Tết Trung Thu, cũng như những hoạt động thú vị mà chúng ta nên làm trong ngày nay. Hơn hết là nhớ lại những kỷ niệm đẹp thuở bé mà chúng ta dần quên lãng khi trưởng thành.

PGVN

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button