Nghiên cứu

Nhất Thiết Duy Tâm Tạo là gì? Ý nghĩa của câu Nhất Thiết Duy Tâm Tạo

Trong kinh Hoa Nghiêm có câu nói được cho là lời dạy của Đức Phật dành cho các môn đệ của mình là “Nhất thiết duy tâm tạo. Câu nói này thường được hiểu theo nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng đều do tâm tạo thành.

Từ căn bản của tâm chủ động ấy, người tu theo Hoa Nghiêm nỗ lực vận dụng các phương pháp tu tập để điều chỉnh và chuyển đổi tâm theo hướng tích cực, nhằm kinh nghiệm hạnh phúc, bình an trước sự tác động và thay đổi của mọi thứ.

Khi còn trên ghế nhà trường, chúng ta đã nghe rất nhiều về câu nói “Vật chất quyết định ý thức” trong triết học Mác-Lênin rồi phải không? Triết học Mác-Lênin khẳng định trong mối quan hệ giữa vật chất và ý thức thì vật chất quyết định ý thức, ý thức có tính độc lập tương đối và tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.

Bạn đang xem: Nhất Thiết Duy Tâm Tạo là gì? Ý nghĩa của câu Nhất Thiết Duy Tâm Tạo

Vật chất là tiền đề, nguồn gốc cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của ý thức. Điều kiện vật chất như thế nào thì ý thức như thế đó. Vật chất biến đổi thì ý thức biến đổi. Vật chất là điều kiện để biến ý thức thành hiện thực.

Thị Nở là một người phụ nữ xấu và ai cũng công nhận điều đó. Vậy tại sao lại nói tất cả là do tâm tạo ra, xấu hay đẹp, hạnh phúc hay đau khổ đều do tâm? Việc Chí Phèo yêu Thị Nở và thấy cô ấy là người đẹp nhất có phải là do tâm Chí Phèo cảm thọ như thế hay chỉ là sự chấp nhận số phận, sự can thiệp của lý trí của một người cũng chả khả quan hơn!

Bản chất của lửa là nóng và băng thì lạnh, nếu ai tiếp xúc với lửa thì sẽ đau đớn khó chịu. Vậy tại sao lại nói sự nóng của lửa, nỗi đau khi tiếp xúc với lửa chỉ là do tâm tạo ra thôi?

Vật chất quyết định ý thức” và “Nhất thiết duy tâm tạo” có một sự mâu thuẫn to lớn!

Ý thức là sự phản ánh năng động, sáng tạo thế giới khách quan của bộ não con người, là hình ảnh chủ thể của thế giới khác quan. Một số nhà họa sĩ cho rằng, chúng ta không thể vẽ cái chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy!

Nhưng trong dân gian ta lại có câu “Người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ!” Tại sao khi chúng ta buồn thì cảnh vật chúng ta nhìn thấy cũng sầu bi, ảm đạm theo? Mình buồn thì thấy cái gì cũng buồn, cái gì cũng vô nghĩa, cái gì cũng không hạnh phúc.

Phiền não trong tâm gây ra trở ngại cho việc nhận thức rõ ràng những sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta. Khi những tạp chất phiền não được loại bỏ, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về vạn pháp.

Khi sự yêu thương trở về, sự bình an trở về thì chúng ta sẽ nhìn mọi thứ trước đây mà chúng ta thù hận, tránh né sẽ dễ dàng chấp nhận, tha thứ. Cho nên cái thấy của chúng ta tùy thuộc vào tâm của chúng ta.

Mỗi ngày đi làm về, con chó thân yêu quấn quýt dưới chân bạn và bạn rất vui vì điều đó. Một buổi chiều nọ, bạn trở về nhà và chú chó thân yêu lại quấn quýt dưới chân bạn. Nhưng trong một tâm trạng mệt mõi vì áp lực công việc, vì vừa cãi nhau với người yêu, bạn tức giận đá con chó sang một bên vì nó làm phiền bạn. Tại sao chúng ta lại cảm nhận khác nhau với cùng một hành động?

Khoa học vào giữa thế kỷ thứ 19 đã đưa ra một nhận xét: “Thế giới mà chúng ta đang nhìn nó hiện lên đúng với trình độ chúng ta đang có.” Nghĩa là chúng ta không bao giờ tiếp xúc được với bản chất thật của thực tại một cách chính xác như chúng đang là. Bởi vì trình độ của con người, một người còn Tham-Sân-Si không thể cảm nhận được bản chất thật của vạn pháp.

