Nghiên cứu

Ý nghĩa của lòng từ bi trong Phật giáo

Đức Phật dạy rằng, một người muốn giác ngộ phải phát triển đồng thời cả hai phẩm chất đó là: Trí huệ và Từ bi. Trí huệ và lòng từ bi đôi khi được so sánh với đôi cánh làm việc cùng nhau để bay lên, hoặc hai mắt làm việc cùng nhau để có tầm nhìn rõ ràng.

Ở phương Tây, mọi người nghĩ về “trí huệ” (prajna) như một cái gì đó thuộc về tri thức và “lòng từ bi” như một cái gì đó thuộc về cảm xúc, cả hai đều riêng biệt và thậm chí là không tương thích. Nhưng đây không phải là sự hiểu biết của Phật giáo.

Trên thực tế, “Trí huệ” làm tăng “Từ bi”, và “Từ bi” cũng giúp “Trí huệ” tăng lên. Quả thật, bạn không thể bay với một bên cánh. Chúng là phương tiện để giác ngộ, và bản thân chúng cũng biểu hiện sự giác ngộ.

Bạn đang xem: Ý nghĩa của lòng từ bi trong Phật giáo

Lòng từ bi là gì?

Lòng từ bi (tiếng Anh: compassion – tiếng Phạn: karuna) trong đạo Phật thường được hiểu là sự đồng cảm tích cực hoặc khát vọng mong muốn người khác không còn khổ đau. Thuật ngữ này hơi khác so với maitri (tình yêu – Pali: metta), đó là mong muốn mang hạnh phúc đến cho người khác.

Chúng ta có thể ước mong người khác thoát khỏi đau khổ của họ, điều này khá phổ biến trong các mối quan hệ chủ yếu dựa trên sự gắn bó.

Ví dụ, nếu cô bán chè đầu ngõ bị bệnh, bạn có thể muốn cô ấy phục hồi nhanh chóng để có thể thưởng thức món chè ngon. Hoặc con chó thân yêu của bạn bị tai nạn, bạn mong nó sớm bình phục để vui đùa cùng bạn…

Mong muốn này về cơ bản xuất phát từ sự gắn bó trong mối quan hệ, và không phải là lòng từ bi. Lòng bi mẫn nhất thiết phải xuất phát từ tình yêu thương, từ sự đồng cảm đau khổ đối với mọi người mà không kèm theo điều kiện.

Lòng từ bi là một cái trí được thúc đẩy bằng cách trân quý những chúng sinh khác, và mong muốn giải phóng họ khỏi sự đau khổ của họ.

Mặc dù trong chúng ta đã có một mức độ từ bi nhất định, nhưng nó rất thiên vị và hạn chế. Khi gia đình và bạn bè của chúng ta đang đau khổ, chúng ta dễ dàng phát triển lòng từ bi đối với họ, nhưng chúng ta cảm thấy khó khăn hơn nhiều khi đồng cảm với đau khổ của những người xa lạ, và nhất là với người gây khó chịu cho chúng ta.

Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa vị Phật và người bình thường. Lòng từ bi của một vị Phật được cho là vô hạn, và các Phật tử vẫn còn trên con đường tu tập để đạt được nó.

Các bản văn của Phật giáo Nguyên Thủy và các trường Phật giáo chính thống khác cho thấy rằng, sự giác ngộ của Phật Thích Ca được thúc đẩy sâu sắc bởi lòng từ bi.

Các câu chuyện Jataka mô tả trong nhiều kiếp trước của Đức Phật là một vị Bồ tát, thỉnh thoảng Ngài đã hy sinh mạng sống của mình để làm giảm đau khổ của chúng sinh, như khi Ngài dâng thân thể mình cho một con hổ đói không thể nuôi con…

Sau khi giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, lòng từ bi đã thúc đẩy Ngài quyết định giảng dạy chân lý thay vì nhập Niết bàn. Đức Phật cũng nhắn gửi các bạn đồng tu của mình truyền bá Chánh Pháp: “Vì lợi ích của nhiều người, vì phúc lợi của nhiều người.”

Ngoài ra, rất nhiều điều đạo đức được Đức Phật giảng dạy trong suốt cuộc đời, tất cả đều hướng đến phúc lợi của chúng sinh và ngăn làm hại họ.

