Nghiên cứu

Hầu đồng là gì? Có phải mê tín dị đoan không?

Hầu đồng – một trong những nghi thức tín ngưỡng của thế giới tâm linh. Đây không phải là nghi lễ của Phật giáo mà xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ… Những năm gần đây đã có rất nhiều “tranh cãi” xoay quanh hoạt động tâm linh này, vậy thực hư những thông tin đó ra sao?

Hầu đồng là gì?

Hầu đồng hay còn được gọi là lên đồng, đồng bóng hay hầu bóng là một hình thức tín ngưỡng dân gian xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu) hay các vị Thánh thời xa xưa của Việt Nam. Về bản chất, đây là hình thức giao tiếp với thần linh mà ở các nước khác gọi là Shaman giáo.

Những người trực tiếp giao tiếp với thần linh được gọi là ông đồng hay bà đồng. Các tín đồ của dòng Shaman tin rằng thần linh có thể nhập vào thân xác của ông đồng, bà đồng và nói chuyện với họ. Trong trạng thái lên đồng (thần nhập), ông đồng bà đồng hoàn toàn không biết mình đang làm gì, mọi cử chỉ, lời nói đều như có một “ma lực” nào đó điều khiển. Đặc biệt những ông đồng, bà đồng đều được trang điểm rất lộng lẫy, váy áo theo kiểu quý tộc cổ xưa.

Bạn đang xem: Hầu đồng là gì? Có phải mê tín dị đoan không?

Trông một số buổi lễ hầu đồng, các ông đồng và bà đồng thực hiện những hành vi vô cùng nguy hiểm như đi trên than hồng, dùng thanh sắt nhọn đâm vào cơ thể… Tất cả đều để chứng minh sức mạnh kỳ diệu khi thần linh nhập vào.

Hầu đồng được xem là một tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời của người Việt. Họ tin rằng, các vị thần nhập vào người lên đồng trong trạng thái thăng hoa cực lạc nhất. Họ về để giúp trấn yểm tà ma, xua đuổi tà khí giúp con người bình an, mang phúc lộc cho các đệ tử, con nhang trong thế giới thực tại. Đây được xem là nghi thức giao tiếp của người trần với thần linh. Vậy hầu đồng liệu có phải là mê tín dị đoan?

Hầu đồng có phải là mê tín dị đoan không?

Một số người cho rằng hầu đồng là một hình thức mê tín dị đoan.

Ngày nay việc “buôn thần bán thánh” diễn ra khá nhiều, vì vậy số người ngờ vực về tín ngưỡng tâm linh trong đó có hầu đồng cũng tăng lên không ít. Thực ra đây không phải là không có cơ sở, ví dụ những tín đồ của Phật giáo không tin vào hầu đồng, họ cho rằng đó là một biến tướng của nền văn hóa hát chầu văn của Việt Nam từ xa xưa. Do đó, hoàn toàn mê tín dị đoan nếu tin vào may mắn và bình an mà hầu đồng mang lại.

Trên thực tế, hầu đồng có từ lâu đời và chưa có bất cứ văn bản nào kết luận về độ tin cậy của các nghi thức giao tiếp này. Con người thường chọn cho mình một niềm tin vào thế giới tâm linh để mong có được sự an yên, may mắn, tài lộc và sự bảo vệ của thần linh.

Theo nhiều nghiên cứu cho rằng, hầu đồng là một nét đẹp văn hóa dân gian của người Việt Nam xưa. Đây được xem như một buổi văn nghệ, nơi ca ngợi thánh mẫu, những vị anh hùng qua các lời ca, điệu múa.

Tuy nhiên chưa có bất cứ tài liệu nào chứng minh những may mắn mà nghi thức này có thể mang tới cho con người và có chăng chỉ là giúp tâm của người thoải mái, vững tin hơn. Việc theo giá hầu để cầu may mắn, tài lộc, con cái, thăng quan tiến chức đều chưa có cơ sở. Vì vậy, việc tin mù quáng vào các giá hầu và rải tiền quá nhiều là điều mà chúng ta cần xem xét lại.

