Nghiên cứu

Tìm hiểu thiền công án của Trung Quốc

Thiền tông Phật giáo nổi tiếng là khó hiểu, và phần lớn danh tiếng đó xuất phát từ những “công án”. Công án là những câu đố khó hiểu và nghịch lý được các thiền sư đặt ra nhằm thách thức các câu trả lời hợp lý.

Làm thế nào để chúng ta giải thích về điều không thể giải thích được? Câu hỏi này đã truyền cảm hứng cho nhiều huyền thoại, các học giả tôn giáo và nhà khoa học. Nhưng các tu sĩ Thiền tông tu hành khắp Trung Quốc từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13 đã đặt ra một câu hỏi khác – tại sao chúng ta cần một lời giải thích?

Đối với những tu sĩ này, việc tìm kiếm câu trả lời một cách mù quáng là tật xấu cần loại bỏ, và học cách chấp nhận những bí ẩn tồn tại là con đường thực sự để giác ngộ.

Bạn đang xem: Tìm hiểu thiền công án của Trung Quốc

Là con người, chúng ta rất khó có thể chống lại sự thôi thúc mong muốn giải thích điều không thể giải thích. Vì vậy, để giúp tu hành với những bí ẩn này, các nhà sư Thiền tông đã sử dụng một bộ sưu tập khoảng 1.700 thí nghiệm tư tưởng triết học mơ hồ được gọi là “công án”.

Thiền công án là gì?

Từ “koans” Nhật Bản xuất phát từ chữ “gong-an” của Trung Quốc, có nghĩa là “án công khai – trường hợp công khai”. Tình huống hay câu hỏi chính trong công án đôi khi được gọi là “án chính”. Nhưng không giống như các trường hợp khác trong thế giới thực, công án được thiết kế khó hiểu có chủ ý.

Nhìn bề ngoài, chúng chứa một câu tục ngữ về “Luật Tăng lữ Thiền tông Phật giáo” chẳng hạn như: Sống không chấp ngã về thể xác-tinh thần, tránh tư duy nhị nguyên và nhận ra “Phật tánh“.

Nhưng bằng cách đóng khung những bài học như những giai thoại phi lý, công án đã trở thành các bài kiểm tra giúp các tu sĩ học cách sống với sự mơ hồ và nghịch lý.

Bằng việc bối rối thông qua những “trường hợp khó hiểu” này, các thiền sư có thể chuyển hóa nội tâm và thực hành giáo lý Phật giáo. Như thế, họ từ bỏ việc tìm kiếm một câu trả lời thực sự và kích hoạt một bước đột phá tâm linh.

Vì đây là những điều không thể giải thích được bằng tri thức, vì vậy sẽ là sai lầm khi thử và giải mã những điều đó. Nhưng cũng giống như các nhà sư đi trước, chúng ta có thể ghép chúng lại với nhau và điều tra xem chúng như thế nào để giải thích đơn giản hơn.

Một số ví dụ về thiền công án

Thiền sư thường trình bày công án trong các buổi thuyết giảng, hoặc thiền sinh thử thách bản thân “giải quyết” chúng trong lúc hành thiền.

Ví dụ, một công án gắn liền với thiền sư Hakuin Ekaku (1686-1769) mà gần như Phật tử nào cũng biết. “Ta có thể nghe thấy âm thanh khi hai bàn tay vỗ vào nhau. Vậy âm thanh của một bàn tay là gì?”

Đa số công án không phải là một câu hỏi để nhận lại một câu trả lời bằng chữ nghĩa hay lý luận. Tuy nhiên, có một câu trả lời!

Một ví dụ công án khác về việc “dính mắc” (mắc kẹt vào một cái gì đó). Một hôm Tanzan và Ekido cùng đi trên một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi. Qua một khúc quanh, họ gặp một người thiếu nữ xinh đẹp trong bộ kimono với đai lưng bằng lụa, ngập ngừng không băng qua đường được.

