Nghiên cứu

Tâm sinh tướng là gì? Cách nhìn người chuẩn xác qua tướng mạo

Ngày xưa bà nội tôi thường nói “tướng tự tâm sinh” để dạy con cháu ăn ở hiền lành, tâm hướng thiện thì tướng mạo sẽ khởi sắc lên. Lúc đó tôi nghĩ bà nội tôi già cả nên nhầm lẫn gì đó, tướng mạo là do cha sinh mẹ đẻ, chế độ ăn uống hoặc do tập luyện thể chất mà thành chứ tâm trí làm sao ảnh hưởng được.

Tuy nhiên, lớn lên tôi mới biết là mình đã nhầm. Tâm sinh tướng chính là “thuật” nhìn người của người xưa và được rất nhiều người ngày nay áp dụng vào cuộc sống. Chúng không chỉ là quan niệm riêng của nhà Phật hay nhân tướng học mà ngay cả các nhà khoa học cũng khá tôn trọng.

Tâm sinh tướng là gì?

Tâm sinh tướng hẳn là cụm từ khá quen thuộc mà mỗi người trong chúng ta thường gặp mỗi ngày. Chúng rất hay được ông bà ta dùng để nói về tính cách của một người thông qua hình tướng. Vậy thực hư khái niệm này là gì? Cùng phân tích cụ thể như sau:

Bạn đang xem: Tâm sinh tướng là gì? Cách nhìn người chuẩn xác qua tướng mạo

  • Tâm: Tâm được hiểu đơn giản là suy nghĩ, tinh thần, ý thức… tức là những cái bên trong tâm hồn của một con người. Tùy từng người sẽ có tâm tốt, có người luôn có những suy nghĩ cực đoan.
  • Tướng: Tướng chính là tướng mạo, ở đây được hiểu là thần thái bên ngoài đôi khi là hình dáng, khuôn mặt của con người.

Vậy tâm sinh tướng được hiểu đơn giản là cái tâm, cái suy nghĩ của một người sẽ toát lên trên tướng mạo của người đó. Từ đó người ta có thể đánh giá một con người là tốt hay xấu, hiền lành lương thiện hay hung ác, lươn lẹo trên chính những biểu hiện của khuôn mặt và hình dáng. Ví dụ dễ thấy nhất đó là các nhà sư Phật giáo thường có tướng mạo hiền hòa, nhân từ và toát lên vẻ thánh thiện.

Tâm sinh tướng có thật không?

Theo nhiều nghiên cứu thì tâm sinh tướng là có thật.

Mặc dù là một quan niệm có từ lâu đời nhưng số người thắc mắc liệu chúng có thật không rất nhiều? Theo nghiên cứu thì tâm sinh tướng là hoàn toàn có thật và bạn có thể tin tưởng.

Người xưa có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh. Hữu tướng vô tâm, tướng tuần tâm diệt.”

– Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh: có nghĩa là người có tướng mạo sinh ra không đẹp nhưng nhờ tâm hướng thiện nên tướng mạo sẽ đẹp dần lên.

– Hữu tướng vô tâm, tướng tuần tâm diệt: có nghĩa là người có tướng mạo khi sinh ra đẹp nhưng do tâm xấu sẽ khiến tướng mạo xấu dần đi.

Nhìn từ quan điểm sinh lý học và tâm lý học, chúng ta có thể thấy “tâm sinh tướng” hoàn toàn hợp lý. Bởi vì hành động và suy nghĩ của chúng ta sẽ được phản ánh thông qua diện mạo. Ví dụ như tướng cướp thì ngoại hình và tính cách lúc nào cũng bậm trợn, còn các nhà sư Phật giáo thì đa số đều có thiện cảm.

Người tâm ác, suy nghĩ lúc nào cũng muốn hại người nên luôn lo sợ, ăn ngủ không yên khiến thần sắc suy sụp. Hoặc người đang gặp bất lợi trong công việc, tình cảm… khiến tinh thần giảm sút cũng có những biểu hiện tương tự thông qua tướng mạo.

Ngược lại, người luôn làm việc thiện giúp người, không lo sợ điều gì thì thần sắc, tướng mạo lúc nào cũng hồng hào và nhiều năng lượng tích cực. Điều này là do dòng năng lượng của suy nghĩ thể hiện ra bên ngoài thông qua ngoại hình của chúng ta.

