Nghiên cứu

Những chướng ngại trong thực hành thiền

Những chướng ngại trong thực hành thiền Phật giáo là 5 trạng thái tinh thần xuất hiện cản trở chúng ta chánh niệm. Tiếng Pali là Panca-Nivaranani, panca có nghĩa là năm, và nivaranani có nghĩa là che phủ hoặc áp đảo.

Chúng ta có thể hiểu theo nghĩa là 5 chướng ngại bao phủ hoặc áp đảo chánh niệm. Những rào cản này có thể phát sinh riêng biệt, hoặc cùng nhau trong cái được gọi là “cuộc tấn công nhiều trở ngại”.

Trong đạo Phật Nguyên Thủy, những chướng ngại được xem là những thử thách để đạt Jhanas (những trạng thái hấp thụ trong thiền), hoặc tập trung đúng. Đức Phật nói rằng, khi những trở ngại hiện diện, để mang lại nhận thức cho chúng, chỉ cần nhận thức được sự hiện diện của một trở ngại và nhìn thấy bản chất của nó, chúng ta có thể làm suy yếu sức mạnh của nó đối với chúng ta.

Bạn đang xem: Những chướng ngại trong thực hành thiền

Sau đây là những chướng ngại trong thực hành thiền:

  1. Khát vọng hay Ái dục (Kamacchanda)
  2. Sân hận (Vyapada)
  3. Hôn trầm: Lười biếng hoặc buồn ngủ (Thina-middha)
  4. Sự bồn chồn và lo lắng (Uddhacca-kukkucca)
  5. Sự không chắc chắn hoặc hoài nghi (Vicikiccha)

Với mọi trở ngại, bước đầu tiên là nhận ra nó, thừa nhận nó, và hiểu rằng bạn là một trong những yếu tố làm cho nó “trở nên thật hơn”.

Chúng được gọi là “những chướng ngại” bởi vì chúng cản trở và bao trùm tâm trí bằng nhiều cách, cản trở sự phát triển chánh niệm. Theo giáo lý của Phật giáo, phát triển tâm linh là hai chiều bổ trợ cho nhau: Thông qua sự tĩnh lặng (Thiền Định: Samatha Bhavana) và thấu suốt (Thiền Quán Tứ Niệm Xứ: Vipassana Bhavana). Sự tĩnh lặng đạt được bởi sự tập trung sâu sắc của tâm trong suốt thời gian hấp thụ thiền. Để đạt được sự hấp thụ này, việc vượt qua năm trở ngại, ít nhất là tạm thời, là điều kiện ban đầu.

Do đó, phần thưởng của cuộc chiến chống lại những chướng ngại không chỉ giới hạn trong việc làm cho thời thiền lâu hơn, mà mỗi bước làm suy yếu những trở ngại này sẽ đưa chúng ta đến gần với các giai đoạn của sự giác ngộ trọn vẹn.

Làm thế nào để chúng ta vượt qua 5 trở ngại trong việc hành thiền?

Bài tiểu luận sau đây được gọi là “Thực hành với năm trở ngại” chứ không phải là “Cách thoát khỏi năm trở ngại”, bởi vì thực hành với chúng là chìa khóa để vượt qua chúng. Cuối cùng, những trở ngại là những trạng thái mà bạn tạo ra cho chính mình, nhưng cho đến khi bạn nhận ra điều này, cá nhân chúng sẽ là một vấn đề cần phải hiểu rõ.

1. Ái dục (Kamacchanda)

Chướng ngại đầu tiên là Ái dục. Kamacchanda có nghĩa là mong muốn bất cứ điều gì để làm thỏa mãn 5 giác quan vật lý và tinh thần (thị lực, khứu giác, xúc giác, vị giác, cảm giác và suy nghĩ). Nó thường bao gồm mong muốn một trải nghiệm thú vị, có thể là thức ăn, giấc ngủ, một tư tưởng, giới tính…Dục vọng là một trong những nguyên nhân chính gây ra đau khổ và là một trở ngại phổ biến trong việc thực hành thiền của nhiều người.

Nó cản trở chánh niệm khi chúng ta bị cuốn theo các dục vọng, tạo ra khổ đau trong cuộc sống và các thực hành tâm linh khác.

