Nghiên cứu

Những quan niệm sai lầm về Phật giáo

Mọi người thường ngộ nhận nhiều điều về Phật giáo. Họ nghĩ rằng, giác ngộ như một dạng “siêu năng lực” được khai mở khi một người bị sét đánh hay chấn thương…hoặc nếu điều gì đó xấu xảy ra với bạn, thì đó là kết quả của những gì mà bạn đã làm trong quá khứ. Mọi người tưởng rằng tất cả nhà sư đều ăn chay…

Thật không may, phần lớn những gì mà “mọi người biết” về đạo Phật đều không đúng sự thật. Sau đây là những quan niệm sai lầm về Phật giáo mà nhiều người thường mắc phải.

Phật giáo dạy rằng “không có gì tồn tại”

Nhiều nhà phê bình đã chống lại tuyên bố “không có gì tồn tại” của Phật giáo. “Nếu không có gì tồn tại”, các nhà phê bình hỏi, “vậy thì ai là người khẳng định điều gì đó không tồn tại?”

Bạn đang xem: Những quan niệm sai lầm về Phật giáo

Tuy nhiên, Phật giáo không dạy rằng không có gì tồn tại. Nó thách thức sự hiểu biết của chúng ta về cách mọi thứ tồn tại. Đức Phật dạy rằng, không có một cái gì đó vĩnh cửu, không thể tách rời, tự trị – mọi thứ tồn tại là nhờ tương tác lẫn nhau, không có gì tự tồn tại.

Ngộ nhận về lời dạy này chủ yếu đến từ một sự hiểu lầm về học thuyết Vô ngã (anatta) và phiên bản mở rộng của nó trong Đại thừa là Tánh không (shunyata). Phật giáo không nói “không có gì tồn tại”, thay vào đó, nó cho chúng ta thấy sự hiểu biết của chúng ta về sự tồn tại là rất hạn chế và một chiều.

Phật giáo nói rằng “tất cả là một”

Mọi người có thể đã nghe qua câu chuyện đùa về những gì mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với một người bán pizza – “Hãy cho tôi một cái chứa tất cả mọi thứ.” Phật giáo có dạy tất cả chúng ta là một không?

Trong kinh Đại Duyên (Maha-nidana), Đức Phật dạy rằng không chính xác khi nói ngã là hữu hạn, nhưng cũng không chính xác khi nói ngã là vô hạn.

Trong kinh này, Đức Phật khuyên chúng ta không nên giữ quan điểm về việc ngã là cái này hay cái kia. Vì như thế chúng ta sẽ rơi vào ý tưởng rằng, cá nhân chúng ta là một trong nhiều bộ phận cấu thành của một thứ, hoặc rằng “cái tôi” của chúng ta chỉ là phiên bản giả tạm của một bản ngã vô hạn. Lời dạy này phủ định lại thuyết Brahman của Ấn Độ giáo.

Phật giáo nói rằng “sau khi chết thì linh hồn sẽ đi đầu thai”

Nếu bạn định nghĩa luân hồi là sự chuyển hóa linh hồn từ thân thể cũ đã chết đi sang thân thể mới thì không đúng, Đức Phật không dạy một giáo lý về luân hồi theo cách đó. Ngài nói rằng, không có linh hồn để chuyển hóa.

Tuy nhiên, có một học thuyết Phật giáo nói về sự tái sinh. Theo giáo lý này, đó là “nhóm năng lượng” hoặc “nhóm điều kiện” tạo nên cuộc sống này sẽ được tái sinh thành một cuộc sống khác, không phải là linh hồn.

“Người chết ở đây và được tái sinh ở nơi khác không phải là cùng một người, cũng không phải người khác,” vị học giả Phật giáo Nguyên Thủy, Walpola Rahula chia sẻ.

Đi tu là phải ăn chay

Một số trường phái Phật giáo nhấn mạnh về việc ăn chay, và tôi tin rằng tất cả mọi người đều khuyến khích điều này. Nhưng trong hầu hết các trường phái, ăn chay là một lựa chọn cá nhân, không phải là một điều răn. “Giới luật” trong Phật giáo được hiểu như những lời khuyên về đạo đức, lối sống nhằm hạn chế sự tiêu cực…

Nhiều văn bản Phật giáo cho thấy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải là người ăn chay. Những nhà sư Phật giáo thời kỳ đầu nhận thức ăn từ người dân, người dân cho thịt thì họ ăn thịt, cho rau thì họ ăn rau…Tuy nhiên, họ sẽ từ chối ăn thịt nếu như biết rằng, con vật đó được nuôi và giết chỉ để phục vụ cho riêng họ.

