Nghiên cứu

Trải nghiệm cận tử là gì? Hiện tượng bí ẩn xảy ra khi sắp chết

Thuật ngữ trải nghiệm cận tử ngày càng phổ biến đến mức chúng đã đi vào ngôn ngữ hàng ngày ở các nước phương Tây. Những cụm từ như “cả cuộc đời tôi hiện lên trước mắt tôi” hay “đi về phía ánh sáng” đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ qua trong các nghiên cứu về những trải nghiệm kỳ lạ, siêu nhiên khi một người đang ở bên bờ vực của cái chết.

Nhưng chính xác thì trải nghiệm cận tử là gì? Có phải họ bị ảo giác? Một kinh nghiệm tâm linh? Một bằng chứng sống sau khi chết? Hay chúng chỉ đơn thuần là những thay đổi hóa học trong não và các cơ quan cảm giác trong những khoảnh khắc trước khi chết?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về những gì tạo nên trải nghiệm cận tử. Và chúng ta cũng sẽ khám phá các giả thuyết tâm linh, triết học và khoa học về lý do tại sao chúng lại xảy ra.

Bạn đang xem: Trải nghiệm cận tử là gì? Hiện tượng bí ẩn xảy ra khi sắp chết

Trải nghiệm cận tử là gì?

Trải nghiệm cận tử (tiếng Anh: Near-death experiences) là những kinh nghiệm tâm thần kỳ lạ xuất hiện khi một người nào đó sắp chết. Thiên đường, địa ngục, những cảnh giới phi thực tế, ánh sáng cuối đường hầm hay thậm chí là gặp lại những người thân đã qua đời… là những báo cáo phổ biến của những người đã trải qua hiện tượng bí ẩn này.

Thuật ngữ “trải nghiệm cận tử” xuất hiện trong cuốn sách có tựa đề “Life After Life” của Tiến sĩ Raymond Moody được xuất bản vào năm 1975. Đây là lần đầu tiên mà khái niệm trải nghiệm cận tử đến với công chúng, nhưng các báo cáo về những trải nghiệm như vậy đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử loài người.

Cuốn sách “Plato’s Republic” được viết vào năm 360 TCN có một câu chuyện về một người lính tên Er, người có trải nghiệm cận tử (NDE) sau khi bị thương nghiêm trọng trong trận chiến. Er mô tả linh hồn của anh ấy rời khỏi cơ thể, được đánh giá cùng với các linh hồn khác và nhìn thấy Thiên đường…

Đối với mục đích của bài viết này, trải nghiệm cận tử là bất kỳ trải nghiệm nào trong đó một người gần chết hoặc bị một số chấn thương, bệnh tật có thể dẫn đến cái chết nhận thấy các sự kiện dường như là không thể, bất thường hoặc siêu nhiên.

Mặc dù có nhiều câu hỏi về trải nghiệm cận tử, nhưng có một điều chắc chắn là chúng tồn tại. Hàng ngàn người đã cảm nhận được những cảm giác tương tự khi họ sắp chết. Vấn đề ở đây là liệu những gì họ trải nghiệm có thật hay chỉ là ảo tưởng.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một số đặc điểm của trải nghiệm cận tử, để xem họ thấy gì khi gần chết nhé!

Những đặc điểm của trải nghiệm cận tử

những người sắp chết tin rằng họ đã thấy thiên đàng với ánh sáng mạnh mẽ
Những người sắp chết tin rằng họ đã nhìn thấy thiên đàng với ánh sáng mạnh mẽ.

Hầu hết các trải nghiệm hay kinh nghiệm cận tử (NDE) đều có chung một số đặc điểm, nhưng không phải tất cả các trải nghiệm đều có mọi đặc điểm và một số trải nghiệm không tuân theo một khuôn mẫu nào cả. Dưới đây là những đặc điểm phổ biến mà những người đã trải qua trải nghiệm cận tử chia sẻ:

– Ánh sáng mạnh mẽ, thuần khiết: Đôi khi là ánh sáng mạnh mẽ (nhưng không khó chịu) tràn ngập căn phòng. Trong các trường hợp khác, đối tượng nhìn thấy nguồn sáng mà họ cảm thấy đại diện cho Thiên Đàng hoặc Thiên Chúa.