Đức Phật cũng khuyến khích những bạn đồng tu phát triển Tứ Vô Lượng Tâm (Brahma-vihara): Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ và Tâm Xả được mở rộng cho tất cả chúng sinh trong vũ trụ.

Bồ tát là biểu tượng của lòng tư bi vĩ đại

Phật giáo Đại Thừa đã nhân cách hóa lòng từ bi thông qua hình tượng Bồ tát, một chuẩn mực lý tưởng cho mọi Phật tử noi theo. Người đã nhận ra “Tánh không” của vạn vật, nên phát tâm từ bi vĩ đại hướng đến tất cả chúng sinh.

Trong một số văn bản của Phật giáo Đại Thừa, lòng từ bi của Bồ tát to lớn đến nỗi Ngài trì hoãn việc nhập Niết bàn để ở lại cõi Ta bà phổ độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Trong các bản văn khác, lòng từ bi đã thúc đẩy Bồ tát quyết tâm trở thành một vị Phật càng nhanh càng tốt để có thể giúp đỡ tối đa.

Một người trên con đường trở thành Bồ tát cần phát triển:

  • Bồ đề tâm (Bodhicitta): Khát vọng nhận ra sự giác ngộ vì lợi ích của chúng sinh
  • Phương tiện thiện xảo (Upaya): Kỹ năng có được bởi sự khôn ngoan (Bát nhã), cho phép Ngài giúp đỡ chúng sinh một cách hiệu quả, và đôi khi là phi thường.

Trong nhiều vị Bồ tát, Quan Thế Âm là biểu tượng phổ biến nhất thể hiện lòng từ bi vĩ đại của chư Phật. Do đó, nhiều Phật tử theo Đại Thừa thường xuyên cầu nguyện Ngài để giảm bớt đau khổ, tụng chú Đại Bi để nuôi dưỡng hạt giống từ bi bên trong.

Nói chung, lòng từ bi được coi là yếu tố không thể thiếu để giác ngộ, là một trong hai “cánh” mà nếu thiếu một sẽ không thể bay được.

Tại sao phải thực hành lòng từ bi?

Trong Phật giáo, lý tưởng thực hành lòng từ bi là hành động nhằm giảm bớt đau khổ bất cứ khi nào nó xuất hiện. Bạn có thể nói rằng không thể loại bỏ đau khổ trong cuộc sống này, nhưng thực tế điều này kêu gọi chúng ta nỗ lực.

Mang đến những điều tốt đẹp cho người khác là lý tưởng của Phật giáo. Theo một cách nào đó, nó giúp chúng ta nhận ra rằng “cá nhân tôi” và “cá nhân bạn” là những ý tưởng sai lầm. Nếu chúng ta vẫn bị mắc kẹt trong ý tưởng “có gì trong đó cho tôi?” chúng ta chưa thật sự khôn ngoan.

Từ bi bao gồm cả tình cảm và tính hợp lý trong đó. Chúng ta cần đánh giá cao sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả sự sống trên hành tinh này. Nền kinh tế toàn cầu và mọi thứ chúng ta thích – thực phẩm, quần áo, tiện ích, nhà cửa, xe cộ… đều xuất phát từ công việc khó khăn của người khác.

Không có người khác, chúng ta không có đường, điện, nhiên liệu, nước hay thức ăn. Điều này theo một cách tự nhiên khiến chúng ta biết ơn, một trạng thái hạnh phúc của tâm trí dẫn đến cái mà chúng ta gọi là “tình yêu ấm lòng.”

Chúng ta càng suy nghĩ về lòng biết ơn này, chúng ta càng trân quý người khác, như một người mẹ cảm thấy đau khổ nếu một cái gì đó khủng khiếp xảy ra với đứa con duy nhất của mình. Chúng ta cảm thấy buồn vì bất hạnh của người khác, nhưng chúng ta không thương hại hay cảm thấy tiếc cho họ. Chúng ta cảm thông, như thể vấn đề của họ cũng là của chính chúng ta, điều này thúc đẩy chúng ta hành động.