Có người cho rằng, câu nói “Nhất thiết duy tâm tạo” không phải là lời dạy của đức Phật mà là của phái thiền Đốn Ngộ bị ảnh hưởng bởi Tâm học Trung Hoa. Mọi sự vật sự việc đều do tâm tạo thành chứ không phải là cái khách thể bên ngoài mà ta nhìn thấy, cảm nhận được.

Câu “Nhất Thiết Duy Tâm Tạo” có phải của đạo Phật không?

Câu nói “Nhất thiết duy tâm tạo” hay “Vạn pháp duy tâm tạo” không có nghĩa là tất cả đều do tâm tạo ra, nhưng tất cả những gì mà chúng ta nhìn thấy, nghe, ngữi, nếm, xúc chạm đưa vào ý thức (tâm) đều trở thành khái niệm. Cho nên Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) đều là biểu hiện của thái độ tâm đối với thực tại.

Ví dụ, đối tượng A qua tâm Dục ái thì thấy thành tướng Dục giới, qua tâm định Hữu Sắc thấy thành tướng Sắc giới, qua tâm định Vô Sắc thấy thành tướng Vô sắc giới. Còn tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng thì thấy đó là Niết-bàn.

Một ví dụ khác, một người không chịu được độ cay của ớt thì nói ớt cay quá nhưng người khác thì thấy bình thường. Một bản nhạc hay tuyệt đỉnh so với người này nhưng lại nhàm chán so với người khác…

Cho nên, đối tượng A vẫn là A, không phải do tâm tạo, nhưng tùy căn cơ trình độ tâm của mỗi người mà thấy khác nhau, nên người ta mới nói do tâm tạo ra thôi.

Thật ra, pháp tự nhiên như đất, nước, lửa, gió vốn không do tâm tạo, tâm chỉ tạo qua nhận thức của tưởng và tư chủ quan nơi mỗi người mà pháp trở thành tướng do tâm tạo. Do đó, ý tượng và ý tưởng của mỗi người khác nhau đối với cùng một sự vật, hiện tượng.

Ý nghĩa câu nói “Nhất thiết duy tâm tạo” là như thế chứ không nên hiểu vạn pháp đều do tâm tạo ra theo chủ nghĩa Duy Tâm.

Khi tâm hoàn toàn tĩnh lặng, tinh khiết không còn tạo tác nữa tức là “không sinh, không hữu, không tác, không thành” thì pháp được trả về cho sự tịch tịnh của nó, lúc đó cả tâm lẫn pháp đều là Niết bàn. Niết bàn là thoát khỏi mọi tạo tác hình thành Tam giới.

Tam giới được hình thành qua tâm thức nên mới có câu “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” câu này có vẻ rõ hơn là nói “Nhất thiết duy tâm tạo” dễ đưa đến hiểu lầm thành chủ nghĩa Duy Tâm, Duy Linh của phương Tây.

Đạo Phật không phải là tôn giáo theo chủ nghĩa duy tâm nhưng tại sao Thiền tông lại được gọi là Tâm tông?

Đạo Phật không phải là một tôn giáo, cũng không phải chủ thuyết Duy Tâm hay Duy Vật gì cả. Đạo Phật thấy pháp tướng do duyên sinh từ pháp tánh bất sinh. Tâm và vật tương tác mà thành pháp duyên khởi qua tiến trình vận hành tâm-sinh-vật lý.

Trong đó có cả tâm lý, sinh lý và vật lý mà mỗi yếu tố đóng vai trò chính tuỳ theo trường hợp chứ không có cái nào là duy được cả. Khi nói duy là đã trở thành nhị nguyên rồi, không còn là sự tồn tại bất nhị trong duyên khởi nữa. Thiền Tông đôi lúc được gọi là Tâm Tông vì trong giác ngộ, tâm đóng vai trò chính chứ không nên hiểu đó là chủ nghĩa Duy Tâm.

Thiền là không lệ thuộc vào tầm nhìn của sáu thức mà phản ánh trung thực vạn pháp qua Tánh Biết rỗng lặng trong sáng (Pabhassara Citta), trả pháp về với thực tánh chân thật như nó đang là, chứ không tưởng là, cho là, phải là, sẽ là của “tướng do tâm tạo.”

Nếu khi chết mà tâm chúng ta sáng suốt, thuần khiết thì chúng ta sẽ thấy niết bàn?

Không cần đến lúc chết thì mới có thể nhìn thấy, cảm nhận được Niết bàn. Niết bàn hay địa ngục đều là thái độ của tâm chúng ta đối với cuộc sống này. Không phải là chúng ta làm cái gì đó, để đi đến một nơi gọi là Niết bàn nằm ở đâu đó! Ở đây là Niết bàn, ở đây là địa ngục hoặc ở đây là súc sanh, ở đây là ngạ quỷ hay thiên đàng.

