Nghiên cứu

Luật nhân quả là gì? Góc nhìn khác về luật nhân quả

Luật nhân quả là học thuyết phổ biến nhất trong Phật giáo. Học thuyết này bắt nguồn từ Ấn Độ trước sự ra đời của Đức Phật. Tuy nhiên, chính Đức Phật đã giải thích và xây dựng quy luật này dưới hình thức hoàn chỉnh trong quá trình giảng dạy của Ngài.

Luật nhân quả là gì?

Luật nhân quả (tiếng Anh: Causal Law) hay còn gọi là Luật Nghiệp (Karma) là một từ tiếng Phạn liên quan đến hành động (nguyên nhân) và kết quả. Tất cả hành động, lời nói, ý nghĩ có tác ý đều được gọi là nghiệp. Hầu hết nghiệp được tạo tác trên cơ sở của thân, khẩu và ý. Tất nhiên, cả ba nghiệp trên đều xuất phát từ ý niệm hay còn gọi là tâm.

Bạn phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Đó là luật nhân quả, một quy luật không thể phá hủy của vũ trụ. Bạn xứng đáng với mọi thứ xảy ra với bạn, dù tốt hay xấu. Bạn là người xây dựng số phận cho bạn, hạnh phúc hay đau khổ.

Bạn đang xem: Luật nhân quả là gì? Góc nhìn khác về luật nhân quả

  • Cuộc sống của bạn ngày hôm nay chỉ là sự phản ánh quá khứ của bạn.
  • Bạn không thể thoát khỏi quá khứ, nhưng bạn có thể học tập từ nó để thay đổi tương lai.
  • Hành động của bạn ở hiện tại sẽ ảnh hướng đến cuộc sống của bạn ở tương lai.
  • Những gì bạn đang trải nghiệm ngay bây giờ là những gì nghiệp muốn bạn trải nghiệm.
  • Những suy nghĩ và cảm xúc của bạn tạo thành thế giới bên trong bạn, những lời nói và hành động của bạn tạo nên thế giới xung quanh bạn.
  • Khi bạn cố ý làm hại ai đó, dù chỉ xuất phát từ suy nghĩ nhưng đó là ý niệm tạo nghiệp. Những ý định tốt sẽ luôn luôn tạo ra nghiệp tốt. Bạn có thể giấu ý định của bạn khỏi những người khác nhưng không thể giấu bản thân bạn hoặc vũ trụ.
  • Bạn sẽ không bao giờ được hạnh phúc nếu bạn làm tổn thương người khác.
  • Vũ trụ muốn bạn hiểu được sự đau khổ của người khác. Để làm việc này, bạn phải trải nghiệm cuộc sống từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cần phải hiểu tại sao bạn đã làm những điều đó và hậu quả là gì. Một kinh nghiệm nghiệp báo giúp bạn nhận ra sai lầm, từ đó thay đổi để sống tốt hơn.

Luật nhân quả có tác dụng ngay lập tức phải không?

Để trải nghiệm những gì bạn đã làm có thể phải mất một khoảng thời gian nhất định. Nhiều bài học là ngay lập tức, nhưng một số chỉ có thể được học theo thời gian. Nó cũng giống như khi bạn gieo hạt, theo thời gian nó sẽ phát triển. Đúng thời điểm (khi hội đủ các yếu tố) bạn sẽ nhận được nghiệp mà bạn đã gieo.

Tác động của nghiệp lực đôi khi ngay lập tức, nhưng trong những trường hợp khác, nó có sự chậm trễ. Tuy nhiên, sẽ luôn luôn có hiệu lực, cho dù sự chậm trễ này kéo dài bao lâu. Hậu quả của hành động tốt hay xấu thậm chí có thể theo bạn vào cuộc sống kế tiếp.

Sự bất bình đẳng tồn tại trên thế gian này là gì?

  • Tại sao lại có người sinh ra trong gia đình giàu có còn người khác lại không?
  • Tại sao một người có đầu óc thông minh còn những người khác thì ngu ngốc?
  • Tại sao một người luôn có tính thánh thiện, từ bi còn người khác thì có khuynh hướng xấu xa, độc ác?
  • Tại sao lại có người bị mù, dị tật từ khi họ sinh ra?
  • Tại sao một số người lại được phước lành còn số khác bị nguyền rủa từ ngày họ chào đời?

