Nghiên cứu

Ý nghĩa của chánh niệm trong Phật giáo

Chánh niệm là một trong 8 yếu tố của con đường giác ngộ Bát Chánh Đạo, và là nền tảng quan trọng trong thực hành thiền. Về cơ bản, chánh niệm là tập trung sự chú ý đầy đủ vào hơi thở của bạn khi hơi thở đi vào và ra khỏi cơ thể.

Tập trung vào từng hơi thở theo cách này cho phép bạn nhận ra và quan sát những suy nghĩ khi chúng xuất hiện trong tâm trí, và từng chút một thoát khỏi cuộc tranh luận với chúng.

Bạn đã bao giờ lái xe ngoài đường trong trạng thái mơ màng và đột nhiên bừng tỉnh khi thấy chiếc xe tải đang chạy chiều ngược sắp đụng vào mình? Hoặc bạn đang ăn một gói bánh snack và nhận ra là không có gì trong tay nhưng bạn vẫn cho vào miệng?

Bạn đang xem: Ý nghĩa của chánh niệm trong Phật giáo

Tôi tin là hầu hết chúng ta đều trải qua trạng thái này. Nó được gọi là “chế độ tự động”, khi chúng ta vào “chế độ tự động” thì sự chú ý của chúng ta bị hấp thụ vào một “tâm trí lang thang”, vì thế, chúng ta không thực sự hiện diện tại thời điểm đó, chúng ta không biết rõ những gì đang xảy ra xung quanh và bên trong.

Trong một thế giới siêu bận rộn, chúng ta bị quá nhiều thứ chi phối nên dễ dàng để mất chính mình và lạc vào “chế độ tự động”. Sống theo cách này, chúng ta sẽ bỏ lỡ hầu hết những diễn biến của cuộc sống, không nghe những gì cơ thể chúng ta đang nói với chúng ta, không nhận thức đầy đủ về những gì diễn ra xung quanh và bên trong. Ở một góc nhìn khác, nó mang lại sự nguy hiểm cho bản thân và người khác.

Một người tài xế đang vào “chế độ tự động” và mắc kẹt trong việc suy nghĩ là có nên đi qua trạm BOT để chạy nhanh hơn hay là đi đường khác để đỡ phải tốn tiền…Anh ấy không thể chú tâm vào tay lái và những sự kiện đang diễn ra trên đường, có thể, một tai nạn thảm khóc sẽ xảy ra.

Khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều về quá khứ và lo lắng những thứ trong tương lai, chúng ta sẽ không thể làm tốt những việc ở hiện tại và do đó, nó kéo dài chuỗi ngày mệt mỏi, căng thẳng theo suốt chúng ta trong cuộc sống.

Chúng ta trở nên dễ bị tổn thương, thường xuyên lo lắng, căng thẳng, trầm cảm và phản ứng tiêu cực. Nghiên cứu cho thấy, trên thực tế, nếu tâm trí chúng ta “đi du lịch” thường xuyên, chúng ta sẽ càng ít hạnh phúc.

Bạn là người chủ chứ không phải con ngựa, hãy học cách cầm dây cương và điều khiển nó theo ý muốn của mình.

Chánh niệm là một phương pháp tuyệt vời để thoát khỏi trạng thái nguy hiểm này. Bạn đang nóng lòng muốn biết chánh niệm tỉnh giác là gì rồi phải không? Từ từ đã, hãy thả lỏng cơ thể và tâm trí trong 5 phút thông qua bài tụng thần chú Om Mani Padme Hum này nhé!

À mà thôi, tôi biết các bạn không thể chờ đợi lâu như thế, nên chúng ta bắt đầu tìm hiểu về chánh niệm luôn nha!

Chánh niệm là gì?

Chánh niệm là ghi nhớ những gì phát sinh trong khoảnh khắc hiện tại mà không phán xét.

Chánh niệm tỉnh giác (tiếng Anh: mindfulness, tiếng Pali: sammā-sati, tiếng Phạn: samyak-smṛti) có nghĩa là tập trung có chủ đích vào những gì đang diễn ra trong khoảnh khắc hiện tại mà không phán xét nó.