Nếu bạn đã tìm hiểu về Tứ Thánh Đế, bạn biết rằng, chấm dứt tham ái là cánh cửa để giác ngộ. Có nhiều loại dục vọng khác nhau, từ việc khao khát sở hữu một cái gì đó bạn nghĩ sẽ làm cho bạn hạnh phúc (lobha), với tham ái chung sinh ra do hiểu nhầm rằng chúng ta tách biệt với mọi thứ khác (tanha, hay trishna bằng tiếng Phạn).

Khát vọng giác quan đặc biệt phổ biến trong một khóa thực tập thiền. Nó có thể có nhiều hình thức, từ ham muốn tình dục, thức ăn, âm thanh thú vị…

Thuốc giải độc cho cảm giác ham muốn

Cũng giống như tất cả những trở ngại, Đức Phật gợi ý rằng, chúng ta biết khi nó có mặt và biết khi nào nó không còn nữa. Chúng ta phải biết nó phát sinh như thế nào, nó ngừng như thế nào, và làm thế nào để giữ nó không phát sinh trong tương lai. Điều này có thể áp dụng cho tất cả những trở ngại, như Đức Phật đề cập đến trong kinh Tạng Niệm Xứ (Satipatthana Sutta).

Với mong muốn gợi dục, có một số thuốc giải độc chuyên biệt. Thứ nhất, chúng ta có thể bảo vệ các cánh cửa giác quan. Điều này có nghĩa là chúng ta không đi ra ngoài theo đuổi suy nghĩ, âm thanh, cảm xúc…Hãy để mọi thứ đến tự nhiên, nhưng không theo đuổi những thứ đó.

Thứ hai là thực hành tập trung. Một điều nghịch lý là sự tập trung có thể đóng vai trò như một loại thuốc giải độc cho cái gì đó cản trở sự tập trung, nhưng nó là sự thật. Thông qua tập luyện chánh niệm, chúng ta tập trung tâm trí vào một đối tượng rõ ràng hơn, tránh cho nó đi lang thang nhiều.

Chúng ta có thể ghi nhận ham muốn hay chấp trước bằng chánh niệm cho đến khi nó biến mất. Chánh niệm là chìa khóa cho điều này. Một cách khác, ta có thể tỏa năng lượng từ bi bằng hình thức thiền Metta cho tất cả chúng sinh trong một thời gian ngắn để bù đắp cho sự dính mắc.

2. Sân hận (Vyapada)

Chướng ngại thứ hai là Sân hận, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra đau khổ trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường phát sinh những ý niệm tiêu cực để đáp lại những suy nghĩ và cảm giác khiến chúng ta khó chịu. Đây là một nguyên nhân chính gây ra khổ đau trong cuộc sống, và chúng ta nên làm việc để mang lại nhận thức cho tiến trình này.

Hầu hết thời gian, chúng ta tức giận vì ai đó đã va vào “bộ giáp” của mình. Bước đầu tiên để kiểm soát cơn giận là thừa nhận rằng nó ở đó, bước thứ hai là thừa nhận rằng nó được sinh ra bởi sự thiếu hiểu biết và niềm tự hào về “bản ngã” của chúng ta.

Thuốc giải độc cho sân hận

Đắm mình trong sự tức giận với người khác là một trở ngại rõ ràng, và thuốc giải độc là nuôi dưỡng từ bi, lòng vị tha. Thiền Metta là một trong những phương pháp mà Đức Phật đề xuất như là một thuốc giải độc đặc trưng cho sự tức giận. Những phẩm chất khác như karuna (bi mẫn), mudita (niềm vui đồng cảm) và upekkha (sự thăng hoa).

Thuốc giải độc tuyệt vời cho sự tức giận là thực hành từ bi. Trong thực hành Metta, chúng ta mang lại một sự thân thiện nhẹ nhàng cho những kinh nghiệm tức giận của mình. Nó giúp chúng ta kiểm soát ác tâm đối với người khác, bản thân, các sự kiện, suy nghĩ, và bất cứ thứ gì mà chúng ta áp dụng. Thực hành từ bi thực sự là thuốc giải độc được sử dụng nhiều nhất cho sân hận, nhưng bạn cũng có thể suy nghĩ về Luật nhân quả, những nghiệp xấu được tạo ra bởi thù hận…Do đó, Hãy tự hỏi mình, Bạn giận dữ để làm gì?

