Nghiên cứu

Phổ Hiền Bồ tát là ai? Sự tích và cách thờ phượng tại gia

Phổ Hiền Bồ tát được cho là có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới để phổ độ chúng sinh. Ngài có thể là một chai nước ngẫu nhiên xuất hiện trên sa mạc, một chiếc phao giữa biển trời mênh mông…Phổ Hiền, một vị giác ngộ với hạnh nguyện phát ra từ tâm Bồ Đề sẽ cứu trợ chúng sinh trên toàn thể vũ trụ tùy vào phước đức mỗi người.

Phổ Hiền Bồ tát là ai?

Phổ Hiền hay Tam Mạn Đà Bạt Đà Bồ Tát (tiếng Phạn: Samantabhadra) là Bồ tát của niềm vui, tự do và cộng đồng. Từ Samanta có nghĩa là “phổ quát” và Bhadra có nghĩa là “đức hạnh vĩ đại”. Bồ tát Phổ Hiền mở rộng đức hạnh và lòng từ bi của mình đến với tất cả chúng sinh.

Ngài là một thực thể vũ trụ, là hiện thân của tất cả các thực hành tâm linh và công đức không thể thiếu trong việc đạt được Phật quả. Ngài là vị Bồ Tát tối thượng với sự thâm nhập hoàn hảo và là một trong Bát Đại Bồ Tát của Phật giáo Đại Thừa.

Bạn đang xem: Phổ Hiền Bồ tát là ai? Sự tích và cách thờ phượng tại gia

Phổ Hiền Bồ tát cũng là người bảo trợ cho kinh Pháp Hoa, một văn bản cổ xưa mà theo đó một số trường phái Phật giáo được thành lập. Đối với một số tín đồ đạo Phật, thực hành thiền định sâu là phương tiện để trở thành Bồ tát mà Phổ Hiện hóa thân.

Trong Phật giáo Kim Cương Thừa, Kim Cang Tát Đỏa Bồ tát (Vajrasattva) là một đồng thể khác tên với Bồ tát Phổ Hiền. Tất cả các vị thần kim cương (vajra) đều là hiện thân của Phổ Hiền Bồ tát.

Văn Thù Sư Lợi Bồ tát (Manjushri) và Bồ tát Phổ Hiền (Samantabhadra) là những trợ thủ đắc lực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng nhau tạo thành Avatamsaka Trinity, ba vị Phật và Bồ tát quan trọng.

  • Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật lịch sử sống vào thế kỷ thứ 6 TCN ở miền bắc Ấn Độ. Ngài cũng được biết đến với tên gọi Tất Đạt Đa Cồ Đàm.
  • Bồ tát Văn Thù Sư Lợi: Ngồi bên trái Phật Thích Ca đại diện cho trí tuệ siêu việt, đức hạnh, sự sung túc và niềm vui. Ngài đôi khi được biết đến như là Hoàng tử của Pháp sử dụng thanh kiếm khôn ngoan cắt đứt mọi phiền não và ảo tưởng. Tay trái của Ngài giữ một hoa sen xanh và kinh điển tượng trưng cho trí huệ nhận ra bản tánh đích thực của mọi sự.
  • Bồ tát Phổ Hiền: Thường được miêu tả ngồi trên lưng con voi có 6 ngà và xuất hiện bên phải Phật Thích Ca. Ngài là một vị Bồ Tát quan trọng, người thực hiện các thực hành siêu việt và thệ nguyện của chư Phật. Trong chương 28 của kinh Pháp Hoa, Ngài tuyên thệ bảo vệ kinh Pháp Hoa và những người tu theo kinh điển này.

Ở Tây Tạng, theo Nyingma (trường phái Phật giáo Tây Tạng cổ đại), Phổ Hiền có tên gọi khác là Kuntuzangpo, một vị Phật nguyên thủy, Pháp thân, thanh tịnh tự nguyên thủy, nhất vị, giống như vũ trụ. An trụ với ba loại trí tuệ nguyên sơ, vượt ra khỏi các khái niệm hóa của cực đoan, thuyết thực thể (vĩnh cửu) và thuyết hư vô.