Đạo Phật chỉ dành cho người già

Nhiều người ngộ nhận Phật giáo là chốn nương nhờ của những người lớn tuổi, xám hối, tích lũy công đức trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại để chuyển nghiệp đời sau.

Đó là một quan niệm hết sức sai lầm, đạo Phật là con đường giúp mọi người vượt qua khổ đau trong cuộc sống, không phải con đường dành riêng cho người già, người bệnh hoặc những người đã làm nhiều việc ác tu tâm dưỡng tánh.

Người giàu nhất thế giới cũng “đau khổ”, chính trị gia, diễn viên hài, giới trí thức, kinh doanh, học sinh…và ngay cả đứa bé 7 tuổi cũng có những “nỗi đau” của riêng nó.

Nghiệp là “số phận”

Từ “nghiệp” (karma) có nghĩa là “hành động”, không phải “số phận đã định” như nhiều người ngộ nhận. Trong Phật giáo, nghiệp lực là một dạng năng lượng được tạo ra bởi Hành uẩn, các phản ứng của tâm như suy nghĩ, lời nói và hành vi…Tất cả chúng ta đều tạo nghiệp mỗi phút, và nghiệp chúng ta tạo ra ảnh hưởng đến chúng ta liên tục trong quá trình sống.

Nhiều người thường nghĩ “nghiệp của tôi” khi nói về một bất hạnh nào đó mà họ đang trải qua, như thể nó là số phận được mặc định trong cuộc đời này, nhưng đây không phải là sự hiểu biết của Phật giáo.

Nghiệp là chuỗi hành động, không phải là một kết quả được định đoạt, do đó chuyển nghiệp là có thể. Tương lai đang nằm trong tay bạn, và bạn có thể tự mình quyết định cuộc sống ngay bây giờ bằng cách thay đổi lối suy nghĩ và hành vi sang hướng tích cực.

Giác ngộ có thể đạt được ngay tức khắc

Mọi người tưởng rằng “giác ngộ” giống như bật một công tắc chuyển trạng thái từ đau khổ sang hạnh phúc, một cái gì đó từ sự ngu dốt sang thông minh ngay tức khắc, hoặc những người giác ngộ không còn tồn tại trong thế giới này…

Nhiều người thường dịch “Bodhi” có nghĩa là “giác ngộ” nhưng “thức tỉnh” mới là ý nghĩa thật sự của nó. Hầu hết mọi người “thức dậy” và phải cần một khoảng thời gian “tỉnh hẳn” để nhận biết rõ mọi thứ xung quanh.

Hoặc họ có thể được đánh thức qua một loạt các trải nghiệm “mở”, mỗi trải nghiệm chỉ tiết lộ thêm một chút, không phải đùng một cái họ hiểu hết toàn bộ bức tranh cuộc sống. Bodhi có nghĩa khác với hiện tượng satori hay đốn ngộ trong Thiền tông.

Ngoài ra, ngay cả những nhà sư tỉnh thức nhất cũng không trôi nổi trong đám mây hạnh phúc. Họ vẫn còn sống trên thế giới này, đi xe buýt, bị cảm lạnh và thỉnh thoảng họ cũng uống cà phê.

Phật giáo dạy rằng: “Đời là bể khổ”

Ý tưởng này xuất phát từ một sự hiểu lầm về chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế, thường được dịch là “Cuộc sống là đau khổ”. Mọi người đọc điều đó và nghĩ, Phật giáo bắt đầu bằng sự bi quan với cuộc sống!

Tôi không đồng ý với cách hiểu này. Vấn đề là Đức Phật, Ngài không nói tiếng Anh và không sử dụng từ “suffering – đau khổ” cho những lời dạy của Ngài. Trong các kinh điển, chúng ta thấy Đức Phật nói cuộc sống là dukkha và nó là một từ Pali có chứa nhiều lớp ý nghĩa.

Dukkha có nghĩa là những đau khổ bình thường trong cuộc sống, nhưng nó cũng hàm ý mọi thứ chỉ là tạm thời, không đầy đủ, hoặc bị điều kiện bởi những thứ khác. Cho nên ngay cả niềm vui và hạnh phúc cũng là dukkha bởi vì chúng đến và đi, không bền vững. Một số dịch giả sử dụng từ “không hoàn hảo” hoặc “không đạt yêu cầu” thay cho từ “đau khổ”.

Phật giáo không phải là tôn giáo

“Phật giáo không phải là tôn giáo. Đó là một triết lý.” Hoặc, đôi khi, “Đó là khoa học của tâm trí.” Vâng, đó là một triết lý – đó là khoa học của tâm trí nhưng nếu bạn sử dụng từ “khoa học” theo nghĩa rộng lớn thì nó cũng bao gồm cả tôn giáo.

