Nghiên cứu

Ý nghĩa và lợi ích của tụng kinh trong Phật giáo

Khi đến chùa lễ Phật, chúng ta thường bắt gặp những người Phật tử đang tụng kinh. Đây là một nghi thức thường ngày và tất cả các trường phái Phật giáo đều thực hiện nghi thức này, mặc dù nội dung của các bài tụng có thể khác nhau. Việc tụng kinh này có thể khiến người mới cảm thấy không thoải mái.

Có thể bạn hay đi chùa lễ Phật, nhưng bạn không thường tụng kinh mà chỉ cúng dường và cầu nguyện thôi đúng không? Hơn nữa, một số người nghĩ về phụng vụ như một dấu tích vô nghĩa của một thời kỳ xa xưa và mê tín.

Nếu bạn quan sát một nghi lễ tụng kinh của Phật giáo, bạn có thể thấy mọi người cúi đầu hoặc đánh chiêng và trống. Các sư thầy có thể dâng hương, thức ăn và hoa quả cho một tượng Phật trên bàn thờ.

Bạn đang xem: Ý nghĩa và lợi ích của tụng kinh trong Phật giáo

Buổi tụng kinh có thể bằng tiếng Pali, tiếng Phạn, tiếng Hán hay các phiên bản được phiên âm sang ngôn ngữ địa phương. Hầu hết các bài tụng đều chứa các câu chữ dường như vô nghĩa, và điều này có vẻ rất lạ nếu bạn biết rằng Phật giáo là một tôn giáo vô thần. Một buổi tụng kinh của đạo Phật trông có vẻ mang tính hữu thần giống như một buổi lễ Công giáo trừ khi bạn hiểu rõ các thực hành này.

Ý nghĩa và lợi ích của việc tụng kinh

Một khi bạn hiểu những gì đang xảy ra, bạn sẽ thấy rằng các nghi lễ Phật giáo không nhằm mục đích tôn thờ một vị thần mà để giúp chúng ta nhận ra sự giác ngộ.

Trong Phật giáo, giác ngộ (bodhi) được định nghĩa là sự thức tỉnh khỏi những ảo tưởng của tâm trí, đặc biệt là những ảo tưởng của bản ngã và một cái tôi riêng biệt. Sự thức tỉnh này không phải là trí tuệ đơn thuần, mà là sự thay đổi trong cách chúng ta trải nghiệm và nhận thức về thế giới.

Khi chúng ta tụng kinh, có nghĩa là chúng ta học thuộc lòng, ghi nhớ và suy ngẫm những điều Phật dạy trong kinh để mà thực hành. Như vậy việc tụng kinh mới mang lại lợi ích thiết thực.

Khoảng thời gian chúng ta tụng kinh thì những ý niệm phiền não, những niệm xấu, niệm ác bị đè phục nên không khởi lên trong tâm; do bị đè phục nên nó yếu đi, nó đã yếu thì lúc có khởi lên cũng khởi yếu. Bởi vì những suy nghĩ xấu yếu dần nên nghiệp chướng cũng yếu dần đi thông qua các hành động thiện được đạo diễn bởi suy nghĩ thiện. Nói cách khác, ngoài phước báu do tôn kính Phật pháp, người tụng kinh có thể làm tiêu trừ nghiệp chướng.

Vì vậy, nếu chúng ta tụng kinh niệm Phật mỗi ngày, lúc đó phiền não và nghiệp chướng sẽ ít có cơ hội phát khởi. Tuy nhiên, nên nhớ rằng nghiệp chướng chỉ không khởi khi chúng ta tụng kinh chứ không phải lúc nào cũng không khởi, nhưng nghiệp chướng sẽ giảm đi rất nhiều và nghiệp thiện sẽ phát triển lên.

Nếu các huynh đệ mỗi ngày đều tụng kinh thì sẽ tỏ rõ nhiều điều bổ ích. Khi niệm Phật, tụng kinh thì không gieo duyên việc khác, mà chỉ gieo duyên âm thanh câu niệm Phật, lời kinh. Do đó, tôi khuyên các huynh đệ siêng năng tụng kinh để thâm nhập trí Phật. Cố Hòa thượng Thích Trí Tịnh chia sẻ.

Vì vậy, tụng kinh là một phương pháp trau dồi chánh niệm, một phương tiện giúp bạn tỉnh ngộ.

Các bài kinh Phật thường được tụng

Có một số loại văn bản khác nhau được tụng như một phần của nghi lễ Phật giáo. Chẳng hạn như:

– Bài tụng có thể là toàn bộ hoặc một phần bài kinh. Kinh là một bài thuyết pháp của Đức Phật hoặc một trong những vị đệ tử của Đức Phật. Tuy nhiên, một khối lượng lớn kinh điển của Phật giáo Đại thừa đã được soạn sau thời Đức Phật tại thế. Chẳng hạn như: kinh A Di Đà, kinh Cầu An, Kinh Dược Sư hay kinh Địa Tạng.

