Nghiên cứu

Ý nghĩa của “Từ Bi Hỷ Xả” trong đạo Phật

Tình yêu đích thực là nền tảng của hạnh phúc bền vững. Nó có sức mạnh để chữa lành, biến đổi mọi tình huống xung quanh, và mang lại một ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống của chúng ta.

Một số người hiểu được bản chất của tình yêu thật sự, họ biết cách để tạo ra và nuôi dưỡng nó. Những lời dạy về tình yêu của Đức Phật rất rõ ràng, khoa học và có thể áp dụng. Mỗi người trong chúng ta đều có thể hưởng lợi từ những lời dạy này.

Trong thời kỳ của Đức Phật, nhiều người theo đạo Bà la môn thường xuyên cầu nguyện rằng sau khi chết, họ sẽ lên Thiên Đàng để sống vĩnh viễn với Phạm Thiên (Brahma).

Bạn đang xem: Ý nghĩa của “Từ Bi Hỷ Xả” trong đạo Phật

Một hôm, một tu sĩ Bà la môn đến hỏi Đức Phật, “Tôi có thể làm gì để chắc chắn rằng tôi sẽ ở cùng với Phạm Thiên sau khi tôi chết?” Và Đức Phật trả lời, “Nếu Phạm Thiên là cội nguồn của tình yêu, thì để đến với Ngài bạn phải thực hành Tứ Vô Lượng Tâm – Bốn Thiên Trú (Brahma viharas) đó là : Tình yêu thương (Từ), lòng bi mẫn (Bi), niềm hân hoan (Hỷ) và sự bình thản (Xả).”

Vihara là nơi trú ngụ. Tình yêu thương trong tiếng Phạn là maitri và metta trong tiếng Pali. Lòng bi mẫn là karuna trong cả hai ngôn ngữ. Niềm vui hân hoan là mudita và sự bình thản là upeksha trong tiếng Phạn và upekkha trong tiếng Pali. Đây là bốn phẩm chất của tình yêu đích thực hay còn gọi là Tứ Vô Lượng Tâm – Từ Bi Hỷ Xả trong đạo Phật.

Chúng được gọi là “vô lượng”, bởi vì nếu bạn thực hành chúng, chúng sẽ lớn lên trong bạn mỗi ngày cho đến khi đủ sức ôm lấy cả thế giới. Bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn, và mọi người xung quanh bạn cũng cảm nhận được hạnh phúc đó lan tỏa.

Đức Phật tôn trọng mong muốn của mọi người để thực hành đức tin của họ, vì vậy Ngài đã trả lời câu hỏi của các tu sĩ Bà-la-môn theo một cách khuyến khích họ hướng đến những điều tốt đẹp. Nếu bạn thích ngồi thiền, hãy thiền tọa. Nếu bạn thích đi thiền, hãy thiền hành…

Hãy giữ gìn gốc rễ Do Thái, Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo của bạn. Đó là cách để phát triển trên tinh thần của Đức Phật.

Nếu chúng ta học cách thực hành tình yêu thương, bi mẫn, niềm hân hoan và sự bình thản, chúng ta sẽ biết làm thế nào để chữa lành các vết thương gây ra bởi giận dữ, buồn chán, bất an, buồn bã, hận thù, cô đơn và những chấp trước tiêu cực…

Tình yêu, lòng bi mẫn, niềm hân hoan và sự thanh thản là những phẩm chất của một vị giác ngộ. Chúng là bốn khía cạnh của tình yêu đích thực trong chính chúng ta, bên trong mọi người và mọi thứ.

1. Tâm Từ – Tình yêu thương

Khía cạnh đầu tiên của tình yêu chân thật là “Tâm Từ – Tình yêu thương” (maitri – metta), ý định và khả năng cung cấp niềm vui, hạnh phúc cho mọi người và mọi thứ. Để phát triển năng lực đó, chúng ta phải tập luyện chăm chỉ và lắng nghe sâu sắc để biết phải làm gì và không nên làm gì để mang đến hạnh phúc cho người khác.

Nếu bạn cung cấp những gì bạn yêu thích mà người khác không cần, đó không phải là tình yêu thương. Bạn phải nhìn thấy tình huống thực tế của mình hoặc những gì bạn cung cấp có thể mang lại cho họ sự bất hạnh.