Tất nhiên, rất nhiều thứ phụ thuộc vào cách bạn xác định “tôn giáo”. Nhiều học giả có khuynh hướng định nghĩa “tôn giáo” theo cách đòi hỏi niềm tin vào các vị thần hoặc các sinh vật siêu nhiên. Tôi nghĩ đó là một góc nhìn khá hạn chế.

Mặc dù Phật giáo thời kỳ đầu không đòi hỏi niềm tin vào Thượng đế, nhưng hầu hết các trường phái Phật giáo ngày nay đều rất huyền bí, điều này đặt nó nằm ngoài phạm vi của triết học đơn thuần.

Phật giáo không tin vào Thượng đế hay các vị thần nhưng Phật tử lại cầu nguyện chư Phật và Bồ tát để được gia hộ…Hãy đến tượng Quan Thế Âm Bồ tát hoặc Phật A Di Đà thì bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Vì vậy, nếu ai đó hỏi bạn, “Đạo Phật có phải là một tôn giáo hay không?” Bạn hãy hỏi lại họ, “Ý bạn là đạo Phật nào!”

Phật giáo Nguyên Thủy cũng thờ phượng Phật

Đức Phật Thích Ca lịch sử được xem là người nhận ra sự giác ngộ thông qua các nỗ lực của chính mình. Phật giáo thời kỳ đầu không mang tính thần học – Đức Phật nói, việc “thức tỉnh” không phụ thuộc vào niềm tin Thượng đế hay các vị thần.

Hình tượng mang tính biểu tượng của Đức Phật hay các sinh mệnh khai ngộ khác đơn thuần chỉ là những vật thể để Phật tử bày tỏ lòng tôn kính và noi theo, không phải là đối tượng để cầu xin phước báu như các vị thần. Đức Phật nói, “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!”

Các nhà sư tránh sự gắn bó, vì vậy họ không thể có mối quan hệ

Khi mọi người nghe rằng, thực hành Phật giáo là tránh gắn bó với mọi thứ để không bám víu/chấp trước, đôi khi họ cho rằng điều đó có nghĩa là các nhà sư không thể hình thành mối quan hệ với mọi người. Nhưng đó không phải là ý nghĩa thật sự của nó.

Không gắn bó là thuốc giải độc cho bám víu/chấp trước được mô tả trong chân lý thứ hai của Tứ Diệu Đế. Vì nếu gắn bó là một điều kiện của việc tìm kiếm hạnh phúc trong vô thường, thì không gắn bó là một điều kiện thuận lợi cho sự hài lòng với cuộc sống, một điều kiện của Niết bàn.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là lời khuyên của Phật giáo không phải là tách rời khỏi những đối tượng trong cuộc sống của chúng ta, mà chỉ đơn giản là nhận ra không có sự gắn bó vốn có để bắt đầu.

Đây là một khác biệt khá quan trọng giữa đạo Phật và các triết lý tôn giáo khác. Trong khi các tôn giáo khác tìm cách đạt được một số trạng thái ân điển thông qua các thực hành vất vả hoặc từ bỏ tích cực.

Phật giáo dạy rằng, chúng ta vốn hạnh phúc, và các thực hành Phật giáo là giúp chúng ta từ bỏ những thói quen và định kiến ​​sai lầm để có thể nhận ra và trải nghiệm hạnh phúc đích thực đó.

Khi chúng ta gạt bỏ tấm màn ảo tưởng về một “bản ngã” tồn tại riêng biệt và độc lập với các đối tượng khác, chúng ta sẽ nhận ra rằng không cần phải tách rời, bởi vì chúng ta luôn được kết nối với mọi thứ trong mọi lúc.

Thiền sư John Daido Loori nói rằng, “không gắn bó” nên được hiểu là sự hiệp nhất với tất cả:

“Theo quan điểm của Phật giáo, không gắn bó hoàn toàn trái ngược với việc chia tách. Bạn cần hai thứ để có sự gắn kết: Điều bạn gắn bó, và đối tượng gắn bó.

Nhưng nếu bạn thống nhất với toàn bộ vũ trụ, không có gì ngoài bạn, vì thế khái niệm gắn bó trở nên ngớ ngẩn. Ai sẽ gắn vào cái gì?”

Sống với tư tưởng này, chúng ta sẽ hoan hỷ với thành công của mọi người, đồng cảm tích cực với đau khổ của mọi người, và khi tâm chúng ta không bám víu vào bất cứ điều gì, chúng ta sẽ thật sự an lạc.

PGVN – Theo: thoughtco.com

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button