Nghiên cứu

Tu tập Giới Định Tuệ giúp hoàn thiện nhân cách

Giới Định Tuệ là ba phương diện tu tập dựa trên Bát Chánh Đạo, tám phương tiện giúp một người vững bước trên con đường hoàn thiện nhân cách, hướng tới giác ngộ giải thoát.

Nhân cách là phẩm giá của một người bao gồm lối suy nghĩ, hành vi, cách cư xử của họ đối với bản thân và xã hội. Rèn luyện bản thân theo Giới Định Tuệ sẽ giúp chúng ta dần hoàn thiện nhân cách của chính mình, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức theo lời Phật dạy để trở thành người tốt – mang lại nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội.

Giới là gì?

Giới là những điều đạo đức giúp con người tu sửa bản thân, trau dồi đức hạnh. Ví dụ như trong Ngũ giới của người cư sĩ tại gia: Không được giết hại, không được trộm cắp, không được tà dâm, không được nói dối, không được uống rượu.

Bạn đang xem: Tu tập Giới Định Tuệ giúp hoàn thiện nhân cách

Năm điều đạo đức này không những ngăn ngừa làm điều sai trái, mà còn đưa người Phật tử tại gia mạnh tiến trên đường giải thoát, đem lại trật tự an vui, hoà bình cho gia đình và xã hội. Người nào nghiêm túc tuân theo Ngũ giới thì họ có thể hoàn thiện một tư cách của riêng họ – lợi ích cho mình và cho người không thể kể xiết.

Giữ giới trong sạch chính là bước đầu giải thoát hay khởi điểm của an định và phát sinh trí tuệ.

Giới bao gồm: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.

Chánh Ngữ

Có nghĩa là nói lời chân thật, công bằng, ngay thẳng và khéo léo mang lại lợi ích và tránh gây đau khổ cho người khác. Trong kinh Pháp Cú đức Phật nói rằng: “Chớ nói lời thô lỗ. Người bị nói lời thô lỗ sẽ trả lời thô lỗ. Lời nói độc địa quả thật đau đớn. Lời qua tiếng lại sẽ làm tổn thương nhau.”

Đức Phật đã nói với ngài Mục Kiền Liên như sau: “Ta không nên tranh cãi, vì như thế chỉ khiến ta nói nhiều, khiến ta bị kích thích, khiến ta mất quân bình và khiến ta khó định trong thiền pháp…”

Rèn luyện Chánh Ngữ giúp chúng ta tạo nên một nhân cách chân chính.

Chánh Nghiệp

Có nghĩa là hành động, việc làm chân chính đúng với lẽ phải, phù hợp với nhân quả và có lợi ích cho tất cả chúng sinh. Khi giảng về Chánh Nghiệp đức Phật đã nhắc nhở như sau:

“Không vì bản thân, không vì tha nhân, không vì con, không vì của, không vì sự nghiệp, không vì ngai vàng mà làm điều ác. Cũng không tìm thành công bằng phương tiện bất chính. Người như thế mới thật là người có đức hạnh, có trí tuệ và theo giáo lý Phật dạy.”

Đức Phật đã nói trong kinh Pháp Cú: “Ai sống trên đời này mà sát hại, chiếm đoạt, gian dâm, dối trá, say sưa; sống đam mê như vậy thì ngay trong đời sống hiện tại, người ấy đã tự đào bới cái gốc rễ nhân cách của mình.”

Khi khuyên chúng sinh từ bỏ việc ác làm việc thiện Ngài đã dạy:

“Ai làm việc ác nhưng rồi biết làm việc lành để xóa mờ đi việc ác, thì người ấy làm cho đời mình sáng lên như vầng trăng ra khỏi mây che.

Trước khi hành động, ta phải dò xét và suy luận kỹ càng: Nếu hành động này có hại cho ta hay có hại cho người khác, hoặc cả hai thì là bất thiện. Hành động này đem lại phiền não và đau khổ nên cần phải tránh.”

Những hành vi, việc làm chân chính khi tu tập Chánh Nghiệp giúp chúng ta dần hoàn thiện nhân cách tốt trong xã hội.