Vì vậy dù muốn hay không, thì chính tâm chúng ta là họa sĩ, là nghệ nhân điêu khắc kỳ tài nhất đã thể hiện một cách xuất sắc và chính xác từng mi-li-mét những cảm xúc bên trong nội tâm thành đường nét bên ngoài cơ thể.

Có thể một ý nghĩ xấu chưa tạc thành đường nét, nhưng ý nghĩ ấy cứ lặp đi lặp lại trong một thời gian dài thì nó sẽ tạo thành dấu ấn và lưu lại trên cơ thể, nhất là gương mặt của họ.

Đừng nói một bậc Giác ngộ, chỉ cần người biết xem tướng thôi cũng có thể biết được tương lai của bạn, thậm chí kiếp sau của bạn sẽ đi về đâu, vì nó đã hiện rõ ra rồi. Không phải đợi sau khi chết chúng ta mới biến thành ngạ quỷ, ví dụ vậy, mà chúng ta đã làm ngạ quỷ khi đang còn sống rồi, trên cách thức và gương mặt của chúng ta.

Nếu có ai đó tạc một bức tượng hình thù kỳ quái và mặt mày hung tợn rồi nói với mọi người rằng đây là tượng Bồ-tát thì chắc không ai tin. Vì ai cũng biết rằng Phật, Bồ-tát thì hiền hòa, từ ái làm cho người nhìn hoan hỷ, còn ma quỷ thì xấu xa, ghê sợ đến nỗi không dám nhìn. Tâm như thế nào thì tướng như thế ấy vậy.

Bởi lẽ đó theo các sách nghiên cứu về nhân tướng học, sách phong thủy hay các tôn giáo đều có cách nhìn nhận tướng mạo con người để đoán cái tâm của họ. Điều này đặc biệt ý nghĩa và được áp dụng nhiều bởi những người làm kinh doanh.

Những ai kinh doanh, buôn bán, hợp tác làm ăn đều mong nhìn qua tướng mạo để chọn người hiền tài, chọn đối tác thật tâm. Điều này giúp họ có được cho mình những cơ hội hợp tác tốt và dễ sinh lời nhất.

Cách nhìn người qua tướng mạo

Hiện có khá nhiều luận điệu phân tích tâm tính ảnh hưởng tới tướng mạo con người. Một vài cách nhìn nhận cơ bản được kể đến như:

  • Người hiền lành, thiện nhân, khoáng đạt thường có khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu, mắt thanh mày tú. Mặc dù họ có khuôn mặt không quá xinh nhưng vẫn đủ ưa nhìn, thu hút.
  • Người nhỏ nhen, ích kỷ thường có má hóp, miệng nhọn đặc biệt 2 chân mày nối liền nhau, miệng khi nói răng mở ít.
  • Người nóng tính, hung dữ khuôn mặt khá dữ dằn, bặm trợn.
  • Người gian xảo, tâm lý bất ổn thường có mắt láo liên, sắc mặt không tốt.

Nhìn chung có khá nhiều cách nhìn tướng đoán tâm được phác họa. Đây đều là những nghiên cứu lâu dài và có sự khẳng định từ nhiều chuyên gia nhân tướng học. Chính vì thế muốn có được cách nhìn người tốt bạn nên tìm đọc sách liên quan đến tướng tự tâm sinh.

Tướng mạo có thay đổi không khi tâm thay đổi?

Mỉm cười mỗi ngày là cách giúp cho tướng mạo thay đổi theo hướng tích cực.

Rất nhiều người thắc mắc tạo sao có người tướng đẹp, nhìn hiền lành nhưng tâm lại ác. Hay có người chuyên ăn gian làm dối nhưng hình tướng rất đẹp. Tướng mạo có thay đổi khi tâm thay đổi không?

Trên thực tế có nhiều trường hợp tướng đẹp mà tâm không hề tốt vẫn hiện diện trong xã hội này. Bởi lẽ tướng ở đây không chỉ là hình dáng mà còn là khí chất. Khí chất là những gì toát ra từ bên trong con người. Do đó việc đọc vị tâm của một người không hề đơn giản như chúng ta nghĩ.