Theo đạo Phật, sự bất bình đẳng này không chỉ do di truyền, môi trường sống mà còn do luật nhân quả. Chúng ta tự chịu trách nhiệm về hạnh phúc và đau khổ của mình. Chúng ta tạo thiên đường cho riêng mình. Chúng ta tạo ra địa ngục cho chúng ta. Chúng ta là kiến ​​trúc sư của số phận chúng ta.

Luật nhân quả là một “cỗ máy” được tạo ra để điều khiển và kiểm soát?

Luật nhân quả nói rằng đã gieo nhân thì ắt sẽ gặt quả.

Một số ý kiến cho rằng, một người vừa sinh ra đã bị mù, dị tật hoặc chết thì làm sao họ có thể sống bình thường để thay đổi nghiệp của họ? Một người có khuynh hướng độc ác, xấu xa ở quá khứ thì họ sẽ vẫn xấu xa và độc ác ở hiện tại và tương lai, họ sẽ nhận những hậu quả xấu mãi mãi.

Luật nhân quả là một cỗ máy, cuộc sống sẽ thuần tuý cơ học, và ý chí tự do sẽ là một điều vô lý. Ai đó tạo ra, điều khiển số phận và xác định tương lai chúng ta, chúng ta không thể cưỡng lại và kiểm soát cuộc sống của chính chúng ta.

Đây là một câu hỏi hay! Có thể lý giải vấn đề này như sau: Bất kỳ một sự vật, hiện tượng trên trái đất này đều có lý do để nó tồn tại: gió, nước, lửa…côn trùng và động vật. Giống như việc, một đứa bé vừa sinh ra đã chết, hoặc dị tật…là để gửi một thông điệp gì đó cho cha mẹ và những người xung quanh để họ thức tỉnh và sống tốt hơn.

Những người đó tồn tại với hình dạng như thế trong một thời gian dài để làm vơi đi nghiệp chướng trước đây của họ, và thức tỉnh những người xung quanh, sau khi chết họ sẽ tái sinh ở một trạng thái tốt hơn.

Thân cây mục tồn tại mấy chục năm trong rừng để làm nền tảng cho những thứ tốt đẹp khác phát triển, dưới thân cây mục là một “ngôi làng” bên trên nó là những cành hoa. Luật nhân quả là một luật lệ mà tự nó hoạt động trong lĩnh vực riêng của nó, không có sự can thiệp của bất kỳ ai trên vũ trụ này.

Luật nhân quả có nghĩa là những hành động trong quá khứ?

Nhân quả thật sự rất phức tạp với những tương tác chồng chéo từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai.

Luật nhân quả không có nghĩa là hành động trong quá khứ, nó bao hàm cả những hành động trong quá khứ và hiện tại. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã làm, chúng ta sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang làm.

Theo nghĩa khác, chúng ta không hoàn toàn là kết quả của những gì chúng ta đã làm, chúng ta cũng không hoàn toàn là kết quả của những gì chúng ta đang làm. Hiện tại chắc chắn là ‘con cháu’ của quá khứ và là ‘cha mẹ’ của tương lai, nhưng hiện tại không phải lúc nào cũng là một chỉ số thực sự của quá khứ hoặc tương lai. Luật nhân quả thật sự rất phức tạp.

Có nhân ắt sẽ có quả?

Nhân được ví như hạt giống, bạn không thể gieo hạt bắp mà muốn nó lớn lên và cho quả táo được. Gieo Nhân nào sẽ gặt Quả nấy, những gì chúng ta gặt hái hôm nay, hoặc tương lai là kết quả của những gì chúng ta gieo ở hiện tại hoặc quá khứ.

Kinh Samyutta Nikaya có đoạn: “Theo hạt giống đã gieo, cũng là hoa quả bạn gặt trong đó, người lành sẽ thu hoạch, người xấu sẽ gặt ác, hạt giống là hạt giống và ngươi sẽ nếm quả của nó”.