Đó là một khái niệm đơn giản. Nó cho thấy rằng, tâm trí phải tham dự đầy đủ vào những gì đang xảy ra, với những gì bạn đang làm, với không gian bạn đang di chuyển. Nếu tâm trí của chúng ta lơ lửng, chúng ta sẽ mất liên lạc với cơ thể, chúng ta không thể nhận thức được những suy nghĩ, hành động, cảm xúc của cơ thể và môi trường xung quanh.

Chánh niệm là khả năng cơ bản của con người để có thể hiện diện đầy đủ, ý thức về nơi chúng ta đang ở, những gì chúng ta đang làm, và không quá phản ứng hoặc bị choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Chánh niệm cũng liên quan đến sự chấp nhận, có nghĩa là chúng ta chú ý đến những suy nghĩ và cảm xúc mà không cần phán xét. Thông qua hơi thở, chúng ta quan sát những suy nghĩ và cảm xúc đến rồi đi mà không đặt câu hỏi “đúng” hay “sai” để không vướng vào một cuộc tranh luận nội tâm trong một khoảnh khắc nhất định.

Bạn nhận ra rằng, những suy nghĩ đến và đi theo ý của chúng, rằng bạn không phải là suy nghĩ của bạn. Bạn có thể quan sát khi chúng xuất hiện trong tâm trí, dường như từ không khí mỏng, và xem lại khi chúng biến mất, giống như bọt bong bóng xà phòng.

Bạn hiểu rõ rằng những suy nghĩ và cảm xúc (bao gồm cả những điều tiêu cực) chỉ là thoáng qua. Chúng đến rồi đi, và cuối cùng, bạn sẽ có một sự lựa chọn về việc có nên hành động với chúng hay không.

Thay vì để cuộc sống trôi qua, chánh niệm sẽ giúp bạn sống trong giây phút hiện tại và đánh thức kinh nghiệm hiện tại của bạn hơn là dựa vào quá khứ hoặc dự đoán tương lai.

Khi một cảm xúc tiêu cực đến với bạn, thay vì tìm cách chống lại nó, bạn học cách đối xử với nó như những đám mây đen trên bầu trời, và quan sát nó với sự tò mò thân thiện khi nó trôi qua.

Về bản chất, chánh niệm cho phép bạn nhận ra những kiểu suy nghĩ tiêu cực đang nảy sinh trước khi đưa bạn vào một trạng thái bình yên. Tại sao bạn có thể nhận ra những kiểu suy nghĩ cũ? Bởi vì “niệm” (sati) có nghĩa là ghi nhớ. Chúng ta ghi nhớ những suy nghĩ và hành vi cũ để biết cái gì tiêu cực và cái gì không.

Hơn nữa, chữ “niệm” do người Trung Quốc dịch rất đúng với pháp hiện quán. Chữ Hán viết “niệm” ở trên là “bộ kim” và ở dưới là “chữ tâm”. Kim là hiện tại – Tâm là nhận thức, điều này cho thấy “niệm” có nghĩa là ghi nhớ những gì đang xảy ra trong hiện tại.

Tập trung có chủ đích

Khi chúng ta đang ở “chế độ tự động”, sự tập trung của chúng ta bị cuốn trôi bởi dòng suy nghĩ không bao giờ kết thúc, nhưng khi chúng ta tập trung trở lại, tâm trí “bừng tỉnh” và bước ra khỏi trạng thái đó, đặt sự chú ý vào nơi chúng ta chọn. Chúng ta sẽ sống một cách có ý thức, tỉnh táo hơn, trọn vẹn hơn theo cách này.

Bước đầu tiên của chánh niệm tỉnh giác là tập trung có chủ đích, hay nói cách khác là ý thức một cách có ý thức về những gì đang diễn ra. Đôi khi chúng ta nói về “chánh niệm” và “nhận biết” hay “ý thức” như thể chúng là những từ có thể hoán chuyển được, nhưng đó không phải là một thói quen tốt.

Bạn có thể biết bạn đang tức giận, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đang tập trung vào sự tức giận của bạn. Để có chánh niệm, bạn phải ý thức về bản thân mình, quan sát sự tức giận đó khi nó phát sinh, hoạt động và biến mất. Bạn có thể ý thức là bạn đang ăn nhưng nó không giống như một buổi ăn uống cẩn trọng.

Chánh niệm có nghĩa là gom tụ những tâm hành khác lại với nhau và cùng hướng về một đối tượng. Điều này mang lại sự nhất quán và tập trung trong mỗi giây phút.

