Nghiên cứu

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Phật dạy rằng: “Thế nào là một con người? Có phải là cố gắng đạt được thành công bằng mọi cách?” Điều này hoàn toàn sai! Nhiệm vụ đầu tiên của con người là hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ là trời đất, cha mẹ đều là chư Phật. Nếu không có cha mẹ bạn sẽ không có cơ thể, và nếu bạn không có cơ thể, bạn không thể trở thành một vị Phật. Nếu bạn muốn trở thành một vị Phật, bạn phải bắt đầu bằng cách hiếu thảo với cha mẹ.”

Hiếu thảo là một phẩm chất cao quý mà tất cả Phật tử đều ghi nhớ và thực hành theo. Chính vì lẽ đó, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm, mọi Phật tử cho dù đang ở đâu cũng đều hướng về ngày lễ vô cùng đặc biệt – ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Vậy ngày lễ Vu Lan là ngày nào? Hãy cùng ngược về quá khứ để tìm hiểu về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này nhé!

Lễ Vu Lan là ngày nào trong năm?

Lễ Vu Lan báo hiếu (tiếng Anh: Ullambana Festival) là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng của đạo Phật nhằm tưởng nhớ đến cha mẹ, tổ tiên đã có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta.

Bạn đang xem: Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Qua nhiều thế kỷ, đến nay ngày lễ Vu Lan đang được đón nhận rộng rãi với ý nghĩa vô cùng nhân văn. Giờ đây lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam, ai cũng có thể tham gia.

Hằng năm, lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch (ngày 15/7 theo lịch âm). Đây là dịp mà con cháu tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, vun đắp thêm tình cảm hiếu lễ, tỏ lòng biết ơn với ông bà tổ tiên đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình. Đây cũng là lễ Tất Trung Nguyên ở Trung Quốc với ý nghĩa tương tự như lễ Vu Lan ở Việt Nam ta.

Nguồn gốc ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan xuất phát sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ .Ông là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, có mẹ là bà Thanh Đề.

Người xưa kể rằng, sinh thời, mẹ của Bồ tát Mục Kiền Liên làm nhiều điều ác, xúc phạm chư Tăng nên khi chết bị đày xuống địa ngục làm con ma đói. Sau khi Mục Kiền Liên tu luyện thành công, ông nhớ tới mẹ của mình đã qua đời nên dùng mắt phép của mình để tìm bà khắp nơi.

Từ mắt phép, ông thấy bà ở dưới thế gian bị hành hạ, đày đọa thành Ngạ quỷ (quỷ đói). Bà bị đói khát, hành hạ vì những việc ác đã làm trong kiếp luân hồi của mình. Đau lòng vì mẹ mình bị đày đọa, ông hóa phép thành thức ăn dâng lên mẹ mình nhưng tất cả thức ăn đó đều bị biến thành lửa đỏ.

Khi ấy, ông đã cầu cứu lên Phật Tổ, chỉ mình cách cứu mẹ, Phật đã dạy ông rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu, chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp nơi mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.

Làm theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên đã cúng dường ngũ quả, hương, dầu, đèn, nến, giường và chăn ga gối đệm cho các thành viên trong Tăng Đoàn và cùng họ cầu nguyện cho linh hồn mẹ ông được giải thoát.

Đức Phật cũng nói với Mục Kiền Liên rằng: “Bằng cách cúng dường như vậy, không chỉ mẹ của ông mà cả tổ tiên, cửu huyền thất tổ cũng sẽ thoát khỏi đau khổ, đạt được phúc lạc và sự cứu rỗi vĩnh viễn”. Nhờ đó, mẹ của Ngài Mục Kiền Liên đã được giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Phật cũng dạy tất cả chúng sanh rằng: “Tất cả mọi người ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách này”. Từ đó, ngày lễ Vu Lan được ra đời và nhân rộng khắp nơi. Theo đó, vào dịp tháng 7 hàng năm, nhiều Phật tử đến chùa tổ chức cúng, dâng vật phẩm để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ mình được mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, hay những ai đã mất có thể được siêu thoát.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp, ý nghĩa không chỉ của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu cha mẹ nói chung của mọi người con hiếu thảo trên khắp đất nước Việt Nam. Ngày lễ này mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái dành một ngày để nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng của phận làm con.

