Nghiên cứu

Các cấp độ của định trong thiền

Thiền định là một trong những phương pháp mà con người ngày nay sử dụng để giải tỏa những căng thẳng, áp lực trong xã hội hiện đại. Đối với nhiều người, thiền là ngồi yên một chổ, thả lỏng cơ thể và tập trung vào hơi thở ra vào để định tâm. Tuy nhiên, thiền định trong Phật giáo có nhiều ý nghĩa hơn thế và nó được phân thành nhiều cấp độ mà trong bài viết này sẽ mang đến cái nhìn chi tiết hơn cho mọi người.

Vì sao con người cần định tâm?

Theo Phật giáo, thế giới loài người thuộc Dục Giới, vì hầu hết sinh hoạt đời sống của họ dựa trên sự tương giao giữa giác quan và ngoại cảnh. Sự tương giao này là nền móng của cảm giác, tri giác, tư tưởng, kinh nghiệm, kiến thức và những phản ứng tâm sinh vật lý.

Nói chung là bản năng, tình cảm và lý trí mà phần lớn diễn ra trong vô thức nhiều hơn là có ý thức. Do đó những tích lũy, những nội kết này ngày càng đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp trong kho chứa vô thức (bhavaṅga) đã dễ dàng vượt khỏi vòng kiểm soát của ý thức con người.

Bạn đang xem: Các cấp độ của định trong thiền

Phần lớn chúng ta hành động, nói năng, suy nghĩ một cách vô thức. Và lắm khi tưởng chừng như chúng ta hành động có ý thức, chủ động và quyết đoán, nhưng thật ra chúng ta hành động như một con rối đang bị sai khiến bởi những xung động vô thức.

Có thể chúng ta vẫn có ý thức nhưng chỉ là một loại ý thức mơ hồ, nặng tính si mê, phát xuất từ vô minh, thiếu tỉnh giác mà hậu quả là chúng ta đã gây ra nhiều khổ đau phiền muộn cho mình và người. Loại ý thức này thực ra chỉ là mặt nổi rất nhỏ so với mặt chìm rộng lớn của vô thức, cũng giống như phần trên mặt nước của một tảng băng so với phần chìm bên dưới.

Hoặc hơn thế nữa ý thức chỉ là một điểm tiếp xúc của tâm trên một đối tượng, giống như điểm chạm của bánh xe khi lăn trên đường. Huống chi ý thức thường là chủ quan, bị giới hạn bởi ý niệm, tư tưởng, kiến thức, quan niệm, thành kiến… che lấp nên khó mà thấy biết trung thực. Chỉ khi nào ý thức được hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng thì mới phát huy được tánh biết vô hạn của tâm.

Vì vậy, định là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ lãnh vực hoạt động nào của chúng ta. Không phải chỉ trong thiền định, dù công việc tay chân hay hoạt động trí óc trong lý luận, tư duy, nghiên cứu, học hỏi, tính toán v.v… thì sự chuyên chú, nhất tâm hay định tĩnh vẫn là điều kiện tất yếu và cơ bản cho những hoạt động này đạt được hiệu quả cao.

Các đối tượng của định

Định có nhiều mức độ khác nhau: Nói theo Dịch Lý cho dễ hiểu thì có định của hình, định của khí, định của ý và định của thần. So sánh với Phật giáo thì hình đoan chính là giới, khí trầm ổn là tịnh, ý chuyên nhất là định, thần trong sáng là tuệ.

Trên thực tế, ý ổn định thì khí cũng ổn định do đó ý và khí, tịnh và định có thể ghép chung thành một. Vậy chỉ còn giới, định, tuệ mà thôi. Giới-định-tuệ không dành riêng cho giới Tăng sĩ Phật Giáo trong môi trường đặc biệt của tu viện, mà cần thiết cho tất cả mọi người dù theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào. Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng đều phải cần đến giới định tuệ.

Ví dụ, khi chúng ta rót nước sôi từ ấm đun vào bình thủy, chúng ta phải hành động một cách chính xác, phải chú tâm trọn vẹn vào động tác đang làm và thấy biết rõ ràng mọi diễn biến của sự kiện ấy.

Hành động cẩn thận đúng đắn là giới, chú tâm trọn vẹn vững vàng là định, thấy biết sáng suốt trung thực là tuệ. Chỉ cần thiếu một yếu tố thôi thì hai yếu tố kia cũng không đứng vững và việc làm khó có thể hoàn thành. Vì vậy không nên tách rời những yếu tố đó ra để tu tập như một phương pháp chuyên biệt.