– Trải nghiệm ngoài cơ thể (OBE): Đối tượng cảm thấy rằng mình đã rời khỏi cơ thể. Họ có thể nhìn xuống và thấy nó, thấy cảnh các bác sĩ làm việc trên cơ thể của họ. Trong một số trường hợp, “linh hồn” của chủ thể sau đó bay ra khỏi phòng, lên trời và đôi khi là vào không gian.

– Bước vào một cõi hay chiều không gian khác: Tùy theo niềm tin tôn giáo của đối tượng và bản chất của trải nghiệm, họ có thể cảm nhận cõi này là Thiên đường hoặc trong những trường hợp hiếm hoi là Địa ngục.

– Linh hồn: Trong “trải nghiệm ngoài cơ thể”, đối tượng có thể bắt gặp các “chúng sinh ánh sáng” hoặc các đại diện khác của các thực thể tâm linh. Họ có thể cảm nhận những điều này như những người thân yêu đã chết, Thiên thần, Thánh hoặc Thiên Chúa.

– Đường hầm: Nhiều người có trải nghiệm cận tử thấy mình trong một đường hầm có ánh sáng ở cuối. Họ có thể gặp những sinh linh khi họ đi qua đường hầm.

– Giao tiếp với linh hồn khác: Trước khi NDE kết thúc, nhiều đối tượng báo cáo một số hình thức giao tiếp với một linh hồn khác. Điều này thường được thể hiện qua một “giọng nam mạnh mẽ” nói với họ rằng đây không phải là thời gian của họ và nói họ quay trở lại cơ thể.

Một số đối tượng báo cáo là được yêu cầu lựa chọn giữa việc đi vào ánh sáng hoặc trở về cơ thể trần gian của họ. Những người khác cảm thấy họ bị buộc phải trở về cơ thể bằng một mệnh lệnh vô thanh, có thể là đến từ Thiên Chúa.

– Đánh giá cuộc sống: Đặc điểm này còn được gọi là “đánh giá tổng quan về cuộc sống.” Đối tượng nhìn thấy toàn bộ cuộc sống của mình trong một đoạn hồi tưởng. Trải nghiệm này có thể là chi tiết hoặc ngắn gọn. Chủ thể cũng có thể nhận thức một số hình thức phán xét của các thực thể tâm linh gần đó.

Trải nghiệm cận tử (NDE) và trải nghiệm ngoài cơ thể (OBE) đôi khi được nhóm lại với nhau, nhưng chúng có những khác biệt chính. OBE có thể là một phần của NDE, nhưng một số người gặp phải OBE trong hoàn cảnh không liên quan gì đến chấn thương hoặc cái chết.

Họ vẫn có thể trải nghiệm các yếu tố tâm linh hoặc cảm giác an lạc. OBE có thể xuất hiện tự nhiên bằng cách sử dựng thuốc hoặc thiền định.

Các trải nghiệm cận tử khác

Một số trải nghiệm cận tử có các đặc điểm ít giống với trải nghiệm cận tử “điển hình”. Từ 1% (theo cuộc thăm dò năm 1982 của Gallup) đến 25% (theo một số nhà nghiên cứu) các đối tượng không trải nghiệm cảm giác an lạc, họ cũng không đến thăm Thiên đường hay gặp gỡ những linh hồn thân thiện.

Thay vào đó, họ cảm thấy kinh hoàng và bị quỷ dữ hoặc những kẻ độc ác dồn ép. Họ có thể ghé thăm những nơi phù hợp với các mô tả trong Kinh Thánh về Địa ngục, bao gồm các hồ lửa, những linh hồn đau khổ và cảm giác chung về sức nóng ngột ngạt.

Đã có một vài báo cáo về các kinh nghiệm cận tử được chia sẻ, trong đó một người nào đó kết nối với người sắp chết đồng hành cùng họ trên hành trình thoát xác. Điều này có thể ở dạng một giấc mơ xảy ra cùng lúc với đối tượng gần chết.