Người con Phật nhận thức sâu sắc lời Phật, mỗi mùa Vu Lan về lại càng nỗ lực hạnh hiếu để báo đáp công ơn của cha mẹ. Bên cạnh đó, thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống của dân tộc Việt Nam. Một phong tục trong ngày lễ Vu Lan là bông hồng cài áo. Đây là nghi thức khởi xướng bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “Bông Hồng Cài Áo” viết năm 1962.

Là một người con Việt Nam, chắc hẳn ai cũng nghe đến câu thơ quen thuộc: “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Công ơn sinh dưỡng của cha mẹ làm sao có thể quên cho được.

Mỗi người sinh ra, lớn lên và trưởng thành, đối với cha mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào, là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất – tinh thần, là kết quả của tình yêu thương, chăm sóc. Công cha – nghĩa mẹ thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam từ ngàn năm nay.

Ngoài ra, là Phật tử, chúng ta nên đề cao lời dạy hiếu thảo của Đức Phật bằng cách hỗ trợ Tăng đoàn. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa và công đức vì nó cho phép Tăng đoàn tu hành không bị chướng ngại và gieo trồng phước báu cho bản thân và tổ tiên.

Ngày nay, lễ Vu Lan được tổ chức bởi các Phật tử trên toàn thế giới. Mặc dù có một số thay đổi nhỏ trong các phong tục và tín ngưỡng nhất định, nhưng các nghi lễ cơ bản vẫn giống nhau.

Bên cạnh việc cầu nguyện cho linh hồn của tổ tiên đã khuất và sự an lành của cha mẹ, mọi người cũng mang theo các lễ vật như thực phẩm, thuốc men và quần áo cho các tăng ni trong các tu viện. Lễ kỷ niệm này là một hành động tạ ơn cộng đồng Tăng đoàn vì những lời chúc phúc và cầu nguyện của họ.

Vào cuối tháng bảy âm lịch nhằm ngày 30, Phật tử Đại thừa trên khắp thế giới tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của Địa Tạng Vương Bồ tát. Lễ kỷ niệm thường diễn ra dưới hình thức một cuộc hành hương đến Điện thờ Địa Tạng, sau đó là tụng niệm danh hiệu của Bồ tát Địa Tạng Vương.

Nguồn gốc và ý nghĩa bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan

Ở Việt Nam ta, trong ngày lễ Vu Lan, ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ để dâng lên bàn thờ tổ tiên với lòng thành kính, thì mỗi người còn cài một bông hoa hồng lên ngực. Bông hồng được xem là vua của các loại hoa, biểu tượng của tình yêu. Bông hồng cài trên ngực để thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất dành cho cha mẹ mình là việc mình nhớ về bậc sinh thành, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Trong ngày lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ hạnh phúc được cài lên ngực một đóa hoa hồng. Vậy nên phải sống thật có hiếu với cha mẹ để cha mẹ được hạnh phúc và tự hào về con của mình.

Còn ai mất mẹ thì được cài lên ngực bông hồng trắng để tưởng nhớ. Đây như một lời nhắc để mọi người nhớ rằng: Để có được như hôm nay là nhờ công ơn của cha mẹ và đừng bao giờ quên công ơn đó. Hãy sống thật tốt để cha mẹ ở bên kia cũng được vui lòng. Dù vậy, cho dù còn mẹ hay không thì lúc này, mỗi người đều dâng lên một tình cảm biết ơn cha mẹ sâu lắng, hết lòng với bổn phận làm con của mình.

