Nghiên cứu

Rằm tháng 7: Nguồn gốc, ý nghĩa và những việc nên làm

Từ trước đến này có rất nhiều câu chuyện nói về ngày rằm tháng 7 hàng năm chẳng hạn như: Ngày mở cửa địa ngục, ngày các vong linh xuất hiện nhiều nhất hay ngày cúng cô hồn… Tuy nhiên với đại đa số Phật tử thì ngày rằm tháng bảy được xem là đại lễ “Vu lan báo hiếu”.

Còn với phong tục người Á Đông, ngày rằm tháng 7 được xem là ngày cúng “Xá tội vong nhân”. Không chỉ có thế, ngày rằm tháng bảy còn có nhiều cái tên khác như: ngày chúng Tăng Tự Tứ, ngày Phật hoan hỷ,…

Trong ngày này nói riêng và cả tháng bảy âm lịch nói chung sẽ có nhiều hoạt động cũng như lễ nghi truyền thống được tổ chức nhằm thể hiện lòng tri ân cũng như niềm tin về những quan niệm tâm linh. Vậy cùng PGVN tìm hiểu kĩ hơn về những thông tin về ngày rằm tháng 7 nhé!

Bạn đang xem: Rằm tháng 7: Nguồn gốc, ý nghĩa và những việc nên làm

Rằm tháng 7 là ngày gì?

Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng 7 được xem là ngày cúng cô hồn. Tuy nhiên, ít ai biết lễ cúng cô hồn lại bắt nguồn từ Trung Quốc chứ không phải của Việt Nam ta. Trong thời kỳ Đạo giáo Trung Hoa phát triển, rằm tháng 7 được người dân nơi đây chọn làm ngày cúng tổ tiên, những người đã khuất để ghi nhớ công ơn sinh thành.

Theo quan niệm người Trung Quốc, Tiết Trung Nguyên bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 7 Âm lịch cho đến ngày 30 tháng 7 Âm lịch. Vào ngày đầu tháng 7 Âm lịch, cửa địa ngục sẽ được mở ra để cho các cô hồn bị chết oan hay chết mà không có ai thờ cúng lên dương thế thọ hưởng sự cúng tế của người sống.

Người còn sống sẽ làm lễ bày các vật phẩm cúng tế như vàng mã, đồ ăn, thức uống và các vật phẩm tâm linh khác để cúng các cô hồn này. Việc làm này với mục đích nhằm tránh các cô hồn đói khát quấy phá công việc làm ăn của họ.

Các lễ cúng cô hồn thường được tổ chức vào buổi chiều tà vì người Trung Hoa quan niệm rằng đây là khoảng thời gian mà các vong linh xuất hiện nhiều nhất. Sao khi nhang tàn dần, người cúng sẽ phát gạo và bánh kẹo cho các cô hồn bằng cách ném chúng vào không khí theo nhiều hướng xung quanh.

Lễ cúng cô hồn hay còn gọi là Tiết Trung Nguyên vào ngày rằm tháng 7 hàng năm thực chất là xuất phát từ Trung Quốc, nhưng do nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng nên các chùa Việt Nam cũng áp dụng nghi lễ này vào hệ thống nghi lễ của Phật giáo.

Ngoài ra, tại Việt Nam ta ngày lễ này còn có tên gọi khác là ngày “Xá tội vong nhân”. Với ý nghĩa tương tự như Tiết Trung Nguyên của Trung Quốc. Cứ thế từ đời này sang đời khác, rằm tháng bảy được xem là ngày cúng cô hồn, còn tháng 7 là tháng cô hồn.

Đối với Phật giáo, rằm tháng 7 Âm lịch là một lễ lớn có tên gọi là lễ Vu Lan báo hiếu. Ngày mà con cái báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây là một ngày lễ quan trọng trong hệ thống nghi lễ của đạo Phật với mục đích tìm về cội nguồn yêu thương.

Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu Lan trong rằm tháng 7

Với bất kì ai theo Phật giáo điều biết được rằng, ngày rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm chính là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, dịp mà con cái tỏ lòng biết ơn và thành kính đến các vị sinh thành, nguồn cội của mình. Thế nhưng không phải ai cũng biết rõ về câu chuyện đằng sau của ngày lễ lớn hàng năm này.