Hầu đồng là một di sản văn hóa của Việt Nam

Hầu đồng là một tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời.

Vào năm 2016, UNESCO đã chính thức công nhận hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Khác với ca trù, hát xẩm hay quan họ, hình thức diễn xướng của hầu đồng đa dạng hơn, mang tính tâm linh với các lời ca ý nghĩa, cùng các nghi lễ nghiêm trang và điệu múa uyển chuyển.

Xét theo góc độ văn hóa, hầu đồng là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam, trong đó có âm nhạc, văn học, vũ đạo, kịch câm, mỹ thuật… Hơn hết, các bài hát văn đều có nội dung ca ngợi đất nước, quê hương, đời sống mới, với những chất liệu âm nhạc đặc sắc, tươi vui, sống động được chắt lọc từ âm nhạc cổ truyền.

Trong một buổi hầu đồng, rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc được sử dụng như đàn nguyệt, trống, phách, sáo, tiêu, đàn thập lục, đàn nhị… Mỗi năm, không biết bao nhiêu các “vấn hầu” được tổ chức ở các cửa đền, cửa phủ to, nhỏ khác nhau theo điều kiện của từng cơ cánh nhà đồng.

Với những tiết mục vô cùng đặc sắc mà hầu đồng mang lại, những người tham dự sẽ được thưởng thức một buổi văn nghệ vô cùng đa dạng màu sắc , thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Chính vì lẽ đó, hầu đồng là loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cần được bảo tồn; nhưng cũng có những ý kiến cho rằng một số hình thức đã bị biến tướng thành mê tín dị đoan, nặng về vật chất. Một số người dân thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu và giá trị đích thực của nghi lễ hầu đồng nên bị lợi dụng.

Thực trạng hầu đồng hiện nay ở nước ta

Hầu đồng cũng như các nghi thức tâm linh khác được người Việt cực kỳ sùng bái. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ thì không ít người đã dựa vào đó để biến tướng sang hình thức kinh doanh tâm linh. Chính vì thế, ngày nay hầu đồng khiến nhiều người ái ngại và nghi ngờ.

Lợi dụng giới kinh doanh làm ăn phát triển rầm rộ, người theo Mẫu chính-tà lẫn lộn lũ lượt ra trình đồng, mở phủ. Cao trào hầu đồng càng rộn ràng hơn khi được UNESCO xướng tên. Viện cớ thế giới công nhận thực hành tín ngưỡng hầu đồng, nhiều ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử, kể cả giới nghiên cứu… tự nâng tầm, quy nạp tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu, thờ Thánh lên thành “quốc đạo” của người Việt.

Có những giá hầu có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng thì liệu tâm linh, tín ngưỡng ở đâu? Có không ít những bài báo, những phản ánh về việc tụ tập hầu đồng với các con nhang, đệ tử tới vài trăm người, tiền mưa, lễ vật mỗi người tính lên hàng chục triệu.

Rồi lại có thông tin các ông đồng, bà đồng lấy “phí” vài triệu đến hàng vài chục triệu cho một giá hầu… Chính những thông tin này đã khiến hình thức hầu đồng bị biến tướng, không còn là nét đẹp dân gian của nền văn hóa tâm linh Việt.

Hiện nay, những giá hầu đồng không chỉ được mở tại các đền, các phủ mà chúng được mở ngay tại các hộ gia đình nơi cá nhân mở phủ thờ riêng. Bên cạnh những người được ăn lộc thánh, có căn hầu thì không ít người đã biến chúng trở thành một nghề làm giàu. Họ luôn tìm cách “moi” tiền từ các con nhang đệ tử để làm giàu cho bản thân.

