Nghiên cứu

Thân trung ấm – Trạng thái trung gian 49 ngày sau khi chết

Theo thầy Thích Trí Huệ, thì thân trung ấm là khoảng thời gian chuyển trạng thái từ cảnh giới này sang cảnh giới khác. Sau khi chết, tâm sẽ tách rời khỏi thân và trải qua 49 ngày trong trạng thái trung gian để chuẩn bị tái sinh vào cuộc sống kế tiếp.

Ở phương Tây, cuộc sống của một người như là một đoạn riêng biệt từ khi ra đời cho đến khi kết thúc. Cái chết được giải nghĩa như là sự kết thúc, như cái gì đó đóng cửa mãi mãi, và cá nhân đó sẽ lên thiên đàng hoặc địa ngục, không có khái niệm cơ hội thứ hai liên quan đến cuộc sống khác.

Nhưng nếu chúng ta nhìn vào chủ đề này từ sự hiểu biết của Phật giáo, thì sự nhận thức về cái chết sẽ thay đổi hoàn toàn. Cái chết và tái sinh là một quá trình, được mô tả chi tiết trong Phật giáo Tây Tạng với tên gọi là thân trung ấm.

Bạn đang xem: Thân trung ấm – Trạng thái trung gian 49 ngày sau khi chết

Thân trung ấm là gì?

Thân trung ấm (tiếng Phạn: Antarābhava – Bardo) hay thân trung hữu là một thuật ngữ nói về trạng thái trung gian hoặc khoảng không gian mà chúng ta sẽ trải nghiệm giữa cái chết và lần tái sinh tiếp theo. Đó là khoảng thời gian chuyển trạng thái khi mà tâm và thân đã tách rời độc lập, không còn liên kết với nhau nữa.

Nó là một khái niệm phát sinh sau khi Đức Phật qua đời. Vì thế, có một số trường phái Phật giáo chấp nhận sự tồn tại của một trạng thái trung gian như vậy, trong khi những người theo Phật giáo Nguyên Thuỷ thì bác bỏ nó. Trong Phật giáo Tây Tạng , thân trung ấm là chủ đề trung tâm của Bardo Thodol,  một văn bản quan trọng của Phật giáo Kim Cương Thừa.

Người ta cho rằng, sau khi chết, linh hồn sẽ bước vào “thực tại ảo” sống động, nơi cuộc sống nhấp nháy trước mặt nó. Linh hồn sau đó sẽ chứng kiến ​​những nghiệp mà nó đã tích lũy trong suốt cuộc đời đó. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng thì giai đoạn này kéo dài tối đa 49 ngày, sau đó linh hồn buộc phải tái sinh vào 1 trong 6 cõi luân hồi.

Lưu ý: Phật giáo không công nhận một linh hồn tồn tại như một thực thể bất biến vĩnh cửu, mà đó là một tập hợp (uẩn) các luồng ý thức thay đổi liên tục hay còn được gọi là tâm thức.

Có nhiều loại bardo được mô tả trong các văn bản truyền thống Phật giáo Tây Tạng bao gồm: Bardo giấc mơ, bardo thiền định, và thậm chí cả bardo của cuộc đời này – đó là trạng thái trung gian giữa sinh và tử.

Theo các nhà bí truyền Tây Tạng, tất cả sự tồn tại chỉ là một chuỗi các trạng thái chuyển tiếp xen kẽ. Thức dậy, ngủ, thiền định, hấp hối, lang thang trong thế giới linh hồn, tái sinh…tất cả đều là bardo.

Thân trung ấm là không gian của sự sáng tạo và sự đổi mới, bởi vì chúng tạo ra những khoảng nghỉ trong các thủ tục và khuôn mẫu quen thuộc của chúng ta. Trong không gian tạm thời đó, sự nhận thức về cái gì đó mới mẻ và tỉnh táo có thể đột nhiên nảy sinh.

Thời gian tối đa của thân trung ấm là 49 ngày sau khi chết, nhưng bất cứ lúc nào, tâm thức có thể đạt được cuộc sống mới dưới bất kỳ hình thức nào trong bất kỳ 6 cõi luân hồi nào được đề cập trong Phật giáo. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp trong quá khứ.

Nghiệp lực sẽ ràng buộc chúng sinh vào vòng luân hồi (samsara). Chỉ có những người đạt được giác ngộ (bodhi) mới thoát khỏi chu kỳ này.

Những người chưa giác ngộ sẽ phải chịu tác động của nghiệp, cho dù tốt hay xấu, sẽ tái sinh vào một trong 6 cõi luân hồi: Như một người đau khổ trong địa ngục (chịu đựng tra tấn khủng khiếp), như một con ma đói lang thang (bị trói buộc bởi lòng tham), như một con vật (hành động theo bản năng), như là một con người (cân bằng giữa bản năng và lý trí), hoặc như một vị thần (bị lừa dối bởi cuộc sống lâu dài của họ để tin rằng họ là bất tử).