3. Hôn trầm (Thina-Middha)

Chướng ngại thứ ba là Hôn trầm, và thường được dịch là lười biếng hay chán chường. Rất nhiều người mới bắt đầu ngồi thiền bị hôn trầm, họ thường có cảm giác buồn ngủ hoặc u sầu trong các buổi thực tập thiền. Nó có thể là kết quả của việc thiếu ngủ, ăn quá nhiều, ăn những thực phẩm có chứa chất gây thư giãn cơ thể, một tâm trí lơ lửng hoặc nhiều nguyên nhân khác.

Buồn ngủ là điều mà nhiều người hành thiền đang phải đối mặt, đặc biệt là khi mới bắt đầu vào khóa tu. Nó có thể là một trong những trở ngại dễ nhận thấy nhất trong thực tế, và chúng ta phải đấu tranh với nó rất nhiều. Nguyên nhân có thể nằm trong tâm trí hoặc trong cơ thể, tạo ra cảm giác mệt mỏi, lười biếng hoặc một cảm giác chán ngắt không thể tiếp tục hành thiền.

Thuốc giải độc cho hôn trầm – buồn ngủ

Sự buồn ngủ trong khi thiền diễn ra với tất cả chúng ta. Kinh điển Pali Tipitika ghi lại rằng, ngay cả một trong những đệ tử chính của Phật, Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) cũng phải vật lộn với việc buồn ngủ trong lúc thiền tuệ. Lời khuyên của đức Phật đối với Maudgalyana được đưa ra trong kinh Capala Sutta (Anguttara Nikaya, 7.58), hoặc bài thuyết pháp của Đức Phật về hôn trầm.

Lời khuyên của Đức Phật là chú tâm đến những suy nghĩ mà bạn đang theo đuổi khi bạn cảm thấy buồn ngủ, và tránh hướng tâm trí của bạn ở nơi khác. Ngoài ra, bạn có thể thử kéo dái tái của mình, rửa mặt hoặc chuyển sang thiền định. Cuối cùng, hãy dừng thiền và đi ngủ.

Nếu bạn cảm thấy ít năng lượng, hãy tìm ra nguyên nhân, có thể là về thể chất hoặc tâm lý. Tất nhiên, chúng ta có thể mang lại nhận thức cho trở ngại này khi nó nảy sinh. Đức Phật cũng đã đưa ra một số gợi ý cho những lúc lười biếng và mệt mỏi trong lúc thực hành: Mở mắt ra, nhìn về phía ánh sáng, rửa mặt hoặc đứng trong lúc thiền.

Đó là một cách tuyệt vời để giữ cho tâm trí tỉnh táo. Bạn cũng có thể chuyển sang một thực hành thiền đi bộ. Hãy nhận biết những gì gây ra trở ngại này. Ăn quá nhiều, thiếu ngủ hoặc bạn đã ăn gì vào ngày hôm qua…là một trong những nguyên nhân dẫn đến hôn trầm trong lúc thiền.

Tâm trạng mệt mỏi có thể đi kèm với sự an lạc thường khiến người hành thiền rơi vào giấc ngủ sâu. Do đó khi chánh niệm suy yếu, chúng ta phải cung cấp năng lượng tích cực bằng việc kích thích hoan hỷ.

Ví dụ, Bạn có thể đọc vài mẫu chuyện vui trước khi bước vào buổi thực tập thiền của bạn. Nhiều người thấy hữu ích khi chuyển sang thực hành thiền Mudita khi gặp trở ngại này.

4. Bồn chồn và lo lắng (Uddhacca-Kukkucca)

Chướng ngại thứ tư là tình trạng bồn chồn và lo lắng. Đây là trạng thái “tâm trí khỉ”, có quá nhiều năng lượng cần giải phóng. Chúng ta có thể cảm thấy bồn chồn trong cơ thể, thường ở ngực hoặc chân tay. Phần tinh thần xuất hiện thường xuyên như một tâm trí căng thẳng, một tâm trí khởi phát nhanh chóng, hoặc một tâm trí bận tâm về tương lai. Sự bồn chồn và lo lắng ngăn không cho tâm trí và cơ thể lắng xuống, khiến chúng ta không thể tập trung trong lúc hành thiền.