“Này cô bé,” vừa nói xong, tức thì Tanzan bế cô gái sang bên kia đường.

Ekido nhìn thấy hành động đó và im lặng cho đến đêm khi hai người đến trú ở một ngôi chùa. Không còn chịu được nữa Ekido phàn nàn với Tanzan: “Chúng ta là tu sĩ, không được đến gần phụ nữ, nhất là con gái trẻ đẹp. Nhưng tại sao sư huynh lại phạm giới?”

“Ủa, tôi đã để cô gái ở bên kia đường,” Tanzan nói “đệ vẫn còn mang cô ấy theo ư!”

Giống như tất cả các công án, câu chuyện này có nhiều cách giải thích. Nhưng một bài học phổ biến cho thấy rằng mặc dù không “dích mắc” về mặt thể chất, Ekido đã để tinh thần “bám lấy” người phụ nữ.

Ngoài việc khám phá sự mơ hồ, công án thường chế nhạo những người tuyên bố rằng họ hiểu biết hết về thế giới xung quanh họ.

Một ví dụ về “sự hiểu biết” là câu chuyện về ba nhà sư tranh luận về một lá cờ của ngôi đền gợn sóng trong gió. Vị sư đầu tiên nói rằng: “Tôi thấy một lá cờ đang chuyển động”. Trong khi vị sư thứ hai khẳng định rằng: “Đó không phải là cờ chuyển động, mà đúng hơn là gió động.”

Họ tranh luận qua lại cho đến khi một nhà sư thứ ba can thiệp, “Lá cờ không chuyển động, cũng không phải là gió thổi, mà là tâm của 2 huynh đang động!”

Công án này cho chúng ta thấy “sự hiểu biết của Phật giáo” là như thế nào. Nhà sư đầu tiên khẳng định tầm quan trọng của việc quan sát thế giới, người thứ hai ưu tiên kiến ​​thức mà chúng ta có thể suy ra từ thế giới đó.

Nhưng sự “thiên kiến xác nhận” của từng nhà sư đối với câu trả lời của mình đã làm cho họ bỏ qua cái nhìn sâu sắc về thực tại.  Điều này đi ngược lại với quan điểm của Phật giáo là xóa bỏ tư duy nhị nguyên. Vị sư thứ ba hóa giải xung đột của họ như là một nhận thức sâu sắc – cả hai nhà sư tranh luận không nhìn thấy bức tranh lớn hơn.

Tất nhiên, tất cả những giải thích này chỉ gợi ý về cách nhìn nhận những công án này. Không có sự khôn ngoan từ các tu sĩ, hay những nhân vật được cho là khôn ngoan trong những câu chuyện này có thể giải quyết chúng thay bạn.

Đó là vì mục đích của những công án không phải là tìm một giải pháp đơn giản. Mà đó là quá trình suy ngẫm, vật lộn với những câu đố nghịch lý, thách thức mong muốn của chúng ta đối với việc giải quyết, và sự hiểu biết của chúng ta về “sự hiểu biết”.

Quán chiếu công án

Trong thiền phái Lâm Tế (Rinzai hay Lin-chi), thiền sinh luyện tập với công án. Họ không nghĩ về nó; họ không cố gắng “giải nó”. Tập trung vào công án khi hành thiền, thiền sinh loại bỏ những suy nghĩ thiên vị để có một cái nhìn thấu đáo hơn, trực quan hơn.

Sau đó, thiền sinh trình bày “cái thấy” của mình về công án cho vị thiền sư trong một buổi nói chuyện riêng được gọi là sanzen, hoặc đôi khi là độc tham (dokusan). Câu trả lời có thể là bằng lời nói, tiếng la hét hoặc cử chỉ.

Thiền sư có thể hỏi thêm câu hỏi để xác định xem thiền sinh có thực sự “nhìn thấy” câu trả lời hay không. Khi thiền sư hài lòng, thiền sinh đã hiểu thấu đáo cái mà công án ám chỉ, ông chỉ định cho thiền sinh một công án khác.