Nhân là hành động, Quả là kết quả, là phản ứng dội lại của hành động đó. Tuy nhiên không phải lúc nào hành động cũng sẽ tạo ra một phản ứng tương tự. Trong thực tế cũng vậy, không phải chúng ta gieo một hạt táo thì chắc chắn ta sẽ có quả ngọt, chúng ta gieo hạt nhưng không chăm sóc, vung đắp thì nó sẽ không thể phát triển để sinh quả cho ta.

Giống như chúng ta bỏ muối (những điều xấu) vào một ly nước, ly nước trở nên mặn, nhưng trước khi uống ta lại bỏ một chút đường vào (những điều tốt), một chút nữa cho đến khi nước trở nên ngọt. Thật thú vị, lúc đầu chúng ta gieo “Nhân” mặn vào nước nhưng lại gặt được “Quả” ngọt!

Luật nhân quả cũng liên quan đến tâm trí, nếu tâm trí lúc nào cũng u buồn thì cơ thể bạn sẽ không thể khoẻ mạnh được. Vô minh và tham ái là hai nguyên nhân chính dẫn tới việc một người nhận hậu quả xấu ở hiện tại hoặc tương lai.

Luật nhân quả còn được dùng rất nhiều trong việc giáo dục đạo đức: “Hãy sống tốt, bạn sẽ được hạnh phúc và chúng tôi sẽ yêu bạn, nhưng nếu bạn xấu, bạn sẽ không hạnh phúc và chúng tôi sẽ không yêu bạn”.

Nên hiểu đúng về luật nhân quả để không gặp quả báo

Nếu không muốn gặp quả báo thì hãy siêng làm việc thiện lành.

Theo luật nhân quả, khi một người được tái sinh sang kiếp sau, các hậu quả của những hành vi xấu trong kiếp trước sẽ quyết định hoàn cảnh sống của người đó trong kiếp hiện tại. Nếu người nào sát sinh quá nhiều trong đời trước thì kiếp này thì chết yểu hoặc thường hay bị tai nạn, đau ốm.

Nhưng thói quen bất thiện trong kiếp trước cũng sẽ theo họ sang kiếp này và khiến họ tiếp tục thực hiện cách hành vi bất thiện. Tương tự, nếu kiếp trước một người hay trộm cắp thì kiếp này họ sẽ bị nghèo khổ hoặc bị trộm cướp.

Nó cũng hướng dẫn kẻ ấy tiếp tục có ý tưởng trộm cắp trong nhiều đời sau. Hành động tà dâm hay ngoại tình dẫn đến hậu quả vợ chồng trong kiếp sau sẽ không tin cậy lẫn nhau và gặp cảnh khổ vì cuộc sống không chung thủy hay bị phản bội. Đây là những quả báo của ba việc làm ác gây ra từ nơi thân của chúng ta.

Trong bốn hành động ác xuất phát từ khẩu nghiệp nơi miệng thì người hay nói dối dẫn đến kết quả là sống ở đời thường hay bị người ta nói xấu. Vọng ngữ cũng khiến kẻ đó có khuynh hướng tiếp tục nói dối ở kiếp sau, cũng như bị người ta lừa gạt hoặc mọi người sẽ không tin dù người đó nói sự thật.

Hậu quả ở kiếp sau của người nói lời gây chia rẽ là cuộc sống cô độc và khuynh hướng tạo mối bất hòa với mọi người. Lời nói cộc cằn thô lỗ dẫn đến sự lăng mạ, ngược đãi người khác và khiến họ sanh tâm giận dữ. Người có tật ngồi lê đôi mách đưa tới hậu quả đời sau khi nói sẽ không có ai nghe và thường hay nói những câu chuyện nhảm nhí.

Cuối cùng, quả báo của ba việc làm ác phát xuất từ ý nghiệp là gì? Sau đây là các tánh xấu bất thiện thông thường nhất của chúng ta. Lòng tham khiến chúng ta không bao giờ biết đủ và luôn luôn bất mãn.

Ác tâm và sân giận mang lại cho chúng ta sự sợ hãi và dẫn chúng ta đến hành động làm hại những kẻ khác. Si mê là đặt niềm tin vào điều trái với sự thật, dẫn đến kết quả là chúng ta không thể hiểu biết, chấp nhận lẽ phải và ngoan cố bảo thủ, chấp chặt tà kiến.