Hiện nay thực trạng hầu đồng tại Việt Nam rất phức tạp, có nhiều hình thức bị biến tướng với mục địch trục lợi riêng. Chính vì vậy, bạn cần phải tỉnh táo không nên quá mù quáng bởi chỉ khi tâm mình hướng thiện, thái độ tích cực, luôn nỗ lực cố gắng mới thành công chứ không phải chỉ trông chờ vào sự ủng hộ từ thần linh thông qua mỗi giá hầu. Bạn đừng bị tư tưởng giá hầu càng to lộc càng nhiều mà để mất tiền oan.

Nghi thức và trình tự các giá trong một buổi hầu đồng

Một giá hầu đồng bao gồm thanh đồng, phụ đồng, cử tọa và nhóm hát chầu văn.

Nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về hình thức này, chúng tôi đưa ra vài đặc điểm cơ bản của buổi hầu đồng mà bạn nên biết như sau:

Một giá hầu gồm những ai?

Một giá hầu sẽ gồm những đối tượng cơ bản là: Thanh đồng (người lên đồng) – Phụ đồng ( 2 hoặc 4 người phụ đồng cho người lên đồng chính) – con nhang đệ tử – ban nhạc hát văn. Cụ thể:

  • Thanh đồng: Thanh đồng là người đứng giá hầu, có thể là nam hoặc nữ, họ chính là người được thần nhập để thực hiện các điệu múa thăng hoa trong suốt buổi lễ. Họ thường là những người được ăn lộc thánh, có căn duyên, di truyền dòng tộc… Sau khi được thần nhập họ sẽ thực hiện các động tác múa theo nhạc vô cùng uyển chuyển.
  • Phụ đồng hay còn gọi là nhị trụ (2 người) hoặc tứ trụ (4 người): Đây là những người phụ tá cho Thanh đồng trong suốt giá hầu như sửa khăn, áo, dâng trà nước và phát lộc thánh…
  • Cử tọa hay gọi là các con nhang, đệ tử là những người ngồi xem đôi khi sẽ múa theo trong các giá hầu. Họ là những người có niềm tin, tín ngưỡng vào các thánh mẫu. Họ sẽ theo hầu và đôi khi được Thanh đồng ban lộc (tiền, quả, bánh…)
  • Nhóm hát chầu văn: Ngày nay trong các giá hầu còn có thêm nhóm hát chầu văn khoảng 4-6 người. Họ là những người tạo tiếng nhạc, tiếng hát giúp việc rước thánh về dễ dàng và thăng hoa hơn.

Trình tự của một giá hầu

  1. Hát chầu văn: Đây được xem là bước dạo đầu mời thánh mẫu về chứng kiến giá hầu đồng.
  2. Lên khăn áo: Sau khi màn hát chầu văn xong, các thanh đồng bắt đầu lên khăn áo, cờ quạt để chuẩn bị lên đồng. Các trang phục được chuẩn bị theo lối quý tộc xưa kia vô cùng sặc sỡ và chỉnh tề.
  3. Lễ múa: Sau khi khăn áo đã chỉnh tề, thanh đồng sẽ thực hiện múa lễ với nhiều hình thức đa dạng. Ở đây các phụ đồng và cử tọa có thể múa theo cũng như được nhận lộc từ thánh nhập.
  4. Phán truyền và thăng thiên: Đây là lúc thanh đồng ngồi nghe, uống rượu.

Hầu đồng – một nét văn hóa tín ngưỡng dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Chúng như một hình thức giải trí làm tăng thêm niềm tin cho người dân vượt qua khó khăn thời xưa.

Tuy nhiên, ngày nay hầu đồng đã bị biến tướng và trở thành một công cụ kinh doanh của một số người. Với tâm lý cầu mong tài lộc, may mắn và bình yên trong cuộc sống, nhiều người đã không tiếc tiền cho các giá hầu được tổ chức bởi những người xấu với mục đích trục lợi. Hãy suy nghĩ cẩn thận để niềm tin không bị lợi dụng!

PGVN

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button