Cơ sở hợp lý để mở rộng lòng từ bi của chúng ta với mọi người là hiển nhiên, nhưng đó là điều mà nhiều người thậm chí không cân nhắc: Mọi người đều bình đẳng trong việc mong muốn được hạnh phúc, và mọi người đều bình đẳng trong việc mong muốn thoát khỏi sự bất hạnh và đau khổ.

Hai sự thật này vẫn đúng bất kể một người nào đó ở gần hay xa chúng ta, và bất kể họ đã làm gì. Ngay cả khi ai đó gây ra rất nhiều điều xấu, họ đang làm điều đó vì sự thiếu hiểu biết, nhầm lẫn và ảo tưởng, nghĩ rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho họ hoặc xã hội.

Không phải vì họ vốn đã xấu, không ai vốn đã “xấu”. Do đó, nó hợp lý và thích hợp để có lòng từ bi đối với họ, bởi vì cũng giống như chúng ta không muốn chịu đựng đau khổ.

Trong “Being Upright: Zen Meditation and the Bodhisattva Precepts”, Reb Anderson viết: “Đạt đến giới hạn của thực hành như là một hoạt động cá nhân riêng biệt, chúng ta sẵn sàng nhận sự giúp đỡ từ các cõi từ bi vượt ra ngoài nhận thức phân biệt đối xử của chúng ta.” Reb Anderson tiếp tục:

“Chúng ta nhận ra sự liên kết mật thiết giữa sự thật thông thường và sự thật tối thượng thông qua việc thực hành lòng từ bi. Chúng ta trở nên vững chắc trong sự thật tương đối và do đó chuẩn bị để nhận ra chân lý tối thượng.

Lòng bi mẫn mang đến sự ấm áp và tử tế tuyệt vời cho cả hai. Nó giúp chúng ta linh hoạt trong việc nhận ra sự thật, dạy chúng ta trao và nhận sự giúp đỡ trong việc thực hành các giới luật…”

Trong “Bản chất của Tâm Kinh”, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã viết,

“Theo đạo Phật, lòng từ bi là khát vọng, một trạng thái của tâm trí mong muốn người khác thoát khỏi đau khổ. Nó không thụ động – nó không phải là sự đồng cảm đơn thuần mà là một sự đồng cảm tích cực phấn đấu để giải phóng người khác khỏi khổ đau.

Chúng ta phải hiểu bản chất của đau khổ mà từ đó mong muốn giải phóng người khác (đây là sự khôn ngoan), và chúng ta phải trải nghiệm sự gần gũi và đồng cảm sâu sắc với các chúng sinh khác (đây là tình yêu thương).”

Lòng từ bi không cần “cảm ơn”

Bạn đã bao giờ thấy ai đó làm điều tốt và sau đó tức giận vì không được cảm ơn đúng cách? Lòng từ bi thực sự không có kỳ vọng về phần thưởng hay thậm chí là “lời cảm ơn” đơn giản thường gắn liền với nó.

Nếu chúng ta kỳ vọng một phần thưởng khi thực hành lòng từ bi, thì đó là lúc chúng ta duy trì ý tưởng về một bản ngã riêng biệt, trái với quan điểm của Phật giáo.

Điểm đầu tiên trong 6 hoàn thiện của Bồ tát là “Bố thí Ba la mật” (dana paramita), có nghĩa là “không có người cho, người nhận và món quà.” Vì lý do này, theo truyền thống, các nhà sư khất thực nhận được bố thí trong âm thầm.

Tất nhiên, trong thế giới thông thường, có những người cho và người nhận, nhưng điều quan trọng cần nhớ là “hành động từ bi” là một, không thể xuất phát từ một phía. Người cho và người nhận tương tác để tạo ra quả tích cực, không người nào quan trọng hơn.

Bày tỏ lòng biết ơn có thể là một công cụ làm sứt mẻ bức tường ích kỷ trong chúng ta, vì vậy, trừ khi bạn là một nhà sư khất thực, hãy nói “cảm ơn” khi nhận được sự giúp đỡ hoặc những hành động lịch sự trong cuộc sống.

Cách phát triển lòng từ bi

Tất cả chúng ta đều được sinh ra với hạt giống từ bi bên trong, nơi chúng ta mong muốn những người khác thoát khỏi đau khổ và nguyên nhân của nó. Chúng ta có thể nuôi dưỡng hạt giống đó để mang lại lợi ích đáng kinh ngạc cho chính mình và những người khác.