Mặc dù hoàn cảnh hiện tại của chúng ta được quyết định bởi những hành vi trong quá khứ, nhưng chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của chúng ta trong hiện tại. Chúng ta có khả năng và trách nhiệm để chọn lựa phương cách nhằm hướng dẫn mọi việc làm của chúng ta đi theo con đường đạo đức.

Khi chúng ta cân nhắc một hành động nào đó xem xét có hợp với đạo lý hay không, chúng ta nên tìm hiểu động cơ thúc đẩy của hành vi ấy . Một người lấy quyết định không trộm cắp, nếu anh ta chỉ vì sợ bị bắt hay trừng phạt bởi luật pháp, vậy thì hành động không trộm cắp của anh ta không phải là một việc làm đạo đức bởi lẽ những ý tưởng đạo đức không tác động lên quyết định của anh ta.

Một ví dụ khác, một người không dám trộm cắp vì sợ dư luận: “Nếu mình trộm cắp thì bạn bè hay hàng xóm sẽ nghĩ sao về mình? Chắc mọi người sẽ khinh bỉ và mình sẽ bị xã hội ruồng bỏ”. Mặc dù đó được xem như một quyết định tích cực nhưng nó vẫn không phải là một hành vi đạo đức.

Bây giờ, một người cũng có quyết định là sẽ không trộm cắp vì anh ta suy nghĩ rằng: “Nếu ta trộm cắp tức là ta đã hành động chống lại luật của trời đất và trái với đạo làm người:”. Hoặc là: “Trộm cắp là một việc làm ác, nó gây cho nhiều người khác bị tổn thất và đau khổ”.

Với những động cơ suy nghĩ như vậy, quyết định của anh ta được xem như một hành vi đạo đức, hợp luân thường đạo lý. Theo giáo lý đức Phật, khi bạn suy nghĩ cân nhắc tránh không làm các hành động ác thì bạn sẽ khắc phục được những phiền não khổ đau. Sự kiềm chế đó của bạn được xem như một thực hành Phật Pháp.

Nếu bạn hiểu rõ mọi khía cạnh chi tiết của luật nhân quả thì bạn được gọi là người có trí tuệ thông suốt mọi việc. Kiến thức thông thường của chúng ta không thể thấu triệt đầy đủ về luật nhân quả.

Muốn sống đúng theo luật nhân quả mà đức Phật đã dạy, chúng ta cần tin tưởng vào giáo lý cuả Ngài. Khi Ngài dạy sát sinh dẫn đến chịu sự đoản mệnh, trộm cắp phải gặp cảnh nghèo túng, thực sự không có cách nào để chứng minh được những lời Ngài nói là đúng với thực tại.

Tuy nhiên, những điều đó chúng ta cũng không nên tin tưởng một cách mù quáng. Trước tiên chúng ta cần phải có một niềm tin mạnh mẽ nơi đức Phật và giáo lý của Ngài. Chúng ta nên dùng lý trí, tìm hiểu thấu đáo trước khi tin những lời dạy của đức Thế Tôn.

Trích lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma (chuyển ngữ: Hòa thượng Thích Trí Chơn) về nhân quả trong cuốn sách “An Open Heart”.

Những câu nói hay của nhà Phật về nhân quả

Nhân tốt thì quả tốt. Đây là quy luật tự nhiên của vũ trụ.

Nếu bạn đã đọc tới đây rồi thì chắc hẳn đã hiểu khá nhiều về nhân quả báo ứng rồi đúng không? Vâng! “Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả báo ấy” hay “Tránh ác làm lành”… là những lời dạy của nhà Phật với mong muốn con người sống hướng thiện, góp phần tạo nên hòa bình và hành phúc trên thế giới.

Sau đây, PGVN xin gửi đến quý đọc giả 20 câu nói hay về luật nhân quả để mọi người suy ngẫm, từ đó đánh giá lại bản thân mình.