Ngoài ra, trẻ em cũng là đối tượng của trải nghiệm cận tử. Trẻ nhỏ có xu hướng báo cáo những trải nghiệm siêu thực có một số đặc điểm NDE phổ biến. Khi trẻ lớn hơn, các giáo lý tôn giáo mà chúng theo thường tô màu cho kinh nghiệm cận tử của chúng với ý nghĩa tâm linh nhiều hơn, chẳng hạn như gặp gỡ Thượng Đế hoặc Chúa Giêsu.

Một tỷ lệ nhỏ những người có trải nghiệm cận tử báo cáo một tầm nhìn tiên tri tiết lộ cho họ số phận của trái đất và nhân loại. Đây thường là một viễn cảnh khải huyền cho thấy thời kỳ kết thúc, hay một số báo cáo về tầm nhìn của loài người tiến hóa thành những sinh vật bậc cao hơn.

Các nghiên cứu về trải nghiệm cận tử

Năm 1982, nhà thăm dò George Gallup, Jr. và tác giả William Proctor đã phát hành “Adventures in Immortality”, một cuốn sách về trải nghiệm cận tử dựa trên 2 cuộc thăm dò của Gallup đề cập đến cái chết và niềm tin vào thế giới bên kia. Cuộc thăm dò này vẫn là nguồn tham khảo được sử dụng rộng rãi nhất để thống kê các trường hợp trải nghiệm cận tử.

Gallup và Proctor nhận thấy rằng, 15% người Mỹ đã ở trong tình huống cận tử đã báo cáo NDE. Trong số đó, 9% bao gồm một “trải nghiệm ngoài cơ thể cổ điển”, trong khi 11% bao gồm việc đi vào một cõi hoặc chiều không gian khác và 8% có sự hiện diện của các linh hồn khác.

Chỉ 1% báo cáo kinh nghiệm cận tử tiêu cực. Nhưng những con số này đã hơn 20 năm và các nhà nghiên cứu khác, những người nghiên cứu ở quy mô nhỏ hơn, báo cáo số liệu thống kê về NDE có thể thay đổi nhiều so với cuộc thăm dò năm 1982.

Một phân tích thống kê của hơn 100 đối tượng NDE cho thấy niềm tin tôn giáo và kiến ​​thức trước đây về NDE không có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng xuất hiện trải nghiệm cận tử.

Gần đây nhất, một nghiên cứu mới được công bố trên Mindfulness cho thấy một cách tiếp cận khác: Nghiên cứu về trải nghiệm cận tử thông qua thiền định (MI-NDE), một hiện tượng được đề cập trong các văn bản Phật giáo cổ đại, có thể giúp các nhà nghiên cứu dễ tiếp cận NDE hơn về mặt thực nghiệm.

Nghiên cứu có tựa đề “Meditation-Induced Near-Death Experiences: a 3-Year Longitudinal Study” với sự tham gia của 12 nhà sư và cư sĩ Phật giáo trong thời gian 3 năm. Tất cả đều là những người hành giả lâu năm trong lĩnh vực thiền.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác đã tập trung vào ảnh hưởng của NDE đối với cuộc sống của đối tượng. Kenneth Ring, một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất về trải nghiệm cận tử, báo cáo một số lượng lớn đối tượng có được sự tự tin và trở nên hướng ngoại hơn sau khi trải nghiệm.

Chúng thường bao gồm ý thức về mục đích trong cuộc sống, đánh giá cao cuộc sống và gia tăng lòng trắc ẩn, kiên nhẫn, hiểu biết và cảm nhận chung về sức mạnh cá nhân. Một tỷ lệ nhỏ đối tượng báo cáo cảm giác sợ hãi, trầm cảm và tập trung vào cái chết.

Ring cũng nhận thấy rằng, những người trải qua trải nghiệm cận tử có xu hướng cảm nhận một cảm giác tôn giáo cao hơn và niềm tin vào một thế giới tâm linh. Cuối cùng, những người trải qua NDE cảm thấy rằng họ không sợ chết, và tin rằng một trải nghiệm tích cực sẽ chờ đợi họ khi họ thực sự chết.

Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét các giả thuyết tâm linh và siêu nhiên tìm cách giải thích về những trải nghiệm cận tử.

Giải thích tâm linh về trải nghiệm cận tử

hồn lìa khỏi xác là một hiện tượng thường thấy trong trải nghiệm cận tử
Hồn lìa khỏi xác là một hiện tượng thường thấy trong trải nghiệm cận tử.

