Nghiên cứu

Những điều cần lưu ý khi lập bàn thờ Phật tại gia

Là một người Phật tử nhiệt thành, bạn phải lập một bàn thờ Phật tại gia để bày tỏ lòng tôn kính đến đạo pháp, đến các vị Phật và Bồ tát đã chỉ dẫn hướng đi đúng đắn trên hành trình cuộc sống. Khi có bàn thờ Phật trong nhà rồi thì Phật tử sẽ gần gũi hơn với chánh pháp, thuận tiện hơn trong việc thực hành các giáo pháp vi diệu mà Đức Phật đã truyền lại.

Đối với người cư sĩ thì ngoài việc đến chùa để nghe thuyết giảng, đảnh lễ Phật, tụng kinh hay sám hối thì bàn thờ Phật trong chính ngôi nhà của mình là điều không thể thiếu. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự tu hành tinh tấn của người Phật tử.

Có nhiều câu hỏi được gửi đến PGVN về vấn đề này chẳng hạn như: Bàn thờ Phật tại gia nên đặt hướng nào thì tốt? Làm thế nào để bài trí bàn thờ đẹp và trang nghiêm? Bàn thờ ông bà cha mẹ nên đặt như thế nào? Cách thờ Tam Thế Phật và các vị Bồ tát?…

Bạn đang xem: Những điều cần lưu ý khi lập bàn thờ Phật tại gia

Trong bài viết này, PGVN sẽ cố gắng chia sẻ những thông tin hữu ích về cách lập bàn thờ Phật tại gia để quý vị tham khảo.

Mục đích khi lập bàn thờ Phật tại gia

Mục đích lập bàn thờ Phật tại nhà là để tu tập chứ không phải để cầu nguyện, đạo Phật không phải đạo cầu nguyện. Là người con của Đức Phật, noi gương và thực hành theo lời dạy của Phật.

Đi chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp nhiều lắm rồi, hiểu cũng nhiều, biết cái gì nên và không nên làm. Do đó, khi thờ Phật tại gia thì các bạn phải mang suy nghĩ, lời nói, hành động và năng lượng bình an khi ở chùa về gia đình của mình.

Đó là cố gắng giữ gìn ngũ giới, hạn chế sát sinh trong nhà. Nếu bạn đang ăn chay trường và khỏe mạnh thì quá tốt. Còn không thì ăn chay vào ngày mùng 1, ngày rằm, các ngày lễ, ngày vía của chư Phật và Bồ tát để mọi người trong gia đình ghi nhớ các ngày quan trọng của Phật giáo, tâm hướng thiện theo chánh pháp.

Không phải khi lập bàn thờ Phật tại gia rồi ở nhà chuyên tu, xa lánh người thân, bạn bè và hàng xóm. Mà bạn phải thường xuyên đến chùa nghe pháp thoại, làm Phật sự và giao lưu vui vẻ với các bạn đồng tu.

Về nhà cũng vậy, tạo không khí vui vẻ, chan hòa và lan tỏa năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh. Hàng xóm, bạn bè và bà con cô bác gần xa yêu quý thì đó được ghi nhận là tiến bộ trong tu tập.

Cố gắng gìn giữ thân-khẩu-ý trong các hoạt động thường ngày. Chứ không phải “xả rác” tùm lum rồi tối về ngồi lạy trước bàn thờ Phật, cầu nguyện, niệm Phật hay sám hối rồi mai làm y chang như vậy nữa thì Phật khó độ lắm!

Cách lập bàn thờ Phật tại gia

Những điều nên làm khi lập bàn thờ Phật tại gia

Lập bàn thờ Phật tại gia ở vị trí nào thuận tiện cho bạn, phù hợp với không gian nhà mà vẫn giữ được vẻ trang nghiêm là tốt nhất.

Nếu nhà bạn nhiều tầng và cần không gian yên tĩnh để tụng kinh, hành thiền thì nên đặt bàn thờ Phật ở tầng 1 (nếu bạn lớn tuổi), tầng trên cùng (nếu bạn còn khỏe) và nhìn ra hướng cửa chính.