Hãy lấy ví dụ về việc ăn uống và xem xét nó thêm một chút. Khi chúng ta tập trung vào quá trình ăn uống, chúng ta cố ý nhận thấy những cảm giác và phản ứng của chúng ta đối với những cảm giác đó. Nếu chúng ta nhận thấy tâm trí đang lang thang, chúng ta có chủ đích mang lại sự chú ý của chúng ta trở lại việc ăn uống.

Nếu chúng ta ăn một cách không hợp lý, theo lý thuyết chúng ta vẫn nhận thức được những gì chúng ta đang làm, nhưng có lẽ chúng ta đang nghĩ đến hàng trăm thứ khác cùng một lúc như: Xem TV, nói chuyện, đọc sách…

Vì vậy, chỉ một phần rất nhỏ trong nhận thức của chúng ta hấp thụ trong bữa ăn, và chúng ta chỉ có thể nhận thức được những cảm giác vật lý và thậm chí ít nhận thức được những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta.

Đây là một phần rất quan trọng của chánh niệm. Với mục đích sống hết mình với kinh nghiệm hiện tại của chúng ta, cho dù đó là hơi thở, cảm xúc đặc biệt, hoặc một cái gì đó đơn giản như ăn uống, có nghĩa là chúng ta đang tích cực định hình lại tâm trí.

Trong khoảnh khắc hiện tại

Nếu chúng ta để tâm trí muốn làm gì làm, nó thường xuyên đi lang thang ra khỏi thời điểm hiện tại. Nó liên tục bị cuốn vào quá trình phát lại quá khứ và dự đoán về tương lai. Nói cách khác, chúng ta rất hiếm khi hiện diện đầy đủ trong khoảnh khắc hiện tại.

Tâm trí lang thang qua tất cả các loại tư tưởng, bao gồm cả những tư tưởng thể hiện sự tức giận, ái dục, trầm cảm, trả thù, tự thương hại… Khi chúng ta thưởng thức những ý nghĩ này, chúng ta củng cố những cảm xúc đó trong trái tim chúng ta và khiến chúng ta phải chịu đựng đau khổ.

Hầu hết những suy nghĩ này là về quá khứ hoặc tương lai. Quá khứ không còn tồn tại, tương lai chỉ là một ảo tưởng cho đến khi nó xảy ra. Một khoảnh khắc mà chúng ta thực sự có thể trải nghiệm, sửa đổi và phát triển là giây phút hiện tại, ở đây và ngay bây giờ.

Vì vậy, trong chánh niệm tỉnh giác, chúng ta quan tâm đến việc nhận thấy những gì đang xảy ra. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, nhưng khi chúng ta làm như vậy, chúng ta ý thức được rằng, ngay bây giờ chúng ta đang suy nghĩ về quá khứ hay tương lai.

Bằng cách nhắm mục tiêu chỉ đạo nhận thức ra khỏi những suy nghĩ như vậy và “neo” tâm vào kinh nghiệm hiện tại, chúng ta sẽ giảm ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống và thay vào đó, chúng ta tạo ra một không gian tự do, nơi mà sự bình tĩnh và mãn nguyện có thể phát triển.

Không theo phán đoán

Khi thực hành chánh niệm, chúng ta không kiểm soát, ngăn chặn hoặc ngừng những dòng suy nghĩ. Chúng ta chỉ đơn giản là chú ý đến kinh nghiệm khi chúng phát sinh mà không đánh giá hoặc gắn nhãn chúng dưới bất kỳ hình thức nào.

Chánh niệm sau đó cho phép chúng ta trở thành người theo dõi nhận thức, tư tưởng và cảm xúc khi chúng phát sinh mà không bị cuốn vào chúng hoặc bị cuốn trôi trong hiện tại.

Trở thành người theo dõi theo cách này, chúng ta ít có cơ hội phát huy lối suy nghĩ và sinh hoạt cũ. Nó mở ra một sự tự do mới, một sự lựa chọn mới trong cuộc sống của chúng ta.

Chánh niệm tỉnh giác là một trạng thái cảm xúc không phản ứng. Chúng ta không đánh giá rằng kinh nghiệm này là tốt hay xấu. Hoặc nếu chúng ta đưa ra những phán đoán đó, chúng ta chỉ cần nhận ra và buông bỏ chúng.