Các giả thuyết lý giải kinh nghiệm cận tử rơi vào hai loại cơ bản: Giải thích khoa học (bao gồm giải thích y học, sinh lý và tâm lý) và giải thích siêu nhiên (bao gồm cả tâm linh và tôn giáo).

Tất nhiên, những lời giải thích này thường không có bằng chứng rõ ràng. Việc chấp nhận các giải thích siêu nhiên dựa trên đức tin, nền tảng tinh thần và văn hóa bản địa.

Giải thích siêu nhiên cơ bản nhất là một người nào đó trải qua NDE đang thực sự trải nghiệm và ghi nhớ những điều xảy ra khi “hồn lìa khỏi xác”. Khi gần chết, linh hồn của họ rời khỏi cơ thể và họ bắt đầu nhận thức những thứ mà bình thường họ không thể với các giác quan vật lý.

Linh hồn đi qua biên giới giữa thế giới của chúng ta và thế giới bên kia, thường được đại diện bởi một đường hầm với ánh sáng ở cuối. Trên hành trình này, linh hồn gặp phải các thực thể tâm linh khác, và thậm chí có thể gặp một thực thể thiêng liêng, mà nhiều đối tượng nhận thức là Thần Linh hay Thiên Chúa.

Họ được cung cấp một cái nhìn thoáng qua một cõi khác, thường được cho là Thiên đường, nhưng sau đó họ bị kéo lại, hoặc chọn quay trở lại vào cơ thể trần gian của họ.

“Ảo thân hay Du thần” là khả năng của một “bản ngã” đi ra ngoài cơ thể. Trong một trải nghiệm cận tử, bản thân hay linh hồn này tự nhiên rời khỏi cơ thể và tự do đi đến những nơi khác.

Những người đã bất tỉnh, không phản ứng, nhắm mắt hoặc bị tuyên bố chết lâm sàng đã báo cáo chi tiết về các hoạt động xảy ra và những người có mặt trong phòng vào lúc đó. Một số người bị mù vĩnh viễn được báo cáo là có thể xác định màu áo của bác sĩ!

Đối với những người có niềm tin mãnh liệt vào thần học Judeo-Christian (Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo), trải nghiệm cận tử được coi là bằng chứng chúng ta có linh hồn, rằng chúng ta tiếp tục sống sau khi chúng ta chết và Thiên đường và Địa ngục là nơi thực sự tồn tại.

Một số người tin rằng NDE là công việc của Satan, người tìm cách khai thác lỗ hổng của mọi người vào thời điểm gần chết bằng cách xuất hiện như một “thiên thần ánh sáng”. Nhưng lý do cuối cùng của Satan cho sự lừa dối này là không rõ ràng.

Các giải thích khác về trải nghiệm cận tử có một chút huyền bí hơn. Một số người tin rằng một kinh nghiệm cận tử đại diện cho một kết nối tâm linh với những sinh vật thông minh cấp cao hơn từ cảnh giới khác. Những sinh vật này có thể là con người đã tiến hóa, linh hồn của họ vượt ra khỏi vòng luân hồi sinh tử…Do đó đưa ra một cái nhìn thoáng qua về tương lai của loài người như những sinh vật bậc cao.

Đôi khi, một trải nghiệm cận tử thậm chí có thể đưa ra một cái nhìn theo nghĩa đen về tương lai, như những lời tiên tri về ngày tận thế mà nhiều người đã báo cáo.

Thật thú vị khi các tôn giáo ngoài Judeo-Christian cũng có những câu chuyện và mô tả về cái chết mang nhiều điểm tương đồng với trải nghiệm cận tử.

Cận tử nghiệp là một thuật ngữ mà Phật giáo mô tả về hiện tượng bí ẩn này. Những hoạt động xảy ra mà một người chuẩn bị qua đời trải nghiệm. Theo các bản văn Phật giáo cổ đại, các hoạt động này phụ thuộc vào nghiệp mà một người đã tạo ra trong quá khứ.

  • Tham khảo thêm: Nghiệp là gì?

Mục tiêu của một số trường phái Phật giáo là nhận ra “ánh sáng Phật” khi “tâm thức” bước vào trạng thái trung gian được gọi là “Thân trung ấm“. Nếu điều đó xảy ra, “linh hồn” có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử và đạt Niết bàn.

