Nghiên cứu

Tứ phủ là gì? Các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ

Vừa nghe xong bài hát rất hay có tựa đề “Tứ Phủ” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, PGVN liền lên mạng để tìm hiểu xem “Tứ phủ” là gì và thấy chủ đề này rất thú vị nên muốn chia sẻ đến quý độc giả.

Tứ phủ là gì?

“Tứ” có nghĩa là “bốn”, “Phủ” có nghĩa là “miền” hay một số người giải thích là thủ phủ. Vì vậy, Tứ phủ có nghĩa là nơi làm việc của các vị thánh Mẫu, thần linh, Quan, ông Hoàng…

Tứ phủ hay Tứ phủ công đồng là một tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu xuất hiện trong thời phong kiến ở miền Bắc Việt Nam. Tín ngưỡng đạo Mẫu nói chung và Tam phủ, Tứ phủ nói riêng thờ các vị thần đại diện cho đất, trời, rừng núi, sông nước, các vị thần nam, thánh nữ địa phương và các anh hùng dân tộc góp phần bảo vệ nhân dân và tổ quốc.

Bạn đang xem: Tứ phủ là gì? Các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ

Theo nhiều văn bản ghi chép thì các Thánh Mẫu thường xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyện kể dân gian và đồng thời cũng có hiện tượng ngược lại là huyền thoại hóa, dân gian hóa các văn bản thần tích, thần phả.

Các truyện kể dân gian về 3 vị thánh mẫu: Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải lưu truyền trong dân gian khá phong phú, sau này một số được ghi chép lại trong các sách cổ như Việt điện u linh, ngoài ra còn có các truyện kể dân gian khác về các vị nữ thần được các sách sau này tập hợp và ghi chép lại.

Tứ phủ bao gồm:

  • Thiên phủ (miền trời): Mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp.
  • Nhạc phủ (miền rừng núi): Mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.
  • Thủy phủ (miền sông nước): Mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.
  • Địa phủ (miền đất): Mẫu đệ tứ (mẫu Địa) quản lý vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.

Nhiều người tin rằng hệ thống Tứ phủ được phát triển dựa trên Tam phủ (Tam Tòa Thánh Mẫu), ba vị mẫu đệ nhất, đệ nhị và đệ tam tượng trưng cho 3 người Mẹ đóng vai trò xây dựng và bảo vệ nhân dân, gìn giữ bờ cõi.

Ba vị Thánh Mẫu đầu tiên trong Tứ phủ

1. Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên

mẫu thượng thiên (liễu hạnh) trong tứ phủ
Mẫu Thượng Thiên (Liễu Hạnh) trong Tứ phủ.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh vốn là con vua Ngọc Hoàng, Đệ Nhị Quỳnh Hoa công chúa, ba lần giáng sinh phàm trần:

  1. Lần thứ nhất bà giáng vào nhà họ Phạm (tên là Phạm Thị Tiên Nga) ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên Nam Định (do vâng mệnh giáng sinh), được bốn mươi năm
  2. Lần thứ hai bà giáng vào nhà họ Lê (cải từ họ Trần, tên là Lê Thị Thắng, hiệu Giáng Tiên) ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định (do lỡ tay đánh rơi chén ngọc nên bị trích giáng), kết duyên cùng Trần Đào Lang, đến năm 21 tuổi thì về trời
  3. Lần thứ ba bà giáng hiện tại Nga Sơn, Thanh Hóa (do tình nguyện hạ trần để tái hợp cùng Mai Sinh là hậu kiếp của Trần Đào Lang) được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên.

Sau đó bà hiển linh giúp dân giúp nước nên được các triều đại sắc phong là : “Mã Hoàng Công Chúa, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần”, “Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Vi Bách Thần Chi Thủ” (triều vua Lê Thần Tôn), “Hộ Quốc Bình Nhung Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” (triều vua Lê Huyền Tôn).

Ngày hội chính của Mẫu Liễu Hạnh là ngày 3/3 âm lịch, tức là ngày Mẫu hóa trong lần giáng sinh thứ hai, ngoài ra ngày rằm tháng 8 ở Phủ Tây Hồ cũng mở tiệc rất long trọng.

2. Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Mẫu Thượng Ngàn (Sơn Lâm) trong tín ngưỡng Tứ phủ
Mẫu Thượng Ngàn (Sơn Lâm) trong tín ngưỡng Tứ phủ. Ảnh: vietnamdoc.net

Thánh Mẫu Thượng Ngàn (Sơn Lâm) vốn là con Vua Đế Thích, lần đầu hạ phàm bà là Quế Hoa Mị Nương công chúa, con Vua Hùng Vương. Theo sự tích khi sinh bà ra, Hoàng Hậu đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên Vua Hùng Vương mới đặt tên cho bà là Quế Hoa công chúa.