Nguồn gốc

Người Tây Tạng cho rằng, khái niệm về thân trung ấm là bắt nguồn từ Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava), vị đạo sư Mật tông tantric Ấn Độ, người đã đưa Phật giáo đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7. Ông được người dân nới đây gọi là Guru Rinpoche (Bậc thượng sư) và ảnh hưởng của ông đối với Phật giáo Tây Tạng là không thể đếm được.

Theo truyền thống, Đức Liên Hoa Sanh đã sáng tác “Bardo Thodol” như là một phần của một tác phẩm lớn hơn được gọi là “Chu kỳ của các bổn sư hòa bình và bạo lực.” Văn bản này được viết bởi vợ và học trò của ông, Yeshe Tsogyal. Nó được giấu trong những ngọn đồi Gampo ở miền trung Tây Tạng. Văn bản được Karma Lingpa phát hiện vào thế kỷ 14.

Kể từ đầu thế kỷ 20, nó đã được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Bản dịch tiếng Anh đầu tiên được thực hiện bởi Walter Evans-Wentz (1927), với tiêu đề “The Tibetan Book of the Dead“.

Ba giai đoạn của thân trung ấm

Theo Phật giáo Tây Tạng, thì khoảng thời gian tối đa của thân trung ấm là 49 ngày sau khi chết và quá trình này trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Chikai Bardo

Điều này bao gồm quá trình chết và sự giải thể của các nguyên tố tạo nên cơ thể vật lý. Chúng tương tự như các khái niệm về đất, lửa, nước và không khí ở phương Tây, và liên quan đến sự phân tách của linh hồn ra khỏi cơ thể vật lý.

Sự giải thể này theo một tiến trình được quy định như sau: các giác quan yếu dần và cơ thể trở nên mất kiểm soát (đất), máu không thể lưu thông, môi và mắt bắt đầu khô dần (nước), cơ thể mất đi sự ấm áp (lửa), và hơi thở trở nên yếu ớt (không khí).

Trong giai đoạn này, tâm thức sẽ thấy những ký ức trong quá khứ xuất hiện chân thật. Phật giáo Tây Tạng tin rằng, đây là thời điểm rất thuận lợi cho việc đạt niết bàn và giải phóng khỏi vòng luân hồi nếu như tâm thức có thể nhận ra ánh sáng của Phật. Nếu họ có thể nhận ra ánh sáng rõ ràng cho những gì nó thực sự là, họ sẽ đáp ứng nó một cách tự nhiên như một đứa trẻ chạy vào quanh vòng tay của mẹ mình, tuy nhiên đa phần chúng ta đều lẩn tránh ánh sáng này.

Giống như ánh sáng của mặt trời, chúng ta rất cần nó nhưng không ai muốn nhìn thẳng vào nó. Nếu ánh sáng rõ ràng không được công nhận, tâm thức sẽ đi vào tình trạng tâm tối của thân trung ấm.

Trong giai đoạn Chikai bardo, ý thức của người quá cố vẫn có thể nắm bắt được những lời nói và lời cầu nguyện mà thay mặt cho người đó có thể giúp họ vượt qua sự nhầm lẫn do ảo giác tạo ra.

Những lời dạy này vô cùng sâu sắc và phức tạp, và rất quan trọng đối với những hành giả Phật giáo. Điều này đặc biệt vì họ tin rằng giai đoạn chuyển đổi này là một cơ hội tuyệt vời để quyết định không tái sinh. Bởi không tái sinh, họ tránh những đau khổ vốn có trong sự tồn tại.

Giai đoạn 2: Chonyid Bardo

Trong giai đoạn này, tâm thức sẽ thấy những hiện thân đáng sợ, ma quỷ và các vị thần hung dữ. Nếu không có sự chuẩn bị khi gặp những hiện tượng này, thì tâm thức trở nên bối rối và sợ hãi.

Những vấn đề lớn nhất của tâm thức trong giai đoạn thứ hai của thân trung ấm là những cảm xúc tiêu cực như cảm giác tội lỗi và sợ hãi (do thiếu sự quen thuộc) và thiếu sự kiểm soát có ý thức về trải nghiệm của chính mình. Sợ hãi sẽ gây mất tập trung có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và mất kiểm soát.