Nhiều văn bản Phật giáo nói về các cảnh giới khác, nơi “linh hồn” được tái sinh chẳng hạn như: Địa ngục, cõi trời hay ngạ quỷ (ma đói)…Và nhiều trải nghiệm bí ẩn khác như gặp các vị Bồ tát, các vị thần, ma vương hay “ánh sáng lấp lánh” khi một hành giả bước vào trạng thái định sâu.

Ngoài ra, giai đoạn cận tử nghiệp rất quan trọng vì theo Phật giáo, nó quyết định điều kiện, môi trường sống trong cuộc đời kế tiếp của một người. Trường phái Mật Tông Tây Tạng có nhiều phương pháp để chuyển hoá cận tử nghiệp thành “phương tiện” để đạt giác ngộ. Người ta cho rằng, ý nghĩ (niệm) cuối cùng trước khi chết là nguyên nhân chính quyết định trạng thái “tốt – xấu” ở đời sau.

Giải thích khoa học về trải nghiệm cận tử

rối loạn chức năng não là cách khoa học giải thích về trải nghiệm cận tử
Rối loạn chức năng não là cách khoa học giải thích về trải nghiệm cận tử.

Cho đến thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa thể giải thích tại sao một số người lại có trải nghiệm cận tử. Nhưng điều đó không có nghĩa là các giải thích khoa học hiện tại là không chính xác, và cũng bởi vì NDE rất phức tạp, chủ quan và mang tính cảm xúc.

Hơn nữa, nhiều khía cạnh của NDE không thể được kiểm tra. Chúng ta không thể thực hiện một bài kiểm tra để xác định xem ai đó thực sự đã đến thăm Thiên Đàng và gặp gỡ Thiên Chúa hay cố tình đưa ai đó đến bờ vực của cái chết và sau đó hồi sức cho họ trong phòng thí nghiệm để kiểm tra nhận thức ngoài cơ thể của họ.

Tuy nhiên, khoa học hiện đại đưa ra các bằng chứng thuyết phục rằng nhiều khía cạnh của trải nghiệm cận tử chỉ đơn thuần là sinh lý và tâm lý.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, thuốc Ketamine và Phencyclidine (PCP) hay DMT (Thức thần) có thể tạo cảm giác ở người dùng gần giống với nhiều đặc điểm của trải nghiệm cận tử. Trên thực tế, một số người dùng nghĩ rằng họ thực sự đang chết khi dùng thuốc.

Cơ chế đằng sau một số trải nghiệm kỳ lạ này nằm ở cách bộ não của chúng ta xử lý thông tin cảm giác. Những gì chúng ta thấy xung quanh chúng ta chỉ là tổng hợp của tất cả các thông tin cảm giác mà bộ não của chúng ta đang nhận được tại bất kỳ thời điểm nào. Nó cũng giống như cơ chế gây ra hiện tượng ma đè hoặc nằm mơ khi đang mắc đái mà nhiều người đã báo cáo trong hàng thế kỷ qua.

Khi bạn nhìn vào màn hình máy tính, ánh sáng từ màn hình chiếu vào võng mạc của bạn và thông tin được gửi đến các khu vực thích hợp của não để diễn giải các mẫu ánh sáng thành một thứ gì đó có ý nghĩa – trong trường hợp này là những từ bạn đang đọc.

Một hệ thống dây thần kinh và sợi cơ phức tạp hơn cho phép não của bạn biết cơ thể bạn đang ở đâu trong không gian xung quanh nó. Nhắm mắt và giơ tay phải của bạn cho đến khi nó ngang với đỉnh đầu của bạn. Làm thế nào để bạn biết bàn tay của bạn đang ở đâu mà không nhìn vào nó? Hệ thống cảm giác này cho phép bạn biết tay bạn đang ở đâu ngay cả khi nhắm mắt.

Chấn thương ảnh hưởng đến các khu vực chức năng của não, chẳng hạn như vỏ não và thị giác có thể gây ra ảo giác mà nhiều người ngộ nhận là trải nghiệm cận tử.