Cách tốt nhất để bắt đầu phát triển lòng từ bi là giới hạn phạm vi với những người chúng ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, và có thể là một số động vật.

Giảng viên Pema Chodron đã nói, “hãy bắt đầu từ nơi bạn đang ở.” Dù cuộc sống của bạn có hỗn độn như thế nào đi nữa thì ngay bây giờ là đất mà từ đó hạt giống từ bi có thể phát triển.

Dần dần, chúng ta đào tạo để mở rộng lòng từ bi hướng đến tất cả mọi người: Những người chúng ta thích, người lạ, và thậm chí là cả những người gây khó chịu cho chúng ta. Chúng ta tiếp tục cho đến khi lòng bi mẫn của chúng ta ôm trọn cả thế giới – vâng, ngay cả những con muỗi xung quanh nhà!

Để phát triển lòng từ bi không cách nào khác là thực hành, thực hành và thực hành mỗi khi có thể trong cuộc sống hàng ngày.

Lưu ý rằng, từ bi nảy sinh từ trí huệ, và trí huệ nảy sinh từ từ bi. Nếu bạn cảm thấy không đủ khôn ngoan hay từ bi, bạn có thể cảm thấy việc thực hành là vô cùng khó khăn.

Trên thực tế, mặc dù bạn có thể thực hiện từng bước một, nhưng Phật giáo không phải là quá trình “từng bước một”. Mỗi một trong tám phần của Bát Chánh Đạo đều hỗ trợ tất cả các phần khác và nên được phát triển đồng thời.

Hầu hết mọi người bắt đầu bằng cách hiểu rõ hơn về sự đau khổ của chính họ, điều đó giúp chúng ta tăng trưởng trí huệ. Thông thường, thiền hoặc các thực hành chánh niệm khác là phương tiện mà mọi người bắt đầu phát triển sự hiểu biết này.

Khi những ảo tưởng của chúng ta tan biến, chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với sự đau khổ của người khác. Vì chúng ta nhạy cảm hơn với sự đau khổ của người khác, nên những ảo tưởng của chúng ta tan biến hơn nữa.

Nếu chúng ta thực sự muốn nhận ra tiềm năng giác ngộ bên trong, chúng ta cần tăng phạm vi từ bi cho đến khi nó ôm lấy tất cả chúng sinh mà không có ngoại lệ, giống như một người mẹ yêu thương tất cả các con của mình bất kể chúng đang cư xử tốt hay xấu. Lòng từ bi phổ quát này là trái tim của Phật giáo Đại Thừa.

Lòng từ bi cho chính mình

Sau khi nói nhiều về lòng từ bi đối với chúng sinh, nghe có vẻ kỳ lạ khi thảo luận về từ bi cho chính mình. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải chạy trốn khỏi đau khổ của chính chúng ta.

Pema Chodron đã nói, “Để có lòng từ bi với người khác, chúng ta phải có lòng từ bi với chính mình.” Trong Phật giáo Tây Tạng có một thực hành gọi là Tonglen, là một loại hành thiền giúp chúng ta kết nối với đau khổ của chính mình và đau khổ của người khác.

“Tonglen đảo ngược logic bình thường để tránh đau khổ và tìm kiếm niềm vui, trong quá trình này, chúng ta dần được giải thoát khỏi một nhà tù ích kỷ.

Chúng ta bắt đầu cảm thấy yêu bản thân lẫn người khác, và chúng ta cũng hiểu tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân và người khác. Nó đánh thức lòng từ bi và giới thiệu cho chúng ta một cái nhìn mới và lớn hơn về thực tại.

Nó giới thiệu cho chúng ta sự rộng rãi không giới hạn mà Phật giáo gọi là “Tánh không”. Bằng cách thực hành, chúng ta bắt đầu kết nối với chiều hướng mở của bản thể chúng ta.”

Phương pháp thiền Tonglen thay đổi phụ thuộc vào người giảng dạy, nhưng nó thường là dựa trên hơi thở, trong đó hành giả hình dung nỗi đau khổ của mình và chúng sinh trên mỗi lần hít, và cho đi tình yêu, lòng từ bi và niềm vui sau mỗi lần thở ra.