– Bài tụng có thể là một câu thần chú – một chuỗi từ hoặc âm tiết ngắn thường được tụng lặp đi lặp lại và được cho là có sức mạnh biến đổi lớn. Một ví dụ về thần chú là Om Mani Padme Hum, có liên quan đến Phật giáo Tây Tạng. Niệm thần chú một cách chú tâm có thể là một hình thức thiền định.

– Một Đà-la-ni (Dharani) là một cái gì đó giống như thần chú nhưng thường dài hơn. Đà-la-ni được cho là chứa đựng bản chất của một giáo lý cụ thể và việc tụng kinh lặp đi lặp lại một Đà-la-ni có thể gợi lên một số sức mạnh có lợi, chẳng hạn như bảo vệ hoặc chữa lành. Một ví dụ về Đà-la-ni là Chú Đại Bi, một câu thần chú dài được nhiều Phật tử ở Châu Á tụng niệm.

Tụng một Đà-la-ni cũng ảnh hưởng một cách tinh vi đến tâm trí của người tụng. Đà-la-ni thường được tụng bằng tiếng Phạn (hoặc một số phiên âm gần đúng với âm thanh của tiếng Phạn). Đôi khi các âm tiết không có nghĩa xác định nhưng đó là những âm tiết quan trọng.

– Một bài kệ (gatha) là một câu thơ ngắn để được hô vang, hát hoặc đọc. Ở phương Tây, các bài kệ thường được dịch sang ngôn ngữ của người tụng. Không giống như thần chú và Đà-la-ni, những thông điệp trong bài kệ quan trọng hơn giai điệu hay âm tiết.

Ngoài ra, một số bài tụng chỉ dành riêng cho các trường phái Phật giáo cụ thể. Các trường phái niệm Phật của Trung Quốc hoặc Nhật Bản là thực hành tụng kinh tên của Đức Phật A Di Đà. Phật giáo Nichiren gắn liền với Daimoku, với câu thần chú Nam Myoho Renge Kyo là một biểu hiện của đức tin trong Kinh Pháp Hoa. Các Phật tử Nichiren cũng tụng Gongyo, bao gồm các đoạn kinh trong Kinh Pháp Hoa như một phần của nghi lễ chính thức hàng ngày của họ.

Cách tụng kinh cho người mới

Nếu bạn chưa quen với đạo Phật, lời khuyên tốt nhất là hãy lắng nghe thật kỹ những gì mọi người xung quanh bạn đang làm và hãy làm tương tự. Đưa giọng nói của bạn đồng nhất với hầu hết những người xướng âm khác, bắt chước giai điệu của những người xung quanh bạn và bắt đầu tụng kinh.

Tụng kinh như một phần của hoạt động nhóm và là điều mà tất cả các Phật tử đang làm cùng nhau, vì vậy đừng chỉ lắng nghe bản thân mình tụng kinh. Lắng nghe tất cả mọi người cùng một lúc. Hãy là một phần của một tiếng nói lớn.

Có thể bạn sẽ nhận được văn bản của bài tụng kinh, với các từ nước ngoài được phiên âm tiếng Việt. (Nếu không, hãy lắng nghe cho đến khi bạn bắt kịp.) Hãy đối xử với cuốn sách tụng kinh của bạn một cách tôn trọng. Hãy lưu ý đến cách người khác cầm sách tụng kinh của họ và cố gắng học theo.

Nên tụng kinh theo bản dịch hay ngôn ngữ gốc?

Khi Phật giáo chuyển sang Việt Nam, một số nghi lễ truyền thống được tụng bằng tiếng Việt hoặc các ngôn ngữ phiên âm. Nhưng bạn có thể thấy một lượng đáng kể phụng vụ vẫn được tụng kinh bằng ngôn ngữ gốc. Tại sao vậy?

Bởi vì đối với thần chú và đà-la-ni, âm tiết của bài tụng quan trọng hơn ý nghĩa của nó. Trong một số truyền thống, âm tiết được cho là biểu hiện của bản chất thật của thực tại. Khi được tụng niệm với sự tập trung và chánh niệm tuyệt vời, thần chú và đà-la-ni có thể trở thành một phương pháp thiền nhóm mạnh mẽ.

Kinh là một vấn đề khác, và đôi khi câu hỏi có nên tụng một bản dịch hay không gây ra một số tranh cãi. Tụng kinh bằng ngôn ngữ quen thuộc giúp chúng ta hiểu và thuộc lòng lời dạy của bài kinh, nếu chỉ đọc không thì không thể. Nhưng nhiều Phật tử thích sử dụng các ngôn ngữ gốc, hoặc đã được phiên âm, một phần vì tác dụng của âm tiết và một phần để duy trì mối quan hệ với các Phật tử trên khắp thế giới.

Nếu việc tụng kinh lúc đầu có vẻ vô nghĩa đối với bạn, hãy giữ tâm trí cởi mở để những cánh cửa có cơ hội mở ra. Nhiều Phật tử thuần thành nói rằng, điều mà họ cảm thấy tẻ nhạt và ngu ngốc nhất khi mới bắt đầu tu tập chính là tụng kinh, nhưng đó lại là thứ đã kích hoạt trải nghiệm thức tỉnh đầu tiên của họ.

PGVN – Tham khảo: learnreligions

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button