Chánh Mạng

Có nghĩa là sống chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện. Người tu tập Chánh Mạng sống một cuộc đời ngay thật không gian tham, không làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác, không làm cho người và vật phải đau khổ vì hành động của mình.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật luôn khuyến khích hàng đệ tử tại gia về những việc làm tạo ra của cải bằng phương tiện chân chính: “Người nào giàu có hợp pháp do tính chuyên cần, do tài năng và thiện hạnh tạo ra của cải tài sản và sử dụng cho bản thân, gia đình và giúp đỡ người khác, người đó đã sống theo đúng Chánh Mạng và Chánh Nghiệp.”

Định là gì?

Định giúp con người có được trạng thái quân bình. Khi tâm ta quân bình, ta sẽ nhận thức được sự việc xảy ra một cách rõ ràng, và vì thế, ta sẽ có những hướng giải quyết đúng đắn.

Cách giải quyết đúng đắn có nghĩa là thông qua các hành vi và ứng xử đúng đắn. Định bao gồm: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.

Chánh Tinh Tấn

Chánh Tinh Tấn là chuyên cần siêng năng làm việc chánh nghĩa lợi lạc cho mình cũng như cho người và vật. Người theo đúng Chánh Tinh Tấn trước tiên bao giờ cũng hăng hái sửa mình, cương quyết bài trừ những điều xấu, quyết tâm phát triển mọi hạnh lành.

  • Tinh tấn ngăn ngừa những điều xấu chưa phát sinh
  • Tinh tấn dứt trừ những điều xấu đã phát sinh
  • Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát triển
  • Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát triển

Trong Bồ Tát Hạnh dạy rằng: “Biết tự chủ, can đảm, bình đẳng xem mình và người như nhau, xả bỏ ích kỷ để làm lợi ích cho người, đó là những điều kiện của tinh tấn.”

Việc thiện là điều khó làm bởi con người vốn ích kỷ, vì vậy để làm được những việc tốt lợi mình, lợi người thì chúng ta phải nỗ lực đúng đắn để tu sửa bản thân.

Chánh Niệm

Chánh Niệm là ghi nhớ những điều hay lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình và người. Khi tâm ta an trú trong Chánh Niệm, ta sẽ nhận thức sáng suốt được những đạo lý chân chính, từ đó ta sẽ tự định hướng cho mình một tâm niệm đúng đắn, không để cho tâm niệm đi lệch hướng vào những điều bất thiện.

Trong Kinh Trung Bộ, đức Phật giải thích: “Nhờ không ức niệm, không tác ý đến những điều bất thiện: tham, sân và si nên các bất thiện đó bị diệt trừ. Và sự diệt trừ được những bất thiện đã giúp cho tâm được an trú và tĩnh lặng.”

Khi tâm an trú tĩnh lặng, trí tuệ sẽ thăng hoa. Trí tuệ là chìa khóa giúp con người nhận thức đúng đắn những sự kiện diễn ra xung quanh, từ đó mà đưa ra những hướng giải quyết hợp lý nhân quả.

Chánh Định

Chánh Định là sự tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và người. Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích Định như là một sự lắng tâm một cách tự nhiên, không gắng sức. Ví như ly nước không cần phải gạn lọc mà những cặn bụi trong nước tự nhiên từ từ lắng xuống đáy ly.

Đức Phật đã nói: “Tâm dẫn đầu muôn Pháp, vì vậy khi tâm lắng đọng, tĩnh lặng thì sự bình an phát sinh.” Sự an ổn tinh thần giúp con người phát triển trí tuệ. Trí tuệ giúp con người có được nhận thức sâu sắc vấn đề, và xử lý một cách sáng suốt.

Nhận thức về đời sống xung quanh và ngay chính bản thân để có được những hành động đúng đắn đều nhờ vào Chánh Định. Từ đó, ta có thể hoàn thiện nhân cách của chính mình.

Tuệ là gì?

Khi có trí tuệ, con người có thể xóa bỏ những thói quen ích kỷ, những định kiến, những quan niệm sai lầm…Trí tuệ là người lãnh đạo tài ba giúp chúng ta nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực, từ đó mà tu tập để hướng đến một đời sống đức hạnh.

Trong kinh Ưu Bà Tắc, đức Phật nói rằng: “Con người hơn mọi loài vật về trí tuệ.” Chính nhờ vào trí tuệ, con người mới có khả năng phán đoán, suy xét về những việc mình làm, chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình.