Sự bồn chồn liên quan đến một cái trí giống như một con khỉ, nó luồn lách, di chuyển vào nhánh tiếp theo, không bao giờ có thể ở lâu với bất cứ điều gì. Nó được gây ra bởi trạng thái lầm lạc của tâm, không thể thỏa mãn với những thứ ở hiện tại, vì thế, nó tìm kiếm một cái gì đó tốt hơn.

Sự cản trở này có nhiều hình thức như: Lo lắng, hối hận, cảm thấy sốt ruột. Thiền với trạng thái tâm trí bồn chồn có thể rất khó chịu.

Bồn chồn và lo lắng phát sinh do thiếu chánh niệm. Nếu chúng ta có đủ chánh niệm cơ bản, chúng ta sẽ có thể quan sát thấy trạng thái bồn chồn hoặc những tư tưởng không liên đới khi chúng phát sinh. Vì vậy, ngay cả khi tâm trí của chúng ta đi lang thang, chúng ta sẽ sớm nhận thức được nó. Chúng ta nên làm cho nó một điểm để lưu ý những suy nghĩ ngay khi nó đã nảy sinh, sau đó trở lại trạng thái định.

Thuốc giải độc cho buồn chồn – lo lắng

Dù bạn làm gì, đừng cố gắng đẩy sự lo lắng ra khỏi tâm trí. Thay vào đó, một số giáo viên đề nghị tưởng tượng cơ thể của bạn là một thùng chứa. Sau đó, chỉ cần quan sát sự bồn chồn lướt đi một cách tự do, đừng cố tách ra khỏi nó, và đừng cố kiểm soát nó.

Sự bồn chồn được khắc phục bằng cách phát triển sự mãn nguyện, điều này trái ngược với việc tìm kiếm lỗi. Người hành thiền học cách hài lòng với những gì ở hiện tại, chứ không phải luôn muốn nhiều hơn. Một người biết ơn cho thời điểm này, hơn là tìm ra những thiếu sót của nó.

Chẳng hạn như, trong lúc hành thiền, chúng ta thường thiếu kiên nhẫn và mong muốn phát triển nhanh lên các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, các giai đoạn cao hơn chỉ đạt khi chúng ta có kinh nghiệm sâu sắc với những trạng thái ở hiện tại. Đó là khi sự hài lòng chín muồi, người hành thiền sẽ tiến lên giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, hãy cẩn thận về việc “muốn làm quen với nó” và thay vào đó là hãy học cách nghỉ ngơi trong sự hài lòng ở hiện tại.

Những người bị lo lắng mãn tính hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể thấy thiền là điều không thể thực hiện. Trong một số trường hợp, chúng ta cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ tâm lý trước khi bắt đầu một khóa thực tập thiền.

Các thuốc giải độc được cung cấp trong kinh điển cho trở ngại này là khá đa dạng. Xin tư vấn từ những người có kinh nghiệm, tập luyện tập trung và phát triển sự thanh thản. Thực hành chánh niệm giúp ích cho việc phát triển trạng thái thanh bình, tập trung và không lo lắng nữa. Bạn cũng có thể thử thiền đi bộ, điều này tiết ra một số năng lượng bổ sung một cách khéo léo.

5. Hoài nghi (Vicikiccha)

Chướng ngại thứ năm là sự nghi ngờ. Nghi ngờ có thể đi theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta có thể nghi ngờ giáo lý, nếu chúng ta thực hành đúng, giáo viên của chúng ta, hoặc trải nghiệm của chúng ta. Nó có thể nảy sinh với một ngụy trang làm chúng ta tin tưởng vào suy nghĩ của mình. Khi tâm trí cố gắng tìm ra một số khía cạnh của thực hành, nghi ngờ thường xuất hiện. Đây là một trở ngại nguy hiểm vì nếu không được chú ý, nó có thể khiến chúng ta từ bỏ con đường hành thiền.