Sau khi sinh được bà thì Hoàng Hậu cũng qua đời nên bà quyết chí tu hành, không kết duyên, về sau cùng mười hai nàng thị nữ vào rừng sâu, được lão tổ truyền đạo. Lần thứ hai bà giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái.

Sau đó nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, biết lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang, được nhân dân suy tôn là: “Diệu Tín Thuyền Sư Diệu Nghĩa Tàng Hình”, “Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều”. Sau này bà lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là: “Lê Mại Đại Vương”.

Ngày hội chính của Mẫu Thượng Ngàn thường tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm theo âm lịch. Còn trên Đền Bắc Lệ lại tổ chức hội vào ngày 20/9 âm lịch.

3. Mẫu Đệ Tam Thoải Cung

Mẫu đệ tam Thoải Cung trong tín ngưỡng Tứ phủ
Mẫu đệ tam Thoải Cung trong tín ngưỡng Tứ phủ. Ảnh: dothocung.net.vn

Thánh Mẫu Thoải vốn là con Vua Bát Hải Thủy Quốc Động Đình, kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Nghe lời tiểu thiếp Thảo Mai, Kính Xuyên vu cho bà thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt.

Tại nơi rừng sâu bà không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Bà bèn nhờ Liễu Nghị mang thư kể hết sự tình về cho vua cha. Sau đó bà được minh oan, kết duyên cùng Liễu Nghị, còn Kính Xuyên và Thảo Mai thì bị trừng phạt.

Khi ở chốn Động Đình bà vốn là con vua cha Bát Hải nên được gọi là: “Động Đình Công Chúa Ngọc Hồ Thần Nữ”, sau này bà còn có danh hiệu: “Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ Công Chúa”. Ngày tiệc chính của Mẫu Thoải là ngày 10/6 âm lịch, thường được tổ chức long trọng nhất là ở Đền Mẫu Thác Hàn Sơn.

Mẫu Tứ được thêm vào là Mẫu Địa tượng trưng cho đất. Có tài liệu nói rằng Mẫu Địa phủ là Liễu Hạnh Công Chúa (Mẫu Thượng Thiên ở miền Bắc), một Thánh nữ của người Chăm. Do tính truyền miệng, cởi mở và đa dạng vùng miền nên tín ngưỡng đạo Mẫu Việt Nam thường không có sự thống nhất.

Hệ thống thần linh trong Tứ phủ, đạo Mẫu

Tôi có dịp thăm viếng chùa Châu Thới tọa lạc trên ngọn núi nhỏ ở Bình Dương và thấy ngôi chùa này thờ rất nhiều vị thần khác ngoài chư Phật và Bồ tát như: Ngũ Hành Nương Nương, Diêu Trì Kim Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Quan Công, Bà Chúa Xứ và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế… Xin xâm bói quẻ và cúng cô hồn.

Điều này hơi kỳ lạ với tôi nhưng hình như nhiều ngôi chùa lâu đời khác chịu ảnh hưởng bởi Trung Hoa và Tín ngưỡng dân gian cũng thờ cúng như thế để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của bà con.

Theo Wikipedia thì đạo Mẫu là một tín ngưỡng ra đời muộn nên dung hòa nhiều yếu tố của Phật giáo và Đạo giáo. Chư Phật và Bồ tát là những vị được tôn kính nhất trong hệ thống thần linh của Tứ phủ. Tuy nhiên, Tứ phủ vẫn có một hệ thống thần linh đông đảo và các tín đồ thường chỉ tập trung thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng xoay quanh các vị thần linh này.

Danh sách các vị thần linh trong Tứ phủ từ cao đến thấp bao gồm:

1. Vua Cha

  • Ngọc Hoàng Thượng đế
  • Bát Hải Long Vương
  • Thập Điện Diêm Vương

2. Tam Tòa Thánh Mẫu

  • Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
  • Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Tam Tòa Thánh Mẫu là 3 người Mẹ cai quản cõi trời (Mẫu Liễu Hạnh), cõi rừng (Mẫu Thượng Ngàn) và cõi sông nước (Mẫu Thoải Phủ).

Về sau này, theo các huyền tích, bản văn chầu và khoa cúng thì dân gian phát triển thêm tín ngưỡng thờ Tứ Phủ bao gồm 4 vị Thánh Mẫu: Thánh Mẫu Cửu Trùng, Thánh Mẫu Liễu, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn.