  1. Nếu chưa chấp nhận điều xấu xảy ra với mình thì có nghĩa là bạn chưa hiểu về nhân quả.
  2. Hành động từ thiện xuất phát từ tâm mong muốn mang hạnh phúc đến cho người khác, không phải để chứng tỏ mình tốt hay giỏi giang gì. Đây là hoạt động tự nhiên của nhân quả, ở đâu có lửa cháy thì lấy nước dập, thế thôi.
  3. Tất cả yêu thương, hận thù đề do nhân quyên mình thành.
  4. Muốn biết nhân đời trước – xem sự hưởng đời nay. Muốn biết quả đời sau – xem việc làm kiếp này.
  5. Nếu bạn làm người khác đau khổ, bạn sẽ gặp chuyện đau khổ tương tự trong tương lai. Đó là nguyên tắc của nhân quả.
  6. Phật giáo dạy con người chữa bệnh từ gốc rễ. Đó là gì? Đó là nhân quả, để giải quyết hậu quả gây ra ốm bệnh, đau khổ… chúng ta phải xử lý nguyên nhân gây ra những hậu quả đó.
  7. Những hành động thiện lành sẽ tạo ra bức tường nghiệp tốt, còn những hành động bất thiện sẽ tạo ra các cơn sóng đánh sập bức tường ấy. Vì vậy, hãy tạo ra nhiều hành động thiện lành để đứng vững trước những cơn sóng bất thiện.
  8. Cuộc đời là gì? Cuộc đời là phản ứng dội lại những gì mà chúng ta đã gây ra.
  9. Nhân quả là gì? Nhân quả hay còn gọi là nghiệp, hành động. Có hành động thì sẽ có kết quả tương ứng, tốt hoặc xấu.
  10. Chỉ có từ bi mới diệt được hận thù. Dùng hận thù để diệt hận thù là việc làm của những kẻ ngốc.
  11. Tác ý cũng ảnh hưởng đến nhân quả. Một hành động bất thiện nhưng xuất phát từ động cơ tốt thì sẽ cho kết quả khác.
  12. Kẻ ngốc sẽ tin vào may mắn. Người khôn ngoan sẽ tin vào nhân quả.
  13. Cuộc sống của bạn ở hiện tại là kết quả của những nguyên nhân bạn đã tạo ra trong quá khứ.
  14. Kẻ xấu ngủ trên giường hồng nhưng ngày đêm ăn năn giữa thảm gai.
  15. Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định làm một việc gì đó sai trái. Bởi vì quy luật nhân quả sẽ ghi nhận điều đó.
  16. Chúng ta thường biết điều chúng ta làm và tại sao lại làm điều đó. Nhưng đa số đều không biết điều chúng ta làm sẽ gây ra điều gì.
  17. Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.
  18. Trong sạch và nhơ bẩn cũng đều tùy thuộc nơi mình. Không ai có thể làm cho người khác trong sạch hay nhiễm ô.
  19. Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi chính tâm trí của chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta nghĩ.
  20. Nhân quả báo ứng dù nhanh hay chậm thì nó chắc chắn sẽ xảy ra.

Góc nhìn khác về luật nhân quả

Mọi người đều nói về nhân quả. Nhưng chỉ một số ít người là thật sự hiểu rõ về nó.

Sau đây là ý kiến chủ quan của một người bạn, có thể nó mang tính tiêu cực đối với một số người nhưng cuộc sống là như vậy, hãy dần quen với nó!

Một số người cho rằng, họ đã làm việc thiện và không gây hại đến ai hay con vật nào trong suốt 40 năm, nhưng cuộc đời của họ vẫn gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Tại sao chúng ta lại phải sống tốt, làm việc thiện suốt cuộc đời mình, kìm hãm những ham muốn cá nhân chỉ để giúp một người không quen biết có cuộc sống tốt hơn ở kiếp sau? Đa số chúng ta không ai biết kiếp trước mình là gì, nên hãy sống thoải mái, thoả mãn mọi nhu cầu cần thiết cho bản thân ở hiện tại.

Tôi không nói về nhân quả theo kiểu: Nếu bạn trồng cây bưởi và chăm sóc tốt thì nó sẽ cho quả bưởi hay đại loại như bạn hút thuốc lá thì sau này bạn sẽ bị ung thư phổi…Nếu bạn giết người, ăn cắp, ăn trộm thì bạn sẽ đi tù.