Khi thực hành với sự chân thành, nó nhanh chóng trở thành một kinh nghiệm sâu sắc, cảm giác này không phải là một hình ảnh tượng trưng, nó thật sự có thể chuyển hóa đau khổ của chúng ta.

Một người trở nên nhận thức được việc khai thác tình yêu vô hạn của lòng từ bi không chỉ dành cho người khác mà còn cho chính chúng ta. Một phương pháp rất tốt để thực hành trong thời gian khi bạn dễ bị tổn thương nhất. Chữa lành cho người khác và cũng tự chữa lành cho chính mình.

Kết luận

Một số người cho rằng, lòng từ bi là hạt giống Phật, tiềm năng của chúng ta để trở thành một vị Phật. Đó là bởi vì tất cả chúng sinh đều có hạt giống này, và nó có thể phát triển vô hạn để ôm trộn chúng sinh trong vũ trụ nếu biết cách nuôi dưỡng và phát triển.

Khi chó mẹ nhìn thấy con của mình trong đau đớn, nó phát triển sự mong muốn bảo vệ và giải phóng con của mình khỏi đau đớn đó, và ước muốn từ bi này là hạt giống Phật của chó mẹ. Tuy nhiên, động vật không có khả năng đào tạo lòng từ bi, và do đó hạt giống Phật của chúng không thể chín.

Con người có cơ hội lớn để phát triển bản chất Phật trong mỗi chúng ta. Thông qua hành thiền, chúng ta có thể mở rộng và làm sâu sắc thêm lòng từ bi cho đến khi nó biến thành lòng từ bi vĩ đại – mong muốn bảo vệ tất cả chúng sinh mà không có ngoại lệ.

Thông qua việc đào tạo lòng từ bi, nó cuối cùng sẽ biến thành lòng từ bi của một vị Phật, vốn thực sự có sức mạnh để bảo vệ tất cả chúng sinh. Do đó cách để trở thành một vị Phật là để đánh thức bản tính Phật từ bi của chúng ta và hoàn thành việc đào tạo nó.

Lòng từ bi là minh chứng cho một đời sống tâm linh đúng đắn, là thực hành chính của những người đã cống hiến cuộc sống của mình để đạt được chứng ngộ. Nó là gốc rễ của Tam Bảo – Phật, Pháp, và Tăng đoàn. Nó là gốc rễ của Phật bởi vì tất cả chư Phật đều được sinh ra từ từ bi.

Mặc dù vậy, qua nhiều thế kỷ, các Phật tử thực hành lòng từ bi đã đối mặt với nhiều tình huống khó xử. Họ cũng đã vật lộn với việc thiết lập các tiêu chí để xác định đâu là lòng từ bi và đâu là “kẻ ngu ngốc tốt bụng”.

Phật tử đã suy nghĩ nghiêm túc liệu có nên từ bi với những hành vi tiêu cực, áp bức xã hội, chiến tranh hay các hình thức bạo lực khác.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo đã nhấn mạnh rằng thực hành từ bi là việc không thể thiếu đối với các tu sĩ, và phải được phát triển đến mức độ lớn nhất có thể, bây giờ cũng như trong thời của Đức Phật.

“Từ bi là những nhu yếu phẩm, không phải món hàng xa xỉ. Nếu không có chúng nhân loại không thể tồn tại.” Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

Lòng từ bi phổ quát thực sự rất khó thực hiện và có thể hơi đáng sợ đối với nhiều người. Nhưng đây là lý do tại sao nó lại quan trọng trong xã hội này.

Hoạt động từ một nơi khó chịu có nhiều khả năng thúc đẩy chúng ta hành động. Bằng cách nhận ra sự đau khổ của người khác và có một ước muốn chân thành và khẩn cấp để làm giảm bớt nỗi đau đó, chúng ta có thể học hành động từ bi trong thế giới này.

Lòng từ bi mở rộng trái tim và tâm trí của chúng ta, phá vỡ bức tường cô đơn, tự áp đặt những suy nghĩ của chính mình. Chúng ta cùng nhau đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống, và khi chúng ta cảm thấy kết nối với người khác, chúng ta có thể vượt qua sự cô lập, căng thẳng và lo lắng về nhiều thứ.

PGVN – Theo: thoughtco.com – studybuddhism.com

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button