Còn không thì đặt bàn thờ Phật ngay phòng khách tầng trệt để mọi người ra vào đều nhìn thấy Phật mà noi gương hướng thiện, biết đây là một gia đình Phật tử thuần thành.

Bàn thờ Phật nên đặt ở giữa nhà với lưng áp vào tường, chiều cao ngang vai thôi để thuận tiện trong việc bài trí cũng như vệ sinh. Nếu đặt bàn thờ Phật cao quá thì mỗi lần trang trí hay vệ sinh phải dùng tới ghế cao, rất bất tiện và nguy hiểm.

Còn về hướng tốt để đặt bàn thờ Phật thì các bạn có thể tham khảo trên các trang web chuyên về phong thủy. Họ hướng dẫn chi tiết về vị trí lập bàn thờ Phật theo cung và mệnh tuổi của gia chủ. Nếu bạn thờ Phật A Di Đà cùng với Bồ tát Quan Âm và Đại Thế Chí thì bàn thờ nên đặt hướng Tây Bắc của ngôi nhà là tốt nhất.

Những điều cần tránh khi lập bàn thờ Phật tại gia

Lập bàn thờ Phật để bày tỏ lòng tôn kính, vì vậy các bạn không nên đặt bàn thờ ở nhà bếp, phòng ngủ, hay gần nhà vệ sinh… Theo thuật phong thủy, bàn thờ Phật mà đặt cạnh nhà vệ sinh, cầu thang hay những nơi ô uế thì gia chủ sẽ không được bình an, không gặp thuận lợi trong kinh doanh, con cái bất hiếu và gặp nhiều điều xui xẻo.

Điều quan trọng cần lưu ý là đã lập bàn thờ Phật rồi thì không thờ thêm các vị Thần, Thánh (Bà chúa xứ, Mẹ sanh Mẹ độ hay Quan Công, Quan Thánh). Bởi vì bạn đã quy y Tam Bảo, đó là nương tựa và tin tưởng vào Phật-Pháp-Tăng, không cần nương tựa thêm các vị chư Thiên nữa.

Ngoài ra, bạn cũng không nên cúng đồ ăn mặn, giấy tiền vàng bạc, vàng mã, cục vàng hay cóc tài lộc trên bàn thờ Phật. Thứ nhất là Phật và Bồ tát không cần đến những thứ này, thứ hai là mất tính thẩm mỹ cũng như vẻ trang nghiêm của bàn thờ Phật.

Cách trang trí bàn thờ Phật tại gia

Các vật dụng cần thiết cho một bàn thờ Phật tại nhà là: Bát hương, ly nước, bình hoa, nến, chuông, dĩa đựng trái cây và tượng Phật, Bồ tát.

Bát hương: Đặt ở giữa bàn thờ, không nên quá to hoặc quá nhỏ tùy nghi theo không gian thờ. Đặc biệt là không nên thắp nhang thường xuyên vì sẽ gây hại cho người thân trong gia đình.

Mỗi ngày chỉ thắp 1 nén nhang là đủ rồi. Nếu gia đình có người thân có vấn đề về phổi, hô hấp hoặc dị ứng thì dùng nhang điện cũng được, Phật không có chấp mấy cái nhỏ nhặt này đâu! Nên dùng các loại nhang có mùi nhẹ, dễ chịu như đàn hương hoặc trầm hương là tốt nhất.

Ly nước: Đặt các ly nước cúng dường chư Phật ở giữa phía trước bát hương để thuận tiện cho việc thay nước và vệ sinh. Hiện nay trên thị trường có bán ly nước có nắp đậy, bạn đặt 2 ly 2 bên bàn thờ trông rất đẹp và cân đối. Nên nhớ là không dùng ly nước trên bàn thờ Phật cho các việc khác.

Bình hoa: Đặt bình hoa bên phải hay bên trái đều được, đặt 2 bình 2 bên thì càng tốt miễn sao không phá vỡ thiết kế của bàn thờ là được. Nếu lối đi từ cửa chính xuống nhà bếp nằm bên phải ngôi nhà thì đặt bình hoa bên trái bàn thờ theo hướng nhìn từ ngoài vào là hợp lý.