Ở đây, tôi nói luật nhân quả theo khía cạnh truyền từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu bạn cầm trái bóng tenis rồi quăng vô tường, bạn quăng mạnh thì nó sẽ dội lại mạnh và ngược lại.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn quăng trái bóng vào tường thì nó sẽ dội lại trúng bạn. Bằng chứng trong cuộc sống chúng ta, có rất nhiều người làm điều xấu nhưng họ vẫn sống thoải mái, tận hưởng giàu sang đến cuối đời nhưng chả thấy “trái bóng” nào đến tìm họ.

Vậy “trái bóng” đó đi đâu? Nó đi tìm một người chả quen biết ở kiếp sau và chọi vô mặt họ với tất cả sự tàn nhẫn! “Trời ơi, kiếp trước tôi đã làm gì sai mà giờ phải nhận hậu quả này, mới sinh ra đã mù 2 mắt sao mà sống tốt trong một xã hội khắc nghiệt đây!”. “Tôi đâu có biết kiếp trước tôi là ai, làm gì? chắc gì tôi là người quăng trái bóng đó!” Nếu luật nhân quả là có thật và vận hành theo cách này, thì nó quá tàn nhẫn và bất công.

Khi không thể giải thích tại sao một người xấu lại có thể sống giàu sang, hạnh phúc đến cuối đời thì các nhà truyền giáo đẩy nó sang kiếp sau. Nơi mà chưa ai có thể chứng minh được. Mà cho dù có kiếp sau đi nữa thì người xấu kiếp trước cũng chả hề hấn gì, họ có nhớ gì đâu mà!

Theo đạo Phật, nếu một người tạo nghiệp xấu thì sẽ tái sinh vào cõi xấu như ma quỷ, động vật… Vậy một con vật khi chết thì chúng sẽ tái sinh vào cõi nào? Cá voi mỗi lần mở miệng là có hàng triệu sinh vật phải chết, như vậy nếu theo luật nhân quả thì nó là một con cá voi xấu và nghiệp của nó là vô tận?

Một con muỗi muốn tái sinh vào cõi người thì phải làm gì? Có những con chó, con mèo có cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với con người! Hàng triệu năm trước khi có con người thì có 6 cõi luân hồi không? Một con khủng long khi chết thì sẽ tái sinh vào cõi nào? Có những sinh vật có vòng đời rất ngắn nên nó không phải chịu nhiều đau khổ trong cõi Ta-Bà này.

Nhiều người cho rằng, việc ăn mặn và giết chết động vật là tạo nghiệp xấu, phóng sanh là tạo nghiệp lành nhưng theo đức Phật thì có hàng tỷ sinh vật trong một ly nước. Điều đó có nghĩa là, một ly nước chúng ta uống, 1 cọng rau chúng ta ăn nó chứa vô lượng sinh mạng bé nhỏ, một hệ thống vũ trụ thu nhỏ vô tận.

Suốt cuộc đời này chúng ta đã giết bao nhiêu sinh mạng rồi? Vậy tại sao lại bảo những người ăn mặn và giết 1 con gà là tạo nghiệp xấu? Bạn đã bao giờ tỏ lòng bi mẫn đối với những con muỗi mà bạn đã giết? Mọi chuyện diễn ra theo cách mà nó cần phải như thế!

“Đức tin giống như vẽ bức tường phòng của bạn bằng mắm tôm, sau đó cố gắng thuyết phục mình rằng nó đẹp và tỏa hương thơm. Đức tin là một ảo giác, một giấc mơ mà chúng ta coi là thực tế, nhưng thực tế thì nó chỉ làm cho tâm trí của con người trở nên nghèo nàn hơn mà thôi.

Mỗi tôn giáo sẽ chọn cho mình một thứ để vẽ lên tường, và các tín đồ sẽ đặt niềm tin tuyệt đối vào nó. Giống như một đám mây trên bầu trời, người theo Thiên Chúa thì A-men, người theo Phật giáo thì A-Di-Đà!”