Các bước tạo định

Khi các giác quan hướng ra ngoài và bị chi phối bởi ngoại cảnh, thì ý – khí sẽ bị xáo trộn trong những khuynh hướng ưa thích, ghét bỏ, dao động, thụ động và phân vân bất định. Đó là những trở ngại cho sự an ổn mà thiền định gọi là triền cái (nivaraṇa) những yếu tố trói buộc ngăn che, với những thuật ngữ chuyên môn như tham dục, sân hận, trạo hối, hôn trầm thụy miên và nghi hoặc.

Những trở ngại này sẽ tự biến mất khi tâm hội đủ những thành tố của thiền định, thường được gọi là chi thiền (jhānaṅga). Những chi thiền này không phải chỉ đặc biệt đạt được trong lúc tọa thiền mà còn là điều kiện tất yếu giúp tâm ổn định trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

Năm yếu tố đó là:

  1. Tầm (vitakka) hướng tâm đến đối tượng.
  2. Tứ (vicāra) sự chú ý xem xét đối tượng.
  3. Hỷ (pīti) sự hứng thú trên đối tượng.
  4. Lạc (sukha) sự bình an trên đối tượng.
  5. Nhất tâm (ekaggata) sự dừng nghỉ an toàn.

Các cấp độ của định

Căn cứ trên sự hiện diện và mức độ của năm yếu tố này mà thiền định được phân chia thành các tầng bậc cao thấp, sâu cạn khác nhau trong các loại thiền Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới.

Cũng với các thiền chi này, định của các bậc Thánh được gọi là Thánh định (chứ không có một loại Thánh định riêng để tu chứng, ngoại trừ Thánh Quả Định và Diệt Thọ Tưởng Định của các bậc Thánh từ A-na-hàm trở lên đã đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Định).

1. Sát-na định (khaṇika samādhi)

Định vừa đủ để một sát-na tâm trụ lại giữa sự sinh diệt chớp nhoáng gọi là sát-na định (khaṇika samādhi). Định này chỉ cần một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi đủ để trọn vẹn với từng sát-na sinh-trụ-diệt trong diễn biến của tiến trình tâm trên một đối tượng.

Nếu định quá kiên cố và lâu dài (an chỉ định) thì không nắm bắt được loại đối tượng này. Như vậy, tuy sát-na định nhanh hơn chớp nhoáng nhưng vẫn có ưu điểm đặc thù của nó mà các loại định khác không thực hiện được.

2. Cận hành định (upacāra samādhi)

Định với các thiền chi chưa đủ mạnh để an trú vào các bậc thiền sắc giới, nên vẫn còn thuộc về tâm định dục giới, nhưng đủ để nội tâm trầm tĩnh, ổn định, an bình trong lúc hành thiền. Trạng thái tâm này trong thiền định gọi là cận hành định (upacāra samādhi) và trong pháp môn niệm Phật gọi là tịnh hay nhất niệm.

3. Nhất thời định (tadaṅga samādhi)

Định với các thiền chi hợp duyên nhất thời mà đạt được, nếu thiếu duyên thích ứng thì không đạt được, vì vậy có lúc định được, có lúc không định được, gọi là nhất thời định (tadaṅga samādhi), định này chưa thuần thục (vasī), chưa nhập xuất như ý.

4. An chỉ định (appanā samādhi)

Định với các thiền chi vững chắc có thể an trú vào các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới gọi là an chỉ định (appanā samādhi). Tâm định này cắt đứt mọi ảnh hưởng của ngoại giới, nên ra khỏi tâm dục giới và tùy mức độ kiên cố hành giả có thể thực chứng từ sơ thiền cho đến tứ thiền hữu sắc (có đối tượng là “sắc” tưởng) và thiền vô sắc (có đối tượng là “không” tưởng).

5. Ly cảnh duyên định

Cả cận hành định, nhất thời định lẫn an chỉ định đều là định trong điều kiện tĩnh, đòi hỏi phải có một đề mục nhất định, một phương pháp có kỹ thuật, một trú xứ yên tĩnh thích hợp và một sự cố gắng tập trung thuần nhất mới có thể đạt được.

Loại định này cũng có thể gọi là ly cảnh duyên định, vì phải cắt đứt duyên hệ với ngoại cảnh mới định được. Định này rất an lạc và có thể phát triển thần thông, tuy nhiên đó chưa phải là định đặc thù của Phật giáo, các tôn giáo khác vẫn có.