“Phổ Hiền Bồ tát không phải là giới hạn của địa điểm, thời gian, hoặc điều kiện vật chất. Ngài không phải là một người có màu với hai mắt mà là sự hiệp nhất của tánh không và nhận thức, sự thống nhất về ngoại hình và tánh không, bản chất của tâm, sự rõ ràng tự nhiên với lòng bi mẫn không ngừng.” Dzongsar Khyentse Rinpoche.

Trong một số tôn giáo bản địa của Sri Lanka, Phổ Hiền Bồ tát còn được gọi là thần Saman (Samantha hoặc Sumana Saman). Cái tên Saman theo nghĩa đen là “mặt trời mọc vào buổi sáng”. Ngoài ra, Ngài cũng được biết đến từ hệ thống Yogachara, một trường phái lâu đời ở Ấn Độ.

Sự tích Phổ Hiền Bồ tát

Ngài Phổ Hiền Bồ tát trước khi thành đạo có tên là Năng Đà Nô và là con thứ tư của vu Vô Tránh Niệm. Nhờ phụ vương khuyên bảo nên Thái Tử mới phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chúng sanh trong 3 tháng. Lúc ấy có quan đại thần Bảo Hải thấy vậy, khuyên rằng:

“Nay Điện Hạ có lòng làm được việc công đức rất tốt như thế, xin hãy hồi hướng về đạo Vô Thượng Bồ Đề mà cầu được thành Phật, hơn là cầu sự phước báu hữu lậu nơi cõi Nhơn, Thiên, vì cõi ấy còn ở trong vòng sinh tử”.

Thái tử Năng-đà-nô nghe quan đại thần khuyên bảo như vậy, liền bạch với Phật Bảo Tạng rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi có món công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong 3 tháng, xin hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh Giác, nguyện phát tâm Bồ Đề, tu hạnh Bồ Tát mà giáo hóa mọi loài chúng sanh được thành Phật đạo; và nguyện được cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những sự tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sanh đều y như thế giới của Đức Phổ Hiền Như Lai vậy”.

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Năng-đà-nô thái tử phát nguyện như vậy liền thọ ký rằng: “Hay thay! Hay thay! Ngươi phát thệ nguyện rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sanh đều thành Phật đạo.  Khi đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký rồi, tự nhiên giữa hư không có nhiều vị Thiên Tử ở các cõi Trời đem đủ thứ bông thơm đẹp đến mà cúng dường và đồng thinh khen ngợi.

Thái tử Năng-đà-nô thưa với Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Nếu những sự ao ước của tôi ngày sau quả nhiên được như lời Ngài thọ ký, nay tôi kính lễ Ngài và Chư Phật mà xin làm sao hằng sa thế giới có đủ món hương rất tốt, rất thơm, mùi bay khắp trong các cõi; và mọi chúng sanh, hoặc ở trong địa ngục, ngạ quỷ cùng súc sanh, cho đến các người ở cõi Thiên Thượng nhơn gian đương mắc phải nghiệp báo gì, nếu ngửi được món hương thơm ấy, tức thì đều được thoát khổ và lại hưởng sự an vui”.

Thái tử Năng-đà-nô thưa rồi đang cúi đầu mà lễ Phật, thì trong các thế giới mười phương tự nhiên có mùi hương thơm bay khắp cả. Lúc đó mọi loài chúng sanh ngửi được mùi hương ấy, lòng dạ hớn hở, các phiền não thảy đều tiêu trừ. Năng-đà-nô thái tử nhờ Phật thọ ký như vậy, thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi xuống nghe Ngài thuyết pháp.

Thái tử Năng-đà-nô nhờ công đức đó nên sau khi mạng chung, sanh ra các thân khác và các đời khác, kiếp nào cũng nhớ lời thệ nguyện mà chăm làm Phật sự và hóa độ chúng sanh, để cầu cho mau chóng viên mãn những gì mình đã ao ước, phát nguyện. Bởi có lòng tu hành tinh tấn nên Thái tử đã thành Bồ tát và có danh hiệu là Phổ Hiền và hóa thân vào nhiều cảnh giới khác nhau để cứu độ chúng sinh.

Biểu tượng

Biểu tượng Bồ tát Phổ Hiền trong phật giáo tây tạng có màu xanh đậm
Biểu tượng Bồ tát Phổ Hiền trong Phật giáo Tây Tạng có màu xanh đậm.