Chuyện kể rằng khi trước Bồ tát Mục Kiền Liên sau khi tu luyện phép thần thông đã dùng mắt phép tìm kiếm khắp nơi người mẹ đã mất của mình. Rồi từ đó ông tìm thấy mẹ, nhưng vì những nghiệp ác đã làm ở dương thế mà mẹ ông bị đày xuống làm ngạ quỷ.

Bồ tát Mục Kiền Liên dâng cho mẹ một chén cơm, thế nhưng vì quá đói bà đã che đi chén cơm không chia sẻ với các cô hồn khác, sợ bọn chúng cướp đi miếng ăn của mình. Nhưng chính vì sự ích kỷ đó, đồ ăn trên miệng cũng hóa thành lửa đỏ.

Bồ tát Mục Kiền Liên sau đó chạy về tìm Đức Phật để hỏi người về cách cứu mẹ. Thế rồi Đức Phật đã trả lời Bồ tát Mục Kiền Liên rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.- trích từ kinh Vu lan Bồn.

Bồ tát Mục Kiền Liên đã nghe theo lời Phật dạy và cứu được mẹ mình. Từ đó Đức Phật cũng răn dạy chúng sanh ai muốn báo hiếu cha mẹ đều làm theo cách này. Cũng chính vì lẽ đó mà ngày lễ Vu lan báo hiếu được tổ chức hàng năm cho tới nay.

Về mặt ý nghĩa, lễ Vu Lan là ngày mà Phật tử khắp nơi trên đất nước Việt Nam hoan hỷ đón chờ để báo đáp công ơn của cha mẹ và ông bà tổ tiên. Nó phù hợp với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của ông bà xưa nên được nhiều người hưởng ứng. Để trở thành một người tốt, trước tiên chúng ta phải biết hiếu thảo với cha mẹ, đây là việc làm cơ bản nhất, dễ thực hiện nhất và là nền tảng cho các thực hành quan trọng khác của Phật giáo.

Những việc nên làm trong ngày rằm tháng 7

Mâm cỗ cúng cô hồn trong ngày rằm tháng 7.

1. Làm việc thiện

Dù là một Phật tử hay không thì ngày lễ Vu lan báo hiếu hằng nằm vẫn luôn được người Việt ta coi trọng. Mỗi người sẽ có những cách riêng để thực hiện việc tỏ lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha như một truyền thống tốt đẹp được lưu giữ và phát huy của dân tộc.

Việc đầu tiên phải kể đến chính là quay trở về nếu ở xa để thăm hỏi cha mẹ và người thân của mình. Gia đình sum họp và chuẩn bị những vật phẩm để cúng rằm là một hoạt động thường thấy.

Không những thế, để tỏ lòng biết ơn với cả những người đã khuất, con cháu trong gia đình thường được khuyên làm việc thiện, bố thí cho người nghèo hay có những hành động tích đức và hồi hướng cho họ. Đây được xem như hành động thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với ông bà hay cha mẹ đã khuất, giúp họ có thể nhắm mắt xuôi tay, bình an nơi âm thế.

2. Bày mâm cỗ cúng cô hồn

Vào ngày này thì người ta thường bày mâm cúng Phật, cúng ông bà tổ tiên, với một số gia đình họ sẽ bày mâm cỗ cúng cô hồn như một nét truyền thông văn hóa được truyền lại từ đời này sang đời khác. Điều cần lưu ý là bàn thờ Phật luôn phải được đặt cao hơn bàn thờ gia tiên.

Mâm cúng rằm tháng bảy cũng không quá khác với những mâm cúng ngày rằm khác, sẽ có những vật phẩm cơ bản như: gà luộc, xôi đỗ xanh, giò lụa, nem, canh miến mọc,… Sẽ có ba mâm cúng cơ bản là cúng ở ngoài trời, trong nhà (gia tiên – thần linh) và cúng chư Phật. Đối với mâm cỗ cúng chư Phật thì gia chủ phải cúng chay và bày tỏ lòng thành kính. Cầu nguyện chư Phật phù hộ độ trì cho gia đình và tất cả chúng sinh lầm than.

Khi cúng cho chúng sinh ngoài trời, gia chủ hãy tung một nắm gạo hoặc muối từ trong nhà ra khỏi cửa và các hướng xung quanh. Hành động này được cho là tiễn cô hồn, xua tan âm khí xung quanh nhà. Tuyệt đối không được ném gạo muối ngược lại vào trong nhà, vì như thế cô hồn có thể theo vào trong.