Bạn thích ăn trái khổ qua vì nó có lợi cho sức khỏe, nhưng một số người lại không thích mùi vị của nó, do đó, nếu bạn ép họ ăn thì đó không phải là tình yêu thương. Một số nhà từ thiện tặng máy chạy bộ cho những nông dân lam lũ ngày đêm là không phù hợp. Trong hoàn cảnh hiện tại, họ cần những thứ thực tế hơn như máy lọc nước sạch chẳng hạn.

Nếu không có sự hiểu biết, tình yêu của bạn không phải là tình yêu đích thực. Bạn phải có cái nhìn sâu sắc để thấy và hiểu được nhu cầu, khát vọng và sự đau khổ của những người thân yêu. Chúng ta ai cũng muốn mang đến những điều tốt đẹp đến với họ. Tâm Từ có thể giúp chúng ta thực hiện điều đó theo một cách phù hợp và tự nhiên nhất có thể.

Nó tự nhiên như không khí chúng ta hít thở. Chúng ta được yêu thương bởi không khí, chúng ta cần không khí trong lành để được sống và tận hưởng hạnh phúc. Nhưng đa số đều không nhận ra điều đó, rất ít người cảm ơn không khí vì đã mang lại sự sống cho họ.

Chúng ta cũng cần yêu thương cây cối, dòng sông. Để được yêu thương, chúng ta phải yêu thương, điều đó có nghĩa là chúng ta phải hiểu sâu sắc. Để tình yêu của chúng ta phát triển, chúng ta phải có hành động phù hợp để bảo vệ không khí, cây cối và những người thân yêu của chúng ta.

Maitri có thể được dịch là “tình yêu” hay “lòng tốt”. Một số vị giảng sư Phật giáo thích dùng từ “tình thương – lòng trìu mến” hơn vì họ thấy từ “tình yêu” quá nguy hiểm và thiên về giới tính. Nhưng tôi thích từ “tình yêu”. Từ ngữ đôi khi bị ốm và chúng ta phải chữa lành chúng.

Chúng ta thường sử dụng từ “tình yêu” để chỉ sự thèm ăn hoặc ham muốn tình dục. Chúng ta phải sử dụng ngôn ngữ cẩn thận hơn. “Tình yêu” là một từ đẹp, chúng ta phải khôi phục lại ý nghĩa của nó. Từ “maitri” có nguồn gốc từ mitra có nghĩa là bạn. Trong đạo Phật, ý nghĩa chính của tình yêu là tình bạn.

Tất cả chúng ta đều có hạt giống yêu thương trong tâm hồn. Chúng ta có thể phát triển nguồn năng lượng tuyệt vời này, nuôi dưỡng tình yêu vô điều kiện và không mong đợi bất cứ điều gì.

Khi chúng ta hiểu một ai đó sâu sắc, ngay cả những người đã làm hại mình, chúng ta cũng không thể chống lại tình yêu thương của chúng ta đối với họ, những người đang gặp nhiều đau khổ nên mới hành xử tiêu cực như thế. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng, Đức Phật tương lai có tên là “Maitreya, Đức Phật của tình yêu”.

2. Tâm Bi – Lòng bi mẫn

Phẩm chất thứ hai của tình yêu đích thực là karuna, ý định, khả năng giảm thiểu và chuyển hóa đau khổ. Karuna thường được dịch là “từ bi”, nhưng điều đó không chính xác.

Chúng ta không cần phải chịu đựng đau khổ để chuyển hóa đau khổ của người khác. Các bác sĩ có thể làm giảm cơn đau của bệnh nhân mà không cần trải nghiệm cơn đau tương tự.

Nếu chúng ta chịu đựng nỗi đau quá nhiều, chúng ta có thể bị xa lầy vào nó và không thể giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, cho đến khi chúng ta tìm thấy một từ tốt hơn, chúng ta hãy sử dụng “bi mẫn – trắc ẩn” để dịch karuna.

Để phát triển lòng bi mẫn trong chính chúng ta, chúng ta cần thực hành thở sâu, nghe sâu và nhìn sâu. Kinh Pháp Hoa mô tả Quan Thế Âm (Avalokiteshvara) là vị Bồ tát thực hành “nhìn với con mắt bi mẫn và lắng nghe sâu sắc những tiếng than khóc của chúng sinh.”