Tuy nhiên, nếu bài trình bày của thiền sinh không đạt yêu cầu, thiền sư có thể cho thiền sinh một số chỉ dẫn. Hoặc, ông có thể kết thúc buổi nói chuyện đột ngột bằng cách bấm chuông hoặc đánh một chiếc cồng chiêng nhỏ. Sau đó, thiền sinh phải dừng lại bất cứ điều gì họ đang làm, cúi chào và trở về vị trí của mình trong zendo (khu thực tập thiền).

Đây là những gì được gọi là “nghiên cứu công án” hay “tìm hiểu công án”, hoặc đôi khi là “quán chiếu công án “. Cụm từ “nghiên cứu công án” gây nhầm lẫn cho mọi người, bởi vì nó hàm ý rằng thiền sinh lôi cuốn sách về công án và nghiên cứu chúng theo cách mà họ nghiên cứu một văn bản hóa học.

Nhưng thiền công án không phải là “nghiên cứu” theo nghĩa thông thường của từ đó, “quán chiếu công án” là một thuật ngữ chính xác hơn.

Điều được ngộ ra trong thiền công án không phải là tri thức. Nó cũng không phải là tầm nhìn hay trải nghiệm siêu nhiên. Nó là cái nhìn sâu sắc trực tiếp vào bản chất của thực tại, vào cái mà chúng ta thường thấy một cách rời rạc và phiến diện.

Từ “The Book of Mu: Essential Writings on Zen’s Most Important Koan”, do James Ishmael Ford và Melissa Blacker biên soạn:

“Trái ngược với những gì mà một số người có thể nói về chủ đề này, công án không phải là những cụm từ vô nghĩa nhằm đi sâu vào tâm trí (bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng cụm từ đó đề cập đến).

Hơn thế, công án chỉ chúng ta con đường trực tiếp tới thực tại, dẫn ta nếm thử vị của nước và cảm nhận nó là mát mẻ hay ấm áp.”

Trong thiền phái Tào Động (Soto zen), thiền sinh thường không thực hành “quán chiếu công án”. Tuy nhiên, nó không phải là chưa từng nghe về việc một thiền sư kết hợp các yếu tố của Tào Động và Lâm Tế, thuyết giảng công án một cách có chọn lọc cho những thiền sinh đặc biệt có thể hưởng lợi từ chúng.

Ở cả nhánh Lâm Tế và Tào Động, thiền sư thường đưa ra công án trong các buổi thuyết giảng chính thức (teisho). Nhưng những bài giảng này thường khó hiểu và rời rac hơn những gì thiền sinh có thể tìm thấy trong phòng dokusan.

Nguồn gốc của thiền công án

Không chắc chắn khi nói thiền công án là do Bồ Đề Đạt Ma khởi xướng, người sáng lập ra Thiền tông Trung Quốc. Một số học giả cho rằng, nguồn gốc của thiền công án bắt nguồn từ Đạo giáo Trung Hoa, hoặc có thể nó đã phát triển từ một truyền thống văn học của Trung Quốc.

Như chúng ta đã biết, thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163) đã làm cho công án trở thành một phần trọng tâm của thực hành thiền Lâm Tế. Thiền sư Đại Huệ và sau đó là thiền sư Hakuin là những người đặt nền móng cho việc thực hành công án mà các thiền sinh Lâm Tế phương tây sử dụng ngày nay.

Hầu hết các công án phổ biến được lấy từ các đoạn hội thoại được ghi lại trong thời nhà Đường (618-907) giữa thiền sinh và thiền sư, mặc dù có một số công án lâu hơn và một số gần đây. Thiền sư có thể tạo ra một công án mới bất cứ lúc nào, từ bất cứ thứ gì trong cuộc sống.

PGVN: Theo thoughtco.com – Ted-ed

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button