Phong trào “Bông hồng cài áo” được Thiền sư Thích Nhật Hạnh phát động để tưởng niệm về công ơn cha mẹ. PGVN xin dẫn lại bài phỏng vấn trên Nguyệt san Giác Ngộ 2006 để quý độc giả hiểu rõ hơn nguồn gốc cũng như ý nghĩa của phong trào này.

Được biết, sau khi tác phẩm ra đời, Thiền sư đã phát động phong trào cài hoa hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được phát động là vào mùa Vu Lan năm nào, tại đâu? Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?

Thiền sư Nhất Hạnh: Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Hồi đó, năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ Giảo Tôn Giáo tại Princeton University, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ.

Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về Văn Hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi đã viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong tôi gửi cho các vị đệ tử của tôi trong đoàn Sinh Viên Phật Tử Sàigon do tôi hướng dẫn.

Bài này gửi qua chị Trương thị Nhiên. Chị Nhiên và đoàn Sinh Viên Phật Tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay ba trăm bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại Học Sài Gòn.

Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hay màu trắng cho người mất mẹ, hay mất mẹ. Rằm tháng bảy năm ấy họ họp nhau lại tại Chùa Xá Lợi, làm Lễ Bông Hồng Cài Áo lần đầu tiên.

Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của đoàn Sinh Viên Phật Tử đã gửi cho Hòa Thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút cho nguyệt san Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Phần. Tập San Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề là Nhìn Kỹ Mẹ. Hòa Thượng Trí Thủ, bổn sư của Hòa Thượng Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động.

Sau đó Bông Hồng Cài Áo được in ra nhiều lần, một số các chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông Hồng Cào Áo. Từ đó, Lễ Bông Hồng Cài Áo đã trở thành một truyền thống.

Tôi không nghĩ là đã có những trở ngại trong khi phong trào được lan rộng. Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả bằng quyển Bông Hồng Cài Áo, in khổ ốm dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu Lan. Quyển sách nhỏ này đã phải tái bản nhiều lần. Năm 1965 đoàn Cải Lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng Bông Hồng Cài Áo và có mời tôi tham dự.

Tại trong nước cũng như tại ngoại quốc, đoản văn Bông Hồng Cài Áo đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.

Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu Lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?

Thiền sư Nhất Hạnh: Lễ Bông Hồng Cài Áo tổ chức tại Làng Mai mỗi mùa Hè kể từ năm 1983 đã làm theo tinh thần Việt Nam, khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người Mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người Cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi Cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi Mẹ còn sống.

Không ít người thắc mắc tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?

Thiền sư Nhất Hạnh: Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose).Và khi Mẹ không còn, Cha không còn thì được cài hoa trắng . Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi Lễ Cài Hoa tưởng nhớ Mẹ Cha. Mẹ Cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ Cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được kể cả hoa lan.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc Bông Hồng Cài Áo từ bài văn của Thiền sư, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng vào sâu trong đời sống văn hóa dân tộc. Xin cho Thiền sư cho biết cảm nhận mình của khi nghe bài hát ấy – lần đầu tiên cũng như bây giờ?

Thiền sư Nhất Hạnh: Phạm Thế Mỹ làm bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra, tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.

Là một người rất quan tâm đến giới trẻ Việt Nam nói riêng và giới trẻ trên toàn thế giới nói chung, Thiền sư có nhắn nhủ điều gì với các bạn trẻ nhân mùa Vu lan năm nay?

Thiền sư Nhất Hạnh: Ngày Lễ Bông Hồng Cài Áo không phải chỉ để tưởng nhớ công ơn Mẹ Cha. Các bạn phải biết thực tập nhìn sâu, tức là thực tập thiền quán trong ngày ấy.

Phải thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp nào mà mình đã tiếp nhận từ Cha và từ Mẹ. Rồi thấy được Cha và Mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình.

Mình là sự tiếp nối của Cha, mình là sự tiếp nối của Mẹ. Và mình mang Mẹ, mang Cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho Mẹ, thở cho Cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của Cha Mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng Hiếu.

