Nghiên cứu

Ý nghĩa và cách bài trí mâm ngũ quả ngày Tết

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà đều nô nức sắm sửa và bày trí sao cho thật khang trang để tiễn năm cũ và đón một năm mới thật sung túc và đủ đầy. Một mâm ngũ quả đầy đủ với những lời cầu mong cho tương lai là thứ không bao giờ được thiếu trong đêm giao thừa. Vì đó là cách để bạn bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Bên cạnh đó, mâm ngũ quả cũng tượng trưng cho thành quả lao động của một năm cũ ở mỗi gia đình. Vậy, cách bài trí mâm ngũ quả thế nào là đúng đắn nhất, hãy cùng PGVN tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Ý nghĩa của mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả ngày Tết tượng trưng cho cuộc sống đủ đầy và bình an
Mâm ngũ quả ngày Tết tượng trưng cho cuộc sống đủ đầy và bình an.

Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ Phật giáo, được nhắc đến trong kinh Vu Lan Bồn với hình ảnh trái cây 5 màu. 5 loại quả được chọn thường là mãng cầu, sung, đu đủ, dừa và xoài. Khi ghép lại đọc là “cầu sung vừa đủ xài”, có nghĩa là mong cầu một năm mới đủ đầy, gia đình bình an và ấm no.

Bạn đang xem: Ý nghĩa và cách bài trí mâm ngũ quả ngày Tết

Trong tâm ý của người Việt, ngũ quả thể hiện mong muốn đạt được Ngũ phúc lâm môn: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (sức khỏe) và ninh (bình an). Bên cạnh đó, trong quan niệm của người phương Đông, mâm ngũ quả cũng thể hiện 5 yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, là những yếu tố cấu thành nên đất trời. Do đó mà mâm ngũ quả luôn có 5 loại trái cây đủ màu sắc.

Cách bài trí mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả truyền thống của người Việt Nam thường có mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài
Mâm ngũ quả truyền thống của người Việt Nam thường có mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài.

Mặc dù mâm ngũ quả là nét đặc trưng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên người Việt, nhưng tuỳ theo phong tục của mỗi vùng miền mà mâm ngũ quả sẽ có nhiều sự khác nhau.

1. Mâm ngũ quả miền Bắc

Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường được bài trí dựa theo thuyết ngũ hành ứng với Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Vì vậy thường sẽ có những loại quả màu sắc như chuối, bưởi, đào, quýt và hồng đại diện cho năm màu ngũ hành. Họ thường được xếp mâm theo kiểu xen kẽ các loại quả với nhau để trông cân đối, hài hoà hơn và phù hợp phong thủy.

Cách bài trí truyền thống của miền Bắc thường sẽ để nải chuối ở dưới cùng, chính giữa là vị trí quả phật thủ vàng hoặc một trái bưởi. Các loại quả tròn, nhỏ hơn sẽ được bài trí xung quanh,lấp đầy các khoảng trống. Sau cùng có thể trang trí thêm vài quả ớt sừng chín đỏ để tăng thêm màu sắc.

2. Mâm ngũ quả miền Trung

Không quá chú trọng như người Bắc, những gia đình sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cằn cỗi miền Trung thường không quá chú trọng vào hình thức mâm ngũ quả. Vì khí hậu và đất đai ở vùng đất này thường khắc nghiệt nên không có quá nhiều loại quả đẹp. Tính tình người miền Trung cũng không quá câu nệ về mặt hình thức nên thường họ sẽ có gì cúng nấy, họ quan trọng hơn cả chủ yếu là tấm lòng thành dâng lên tổ tiên.

Thanh long, chuối, mãng cầu, dưa hấu, dứa, sung, cam, quýt là những loại quả thường thấy trên mâm ngũ quả của người miền Trung. Họ thường sắp xếp những quả to, nặng ở dưới, các lại nhỏ hơn để lên trên theo kiểu tháp hoặc cầu kì hơn là hình long phụng, đối xứng hai bên là một cặp dưa. Sau cùng sẽ trang trí thêm một ít loại hoa quả nhỏ bên cạnh.

3. Mâm ngũ quả miền Nam

Khác với hai miền Bắc và Trung, người miền Nam có sự kiêng cử và chọn lọc kỹ càng những loại trái cây mà họ xếp vào mâm ngũ quả.

Người miền Nam sẽ không xếp cam vì họ cho rằng đó là sự “cam chịu”, mang ý nghĩa không lành. Tương tự, họ cũng không đặt chuối vào mâm vì theo tiếng miền Nam đọc ra sẽ là “chúi” mang ý nghĩa chúi nhủi tức là lụn bại, đi xuống.

Mâm ngũ quả của người Nam thường chỉ có các loại quả mãng cầu, sung, dừa nước, đu đủ, xoài vàng đọc thành câu “cầu sung vừa đủ xài”. Những năm gần đây có thêm trái dư được trang trí xung quanh với ý nghĩa “cầu xài dư”. Hai bên sẽ là một cặp dưa hấu.

Một số lưu ý khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

Video hướng dẫn cách bài trí mâm ngũ quả đẹp và ý nghĩa cho Tết Nguyên Đán

1. Trái cây khi trưng bày phải sạch sẽ và còn tươi

Vì quan niệm trái cây chưng thường phải sạch và có độ bóng nên nhiều người khi mua về thường cố để rửa cho quả thật sạch và lau chùi để có được độ bóng. Tuy nhiên, quan niệm đó là sai hoàn toàn. Việc rửa trái cây quá sạch sẽ làm quả nhanh bị héo, những nơi có chỗ đọng nước sẽ dễ bị héo, thối rữa. Trong quá trình rửa nếu lỡ mạnh tay sẽ dễ làm trái cây bị dập, móp méo.

Trái cây sau khi mua về bạn chỉ nên dùng khăn giấy ẩm lau sơ cho sạch sẽ bụi bẩn là được. Riêng với quả bưởi, có thể pha ít nước vôi, dùng khăn giấy thấm và lau xung quanh vỏ bưởi để vỏ được sạch, tránh tình trạng bị ố vàng, mốc xanh.

2. Nên lựa trái cây chín hay còn xanh?

Mặc dù ngày 30 Tết mới phải chưng mâm ngũ quả, nhưng nhiều gia đình có thói quen mua sắm từ những ngày 27, 28 Tết để chọn được nhiều loại trái cây phù hợp.

Nếu chọn những quả chín đẹp thì khi bày ra mâm, trái cây sẽ bị chín quá, lá héo và cuốn sẽ bị gãy. Do đó, bạn nên lựa chọn những trái cây còn xanh để khi trang trí và đến ngày chưng thì quả vừa chín tới sẽ đẹp hơn.

Mâm ngũ quả ngày Tết nguyên đán là một nét văn hoá đặc trưng của người Việt Nam với ngụ ý hướng về tổ tiên, gửi lời cảm ơn thành kính đến những gì đã qua. Vì vậy, việc chưng bày mâm ngũ quả thường được chú trọng kỹ càng.

Qua bài viết này, PGVN mong các bạn biết thêm được nhiều thông tin bổ ích về cách bài trí mâm ngũ quả ngày Tết của gia đình sao cho thật đẹp và phù hợp với phong thuỷ ngũ hành, từ đó thu hút được nhiều vượng khí, may mắn và tài lộc trong năm mới. Chúc quý độc giả luôn bình an và hạnh phúc những ngày đầu năm mới.

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button