3. Tam Vị Chúa Mường

  • Đệ Nhất Lê Mại Đại Vương
  • Đệ Nhị Diệu Tín Thiền Sư
  • Đệ Tam Diệu Nghĩa Thiền Sư

4. Hàng Quan Lớn

  • Quan Đệ Nhất Thượng Thiên được thờ tại đền tam thiên tôn
  • Quan Đệ Nhị Giám Sát Thượng Ngàn
  • Quan Đệ Tam Thoải Phủ
  • Quan Đệ Tứ Khâm Sai
  • Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh
  • Quan Đệ Lục
  • Quan Điều Thất Đào Tiên
  • Quan Đệ Bát Đồng Bằng Sông Diêm
  • Quan Đệ Cửu
  • Quan Đệ Thập Triệu Tường

Các vị Quan rất được tôn kính trong hệ thống thần linh của Tứ phủ vì công lao xây dựng, bảo vệ và mở mang bờ cõi thời xa xưa. Các vị Quan thường được hầu là Quan Đệ Nhị, Quan Đệ Tam, Quan Đệ Ngũ.

5. Hàng Chầu Bà

  • Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên (Quế Hoa Công Chúa)
  • Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn (Đông Quang Công Chúa)
  • Chầu Đệ Tam Thoải Phủ (Thủy Tinh Công Chúa)
  • Chầu Đệ Tứ Khâm Sai (Chiêu Dung Công Chúa)
  • Chầu Năm Suối Lân (Suối Lân Công Chúa)
  • Chầu Lục Cung Nương (Lục Cung Đô Thống )
  • Chầu Bảy Kim Giao (Kim Giao Công Chúa)
  • Chầu Bát Tiên La ( Trinh Thục Công Chúa )
  • Chầu Chín Cửu Tỉnh (Quỳnh Hoa Công Chúa)
  • Chầu Mười Đồng Mỏ (Mỏ Ba Công Chúa)
  • Chầu Bé Bắc Lệ (Bắc Lệ Công Chúa)
  • Chầu Thủ đền, Thủ điện.

Các vị Chầu phổ biến hay hầu bóng gồm Chầu đệ Nhị, Chầu Năm, Chầu Lục, Chầu Mười, Chầu Bé. Ngoài ra có người hầu giá Chúa Thác Bờ sau giá Chầu Đệ Tam.

6. Hàng Ông Hoàng

  • Hoàng Cả Thượng thiên thờ chính tại đền tam thiên tôn
  • Hoàng Đôi Thượng Ngàn
  • Hoàng Bơ Hưng Long
  • Hoàng Tư Địa Phủ
  • Hoàng Năm Mán Tộc
  • Hoàng Sáu Thanh Hà
  • Hoàng Bảy Bảo Hà
  • Hoàng Bát Nùng
  • Hoàng Chín Cờn Môn
  • Hoàng Mười Nghệ An

Ngoài các ông Hoàng kể trên còn có thêm ông Hoàng Báo Đông Cuông, ông Hoàng Bắc Quốc, ông Chín Thượng Ngàn.

7. Hàng Thánh Cô

  • Cô Cả Thượng Thiên (Cô Cả Vân Hương)
  • Cô Đôi Thượng Ngàn (Cô Đôi Bồng Lai)
  • Cô Bơ Thoải Cung (Cô Ba Thác Hàn)
  • Cô Tư Tây Hồ (Cô Tư Ỷ La)
  • Cô Năm Suối Lân
  • Cô Sáu Sơn Trang
  • Cô Bảy Kim Giao
  • Cô Tám Đồi Chè
  • Cô Chín Sòng Sơn
  • Cô Mười Đồng Mỏ

8. Hàng Thánh Cậu

  • Cậu Hoàng Cả (cậu Quận Phủ Dày)
  • Cậu Hoàng Đôi (cậu Quận Đồi Ngang)
  • Cậu Hoàng Bơ Thoải Phủ
  • Cậu Hoàng Tư Địa Phủ
  • Cậu bé bản đền

9. Hội đồng cô Bé

Tùy theo bản cảnh địa phương lại có cô bé bản đền tức là thánh cô được Mẫu sai trông coi bản đền ở địa phương đó như:

  • Cô bé Suối Ngang
  • Cô bé Sapa
  • Cô bé Minh Lương
  • Cô bé Tân An
  • Cô bé Sóc
  • Cô bé Mỏ Than
  • Cô bé Thác Bờ
  • Cô bé Cây Xanh
  • Cô bé Chí Mìu

Trong 12 vị thánh cô thì có 5 vị thánh cô thường xuyên ngự đồng là:

  • Cô Đôi Thượng Ngàn
  • Cô Bơ Thác Hàn
  • Cô Sáu Sơn Trang
  • Cô Chín Sòng Sơn
  • Cô bé Thượng Ngàn