Nếu bạn lỡ có những khó khăn với Cha hay Mẹ thì đừng nghĩ cạn là Mẹ không thương, Cha không thương. Có thể những vụng về trong quá khứ về phía Cha Mẹ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy.

Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì Cha Mẹ sẽ khóc hết nước mắt.. Và nếu có gì xảy ra cho Mẹ hay cho Cha thì mình cũng sẽ khóc hết nước mắt. Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau và khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con.

Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức, và do đó đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với Cha và với Mẹ. Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm. Thấy được cái khổ của Cha, của Mẹ, mình tìm cách giúp Cha và giúp Mẹ.

Mình phải biết nói lời hối lỗi đã không giúp được Mẹ Cha mà còn làm cho Cha Mẹ khổ đau thêm. Sử dụng pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập được truyền thông, để dựng lại thâm tình, đó là điều mình có thể làm được. Tôi có nhiều vị đệ tử đã làm được việc đó, người Việt cũng như người ngoại quốc.

Có những người trẻ dại dột đã đi tự tử. Đó là một hành động tuyệt vọng, nhưng cũng là một hành động trừng phạt. Trừng phạt người đã làm mình khổ, trong trường hợp này, đó là những vị sinh thành ra mình.

Ta sinh ra đời để thương yêu, không phải để trừng phạt. Chết như thế là một sự thất bại. Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù.

Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông Hồng Cài Áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu Lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.

Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của Cha, của Mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của Cha, của Mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.

Ta hãy tôn vinh Mẹ, tôn vinh Cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ Cha thờ Mẹ cũng là thờ Bụt. Đây là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Những việc làm ý nghĩa trong ngày lễ Vu Lan

1. Sum họp gia đình

Khi còn nhỏ, chúng ta thường được cha mẹ âu yếm, chăm sóc cho từng chút một. Nhưng khi lớn lên, chúng ta lại càng bận rộn với cuộc sống riêng, công việc mà ít có thời gian ở bên cha mẹ.

Vì vậy Lễ Vu Lan chính là dịp đặc biệt để những thành viên trong gia đình có thể sum họp, quây quần bên gia đình, cùng sum họp, trò chuyện. Đó cũng chính là món quà to lớn nhất, ý nghĩa nhất với cha mẹ. Trong ngày này, bạn có cơ hội nói ra những lời chúc chân thành gửi đến cha mẹ mình. Trở về bên cha mẹ, chăm sóc thật tốt cho cha mẹ.

2. Đi chùa cầu an

Lễ Vu Lan là một trong những lễ lớn hằng năm của Phật giáo, vì vậy vào ngày này các chùa đều tổ chức hoành tráng với nhiều chương trình hấp dẫn và ý nghĩa. Đi chùa cầu an cho cha mẹ mình vào ngày này cũng là một trong những việc để bạn bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ mình.

Còn gì ý nghĩa hơn nếu trong ngày lễ Vu Lan, bạn có thể đi chùa cầu an cùng với gia đình của mình. Hãy cầu chúc cho cha mẹ luôn được mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc. Nếu cha mẹ đã rời khỏi trần thế, hãy xin cho cha mẹ mình được an nghỉ nơi suối vàng.

3. Mua quà tặng cha mẹ

Tặng quà cũng chính là một hành động thiết thực để bày tỏ lòng hiếu thảo với đấng sinh thành. Tùy vào hoàn cảnh, bạn có thể mua món quà phù hợp để tặng cha mẹ. Tuy nhiên, đối với cha mẹ, thì sự chân thành như một bức thư, một bữa cơm cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn với cha mẹ mình rồi.

Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn hiểu hơn về ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Những ai còn cha mẹ có thể đối xử tốt, hiếu thảo với cha mẹ của mình. Với những ai cha mẹ đã đi xa, cũng có thể nhân ngày lễ này mà cầu nguyện cho cha mẹ mình được yên nghỉ nơi suối vàng. Đây là phong tục lễ nghi truyền thống của người dân Châu Á.

PGVN

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button