Quay lại với câu hỏi “tâm thay đổi liệu tướng có đổi thay” câu trả lời là có! Điều này đã được nhiều người chứng minh. Nếu vào một giai đoạn nào đó tâm bạn thay đổi, những suy nghĩ trở nên tích cực, thiện lương, ý thức được nâng cao lúc này tướng mạo, khí chất cũng thay đổi thêm phần đẹp hơn. Bạn sẽ nhận thấy rõ điều đó khi thấy khuôn mặt hồng hào, miệng luôn tươi cười.

Ngược lại nếu có giai đoạn tâm bạn xấu chuyên đố kỵ, khó chịu hẳn khuôn mặt sẽ luôn cau có. Bạn sẽ thấy những biểu hiện rõ nét tại đôi mắt, cái miệng có sự đổi thay rất nhiều.

Chính vì thế, ông bà xưa thường khuyên con cháu nên hướng thiện hay thay đổi tâm tính là vì thế. Bạn sẽ có được tướng mạo, khí chất tốt nếu tâm bạn tốt. Nói chung tướng mạo không phải sinh ra như thế nào thì mãi như thế đó, bạn vẫn có thể thay đổi được bằng cách sữa đổi tâm tính của bản thân.

Một vài cách giúp thay đổi tướng mạo tốt hơn

Như đã nói ở trên, tướng mạo luôn là cái toát ra ngoài và là điều thu hút người đối diện. Bạn có tướng mạo tốt, khí chất tốt ắt hẳn sẽ có vận mệnh tốt. Điều này được quyết định bởi chính tâm của bạn. Vì vậy hãy luôn sống tích cực để có được cuộc đời an yên. Một vài cách giúp thay đổi tướng mạo như sau:

  • Thường xuyên mỉm cười
  • Luôn suy nghĩ tích cực, giữ một tâm hồn lạc quan trong mọi tình huống
  • Luôn sống thật lòng, bao dung, vị tha không chỉ với người thân mà tất cả mọi người trong cuộc sống.
  • Tâm luôn hướng thiện không chỉ thể hiện ở việc giúp đỡ người khác qua hành động mà cả lời nói.
  • Luôn nói lời hay ý đẹp, hạn chế tạo khẩu nghiệp.

Ngoài ra, để có thể cải thiện tướng mạo tốt hơn thì bạn nên tiếp xúc nhiều với những người tử tế. Như câu nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, dần dần bạn sẽ trở nên đẹp giống như họ. Bạn cũng nên nhớ rằng người có diện mạo đẹp là người không chỉ có vẻ đẹp bề ngoài mà quan trọng hơn là vẻ đẹp nội tâm bên trong của người đó!

Thực ra tướng theo cách nhìn của Phật giáo sẽ khó hơn nhiều, bởi tướng chỉ là một cách biểu hiện đã lộ ra bên ngoài, còn cái tâm lại là thứ ẩn bên trong và chính thứ ẩn bên trong mới là cái quyết định căn cốt và đạo đức của một con người.

Do vậy, trong những bối cảnh và sự kiện nhất định, một người có vẻ đạo mạo về tướng đẹp theo quan điểm thông thường nhưng chưa hẳn người đó đã là một người có nhân cách và đạo đức tốt theo quan điểm của Phật giáo. Đối với Phật giáo, quan sát diện mạo của một người kết hợp với quan sát hành động và các biểu hiện khác mới là điều cốt lõi quan trọng.

Tướng chỉ là một phần của con người, quan trọng hơn cả là chiều sâu trong nhân cách và cách hành xử đạo đức đối với mọi người xung quanh trong các mối quan hệ xã hội. Đấy mới là điều mà đạo Phật quan niệm và đề cao.

Trên đây là một số quan niệm, thông tin về tâm sinh tướng. Theo nghiên cứu cũng như các quan niệm dân gian xưa nay thì tướng mạo là không cố định và chúng sẽ thay đổi theo tâm của bạn. Tâm đạo diễn tất cả, từ suy nghĩ cho tới hành động, và nó có thể biểu hiện qua tướng mạo của một người. Vì vậy, hãy luôn suy nghĩ tích cực, ý thức tốt, tâm hồn đẹp ắt bạn sẽ có tướng mạo tốt và mệnh đẹp để một đời an nhiên.

PGVN – Tham khảo từ các chuyên gia nhân tướng học

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button