Tâm Bi có nghĩa là quan tâm sâu sắc. Bạn biết người kia đang đau khổ, vì vậy bạn xích lại gần họ. Bạn nhìn và lắng nghe sâu sắc những chia sẻ của họ để có thể chạm vào nỗi đau đó. Bạn đang ở trong trạng thái giao tiếp sâu sắc, hiệp thông và biết phải làm gì để giúp đỡ họ.

Một lời nói, hành động hay ý nghĩ xuất phát từ lòng bi mẫn có thể làm giảm đau khổ và mang lại niềm vui cho người khác.

Một lời nói chân thành, đúng đắn có thể đem lại sự thoải mái, tự tin, giải tỏa nghi ngờ, giúp tránh sai lầm, hòa giải xung đột và mở ra cánh cửa để giải thoát.

Một hành động tốt có thể cứu sống một người hoặc giúp người đó tận dụng cơ hội hiếm có để tạo dựng hạnh phúc. Ý nghĩ cũng tương tự, bởi vì những suy nghĩ thường dẫn đến những lời nói và hành động. Với lòng bi mẫn trong trái tim của chúng ta, mọi suy nghĩ, lời nói và hành động có thể mang lại một phép lạ.

Khi tôi còn là một chú tiểu, tôi không thể hiểu tại sao Đức Phật lại có nụ cười rất đẹp trong thế giới đầy đau khổ như thế này! Có phải Ngài đang cười trên những đau khổ của chúng sinh?

Sau đó tôi nhận ra rằng, Đức Phật không cười theo nghĩa tiêu cực mà tôi suy đoán, Ngài cười vì có đủ hiểu biết, bình tĩnh và sức mạnh để chăm sóc và chuyển hóa đau khổ sang hướng tích cực. Đó là lý do tại sao nỗi đau không thể chi phối Đức Phật.

Chúng ta cần phải nhận thức được sự đau khổ, nhưng cũng phải giữ được sự khôn ngoan, bình tĩnh và sức mạnh để có thể giúp chuyển hóa nó. Đại dương của nước mắt không thể nhấn chìm chúng ta nếu như lòng bi mẫn có mặt ở đó. Đó là lý do tại sao nụ cười của Đức Phật lại đẹp như thế.

3. Tâm Hỷ – Niềm vui hân hoan

Phẩm chất thứ ba của tình yêu đích thực là mudita, niềm vui. Tình yêu chân thật luôn đem lại niềm vui cho bản thân và cho người mình yêu. Nếu tình yêu không mang lại niềm vui cho cả hai, đó không phải là tình yêu đích thực.

Các nhà bình luận giải thích rằng, hạnh phúc liên quan đến cả thể xác và tinh thần, trong khi đó niềm vui liên quan chủ yếu đến tâm trí.

Họ thường đưa ra ví dụ: Một người đang đi trên sa mạc nhìn thấy một dòng nước mát và thấy vui mừng, khi uống nước, họ cảm thấy hạnh phúc.

Ditthadhamma sukhavihari có nghĩa là “sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại.” Chúng ta không vội vã đến tương lai, chúng ta biết rằng mọi điều kiện để hạnh phúc đều ở đây, trong khoảnh khắc hiện tại.

Nhiều thứ nhỏ bé có thể mang lại cho chúng ta niềm vui to lớn, chẳng hạn như nhận thức rằng chúng ta có đôi mắt trong tình trạng tốt. Chúng ta chỉ cần mở mắt ra và nhìn thấy bầu trời xanh, hoa tím, trẻ con, cây cối…rất nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau.

Ở trong chánh niệm, chúng ta có thể chạm vào những điều kỳ diệu và tươi mới, niềm vui của chúng ta phát sinh tự nhiên trong tâm. Niềm vui chứa hạnh phúc và hạnh phúc có chứa niềm vui.

Một số học giả nói rằng, mudita có nghĩa là “niềm vui đồng cảm”, chúng ta hạnh phúc khi thấy những người khác hạnh phúc. Nhưng lời giải thích đó khá là hạn chế. Nó phân biệt giữa bản thân và người khác.

Định nghĩa sâu sắc hơn về mudita là một niềm vui tràn đầy sự bình an và mãn nguyện. Chúng ta vui mừng khi thấy người khác hạnh phúc, nhưng chúng ta cũng vui mừng vì hạnh phúc của chính mình. Làm sao chúng ta có thể cảm thấy hoan hỷ với người khác khi chúng ta không cảm thấy hoan hỷ với chính mình? Niềm vui là dành cho tất cả mọi người và mọi thứ trên toàn vũ trụ.