Chuông: Đặt ở nơi thuận tay để khi tụng kinh, niệm Phật thì gõ 3 tiếng.

Dĩa đựng trái cây: Trái cây cúng dường chư Phật nên chọn trái cây tươi, số lượng phù hợp với kích thước đĩa và không gian thờ. Nếu không có điều kiện thì dùng hoa giả, trái cây giả cũng không vấn đề gì. Một lần nữa, Phật và Bồ tát giác ngộ rồi không còn chấp mấy cái nhỏ nhặt này đâu!

Vị trí đặt dĩa trái cây thường ở phía đối diện với bình hoa. Nếu nhà rộng rãi, bàn thờ Phật thoải mái bài trí thì đặt 2 bình hoa 2 bên và 2 dĩa đựng trái cây 2 bên cho đẹp.

Tượng Phật và Bồ tát: Nhiều Phật tử đắn đo không biết nên thờ tượng Phật nào trong nhà nhưng quý Phật tử thân mến có biết không, dù bạn theo tông phái nào thì trên bàn thờ Phật phải có ít nhất một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là vị Phật lịch sử, người sáng lập đạo Phật để bây giờ chúng ta mới biết đến mà tu tập theo.

Các gia đình Phật tử theo Tịnh độ chắc chắn phải thờ Tây Phương Tam Thánh đó là: Phật A Di Đà ở giữa, Bồ tát Quan Âm bên tay trái và Bồ tát Đại Thế Chí bên tay phải của Ngài.

  • Mẹ Quan Âm là biểu tượng của lòng từ bi. Vì vậy khi đã thờ Phật Quan Âm tại nhà thì quý Phật tử nên noi gương Ngài mà mở tấm lòng của mình hơn, yêu thương và bi mẫn đến các mảnh đời yếu kém hơn mình. Thờ Mẹ Quan Âm mà keo kiệt, bủn xỉn thì Mẹ không thể độ được.
  • Ngài Đại Thế Chí là biểu tượng của trí tuệ. Vì vậy quý vị cư sĩ tại gia phải cố gắng tu hành tinh tấn, đọc kinh, nghe pháp để mở mang trí tuệ. Biết cái nào nên và không nên làm. Hành thiền để rèn luyện và phát triển tâm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thỉnh Tam Thế Phật về thờ đó là: Phật A Di Đà tượng trưng cho quá khứ, Phật Thích Ca tượng trưng cho hiện tại và Phật Di Lặc tượng trưng cho tương lai.

Cư sĩ tại gia cũng nên nhớ vệ sinh bàn thờ Phật thường xuyên để bàn thờ lúc nào cũng sạch sẽ và trang nghiêm. Nhang và tro lư hương nên dọn dẹp mỗi ngày để tránh tình trạng cháy nhà, hoặc bụi tro bay khắp nhà có thể dẫn đến bệnh.

Cách thỉnh Phật về thờ tại gia

Quý Phật tử tại gia nên thỉnh Phật và chư vị Bồ tát về thờ vào các ngày vía, ngày rằm hoặc mùng 1 âm lịch. Hình tượng Phật, Bồ tát nên chọn kích thước phù hợp với bàn thờ, đừng to quá cũng đừng nhỏ quá. Khuôn mặt hiền hòa, trang nghiêm hoặc vui vẻ toát lên sự tinh khiết và từ bi.

Một điều cần lưu ý là nhớ thỉnh tượng Phật về sau cùng khi các vật dụng bài trí đã được xếp sắp cân đối, thẩm mỹ và hài hòa. Điều này sẽ giúp quý Phật tử dễ dàng hơn trong việc chọn tượng Phật và Bồ tát phù hợp với không gian thờ, đảm bảo tính tôn nghiêm khi thỉnh các vị Phật về an vị.