Bây giờ hãy tưởng tượng rằng tất cả các giác quan của bạn đang gặp trục trặc. Thay vì đầu vào cảm giác thực sự từ thế giới xung quanh bạn, não của bạn đang nhận được thông tin bị lỗi, có thể là do thuốc hoặc một dạng chấn thương nào đó khiến một số chức năng não ngừng hoạt động.

Những gì bạn cảm nhận như một trải nghiệm thực sự là bộ não của bạn đang cố gắng diễn giải thông tin này. Một số người đã đưa ra giả thuyết rằng, “nhiễu thần kinh” hoặc quá tải thông tin được gửi đến vỏ thị giác của não sẽ tạo ra hình ảnh của một ánh sáng rực rỡ dần dần lớn hơn. Bộ não có thể diễn giải điều này như di chuyển xuống một đường hầm tối có ánh sáng ở cuối.

Cảm giác không gian của cơ thể cũng dễ bị trục trặc trong trải nghiệm cận tử. Một lần nữa, não của bạn diễn giải thông tin sai lệch về nơi cơ thể có liên quan đến không gian xung quanh nó. Kết quả là cảm giác rời khỏi cơ thể và bay quanh phòng.

Kết hợp với các tác động khác của chấn thương và thiếu oxy trong não (một triệu chứng trong nhiều tình huống cận tử), có thể dẫn đến trải nghiệm tổng thể trôi nổi vào không gian trong khi nhìn xuống cơ thể của chính bạn, và sau đó rời khỏi căn phòng…

Cảm giác yên bình, thanh thản được cảm nhận trong trải nghiệm cận tử có thể là một cơ chế đối phó được kích hoạt bởi lượng endorphin được sản xuất trong não nhằm tạo cảm xúc tích cực, giảm đau khi gặp chấn thương.

Các NDE bao gồm các chuyến viếng thăm Thiên Đàng hoặc các cuộc gặp với Thiên Chúa có thể liên quan đến sự kết hợp của một số yếu tố. Đầu vào cảm giác bị lỗi, thiếu oxy và hưng phấn do endorphin tạo ra một trải nghiệm siêu thực.

Khi đối tượng nhớ lại cuộc gặp gỡ sau đó, nó đã đi qua bộ lọc của tâm trí có ý thức của họ. Và đó cũng là lý do tại sao một người theo Thiên Chúa giáo sẽ gặp Chúa Giêsu và người theo Phật giáo sẽ gặp các vị Phật hay Bồ tát…

Kinh nghiệm của những người có những cuộc phiêu lưu ngoài cơ thể cho phép họ nhìn và nghe những sự kiện mà cơ thể vô thức của họ không thể nhận thức được sẽ khó giải thích hơn.

Tuy nhiên, một giả thuyết khoa học là những người vô thức vẫn có thể truy cập vào các tín hiệu giác quan hoặc dữ liệu trước đó và kết hợp chúng vào trải nghiệm cận tử của họ. Cách giải thích này có hợp lý hơn linh hồn của chủ thể trôi nổi khỏi cơ thể họ hay không là vấn đề quan điểm cá nhân.

Tóm lại, một số yếu tố quyết định những gì xảy ra trong trải nghiệm cận tử có thể bao gồm:

  • Não thiếu oxy
  • Một số chức năng não bị lỗi hoặc ngừng hoạt động
  • Niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng và lượng thông tin, kiến thức thu thập được trong suốt quá trình sống
  • Cảm xúc chủ quan
  • Môi trường xung quanh người đang hấp hối

Tất nhiên, điều này chỉ làm trầy xước bề mặt của niềm tin về một kinh nghiệm cận tử. Trải nghiệm cận tử dường như cung cấp một số hy vọng rằng cái chết không phải là điều đáng sợ, cũng không phải là sự kết thúc.

Và ngay cả khoa học cũng có một thời gian khó khăn để hiểu cái chết. Cộng đồng y tế đã phải vật lộn với các định nghĩa cụ thể cho cái chết lâm sàng, chết nội tạng và chết não trong nhiều thập kỷ. Đối với mọi khía cạnh của trải nghiệm cận tử, có ít nhất một lời giải thích khoa học dành cho nó. Và đối với mọi giải thích khoa học, dường như có đến năm trường hợp trải nghiệm cận tử thách đố nó.

PGVN

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button