Đối với những người đã có kinh nghiệm tâm linh trong suốt cuộc đời của họ qua các thực hành tôn giáo, thì họ sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ những vị thần và bước vào cõi của những vị giác ngộ. Khi những vị thần này xuất hiện, họ đôi khi đáng sợ vì sức mạnh tinh thần của họ. Sự xuất hiện của họ đi kèm với những ánh sáng, âm thanh mạnh mẽ khiến chúng ta sợ hãi và hoang mang. Ánh sáng tinh thần được mô tả là có một sự sáng chói đáng sợ, rõ ràng, tươi sáng và sắc nét.

Đối với một người bình thường, họ thường có xu hướng tập trung vào những hình ảnh và ánh sáng dịu mát, quen thuộc và đôi khi những gì họ thấy biểu hiện cho một trong những niềm đam mê của họ.

Một người có kinh nghiệm ít bị mất phương hướng bởi dòng xoáy bên trong của thân trung ấm. Nói một cách khác, trong khi tâm thức bơi giữa đại dương mênh mông, nó không biết phải nương tựa vào đâu để tiếp tục cuộc hành trình tâm linh của mình. Điểm định hướng có thể là một vị thần, một thần chú, một lời cầu nguyện…Tâm thức phải có khả năng tập trung và tiến tới mục tiêu đó bằng cách sử dụng các kỹ thuật thiền mà họ đã thực hành khi còn sống.

Đây là một trong những lý do quan trọng để thực hiện một thực hành tâm linh trong suốt cuộc đời. Thực hành thiền hoặc niệm Phật hàng ngày để thiết lập một mô hình hoạt động tinh thần bền vững. Từ đó trở thành thói quen giúp tâm thức định hướng rõ ràng trong thân trung ấm.

Tuy nhiên, một số người cho rằng, những điều xảy ra trong giai đoạn 2 hoàn toàn do nghiệp lực quyết định và phủ nhận việc tâm thức có thể kiểm soát được kinh nghiệm trong trạng thái này.

Giai Đoạn 3: Sidpa Bardo

Giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi thành một cơ thể mới. Trong giai đoạn này, ý thức đi xuống và một cơ thể mới được sinh ra.

Phật giáo không chấp nhận sự hiện hữu của một thực thể tiếp tục duy nhất trong luân hồi và thay vào đó là “sự tái sinh” của luồng ý thức trong một thân thể mới.

Giai đoạn thứ ba và cuối cùng của thân trung ấm là giai đoạn luân hồi, nơi tâm thức được kéo vào cơ thể khác để bắt đầu một cuộc sống mới. Phật giáo Tây Tạng tin rằng, thế giới được mong muốn nhất được sinh ra là thế giới vật chất, vì nó mang lại cơ hội cho sự phát triển và thực hành tâm linh.

Giai đoạn này bao gồm một loạt các hình ảnh được xác định bởi nghiệp lực dẫn tới các xoáy tâm linh kéo tâm thức vào bào thai người mẹ, một cuộc sống mới bắt đầu. Một khi đã tái sinh, nghiệp lực sẽ ảnh hưởng đến bản chất của người đó trong cuộc sống mới của họ.

Đối với những cá nhân không tái sinh trong cõi người, họ sẽ đi đến một trong năm cõi tái sinh khác. Đó là cõi trời (deva), cõi địa ngục (niraya), cõi ngạ quỷ (petta), cõi thần (asura) và cõi động vật (tiracchānayoni).

Phowa – Chuyển di tâm thức

Phowa là một loại thiền định liên quan đến việc “biến đổi” tâm thức thành một người giác ngộ vào lúc chết. Nó khá giống với phương thức của Tịnh Độ tông.

Bằng cách gọi hoặc niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, người ta sẽ nhập vào một trạng thái thiền quán nhập tâm của mình với tư tưởng của Đức Phật hoặc người ta tưởng tượng ra Đức Phật ở phía trước.

Một người sẽ được tịnh hoá bởi những tia sáng phát ra từ Đức Phật. Cuối cùng, tâm thức của người sắp chết sẽ phân tán thành ánh sáng và kết hợp với ánh sáng của Phật.

Tuy nhiên, thực hành Phowa hoàn toàn là một hoạt động nghi thức phức tạp hơn rất nhiều, và chỉ nên được thực hiện bởi một bậc thầy nhiều kinh nghiệm. Việc thực hành này có thể được thực hiện cho một người sắp chết hoặc thậm chí cho một người đã qua đời. Nó cũng có thể được thực hiện cho chính mình.

Một yếu tố giúp cho tâm thức đạt được tự do kiểm soát trong thế giới bên kia là chấp nhận cái chết. Những người không chấp nhận cái chết sẽ chống lại quá trình này và đưa năng lượng tiêu cực vào giai đoạn thân trung ấm. Buông bỏ là từ mà Phật giáo thường giảng cho các Phật tử của mình.

PGVN – Ảnh wallhere

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button