4. Tâm Xả – Bình thản

Phẩm chất thứ tư của tình yêu đích thực là upeksha, có nghĩa là sự bình tâm, không dính mắc, không phân biệt, bình đẳng, không chủ ý hay buông xuôi.

Bạn leo lên ngọn núi để có thể thấy toàn cảnh, không bị giới hạn, ràng buộc bởi góc này hay góc kia. Nếu tình yêu của bạn có chấp trước, phân biệt đối xử, thành kiến hoặc bám vào nó, đó không phải là tình yêu đích thực.

Những người không hiểu Phật giáo đôi khi nghĩ rằng bình thản có nghĩa là thờ ơ, nhưng bình thản thật sự không phải là “tâm cứng đơ” hay vô cảm. Nếu bạn có nhiều hơn một đứa trẻ, tất cả là con của bạn. Bình thản không có nghĩa là bạn không yêu thương chúng. Bạn yêu theo cách mà những đứa trẻ đều nhận được tình yêu của bạn mà không có sự phân biệt.

Upeksha còn có tên gọi khác là samatajnana, “sự khôn ngoan bình đẳng”, khả năng nhìn thấy mọi người bình đẳng, không phân biệt giữa chúng ta và những người khác. Trong một cuộc tranh luận, mặc dù chúng ta quan tâm sâu sắc, nhưng chúng ta vẫn bình thản, có thể yêu và hiểu cả hai bên. Chúng ta bỏ qua tất cả sự kỳ thị và thành kiến, xóa bỏ mọi ranh giới giữa “tôi” và “đối tượng khác”.

Chừng nào chúng ta còn coi bản thân mình là người ban phát hạnh phúc cho người khác, khi chúng ta đánh giá bản thân mình nhiều hơn người khác hoặc thấy mình khác những người khác, thì chúng ta vẫn chưa có được tâm bình thản theo đúng nghĩa của nó.

Nếu không có Tâm Xả, tình yêu của bạn sẽ trở thành sở hữu. Một làn gió mát trong mùa hè oi bức là khá thú vị, nhưng nếu chúng ta muốn giữ làn gió mát đó trong tủ kính, gió sẽ chết! Người thân yêu của chúng ta cũng vậy.

Họ giống như một đám mây, một làn gió, một bông hoa hay chú chim xinh đẹp. Nếu bạn nhốt họ, họ sẽ không còn là chính họ. Tuy nhiên, nhiều người lại thích làm điều đó. Nhiều người cướp đi sự tự do của người thân yêu vì nghĩ rằng như thế là tốt cho họ.

Đây là loại “tình yêu thỏa mãn” bản thân và sử dụng người thân yêu để giúp hoàn thành điều đó, không phải tình yêu đích thực mà là sự hủy hoại.

Bạn nói bạn yêu thương họ, nhưng bạn lại không hiểu những khát vọng, nhu cầu và những khó khăn của họ. Họ đang ở trong một ngục tù có tên là tình yêu. Tình yêu đích thực cho phép bạn giữ gìn sự tự do của người mà bạn yêu quý. Đó là upeksha.

Để tình yêu trở thành tình yêu đích thực, nó phải chứa lòng bi mẫn, niềm vui và sự bình thản. Đối với lòng bi mẫn trở thành lòng bi mẫn thực sự, nó phải có tình yêu, niềm vui và sự thanh thản trong đó. Niềm vui đích thực bao gồm tình yêu, bi mẫn và sự tự do. Và sự bình thản thực sự phải có tình yêu, lòng bi mẫn và niềm vui trong đó.

Đây là tính liên sinh của Từ Bi Hỷ Xả. Khi Đức Phật nói với tu sĩ Bà la môn về Tứ Vô Lượng Tâm, Ngài đã giảng dạy chúng ta một giáo huấn rất quan trọng. Nhưng chúng ta phải nhìn sâu sắc và thực hành chúng cho bản thân, để mang bốn phẩm chất cao quý của tình yêu vào cuộc sống của chúng ta, và vào cuộc sống của những người chúng ta thương yêu.

PGVN – Theo: upliftconnect.com

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button