Chúng ta không cảm thấy buồn vì chúng ta đang trải nghiệm những điều mà chúng ta không muốn trải nghiệm, hoặc bởi vì chúng ta không trải qua những gì mà chúng ta muốn trải nghiệm.

Chúng ta đơn giản là chấp nhận bất cứ điều gì phát sinh. Chúng ta quan sát nó một cách thận trọng. Chúng ta nhận thấy nó nảy sinh, đi qua và chấm dứt hiện hữu.

Cho dù đó là một trải nghiệm thú vị hay đau đớn, chúng ta vẫn đối xử với nó theo cùng một cách. Nhận thức chánh niệm biết rằng, những trải nghiệm nhất định là dễ chịu và một số là khó chịu, nhưng ở mức độ cảm xúc chúng ta không phản ứng. Chúng ta gọi điều này là “bình đẳng”, một sự tĩnh lặng và cân bằng của tâm.

Cách thực tập chánh niệm

thực tập chánh niệm mang lại nhiều lợi ích to lớn trong cuộc sống
Thực tập chánh niệm mang lại nhiều lợi ích to lớn trong cuộc sống.

Có hai hình thức thực hành chánh niệm. Thứ nhất là thực tập chánh niệm tỉnh giác thông qua thiền định.

Người hành thiền thường ngồi và nhắm mắt, nhưng cũng có thể được thực hiện bằng cách nằm hoặc thậm chí là đi bộ. Một số thực hành thiền cũng bao gồm việc chú tâm vào thần chú, âm nhạc nhẹ nhàng, niệm danh hiệu chư Phật, hoặc một vật, một điểm cố định nào đó trên cơ thể để “neo” tâm lại.

Thiền bắt đầu và kết thúc trong cơ thể. Nó liên quan đến việc dành toàn bộ thời gian để chú ý đến nơi chúng ta đang ở, những gì đang xảy ra, và bắt đầu với việc nhận thức được cơ thể và các luồng suy nghĩ. Chính hành động đó có thể được làm dịu, vì cơ thể chúng ta có nhịp điệu bên trong giúp nó thư giãn nếu chúng ta cho nó một cơ hội.

Các thực hành không chính thức là phần còn lại cuộc sống của chúng ta! Bất cứ điều gì chúng ta làm trong cuộc sống hàng ngày với nhận thức đầy đủ có thể được gọi là thực hành chánh niệm.

Bạn có thể nấu món ăn một cách thận trọng, chờ đèn giao thông hoặc mỗi sáng thức dậy, hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim hót, đón ánh nắng ban mai và cảm nhận nguồn năng lượng tích cực đang chảy vào cơ thể mình. Mỗi bước chân, mỗi suy nghĩ, mỗi hành động bạn đều có thể chánh niệm.

Bất kỳ hoạt động thường lệ nào cũng có thể được thực hiện trong thực tập chánh niệm nếu bạn quan tâm đầy đủ đến nó.

Lợi ích khi thực tập chánh niệm

Chánh niệm là một nền tảng quan trọng nhất trong thực hành thiền Phật giáo, nhưng gần đây, nó trở thành một “phương pháp công cộng” mà người phương Tây tập luyện để giảm căng thẳng trong cuộc sống.

Rất nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận những lợi ích về sức khoẻ thể chất và tinh thần mà chánh niệm tỉnh giác mang lại. Một số tổ chức đã xây dựng nhiều chương trình giảng dạy và thực hành chánh niệm tại các trường học, nhà tù, bệnh viện…để họ có thể thích nghi với những áp lực xã hội.

Nhờ nghiên cứu và tiếp xúc từ các phương tiện truyền thông, chánh niệm không còn bị giấu kín trong các bản văn, tu viện cổ xưa nữa. Ngày nay, nó được thực hiện bởi hàng triệu người trên khắp thế giới. Khi mọi người tiếp tục khám phá cho mình những lợi ích đáng kinh ngạc của việc sống một cách thận trọng, sự quan tâm tiếp tục tăng vọt.

Theo thời gian, chánh niệm mang lại những thay đổi trong tâm trí và dần đạt được hạnh phúc lâu dài. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chánh niệm không chỉ ngăn ngừa chứng trầm cảm mà còn ảnh hưởng tích cực đến các mô hình não tiềm ẩn như: Lo lắng, căng thẳng, trầm cảm và tức giận để khi chúng nảy sinh, chúng sẽ dễ dàng tan biến.