Trong trường phái Kim Cương Thừa, Bồ tát Phổ Hiền thường được miêu tả trần truồng với thân hình màu xanh đậm hoặc sáng, để biểu hiện tính không của hình dáng.

Ngài cưỡi voi trắng có 6 ngà tượng trưng cho sức mạnh vượt qua chấp trước vào sáu giác quan. Chúng cũng đại diện cho 6 hoàn thiện (Lục Ba-la-mật) để đạt được giác ngộ đầy đủ đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh trong vũ trụ.

Ở Trung Quốc, Phổ Hiền Bồ tát được biết đến với tên gọi Puxian, và thường được mô tả bằng những đặc tính nữ, mặc trang phục và tính cách tương tự như một số hình ảnh của Quan Thế Âm Bồ tát (Kuan Yin).

Tại đây, Bồ tát Phổ Hiền thường được thờ chung với Phật Thích Ca và Bồ tát Văn Thù. Ngài còn được xem là một trong Tứ Đại Bồ Tát của Phật giáo cùng với Bồ tát Quan Âm, Văn Thù và Địa Tạng. Nơi trú xứ của Phổ Hiền Bồ Tát là núi Nga Mi, nơi Bồ Tát lưu trú sau khi cỡi voi trắng 6 răng từ Ấn Độ sang Trung Quốc.

Ngài là người bảo trợ kinh Pháp Hoa (một trong những kinh điển Đại Thừa nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất), và theo kinh Hoa Nghiêm, Ngài đã thực hiện 10 lời khấn nguyện tuyệt vời làm cơ sở cho Bồ Tát.

10 hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát

1. Lễ kính chư Phật: Tin sâu mười phương ba đời hết thảy chư Phật, đồng thời tự thanh tịnh ba nghiệp thân – khẩu – ý của bản thân để thường tu lễ kính.

2. Xưng tán Như Lai: Dùng các loại âm thanh và ngôn từ để xưng tán công đức sâu dày của hết thảy các Như Lai.

3. Quảng tu cúng dường: Ngoài dùng hoa man, âm nhạc, ô lọng, y phục, các loại hương hoa (dạng bôi quét, hương đốt hoặc dạng bột) cúng dường; còn có thể dùng “pháp” để cúng dường như: Pháp tu hành, lợi ích chúng sinh, nhiếp thọ chúng sinh, chịu khổ thay chúng sinh, chuyên cần tu bồi thiện căn, không xả hạnh Bồ Tát, không bỏ tâm Bồ Đề cùng các pháp khác hồi hướng cúng dường. Như lời trong kinh nói: trong các loại cúng dường thì dùng “pháp” cúng dường là thù thắng nhất.

4. Sám hối nghiệp chướng: Là thanh tịnh ba nghiệp, do tham-sân-si từ vô thủy kiếp quá khứ đến nay dẫn tạo các loại nghiệp ác nơi thân-khẩu-ý, nay xin phát lồ sám hối hết thảy, nguyện không tái phạm ác nghiệp mà thường trụ tịnh giới.

5. Tùy hỷ công đức: Hoan hỷ tán thán thiện pháp, công đức của hết thảy chư Phật, bao gồm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Trong đó cũng bao gồm hết thảy công đức của các vị Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật; cùng công đức của các dạng loài trong tứ sinh, lục thú của hết thảy các thế giới khắp mười phương.

6. Thỉnh chuyển pháp luân: Ân cần, thành kính dùng lời nói- hành động- ý nghĩ, cùng các loại phương pháp khác để thỉnh mời chư Phật tuyên thuyết diệu pháp.

7. Thỉnh Phật trụ thế: Khuyên hết thảy các vị Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cho đến hết thảy các vị Thiện tri thức sắp thị hiện Niết Bàn vì lợi ích của chúng sinh mà dừng nhập Niết Bàn.

8. Thường tùy Phật học: Thường theo tùng học tập Phật Pháp nơi đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na Phật cùng hết thảy chư Như Lai trong khắp ba đời mười phương vi trần số Phật sát.

9. Hằng thuận chúng sinh: Bất luận là sinh loại, hình trạng, tướng mạo, thọ lượng, chủng tộc, danh hiệu, tâm tánh, tri kiến, dục lạc, ý hạnh, uy nghi của chúng sinh ra sao đều bình đẳng tùy thuận, thừa sự, hồi hướng, nhiêu ích hết thảy chúng sinh không phân biệt. Cung kính đối đãi như với cha mẹ, sư trưởng và chư Phật không khác.