Tuệ bao gồm: Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Chánh Kiến

Chánh Kiến là việc thấy, nghe, biết một cách ngay thẳng, công minh, đúng với sự thật khách quan. Sự nhận xét của người này không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che hay làm sai lạc. Người có Chánh Kiến biết phân biệt cái nào giả, cái nào thật, không bị mọi vật che ám.

Để đạt được sự khách quan và công bằng trong mọi vấn đề, chúng ta phải trải qua một quá trình kiểm nghiệm thực tế hoặc quán chiếu thông qua trí tuệ. Chánh Kiến bao gồm cả hai phương diện: Sự hiểu biết và nhận thức qua quá trình kinh nghiệm thực tế.

Nếu chúng ta không thật sự thể nghiệm thực tế mà chỉ dùng suy nghĩ hạn hẹp của mình và cho là ta biết rõ các vấn đề đó, thì cái biết của ta sẽ khập khiểng. Nhận thức sai lầm gây ra ảnh hưởng xấu đến quá trình hoàn thiện nhân cách của con người.

Kinh Pháp Cú dạy rằng:

“Chân thật biết là chân thật

Ngoa ngụy biết là ngụy

Đấy gọi là Chánh Kiến

Quyết được lợi chân thật.”

Nhờ vào Chánh Kiến, ta biết được việc làm nào sai trái để tránh, việc nào đúng đắn thì phải phát huy. Đó là một trong những yếu tố để hoàn thiện nhân cách.

Trong Kinh Kalama đức Phật đã nói: “Chỉ những điều gì mà chúng ta đã thực nghiệm kỹ càng và suy xét sâu xa thấy đúng với sự thật, chỉ những điều gì mang lại hạnh phúc cho bản thân và cho tất cả chúng sinh…những điều ấy chúng ta phải tin nhận và hành động đúng với những điều ấy.”

Tu tập Chánh Kiến giúp chúng ta nhận thức, phân biệt được điều xấu, điều tốt để có thái độ, hành vi đúng đắn trong cách cư xử với mọi người. Hiểu biết đúng đắn sẽ làm tăng thêm giá trị con người.

Chánh Tư Duy

Chánh Tư Duy là sự suy nghĩ chân chính, tư tưởng đúng lẽ phải. Người tu tập Chánh Tư Duy biết xét những hành vi lỗi lầm, những suy nghĩ xấu xa để sám hối.

Đức Phật đã từng dạy ngài La Hầu La:

“Nếu khi suy luận con nhận định rằng ‘bây giờ hành động này mà ta đã làm là bất thiện’ con phải sám hối, phải nói lại với vị thầy tế độ hay bậc thiện tri thức hoặc với các đạo hữu trong đoàn thể.

Đã sám hối thì con phải chừa, trong tương lai không được tái phạm…như thế con phải cố gắng rèn luyện, luôn suy nghĩ để giữ trong sạch mọi hành động bằng thân-khẩu-ý.”

Người sống theo Chánh Tư Duy luôn suy nghĩ đến điều thiện để phát triển, và nghĩ đến những việc xấu để từ bỏ. Họ luôn cẩn thận trước mỗi hành động và lời nói.

Chúng ta cần tu tập Chánh Tư Duy để nhìn rõ mọi sự, nhìn rõ về cuộc đời mình như chính nó và rồi chúng ta sẽ có giải pháp chân chính để cải thiện cuộc đời mình, nâng cao giá trị nhân cách của chính mình.

Tu tập Giới Định Tuệ không phải là từng bước một, mà các phương diện phải được rèn luyện và phát triển cùng nhau. Nếu không có trí tuệ, chúng ta sẽ không có được nhận thức đúng đắn và sâu sắc…mà trí tuệ phát khởi nhờ sự tu tập Chánh Định.

Tu tập Chánh Định được hanh thông là do chúng ta giữ trong sạch từ lời nói, hành động, công việc và sức niệm thiện hàng ngày. Nếu chúng ta tu tập đúng theo Giới Định Tuệ mà đức Phật đã dạy, nhân cách của chúng ta sẽ hoàn thiện, và đó chính là niềm an lạc, hạnh phúc lớn nhất mà ai cũng có thể đạt được.

Nguồn: Nhân Cách Con Người Trong Triết Lý Bát Chánh Đạo Phật Giáo

Vương Thị Minh Tâm dịch Việt – Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button