Một người đàn ông đi qua sa mạc, nghi ngờ rằng mình có thể bị kẻ cướp lấy hết tài sản, do đó, tâm trí lúc nào cũng lo lắng và sợ hãi khi cứ nghĩ: “Bọn cướp đang đến!” Anh ta bước đi vài bước, và sau đó vì sợ hãi, anh ta sẽ dừng lại và tiếp tục nghi ngờ: “Con đường mình đang đi có an toàn không?” Do đó, nếu sự hoài nghi lập lại nhiều lần, anh ta có thể quay lại và không tiếp tục con đường đó.

Nghi ngờ đề cập đến các câu hỏi bên trong gây lo ngại vào thời điểm khi chúng ta bắt đầu tiến sâu hơn. Nghi ngờ có thể đặt câu hỏi về khả năng của mình: “Tôi có thể làm được điều này?” Hoặc đặt câu hỏi về phương pháp “Đây có phải là cách đúng đắn không?”…Cần nhớ rằng, các câu hỏi như vậy là những trở ngại cho thiền vì chúng bị hỏi sai thời điểm và do đó trở thành một sự xâm nhập, che giấu sự nhận thức rõ ràng của một người.

Thông thường chúng ta trở nên nản lòng khi kinh nghiệm thực tế không được như kỳ vọng. Sức mạnh của thực hành sẽ suy yếu dần. Một thời thiền đầu có thể sâu, nhưng những lần kế tiếp có thể gây đau đớn và bực bội.

Khi chúng ta nói về sự không chắc chắn, về những gì chúng ta không chắc chắn? Chúng ta nghi ngờ về phương pháp thực hành? Giáo viên? Hay chúng ta? Cách chữa trị có thể phụ thuộc vào câu trả lời.

Thuốc giải độc cho hoài nghi

Nghi ngờ chính nó cũng không tốt hay xấu. Đừng bỏ qua nó hoặc tự nói với mình rằng bạn “không nên” nghi ngờ. Thay vào đó, hãy cởi mở với những nghi ngờ của bạn đang cố gắng nói với bạn.

Để đối phó với nghi ngờ, một thiền giả khéo léo sẽ thu thập những lời hướng dẫn, trải nghiệm những điều đó một cách cẩn thận và kiên nhẫn, xem xét cuối cùng để khám phá ý nghĩa của nó. Thật hữu ích khi nói chuyện với người có lòng tin vào Đức Phật và những lời dạy của Ngài. Tuy nhiên, sự nghi ngờ chỉ có thể được khắc phục thực sự bằng cách thực hành giáo lý của Đức Phật và bằng cách khám phá ra chân lý cho chính mình.

Sự kết thúc hoài nghi trong thiền được mô tả bởi một cái trí có niềm tin trọn vẹn trong sự im lặng, và do đó không can thiệp vào bất kỳ bài phát biểu nội tâm nào. Giống như có một tài xế tốt, mọi người ngồi lặng lẽ trên hành trình vì họ tin tưởng vào người lái xe.

Hoài nghi về phương pháp thực hành thiền có thể nảy sinh do thiếu hiểu biết về các giáo lý của Phật giáo…Ở đây, chúng ta phải lưu ý một nghi vấn “hoài nghi” cho đến khi nó được đặt sang một bên. Một cách khác là phản ánh lại lợi ích của thiền từ bi và nguy cơ tức giận. Nếu chúng ta cố gắng đủ mạnh thì chúng ta sẽ tiến bộ và nghi ngờ cũng có thể gạt sang một bên. Có một hướng dẫn kinh nghiệm trong tay để làm rõ những nghi vấn của một người về thực hành là rất quan trọng.

Thuốc giải độc cho nghi ngờ chỉ đơn giản là nhận diện nó, như với những chướng ngại khác. Điều này có thể làm nó suy yếu. Chúng ta cũng có thể tập luyện niềm tin, phản ánh những lợi ích của việc thực hành trong chính chúng ta hoặc những người khác xung quanh. Khi bạn bị mắc kẹt trong suy nghĩ cố gắng tìm ra một cái gì đó hoặc lý do với chính mình, kiểm tra xem có nghi ngờ xuất hiện.

PGVN – Theo thoughtco.com – oneminddharma.com

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button