10. Phổ giai hồi hướng: Dùng công đức của 9 loại nguyện hạnh bên trên để hồi hướng cho vô lượng chúng sinh trong hư không pháp giới, nguyện để chúng sinh thường đắc an lạc, không còn các phiền não đau khổ, cuối cùng thành tựu đạo quả vô thượng Bồ Đề.

Lời thệ nguyện của Bồ tát Phổ Hiền đã trở thành một thực hành phổ biến trong Phật giáo Đông Á, và được sử dụng thường xuyên cho các nghi lễ buổi sáng. Mười Đại Hạnh Nguyện là hướng dẫn cơ bản để trở thành Bồ tát.

Bồ tát Phổ Hiền hợp với tuổi nào?

Theo thuật bói toán Trung Hoa, Bồ tát Phổ Hiền hợp tuổi và độ mệnh cho con giáp Thìn và Tỵ. Những người sinh năm Thìn: 1940 (Canh Thìn), 1952 (Nhâm Thìn), 1964 (Giáp Thìn),1976 (Bính Thìn),1988 (Mậu Thìn). Những người sinh năm Tỵ: 1941 (Tân Tỵ),1953 (Quý Tỵ),1965 (Ất Tỵ), 1977 (Đinh Tỵ),1989 (Kỷ Tỵ).

Cách thỉnh tượng Bồ tát Phổ Hiền về thờ phượng tại gia

Trước khi xác định muốn thỉnh tượng Phổ Hiền Bồ tát về để thờ phượng, quý vị cần tìm hiểu thật kỹ xem mình có hợp tuổi và mạng với Ngài hay không. Ngoài ra, một tác phẩm tượng Phật phải chứa đầy đủ tính thẩm mỹ và triết lý đặc trưng của từng vị Phật, Bồ tát.

Đối với Phổ Hiền Bồ tát, Người đại diện cho trí tuệ muốn hướng thiện nhằm mang lại lợi ích cho chúng sinh. Không phải để cầu may mắn và tài lộc, ban phước trừ họa như một số vị thần khác.

Trước khi thỉnh tượng Phổ Hiền Bồ tát về nhà, Phật tử nên gửi vào chùa làm lễ khai quang điểm nhãn, sau đó rước tôn tượng Phổ Hiền Bồ tát và làm lễ an vị. Trong những ngày thực hiện việc thỉnh tôn tượng Bồ tát Phổ Hiền, gia chủ nên ăn chay thanh tịnh, trì tụng thập chú, kinh Phật sau đó thỉnh rước tượng Phổ Hiền Bồ tát về tôn thờ tại gia.

Bàn thờ Phổ Hiền Bồ tát phải trang nghiêm, hàng ngày cần quét dọn, rút bớt chân hương, nếu hoa quả khô héo thì nên thay mới để cúng dường. Vào những ngày sóc vọng (ba mươi, mùng một – mười bốn, mười lăm âm lịch hàng tháng) thì nên sắm sinh nhang đèn, hoa trái trang nghiêm dâng cúng.

Kinh Mười nguyện Phổ Hiền được Thiền sư Nhất Hạnh dịch Việt

Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh

Kính lạy tất cả hằng sa Bụt

Trong các thế giới khắp mười phương

Quá khứ, vị lai và hiện tại.

Thần lực của hạnh nguyện Phổ Hiền

Giúp con có mặt khắp mọi nơi

Nơi đâu có Bụt là có con

Bụt là vô lượng, con vô lượng.

Trong hạt bụi có vô số Bụt

Mỗi vị an trú chúng hội mình

Đức tin của con vẫn tràn đầy

Trong mọi hạt bụi của pháp giới.

Con đang sử dụng biển âm thanh

Phát ra ngôn từ rất vi diệu

Tán dương biển công đức của Bụt

Cho đến vô số kiếp về sau.

Lấy những tràng hoa vi diệu nhất

Hương thơm, âm nhạc và tàng lọng

Sử dụng mọi thứ trang nghiêm ấy

Con đem cúng dường các Như Lai.