Những người hành thiền ít gặp bác sĩ hơn là những người bình thường. Bộ nhớ cải thiện, gia tăng sự sáng tạo và thời gian phản ứng trở nên nhanh hơn.

Sau đây là một số lợi ích đã được chứng minh khi thực hành chánh niệm:

– Làm giảm căng thẳng, lo lắng và những cảm xúc tiêu cực khác: Chánh niệm làm giảm tác động của cơ quan hạch hạnh nhân, một cơ quan xử lý cảm xúc của bộ não liên quan đến sự sợ hãi, lo lắng và tức giận.

– Làm giảm bệnh trầm cảm: Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, chánh niệm cũng có hiệu quả như thuốc trị trầm cảm nhưng không có tác dụng phụ.

– Làm giảm chứng mất ngủ, làm tăng cảm giác thoải mái, làm giảm sự hôn mê và gia tăng năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần.

– Chánh niệm cũng rất hiệu quả trong việc quản lý cơn đau.

– Làm sắc nét bộ nhớ, gia tăng sự tập trung.

– Cải thiện tình cảm, mối quan hệ xã hội, phát triển sự đồng cảm và từ bi.

– Cải thiện sức khoẻ và tăng cường hệ thống miễn dịch. Trên thực tế, chánh niệm được cho thấy là có tác dụng tích cực đối với nhiều căn bệnh hiểm nghèo như ung thư và bệnh tim.

– Suy nghĩ rõ ràng hơn, tập trung hơn và nâng cao hiệu quả trong công việc.

– Cải thiện sự tự tin và khả năng phục hồi tình cảm.

– Sự hài lòng cũng là yếu tố quan trọng cho dù bạn có hạnh phúc trong cuộc sống hay không (khi nhu cầu sống còn của bạn đã được đáp ứng).

Nói cách khác, bạn càng quan tâm đến bạn thì bạn càng hạnh phúc hơn. Chánh niệm có thể biến đổi toàn bộ thế giới của bạn từ trong ra ngoài và cho hàng triệu người luyện tập nó trên khắp thế giới!

Kết luận

Chánh niệm là một phương pháp tuyệt vời giúp chúng ta đình chỉ sự phán xét và giải phóng sự tò mò tự nhiên về hoạt động của tâm, tiếp cận những trải nghiệm với sự ấm áp và từ bi đối với chính mình và người khác.

Cho dù chúng ta đi bất cứ đâu trên thế giới, chánh niệm tỉnh giác vẫn ở đó để kéo chúng ta trở về nơi chúng ta đang ở, những gì chúng ta đang làm và cảm thấy. Nếu bạn muốn hiểu rõ chánh niệm là gì, tốt nhất là nên trải nghiệm nó trong một khóa thực tập thiền.

Nuôi dưỡng chánh niệm là thuốc giải cho lối sống luôn tuồng theo bản năng thiếu đi sự kiểm soát. Đây là cách hữu hiệu nhất để giữ mình không trượt ra khỏi chuẩn mực đạo đức, sống với một trái tim đầy tình yêu thương.

Hãy nhớ rằng, bất cứ đâu bạn cũng có thể thực tập chánh niệm, không phải chỉ riêng trong một buổi thực hành thiền. Nói thì rất dễ những để ứng dụng chánh niệm vào đời sống hằng ngày thì rất khó! Còn bây giờ, hãy đứng dậy, đi ra ngoài và lắng nghe xem có chú dế nào đang hát không? Tôi không nghe thấy tiếng dế nào cả, chắc mọi người đang thiền định hết rồi!

Tóm lại, chánh niệm là một nghệ thuật sống tỉnh thức giúp chúng ta biết rõ những gì phát sinh trong khoảnh khắc hiện tại. Bất cứ ai cũng có thể thực tập và thụ hưởng những lợi ích tuyệt vời của pháp hành này. Chánh niệm “chào đón” tất cả mọi người, nhưng quan trọng nhất là phải biết trở về bên trong, thiền là quay về bên trong để nhận ra bản chất thật của chính mình.

PGVN – Tham khảo: mrsmindfulness.com – wildmind.org

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button