Nghiên cứu

Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Phật đản

Lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha (nhằm ngày 15 tháng tư âm lịch, năm 624 Trước Công Nguyên), một ngày rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo. Vào ngày này rất nhiều Phật tử đi lễ chùa, làm từ thiện và phóng sinh…

Nguồn gốc của ngày lễ Phật đản

Lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tì Ni, tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha. Đức Phật Thích Ca xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca.

Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 TCN (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Bạn đang xem: Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Phật đản

Lễ Phật đản là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tì Ni.
Lễ Phật đản là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tì Ni.

Vì thế, lễ Phật đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Theo Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết Bàn). Ngày Phật Đản hay là lễ Vesak, Tam Hiệp được kỷ niệm vào các ngày khác nhau, tùy theo quốc gia. Tuy nhiên theo Phật giáo Bắc Tông và ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa thì ngày này là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca.

Một số quốc gia với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Phật giáo Bắc Tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Các quốc gia theo Nam Tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 âm lịch hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch.

Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước láng giềng Đông Nam Á theo Phật giáo Nguyên thủy, lễ Phật đản được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha của lịch Phật giáo và lịch Hindu, mà thường rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 của lịch Gregorian phương Tây.

Lễ hội được gọi là Visakah Puja (lễ hội Visakah) hay là Buddha Purnima, Phật Purnima (बुद्ध पूर्णिमा), Purnima nghĩa là ngày trăng tròn trong tiếng Phạn hay là Buddha Jayanti, Phật Jayanti, với Jayanti có nghĩa là sinh nhật ở Nepal và Tiếng Hindi. Thái Lan gọi là Visakha Bucha; Indonesia gọi là Waisak; Tây Tạng gọi là Saga Daw; Lào gọi là Vixakha Bouxa và Myanmar gọi là Ka-sone-la-pyae(nghĩa là Ngày rằm tháng Kasone, cũng là tháng thứ hai trong lịch Myanmar).

Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.

Ý nghĩa và những việc nên làm trong ngày lễ Phật đản

Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia,… Tại Việt Nam, ngày này không phải ngày nghỉ lễ được công nhận chính thức.

Chủ tịch nước dâng hương trong lễ Phật đản
Chủ tịch nước dâng hương trong lễ Phật đản 2016 – Ảnh news.zing.vn

Ở Việt Nam, lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Nhiều người hay gọi ngày Phật đản là “Mùa Phật đản” để hòa chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới mừng ngày Đức Phật ra đời.

Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hóa Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nên được tổ chức long trọng, thu hút rất nhiều người tham gia, kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo.

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Rất nhiều Phật tử phóng sanh cá trong lễ Phật đản để cầu mong bình an
Rất nhiều Phật tử phóng sanh cá trong lễ Phật đản để cầu mong bình an

Hãy sống thiện đối trị các pháp bất thiện, hãy sống thiểu dục, tri túc để đoạn trừ dục vọng. Đó là lời khuyên của Đức Phật. Hãy tìm đến nguồn vui cao cả và bất tận của một nếp sống đạo đức như vậy. Hãy biết nhàm chán những thú vui thấp hèn năm dục, vị ngọt ít, khổ não nhiều; vì như Đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi Bộ, “Thú vui như phân”.

Để tán thán một cách tốt đẹp Đức Bổn sư chúng ta, vào Lễ Phật đản hàng năm, mỗi người con Phật hãy sống một cách có ý thức, sống theo nếp sống chói sáng của đạo đức Phật giáo, sống trong trắng như núi tuyết, như mặt trăng không mây che.

Ai dùng các hạnh lành, Làm xóa mờ nghiệp ác, Sẽ chói sáng đời này, Như trăng thoát mây che” (Kệ 173, Kinh Pháp Cú).

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

PGVN

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button