Tôi muốn giới thiệu bạn bộ phim rất ý nghĩa có tên là “Người Bất Tử -The Man from Earth 2007”. Bạn đừng hiểu nhầm đây là một nhân vật siêu anh hùng trong vũ trụ Marvel nhé! Nội dung chỉ xoay quanh buổi nói chuyện của những người bạn giáo sư khoa học và tôn giáo trong một căn phòng.

Khi bạn đặt quá nhiều niềm tin vào một điều gì đó, nhất là những thứ mà bạn đã giành cả đời để theo đuổi, nghiên cứu thì khi có ai đó nói sự thật với bạn, bạn sẽ không dễ dàng chấp nhận.

Đức Phật chỉ là một người bình thường đã tìm ra phương pháp để thoát khỏi đau khổ, giống như Faraday, Newton hay Einstein…tìm ra những điều mới mẻ trong lĩnh vực mà họ nghiên cứu.

Luật nhân quả hay địa ngục chỉ là hình thái được người xưa tạo ra để răn đe con cháu tránh hướng tới những hành động xấu. Con người chỉ là một loại động vật (nói theo tôn giáo của bạn là súc sinh) bậc cao tiến hoá theo quá trình chọn lọc tự nhiên.

Từ việc có ý thức, chúng ta áp đặt những sự vật, hiện tượng trên hành tinh này theo cách mà chúng ta cho rằng, nhưng bản chất thật của sự tồn tại là gì? Hãy để thời gian và sự phát triển của khoa học trả lời cho bạn. Khoa học không dựa trên niềm tin ảo tưởng của tâm trí mà là những bằng chứng cụ thể và thuyết phục.

Một chiếc Canon chụp hình một con vật có hình dạng giống con chó thì chưa chắc nó là con chó, họ sẽ cần thêm những thí nghiệm, những bằng chứng cụ thể để khẳng định đó là con chó hay chỉ là con voi có hình dạng tương tự.

Tôi cũng muốn nói thêm với bạn rằng, phương pháp giảng dạy của các tôn giáo hiện nay nó giống như câu cảnh báo trên gói thuốc lá: “Hút thuốc có hại cho sức khỏe…!”. Người ta biết làm như vậy là không tốt nhưng họ vẫn làm, tất nhiên là có số ít trường hợp “thức tỉnh” và từ bỏ thói quen xấu đó mà ta hay gọi là “giác ngộ”.

Tôn giáo xuất hiện và giảng dạy hàng ngàn năm nhưng hiện tại thế giới có tốt đẹp hơn không? Không! Nó ngày càng suy đồi cho đến một lúc nào đó…Nếu như các nhà truyền giáo không thay đổi phương thức giảng dạy của mình.

Đừng giảng theo kiểu câu nói ghi trên bao thuốc lá, và hy vọng sự thức tỉnh của một vài cá nhân hay ai có duyên thì hiểu còn không thì thôi, mà hãy giảng theo kiểu: “Nếu bạn cầm súng bắn vào đầu mình, thì bạn sẽ chết!” thì thế giới sẽ hạnh phúc và thanh bình hơn.

Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi hơi phân vân không biết mình hay người bạn kia là con ếch dưới đáy giếng nữa! Tuy nhiên, một hồi lâu, tôi bừng tỉnh và nghĩ rằng, việc tìm câu trả lời cho những lập luận trên là không cần thiết, nó cũng giống như việc cố giải thích về sóng vô tuyến hay sóng wifi cho những người tiền sử vậy.

Cho nên, là một Phật tử, thì điều quan trọng là phải hiểu rõ Tứ Diệu Đế của đức Phật và thực hành Bát Chánh Đạo để thoát khỏi hoặc giảm bớt khổ đau trên cõi đời này.

À quên! Bộ phim mà người bạn tôi giới thiệu thật sự rất hay. Nhưng ở một góc nhìn khác, tôi nhận ra rằng, nếu ai đó có kiến thức đa dạng đến những chi tiết nhỏ nhất trong lĩnh vực mà bạn nghiên cứu. Bằng cách lồng ghép những “dữ liệu chính xác” mà bạn biết trong sách vỡ, cộng thêm một số “dữ liệu sai lệch” nhưng có tính logic, thì sẽ cho ra một kết quả khác cũng rất thuyết phục, và có thể làm lây động đôi chút quan điểm của bạn.

PGVN

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button