3. Đi chùa cầu bình an và sức khỏe

Đối với nhiều Phật tử, họ thường chọn đi chùa trong tháng bảy Vu Lan để cúng dường, thành tâm cầu nguyện cho sức khỏe và cuộc sống của bản thân và gia đình ngày một tốt hơn.

Thậm chí đặc biệt trong rằm tháng 7 người ta sẽ tập trung khấn vái cho những người trong gia đình, những vấn đề liên quan đến sức khỏe và sự bền chặt giữa các mối quan hệ trong một nhà. Ở các ngôi chùa họ thường đặt những chiếc bông hồng cài áo để những người đi viếng có thể cài lên ngực áo như một lời nhắc nhở về việc nhớ ơn đấng sinh thành, ghi công tích đức để báo hiếu mẹ cha.

4. Ăn chay

Với nhiều người theo đạo Phật thì việc đón đại lễ này có thể bắt đầu từ đầu tháng ví dụ như cả tháng bảy Âm lịch họ sẽ ăn chay để thể hiện niềm tin và hạn chế làm hại con vật sống. Hay có người vào ngày rằm sẽ mời thầy về cúng hoặc bày biện mâm cúng vô cùng hoành tráng.

5. Hạn chế sát sinh

Theo ông bà xưa kể lại, tháng 7 cô hồn nên tránh sát sinh để gây thêm tội. Vì vậy, thay vì cúng rượu thịt thì gia chủ nên ưu tiên đồ chay. Để tích lũy thêm công đức, nhiều Phật tử phóng sinh cá và chim như một hành từ bi trong ngày này.

Bài cúng rằm tháng 7 theo văn khấn cổ truyền của Việt Nam

Phật tử đọc bài văn khấn cổ truyền cúng rằm tháng 7.

Có rất nhiều bài văn khấn cổ truyền được sử dụng để cúng rằm tháng 7, PGVN xin phép chia sẻ 3 bài cúng được đăng trên báo VietNamNet để đọc giả tham khảo.

1. Văn khấn chúng sinh, cô hồn rằm tháng 7

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con lạy Đức Phật Di Đà

Con lạy Bồ Tát Quan Âm.

Con lạy Táo Phủ Thần quân Chinh thần.

Tiết tháng 7 sắp thu phân

Ngày Rằm xá tội vong nhân hải hà

Âm cung mở cửa ngục ra

Vong linh không cửa không nhà

Đại Thánh Khảo giáo – A Nan Đà Tôn giả

Tiếp chúng sinh không mả, không mồ bốn phương

Gốc cây xó chợ đầu đường

Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang

Quanh năm đói rét cơ hàn

Không manh áo mỏng – che làn heo may

Cô hồn nam bắc đông tây

Trẻ già trai gái về đây hợp đoàn

Nay nghe tín chủ thỉnh mời

Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau

Cơm canh cháo nẻ trầu cau

Tiền vàng quần áo đủ màu đỏ xanh

Gạo muối quả thực hoa đăng

Mang theo một chút để dành ngày mai

Phù hộ tín chủ lộc tài

An khang thịnh vượng hòa hài gia trung

Nhớ ngày xá tội vong nhân

Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời

Bây giờ nhận hưởng xong rồi

Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần

Tín chủ thiêu hóa kim ngân

Cùng với quần áo đã được phân chia

Kính cáo Tôn thần

Chứng minh công đức

Cho tín chủ con

Tên là:………………………………

Vợ/Chồng:…………………………

Con trai:……………………………

Con gái:…………………………….

Ngụ tại:……………………………..

2. Văn khấn tổ tiên rằm tháng 7

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh.

Tín chủ chúng con là……………………………..

Ngụ tại……………………………..

Hôm nay là ngày Rằm tháng 7 năm…. Nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức.

Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền nên tín chủ con sửa sang lễ vật, hương hoa, trà quả, kim ngân vàng bạc, thắp nén tâm hương, thành kính lên các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội và tất cả các hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ….

Cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật ( 3 lần).

3. Văn khấn thần linh rằm tháng 7

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Hôm nay là ngày rằm tháng 7……………………………..

Tín chủ chúng con là……………………………..

Ngụ tại……………………………..

Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.

Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.

Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!

Quan niệm rằng chính đạo là không ép buộc nên bất kì cá nhân nào cũng thể có chọn cho mình một cách để giữ gìn truyền thống theo cách riêng của mình. Những giá trị tâm linh vô cùng nhân văn trong ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm rất ý nghĩa đối với mỗi người Việt Nam chúng ta nên cần được gìn giữ.

PGVN

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button