Các cô ngoài hàng thập nhị Thánh cô nhưng hiển ứng linh thông nên các thanh đồng hay kiều về như Đôi Cô Cam Đường. Ngoài ra trong khoa cúng còn nhắc tới 12 Thánh cô Sơn Trang (các cô ít khi ngự đồng):

10. Cô Cả Núi Dùm

  • Cô Đôi Bắc Lệ (Thượng Ngàn)
  • Cô Ba Tam Kỳ
  • Cô Tư Ỷ La
  • Cô Năm Đồng Tiền
  • Cô Sáu Đồi Ngang
  • Cô Bảy Đông Cuông
  • Cô Tám Sơn Trang
  • Cô Chín Thượng Ngàn
  • Cô Mười Đồi Ngang
  • Cô Mười Một Trang Châu
  • Cô Mười Hai Thượng Ngàn

11. Hàng Quan Ngũ Hổ, Ông Lốt.

Tức là năm ông hổ tượng trưng ngũ hành và ông lốt (mãng xà). Trong quan niệm dân gian hổ là vị chúa cai quản rừng núi, hình tượng hổ biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, diệt trừ tà ma, trấn giữ các phương.

Quan ngũ hổ gồm 05 vị là:

  1. Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Thanh Hổ Thần Quan
  2. Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Xích Hổ Thần Quan
  3. Trung ương Mậu Kỷ Thổ Đức Hoàng Hổ Thần Quan
  4. Tây Phương Canh Tân Kim Đức Bạch Hổ Thần Quan
  5. Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Đức Hắc Hổ Thần Quan

Quan hổ được vẽ 5 ông hổ màu sắc khác nhau “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ”:

  1. Hoàng hổ (màu vàng) trấn khu trung tâm (địa khu)
  2. Hắc hổ (màu đen) trấn phương bắc (thủy khu)
  3. Bạch hổ (màu trắng) trấn phương tây (kim khu)
  4. Xích hổ (màu đỏ) trấn phương nam (hỏa khu)
  5. Thanh hổ (màu xanh) trấn phương đông (mộc khu)

Ông Lốt

  • Thanh Xà Đại tướng Quân
  • Bạch Xà Đại tướng Quân

Các vị thần kể trên là những thần linh phổ biến được đông đảo tín đồ đạo Mẫu công nhận và thờ cúng. Ngoài ra còn một số vị thần địa phương khác cũng được đưa vào hầu đồng. Tuy nhiên, hoạt động này có nhiều bừa bãi gây phản cảm và ảnh hưởng xấu đến đạo Mẫu do nhiều ông đồng bà đồng “bịa” thêm vị thánh nào đó để hầu nhằm mục đích kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Giới thiệu sơ lược về nghi thức hầu đồng trong Tứ phủ

Hầu đồng là một nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ.

Đạo Mẫu với nghi thức hầu đồng Tam phủ, Tứ phủ là một nét riêng biệt đem đến nhiều bản chất bản địa, mang đặc trưng của văn hóa tộc Việt.

Lên đồng là nghi lễ chính và rất quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Đó là nghi lễ liên kết giữa cõi thần linh và trần thế của các vị Thánh Tứ phủ. Mục đích của nghi thức này là nhận sự phán truyền, ban phúc lộc, may mắn hay sức khỏe cho các tín đồ đạo Mẫu.

Trong mỗi giá đồng, các vị Thanh đồng sẽ là người trực tiếp liên lạc với thần linh thông qua các điệu múa nghi lễ. Các vị thánh trong Tứ phủ sẽ nhập vào cơ thể của Thanh đồng và truyền lại những lời răn dạy cũng như ban lộc.

Ở Việt Nam ta, các đền, phủ thờ thần linh, thánh mẫu đều có tổ chức hầu đồng nhiều dịp trong năm. Trong một năm thường có hai lễ hầu quan trọng nhất là vào tháng 3 và tháng 8 (ngày giỗ cha và giỗ mẹ). Tức là tháng 3 ngày giỗ của Thánh Mẫu và tháng tám là ngày giỗ của vua cha Bát Hải, Đức Thánh trần…

Đây là một nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ, tuy nhiên trong thời gian gần đây đã biến tướng. Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, bản chất nguyên sơ của hầu đồng là hình thức hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nhưng hiện nay đang bị bóp méo và lợi dụng. Nhiều người lên đồng vì những lợi ích vật chất, và ở đó có nguy cơ trở thành môi trường kiếm tiền, làm giàu, trục lợi. Cái mà người ta gọi buôn thần, bán thánh.

PGVN – Tham khảo: Wikipedia.org và btgcp.gov.vn

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button