Định này chỉ giới hạn trong phạm vi sắc giới và vô sắc giới, chưa hẳn là điều kiện tất yếu cho trí tuệ phát sinh, như chánh định được nói đến trong giới-định-tuệ. Ngược lại, nó có thể trở thành chướng ngại cho trí tuệ khi động cơ cố gắng rèn luyện là lòng khao khát mong cầu sở đắc an lạc và quyền năng. Chẳng hạn như:

– Bị lôi cuốn bởi mong cầu sở đắc.

– Dính mắc, trì trệ trong an lạc và quyền năng.

– Tưởng phát triển mạnh trong định sẽ trở ngại cho yếu tố tỉnh giác.

– Dễ phát triển bản ngã và ngã mạn vì sở đắc.

– Khi đã có thói quen theo khuôn mẫu trong hành trình của một phương pháp thiền định thì không sẵn sàng ứng biến linh hoạt trước mọi tình huống bất ngờ nên không đủ khả năng bén nhạy để thể hiện thiền tuệ một cách tự nhiên tự tại.

– Phải mất thời gian rèn luyện để đạt được sở đắc, thời gian bảo trì sở đắc ấy, và muốn chuyển qua hành thiền tuệ lại phải quán chiếu để gỡ bỏ những dính mắc (kiết sử) của sắc ái, vô sắc ái này.

6. Định tĩnh lặng (paṭipassaddha samādhi)

Còn có một loại tâm định vi diệu (paṇīta) hơn cả định an chỉ đó là tâm định tĩnh lặng (paṭipassaddha samādhi), một sự định tĩnh mọi lúc mọi nơi, vượt ngoài mọi điều kiện quy ước, nên cũng gọi là an bình (khemā) hay không tịch (vūpasama).

Dīgha Nikāya 3/278 mô tả: “Định này là tịch tịnh, vi diệu, đạt tĩnh lặng, chứng nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Ayaṃ samādhi: santo, paṇīto, paṭipassaddhaladdho, ekodibhāvādhigato, na ca sasaṅkhāra-niggayha-vāritavato’ti).

Ưu việt của định tĩnh lặng này là không cần nhập định xuất định vì có thể định tĩnh trong mọi hoàn cảnh, chứ không cần tập trung vào một đề mục duy nhất nào như định an chỉ phải có nhập có xuất. Loại định tĩnh lặng này thoạt nhìn dường như không kiên cố, nhưng thực ra đó mới chính là định vô ngại, bất chấp điều kiện, vì nó có thể ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh vô thường, khổ, vô ngã.

Ví như người chơi lướt ván có thể giữ thăng bằng trên những đợt sóng dồn dập, nếu bạn có thể chú tâm (tâm bất loạn chứ không phải tập trung) trên thực tại diễn biến vô thường thì bạn có đủ bản lãnh để thể hiện định tĩnh lặng trong mọi hoàn cảnh này.

Vì có khả năng tùy duyên bất biến nên định này mới thật sự là định được nói đến như “định năng sinh tuệ” trong giới-định-tuệ đặc thù của nhà Phật. Và chỉ có định tĩnh lặng này mới được đức Phật gọi là tối thượng lạc (Santī paramaṃ sukhaṃ) và là một trong những yếu tính của Niết-bàn.

Giống như người quen lái xe trên đường giao thông thưa thớt sẽ khó đi qua chỗ xe cộ đông đúc, ngược lại tài xế quen lái xe ở chỗ giao thông đông đúc sẽ dễ dàng đi qua xa lộ vắng người. Cũng vậy, hành giả định an chỉ khó thích nghi với hoàn cảnh động bên ngoài nên khó đạt được định tĩnh lặng.

Ngược lại hành giả định tĩnh lặng sẽ dễ dàng đạt được định an chỉ trong môi trường yên tĩnh. Như vậy, rõ ràng định tĩnh lặng mới có khả năng hỗ trợ cho trí tuệ thấy rõ thực tánh của các pháp.

Đó là lý do tại sao đức Phật chỉ chấp nhận định an chỉ như một phương tiện để chế ngự năm triền cái lúc sơ cơ chứ không xem đó là điều kiện tất yếu để giác ngộ giải thoát. Chỉ cần định sát-na, định cận hành và định tĩnh lặng là đủ cho yếu tố định trong tam vô lậu học giới-định-tuệ.

Trích: Chương 8: Sống Trong Thực Tại – Tác giả: Viên Minh

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button