Các thức y phục và hoa hương

Đèn đuốc, trầm hương và tọa cụ

Mỗi thứ đều thành ra sung mãn

Con xin cúng dường các Như Lai.

Con đem tâm hiểu biết rộng sâu

Tin tưởng chư Bụt trong ba đời

Con nương sức hạnh nguyện Phổ Hiền

Cúng dường khắp hết các Như Lai.

Từ xưa con đã tạo nghiệp xấu

Vì tham, sân, si từ vô thỉ

Do thân, miệng, ý mà phát sinh

Nay con đều sám hối tất cả.

Con xin tùy hỷ mọi công đức

Của các chúng sinh trong mười phương

Các bậc hữu học và vô học

Các bậc Như Lai và Bồ Tát.

Những ngọn đèn sáng soi thế gian

Hoặc mới thành tựu đạo giải thoát

Con xin tất cả đều thương tưởng

Chuyển bánh xe pháp để độ đời.

Các Bụt đang thị hiện Niết Bàn

Con cũng chí thành cầu như thế

Xin hãy ở lại đời mãi mãi

Để làm lợi lạc cho chúng sanh.

Con xin tán lễ cúng dường Bụt

Thỉnh Bụt ở lại độ chúng sanh

Căn lành tùy hỷ và sám hối

Xin đem hồi hướng cho đạo Bụt.

Con xin đem hết công đức này

Hồi hướng tất cả cho Tam Bảo

Cả tánh và tướng trong pháp giới

Hai Đế dung thông ấn tam muội.

Biển công đức vô lượng như thế

Con xin hồi hướng không giữ lại

Nếu có chúng sanh nào dại dột

Bằng thân, bằng ý hoặc bằng lời

Bài báng phá hoại đạo giải thoát

Xin cho nghiệp chướng được tiêu trừ.

Mỗi giây, trí tuệ trùm pháp giới

Độ khắp mọi loài lên bất thối

Hư không, chúng sanh không cùng tận

Phiền não, nghiệp báo không cùng tận

Bốn thứ kể trên thật vô biên

Hồi hướng của con cũng như thế.

Thích Nhất Hạnh dịch, (279, tạng Kinh Đại Chánh)

Thần chú Phổ Hiền Bồ tát

Thần chú của Bồ tát Phổ Hiền là thần chú thiêng liêng của vị Phật nguyên thủy. Nó thể hiện khát vọng mạnh mẽ trên con đường tỉnh thức với mong muốn hiểu rõ bản chất của mọi sự.

Thần chú này diễn tả những hình thức khác nhau trong đó nhận thức ban đầu xuất hiện và giúp chúng ta nhận ra rằng, sự hiểu biết của chúng ta bị che mờ bởi các đám mây khiến cho mọi thứ xuất hiện khác với thực tế.

Một số trường phái Mật Tông Tây Tạng với các nghi thức bí truyền cầu nguyện Phổ Hiền Bồ tát để đạt giác ngộ trong trạng thái Pháp giới (dharmadhatu).

Phiên bản ngắn: Samaya Sapayo

Phiên bản tiếng Phạn:

adaṇḍe daṇḍapati daṇḍa-āvartani daṇḍa-kušale daṇḍa-sudhāri

sudhārapati buddhapaśyane sarvadhāraṇi

āvartani saṁvartani saṅgha-parīkṣite saṅgha-nirghātani

dharma-parīkṣite sarva-sattva ruta kauśalya-tri kiến

siṁha-vikrīḍite anuvarte vartani vartāli svāhā

Phiên bản tiếng Việt:

A đàn địa, đàn đà bà địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ,

tu đà la bà để, phật đà ba thiên nỉ, tát bà đà la ni, a bà đa ni, tát bà bà sa,

a bà đa ni, tu a bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết già đà ni, a tăng kì,

tăng già ba già địa, đế lệ a nọa tăng già đâu lược, a la đế bà la đế, tát bà tăng già tam ma địa già lan địa,

tát bà đạt ma tu ba lợi sát đế, tát bà tát đỏa, a nậu lâu đà kiều xá lược, a (Nậu) già địa, tân a tỳ cát lợi địa đế.

Một số hình ảnh đẹp của Bồ tát Phổ Hiền

PGVN – Tham khảo: insightstate.com – quangduc.com

Ảnh chinadiscovery.com

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button