  • Ở đây và ngay bây giờ, nếu chúng ta có một cái tâm sáng suốt hoàn toàn vô ngã vị tha thì đó là tâm Phật, tâm Bồ tát.
  • Nếu chúng ta hoàn toàn thanh tịnh giải thoát thì đó là tâm A la hán.
  • Nếu chúng ta hoàn toàn thuận pháp thì đó là tâm Tu Đà Hoàn.
  • Nếu chúng ta hiền thiện vui vẻ thanh thoát thì đó là tâm các cõi trời.
  • Nếu chúng ta sống đâu đó đàng hoàng có tình có lý thì đó là cõi người.
  • Nếu chúng ta sống chỉ biết có ăn có ngủ chỉ biết hưởng thụ thôi thì đó là súc sinh.
  • Nếu chúng ta mỗi ngày chỉ biết khao khát cái này khao khát cái kia, mong muốn cái này, mong muốn cái nọ thì đó là tâm ngạ quỷ.
  • Nếu chúng ta muốn quyền hành, ở trong nhà thì muốn là gia trưởng, ra ngoài thì muốn điều khiển mọi người thì đó là tâm A tu la, hễ ai không nghe lời mình thì mình nổi sân.
  • Nếu chúng ta sống trong hận thù, giả dối, tàn bạo thì đó là địa ngục.

Do đó, thái độ của chúng ta đối với thực tại này như thế nào thì chúng ta sẽ cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ tương ứng. Chúng ta có nhiều sự lựa chọn, đó là quyền tự do của mỗi người.

Kết luận

Thầy Thích Minh Niệm nói rằng: “Tâm chúng ta như thế nào thì chúng ta nhìn lên mọi thứ xung quanh thực tại như thế ấy. Vậy thì khi tâm chúng ta bình an, chúng ta sẽ thấy mọi thứ đều ổn. Khi tâm chúng ta bất ổn, lộn xộn, căng thẳng, giận hờn, nghi ngờ, sợ hãi…thì chúng ta sẽ nhìn mọi thứ đều bất an, đều có vấn đề”.

Tại sao khi chúng ta buồn thì mọi thứ chúng ta nhìn đều sầu bi? Nhưng chúng ta buồn vì điều gì? Chúng ta buồn vì những tác động bất như ý của ngoại cảnh: Buồn vì công việc không thuận lợi, buồn vì mất người yêu, buồn vì tờ vé số chỉ an ủi mà không trúng độc đắc…Vật chất quyết định ý thức trong đa số trường hợp.

Hổ là một loài động vật nguy hiểm, vậy nếu tâm chúng ta bình an thì khi đi vào chuồng hổ tâm có bị xao động không, tâm sợ hãi có nổi lên không? Vạn pháp duy tâm tạo, vậy nếu chúng ta nghĩ con hổ không nguy hiểm thì nó có cắn chúng ta không? Tâm chúng ta nghĩ lửa mang lại cảm giác thư thái thì khi tiếp xúc sẽ như thế nào?

Tâm không sinh thì pháp diệt, nhưng tâm con người lại luôn sinh khởi. Nếu tâm không sinh mà lại rơi vào tình trạng vô giác – vô tri thì ngồi yên suốt một kiếp cũng không được gì, vì đã biến đổi con người có tri giác trở thành vô giác vô tri. Người tu phạm sai lầm này trong nhà Thiền gọi là than nguội, củi mục, không lợi ích gì cho cuộc đời.

Tiếp xúc thì tâm sanh khởi. Không tiếp xúc thì thành vô giác vô tri. Hai thái cực sống này đều không đúng. Vì cuộc đời tu hành của Đức Phật đã cho chúng ta thầy rằng, Ngài không ngồi dưới cây Bồ đề để thành vô giác vô tri, và trên bước đường giáo hóa độ sanh, Đức Phật cũng không lăn xả vào đời để bị phiền muộn, khổ đau.

Đức Phật khẳng định rằng, vạn vật đều không đáng sợ, không đáng ghét như chúng ta thường nghĩ. Việc từ bỏ mọi thứ để tìm nơi lẩn tránh tác động của nó là một quan niệm sai lầm. “Nhất thiết duy tâm tạo” là một phương pháp rèn luyện tâm, giúp chúng ta tránh rơi vào trạng thái tiêu cực của tâm, khiến cả mình và đối tượng đều chịu đau khổ.

Một vị giác ngộ với tâm sáng suốt sẽ thấy rõ chân tướng thật của vạn vật như chúng đang là, từ đó, họ sẽ hành động theo cách tích cực nhất để bản thân và đối tượng đều được hưởng lợi lạc.

PGVN – Theo coinguonhanhphuc.blogspot.com

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button