Nhiều người nói rằng khi thỉnh tượng Phật, Bồ tát về nhà thì phải làm lễ “khai quang”. Tuy nhiên theo nhiều vị Thầy cho biết thì nghi thức này là không cần thiết.

Bởi vì tượng Phật hay Bồ tát chỉ là phương tiện để tu hành. Điều quan trọng là tâm – suy nghĩ, lời nói và hành động có đúng với lời Phật dạy hay không. Nếu đúng thì gia chủ và người thân trong gia đình sẽ được Phật và Bồ tát gia hộ, gặp nhiều may mắn, bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

Còn thờ Phật, tu Phật mà không làm theo lời Phật, tham-sân-si một đống, đụng vào quyền lợi thì “dựng lông lên” thì đừng hỏi tại sao Phật độ người khác mà không độ mình!

Sau khi thỉnh Phật và trang trí bàn thờ đâu đó thật đẹp rồi thì đốt 3 cây nhang và nguyện một lòng noi gương Phật và Bồ tát. Làm lành lánh dữ, giữ gìn thân-khẩu-ý, sống chan hòa với người thân và hàng xóm xung quanh. Lan tỏa năng lượng bình an, vui vẻ và yêu thương đến toàn bộ không gian nhà. Thờ Phật mà mặt lúc não cũng nhăn nhó, bực bội, tham-sân-si nhiều quá thì Phật rất khó độ.

Nên nhớ hạn chế mưu cầu danh lợi, tiền bạc hoặc thậm chí là bệnh tật tai qua nạn khỏi. Phật đã nói là Ngài không thể can thiệp nhân quả. Ngài chỉ hướng dẫn phương pháp giúp Phật tử hạn chế tạo nhân xấu, khuyến khích tạo nhân tốt và nhận ra bản chất vô thường, vô ngã của các sự vật hiện tượng để mà từ đó thoát khỏi chấp trước và đau khổ.

Khi có bàn thờ Phật trong nhà rồi thì tinh tấn tu hành, hành thiền, niệm Phật, trì chú để rèn luyện tâm và tham gia các hoạt động tích cực thì cuộc sống sẽ vui vẻ, sống động và hạnh phúc hơn.

Khoảng thời gian tu hành phù hợp nhất là lúc sáng sớm và buổi tối. Trước khi vào thời tu thì người phải sạch sẽ, thoải mái và tâm thanh tịnh sẽ dễ dàng hành trì hơn. Nên nhớ là lúc hành trì niệm Phật, tụng kinh hay trì chú thì giữ cho âm lượng nhỏ để tránh làm phiền đến mọi người xung quanh nhé!

Cách bài trí bàn thờ gia tiên khi đã có bàn thờ Phật

Theo truyền thống dân gian từ xa xưa, thờ phụng ông bà tổ tiên là việc nên làm để kết nối các thế hệ, giữ gìn truyền thống cũng như giáo dục con cháu biết lễ nghi, tôn kính với các bậc tiền bối và ông bà cha mẹ. Đạo lý uống nước nhớ nguồn này đã đi sâu vào truyền thống gia đình của người Việt Nam ta.

Bàn thờ gia tiên, cửu huyền thất tổ nên đặt chung trong phòng thờ Phật để thuận tiện cho việc trang trí cũng như cúng bái các ngày giỗ. Quý Phật tử có thể đặt bàn thờ gia tiên ngay chính giữa nhà hướng ra cửa chính. Nhưng phải đặt thấp hơn bàn thờ Phật hoặc đặt phía sau nếu bàn thờ Phật đã bài trí trên tủ gỗ.

Ngoài ra, nếu điều kiện không cho phép thì các bạn có thể đặt bàn thờ gia tiên nằm bên trái hoặc bên phải đối diện hướng đi chính của ngôi nhà. Ngoài ra, nếu bạn tin sâu phong thủy thì có thể lên mạng tìm hiểu thêm để chọn ra hướng đặt bàn thờ gia tiên tốt nhất.

PGVN – Ảnh: louisianafolklife.org

Đăng bởi: Phật Giáo Việt Nam

Chuyên mục: Nghiên cứu

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button